Giáo dục Gia đình Phật tử, vấn đề cần được quan tâm

            Tuy nhiên, quá trình giáo dục đó luôn đặt vấn đề tuổi trẻ lên hàng đầu, bởi đây là vấn đề then chốt cần được quan tâm. Tuổi trẻ là rường cột tương lai của nước nhà, cho nên muốn giáo dục con người thành công, thì phải định hướng cho họ từ lúc nhỏ. Tuổi trẻ là lứa tuổi đầy năng lực và nhiệt huyết, nhiều mơ ước, khát vọng nhưng lại thiếu kiên nhẫn, thích xông pha nhưng không quen chịu đựng. Cho nên, các em dễ bị cám dỗ, sa ngã khi tiếp xúc với cuộc sống khó khăn, phức tạp.

            Thực trạng đáng lo ngại của xã hội ngày nay là một số Thanh Thiếu niên đang vùi mình trong sự đam mê dục vọng, như: trộm cắp, ma túy, mại dâm, v.v. Để khắc phục những tệ nạn đó, xã hội đã hình thành nhiều tổ chức giáo dục cho các em theo từng lứa tuổi, để vững bước định hướng và cung cấp cho họ những tri thức cần thiết cho cuộc sống mai sau. Trên tinh thần đó Phật giáo cũng hình thành tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT), một tổ chức được thành lập từ thập niên 30, 40 của thế kỷ XX và duy trì cho đến hôm nay.

            Mục đích của GĐPT, ngoài sự giáo dục con em trở thành người tốt trong xã hội, một Phật tử chân chánh, đây còn là điểm khởi đầu, là cánh cửa vào đạo chân chính nhất. Từ đó, nhiều Đoàn sinh GĐPT khi lớn lên, người thì xuất gia và đã trở thành rường cột của Giáo hội, kẻ tại gia thì trở thành hội viên chân chánh lãnh đạo các khuôn hội, niệm Phật đường, v.v., có người trở thành đại cư sĩ phục vụ đắc lực cho Giáo hội, cho các cơ sở, tự viện và nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội khác.

            Tuy nhiên, thành lập một GĐPT là khó, nhưng muốn duy trì và phát triển đúng theo mục đích “đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội” thì lại khó hơn. Do đó, đòi hỏi phải có sự quan tâm từ nhiều phía, ngoài những vị Huynh trưởng, người có trách nhiệm giáo dục trực tiếp đoàn sinh ra, cần phải có sự quan tâm giúp đỡ của giáo hội Phật giáo, phụ huynh các đoàn sinh. Đồng thời, Tăng Ni cũng phải có trách nhiệm đối với tổ chức này.

            GĐPT là một tổ chức thuộc giáo hội Phật giáo, nên vấn đề giáo dục trong GĐPT không ra ngoài tư tưởng và mục đích của giáo dục Phật giáo. Tư tưởng đó lấy “Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sanh” làm căn bản. Nói một cách tổng quát, tất cả cùng tuyệt đối về Phật tính bình đẳng, song căn tính chúng sanh vốn sai biệt, nên tư tưởng giáo dục có sự uyển chuyển để thích ứng với mọi căn cơ. Suốt thời gian giáo hóa của đức Phật, Ngài đã tùy căn cơ mà phương tiện khai hóa. Cũng chính vì thế mà giáo đoàn của Ngài không bỏ sót một giai cấp nào, dù sang hèn, già, trẻ, tất cả đều được Ngài hóa độ.

            Từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã sớm hòa mình cùng đất nước, trở thành tôn giáo bản địa. Phật giáo Việt Nam biết thâu nhận cái tích cực từ bên ngoài, nhưng bên trong cũng biết giữ gìn và phát triển nét văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Điều này lịch sử đã chứng minh qua các thời đại.

            Giáo dục Phật giáo luôn thích ứng với tư tưởng của con người Việt Việt Nam. Bằng phương châm “Bình Đẳng, Nhân Bản”, giáo dục Phật giáo khiến con người tự phát huy tánh sáng suốt vốn có mà không mang tính áp đặt, mặc khải nào. Lối giáo dục ấy được cô đọng trong ba chuyên từ, đó là: khế lý, khế cơ và khế thời.

            Ngoài ba đặc chất trên, giáo dục Phật giáo không thể thiếu những tính chất như: tính tự do tư tưởng, tinh thần tự lực, tinh thần từ bi hỷ xả, tinh thần thực tiễn, tinh thần không chấp thủ, v.v. Ngoài ra, giáo dục Phật giáo đòi hỏi người truyền đạt cần phải hội đủ các đức tính căn bản như: vô ngã, vị tha, bình đẳng và ba tâm: Trực tâm, Thâm tâm và Bồ đề tâm. Có như vậy, giáo dục Phật giáo mới chuyển tải được đầy đủ đức tính Từ bi, Trí tuệ và Lợi tha, để thích ứng trong công cuộc thể nhập vào quần chúng xã hội. Đồng thời, người làm giáo dục phải biết nắm bắt thời cơ để vận dụng cho phù hợp theo sự phát triển con người cũng như xã hội, bằng các pháp như: Ngũ Minh, Tứ Nhiếp Pháp, hành Lục độ Ba La Mật. Điểm cương yếu trong giáo dục Phật giáo là phải luôn song hành ba yếu tố Đức dục, Thể dục và Trí dục. Cụ thể, giáo dục Phật giáo không ngoài ba phương châm Giới – Định -Tuệ, Bi – Trí – Dũng và Văn – Tư – Tu, nhằm đối trị và triệt tiêu toàn bộ ba độc Tham – Sân – Si.

            Trọng điểm của giáo dục Phật giáo là chỉ rõ lòng tham ái, chấp thủ là gốc khổ đau mà thế giới vật lý thường xuyên trôi chảy, đồng thời chỉ rõ gốc của an lạc, hạnh phúc thật sự là trí tuệ hay trí tuệ giải thoát. Giáo dục Phật giáo luôn lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người. Giáo dục Phật giáo không chối bỏ con người để tìm kiếm một đối tượng nào khác ngoài con người.

            Về phương diện nhân sinh quan, Phật giáo dạy con người hoàn thiện nhân cách ngay trong hiện tại; về phương diện thế giới quan, Phật giáo không dạy con người chán đời, yếm thế để cầu về một cõi hư ảo, xa xôi mà dạy con người hãy sống trong thực tại. Phật dạy: Sinh tử – Niết bàn là một, phiền não – Bồ đề không hai, nhân gian và Tịnh độ là một, nước và sóng không phải khác. Qua đây cho thấy, Phật giáo đề cao phẩm hạnh con người, đề cao tinh thần giáo dục tự thân, tự lực nhằm phát triển trí năng của con người hơn là nhờ vào tha lực.

            GĐPT là tổ chức giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên tin Phật, đặt nền tảng trên tinh thần giáo lý đạo Phật, cho nên đã áp dụng phương pháp và tinh thần của đạo Phật vào giáo dục GĐPT. Sự giáo dục đó dựa trên tinh thần Văn Tư Tu, lấy Bi Trí Dũng làm mục đích đào tạo Thanh, Thiếu nhi trở thành Phật tử chân chánh, đem đến sự an lạc cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

            Nội dung tu học được phân định qua ba phần căn bản. Một là Phật pháp, hai là văn nghệ, ba là hoạt động thanh niên. Đây là đường hướng giáo dục, huấn luyện đầy đủ nhằm đáp ứng cả ba phương diện Đức, Trí và Thể dục. Về Đức thì dùng văn nghệ để huấn luyện tình cảm; về Trí thì dạy giáo lý đạo Phật; về Thể thì áp dụng những hoạt động thanh niên.

            Về pháp lý, GĐPT không phải là một tổ chức hoàn toàn biệt lập, mà luôn trực thuộc Giáo hội Phật giáo đương thời. Cho nên, mọi sinh hoạt giáo dục được đặt dưới sự quan tâm của Giáo hội. Có như vậy, sự giáo dục của GĐPT mới có pháp lý, được Giáo hội che chở và nhà nước chấp nhận.

            Giáo dục GĐPT thâu nhiếp mọi thành phần, mọi lứa tuổi trong xã hội, không phân biệt giai cấp, chủng tộc. Một người khi đã khoác lên mình chiếc áo màu lam rồi thì trọn vẹn sống trong tinh thần bình đẳng của chư Phật: “Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. ” Cái tinh thần ấy ngự trị không phải trong lúc đến với Đoàn mà trong cả đời sống hằng ngày.

            Tinh thần giáo dục GĐPT đặt trên nền tảng giáo lý của đức Phật mà ba đức tính Bi – Trí – Dũng là chính yếu, chúng hòa hợp tạo nên một con người toàn diện phẩm hạnh, có đủ đức tính từ bi thương người mến vật, có trí tuệ mới hiểu biết đúng đắn sự vật một cách chân thật, có dũng lực để tinh tấn vượt qua mọi khó khăn chướng ngại. Lý tưởng của giáo dục GĐPT lấy tình thương làm động lực, lấy trí tuệ làm đèn hướng dẫn, lấy cần lao làm men tiến bộ trong mọi hoạt động tu học và thực hành của tập thể và cá nhân. Đây chính là châm ngôn Bi Trí Dũng của GĐPT vậy.

            GĐPT giáo dục theo phương châm khai phóng, sáng tạo nhưng không hướng ngoại mất gốc, hình thành những con người tự giác, tự chủ, biết bảo tồn văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

            Cần khẳng định rằng, Giáo dục trong GĐPT không phải là một cơ quan chuyên lo tuyên truyền đạo Phật để rồi lôi cuốn tín đồ Phật tử. GĐPT chỉ là một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu nhi dựa trên nền tảng tinh thần đạo Phật, tạo cho Thanh Thiếu nhi một đời sống chân chánh, lợi ích cho mình cho mọi người, sống chân chánh hợp với lẽ phải, thuận với tuổi trẻ, đúng với tinh thần Bi Trí Dũng, hướng dẫn con người sống tốt đời, đẹp đạo, xứng danh một con người học Phật và tu Phật.

            Đặc tính của nền giáo dục trong Phật giáo nói chung là thực hành lời Phật dạy chừng nào thì chúng ta hưởng được an vui giải thoát chừng ấy. Cứu cánh của giáo dục GĐPT nói riêng, đạo Phật nói chung là giác ngộ giải thoát, đem đến an lạc cho bản thân gia đình và xã hội.

            Nền giáo dục GĐPT không có tham vọng bổ túc cho giáo dục ở học đường mà chỉ có mục tiêu khơi dậy tiềm năng của con người. Vì thế, GĐPT đã phát triển một cách tự nhiên không gò bó. Dù gặp biết bao khó khăn, trở ngại nhưng chính những trở ngại khó khăn ấy đã tôi luyện, làm động lực cho sự phát triển và trưởng thành của GĐPT cho đến ngày nay.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.