Học trò “không xuống tóc” nơi cửa phật

Chùa Vạn Đức, xã Cẩm Hà, TP. Hội An, Quảng Nam, là một trong ba Tổ đình lớn nhất Hội An, nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục kỹ năng sống cho biết bao nhiêu học sinh với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Những bài học đạo đức về đối nhân xử thế, đạo làm người cho đến những hoạt động ngoại khóa đã hình thành một nền tảng vững chắc cho lớp lớp các thế hệ.

Ngôi nhà thứ 2

Chúng tôi đến thăm chùa Vạn Đức vào một ngày chủ Nhật, đây cũng là lúc những học sinh các xã, phường trên thành phố tập trung lại cùng nhau vài tiếng để học kỹ năng sống, đạo làm người.

Điểm đặc biệt của những học sinh này là các em không phải “xuống tóc” như những Phật tử khác, họ là những học sinh “bình thường”, có hoàn cảnh khác nhau. Hơn 60 học sinh ở đây là 60 hoàn cảnh, có người mồ côi cha, có người mất mẹ, hoàn cảnh khó khăn… , nhưng đối với họ chùa Vạn Đức là ngôi nhà thứ 2, bù đắp những thiếu vắng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ.

Học điều lệnh tại chùa Vạn Đức. ảnh:Huyền Trang
Học điều lệnh tại chùa Vạn Đức. ảnh:Huyền Trang

Em Huỳnh Thị Tuyết Trinh (lớp 10, trường THPT Nguyễn Trãi, TP. Hội An) vào chùa học từ năm 10 tuổi, sinh ra tại xã Cẩm Hà, TP. Hội An, người cha xấu số đã mất khi Trinh mới 7 tháng tuổi. Đối với Trinh kể từ ngày cha mất, cuộc sống gia đình lao vào cảnh túng quẫn. Trinh nhớ lại: “Em không biết mặt cha ra sao, nhưng từ ngày cha mất, quang gánh trên vai mẹ càng nặng, em bắt đầu nhìn thấy mẹ khóc nhiều hơn. Khi em lớn hơn, ngoài thời gian học trên trường, em phụ mẹ đi bán hàng.”

Qua lời kể của Trinh, mẹ em, bà Phạm Thị Kim Oanh, hằng ngày gánh hàng đi bán bún mỗi sáng, cứ đi vòng qua các trường học, chợ, ngõ xóm, chỉ cần có người gọi lại là quay gánh hàng chạy đến…Trinh bắt đầu vào chùa khi mẹ không đủ tiền lo cơm nước từng bữa.

Sinh hoạt giáo lý. ảnh:Huyền Trang
Sinh hoạt giáo lý (ẢnhHuyền Trang)

Sáu năm qua, chùa Vạn Đức đã cưu mang em qua những ngày tháng đói khổ, và giờ đây khi học lớp 10, ngôi chùa ấy vẫn là điểm tựa vững chắc là nơi em học những bài học đối nhân xử thế đầu tiên. “Đối với em đây chính là ngôi nhà thứ 2 em có được. Tuy thiếu vắng tình thương của cha nhưng chùa đã nâng đỡ những bước đi đầu đời và hàn gắn vết thương”- Trinh nói.

Em Nguyễn Thị Ngọc Tuyền (lớp 10 Trường THPT Nguyễn Trãi,TP. Hội An) quê xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, chung hoàn cảnh mồ côi cha từ khi em mới 3 tuồi, mẹ em, bà Trần Thị Phu đi làm công nhân nuôi con ăn học, cuộc sống trong gia đình chật vật và thiếu thốn trăm bề, đã có một thời gian mẹ em “buộc lòng” phải để em nương nhờ cửa Phật. Bây giờ cứ cuối tuần Tuyền lại tự mình đạp xe gần 5km xuống để sinh hoạt cùng các anh chị.

Sinh hoạt tại ngôi chùa này, có những học sinh chỉ học tiểu học và đặc biệt còn có nhiều người đã lớn tuổi vẫn đến và sinh hoạt tại chùa.

VIDEO: Một buổi học tại chùa

 

Chùa là trường học

Chùa Vạn Đức do một gia đình Phật tử lập ra, đây được công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 1991, trải qua 13 đời trụ trì và hiện nay do Đại đức Thích Đồng Phước trụ trì.

Và hình thức sinh hoạt đặc biệt này chỉ mới bắt đầu những năm gần đây, nhưng đã thu hút rất nhiều học sinh đến tham gia. Gia trưởng Gia đình phật tử Vạn Đức, anh Nguyễn Hữu Kớ cho biết: “Hầu hết các em đến sinh hoạt trước đó từng đi cùng với bố mẹ đến vài lần hoặc được bạn bè dẫn đến cùng. Sau vài lần tham gia, các em rất hứng thú với những tiết học trên chùa. Những bài giảng không quá cứng nhắc, giáo lý, ngược lại rất phù hợp và được nhà chùa chuẩn bị sẵn”.

Buổi sinh hoạt tại chùa. ảnh:Huyền Trang
Buổi sinh hoạt tại chùa. ảnh:Huyền Trang

Chúng tôi hỏi anh chuyện học sinh không cần “xuống tóc” vẫn được Chùa cưu mang từ khi nhỏ đến lớn rồi lại tổ chức dạy học kỹ năng.  Anh nói: “Khi chúng tôi tổ chức, điều mà nhà chùa hi vọng là các em có một nơi sinh hoạt cộng đồng vui vẻ, bổ ích khi mà ở trường, thời gian học quá nhiều, các giờ ngoại khóa thì ngày càng ngắn lại”.

Theo anh Kớ, học sinh chỉ cần bỏ ra 2 giờ để đến nghe giảng, ở tiết đầu tiên là dạy Phật pháp, các bài học về đạo làm người, cách sống hướng thiện. Tiết tiếp theo là dạy chuyên môn về các kỹ năng như cách cắm trại, hướng dẫn trò chơi, học cách tự tin trước đám đông và sinh hoạt với nhau.

Các bạn từ các xã hỏi thăm nhau. ảnh:Huyền Trang
Các bạn từ các xã hỏi thăm nhau. ảnh:Huyền Trang

Tham dự một tiết học ngoài trời, các em học sinh tiểu học rất hứng thú học những bài hát do các anh chị lớn dạy lại, vừa hát vừa nhịp. Em Văn Thị Hồng Thủy (15 tuổi), xã Cẩm Hà, nhà bố mẹ làm nông lại đông anh em. Đây là năm đầu tiên em tham dự lớp học đặc biệt này, em nói: “Khác với ở trường, tại đây, chính các anh chị lớp trên trực tiếp chỉ dạy cho chúng em. Các anh chị gần gũi và hướng dẫn rất tận tình, chỉ cho em nhiều môn học, nhất là môn giải mật thư, học cắm trại”.

Ngoài ra, tại các ngày tết dương lịch, âm lịch, trung thu tại chùa cũng tổ chức nhiều hoạt động trao quà cho học sinh khó khăn, anh Kớ nói: “Học sinh nào có thành tích tốt trong học tập tại trường và hoàn cảnh khó khăn thì được trao quà, nhằm động viên khích lệ các em tiếp tục học tập”. Hiện tại ngôi chùa này có nhiều Phật tử cũng đang sống và học tập ngay trong chùa.

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn giadinhphattu.vn là vi phạm bản quyền

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.