Đại Tòng Lâm Chuyển Mình Theo Năm Tháng

Tháng Giêng về rực rỡ sắc mai vàng. Xuân chợt đến thật dịu dàng đằm thắm, những chồi non vội nhú đón Xuân sang. Ta lắng nghe những thay đổi quanh mình, từ ngọn cỏ, bông hoa đến bầu trời, làn gió. Có tiếng chim đầu cành lảnh lót, tiếng lá xạc xào đung đưa rất nhẹ. Tiếng gió thì thầm bên cây. Và đâu đó ta nghe như bên tai tiếng Vũng Tàu biển hát, tiếng gió lao xao lá rừng Thị Vải và nghe cả ngọt ngào vị cây trái thương yêu, nơi đây – Đại Tòng Lâm – Thánh địa.

Con đường dẫn đến Đại Tòng Lâm trải dài, cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 70 cây số, một vùng đất bao la chở che bởi núi rừng linh thiêng Thị Vải, thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

“Đại Tòng Lâm” – Tên gọi ấy gợi lên trong tôi một chút tự hào về vùng đất đã được không ít người nhắc đến. Thu hay Xuân, mưa hay nắng, Đại Tòng Lâm vẫn đem lại thi vị cho bao người. Một thiên nhiên mênh mông, chan hòa với màu sắc Phật giáo. Một cảnh vật lung linh trong sắc thái trang nghiêm mà gần gũi, mỗi ngôi chùa, mỗi ngọn tháp, từng tán lá, tàng cây… từng tiếng chuông ngân chiều lắng nghe mà ngạc nhiên, mà ngỡ ngàng, sâu lắng…

Vút lên từ trái tim kính phục không bao giờ nguôi cạn dâng trào lên đầu ngọn bút, chúng ta không sao không khỏi day dứt khôn nguôi khi viết về Đại Tòng Lâm. Nơi mà ngày nào, năm nào Hòa thượng Thiện Hòa đã từng băng suối, vượt rừng đến nơi đây mở đất, mở rừng và khai mở Đại Tòng Lâm, để chúng ta hôm nay bước đi mà nghe lòng chơi vơi và chết lịm tâm hồn khi nghĩ về mảnh đất dưới chân ta đang đứng. Hình ảnh ngài còn đó, dấu chân ngài còn đây, hoằng sâu trong tâm thức bao người. Hình bóng ngài cao vời vợi cho muôn đời ta nhớ, nhớ mãi Tòng Lâm ơi! Phát họa chân dung ngài – mà con người và sự nghiệp đã trở thành bất tử giữa hồn thiêng sông núi. Đại Tòng Lâm lung linh bóng hình ngài “Thiện Hòa”.

Bao giờ cũng vậy, Tòng Lâm – một linh hồn kỳ diệu. Tôi muốn mượn lời ông Đỗ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu để nói hộ lòng mình:

“Đại Tòng Lâm, Tăng Ni quây quần trong tổ ấm

Có hương thơm ngút ngàn của Đức Phật Mâu Ni

… Đại Tòng Lâm cái nôi của Phật

Ru các con suốt tháng năm dài…”

Đại Tòng Lâm với tổng diện tích 100ha, quần thể Đại Tòng Lâm có 7 cơ sở tự viện và 42 tịnh thất.

Đại Tòng Lâm lung linh, Đại Tòng Lâm diệu kỳ! Bởi: Với Đại Tòng Lâm ta không sao viết cho hết được đất trời hùng vĩ, cảnh vật nên thơ: nào tháp Đa Bảo, vườn Lâm Tỳ Ni, cầu Ly Trần, hồ Tịnh Liên, Bồ đề Đạo tràng, vườn Lộc Uyển, Đức Phật nhập Niết bàn, Đức Quán Thế Âm lộ thiên, nào Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự, nào Di Lặc Phật đài, nào Cửu phẩm Cực Lạc, nào Bảo tháp thờ xá lợi, Trai đường, Tăng xá, Bệnh viện, trường học, hàng hàng lớp lớp những tán lá… tàng cây.

… Hoa thoang thoảng đưa hương, như dẫn lối ta vào vườn Lâm Tỳ Ni, chim đua nhau ca hát trên cành, hoa đua nhau trải màu lá, thiên nhạc trỗi lên vang vang, hương thơm từ muôn phương tỏa lên ngào ngạt đón mừng một bậc Chí Tôn xuất thế. Nơi đây, ta như được tận mắt chứng kiến cái ngày huy hoàng đẹp đẽ ấy. Chúng ta cúi đầu lặng lẽ để Phật tánh ngời lên, rước Phật vào tâm mà hòa lên một điệu từ bi cao cả. Lòng lâng lâng thưởng ngoạn cảnh nên thơ nơi đây, ta lại dừng chân bên đức mẹ hiền Quán Thế Âm. Tượng Ngài Quán Thế Âm cao 19 mét đứng uy nghiêm trên bệ rồng. Đến đây ta như thấy cả một tình thương, một sự hy sinh vô bờ bến, ta như được vòng tay của mẹ siết chặt ôm ta vào lòng. Mẹ vẫn đứng đó như chở che, khích lệ biết dường nào! Ánh mắt mẹ vẫn dõi theo ta suốt cuộc đời và mỏi mòn chờ đợi ta từng phút, từng giây.

Thẳng tầm mắt về phía trước là hồ Tịnh Liên. Mặt hồ nước phẳng lì bàng bạc trong xanh, đó là tấm gương cho những hàng cây soi bóng. Lặng người đi trước những cánh sen thanh thản vươn lên nhẹ nhàng, nào xanh, vàng, trắng, đan lồng vào nhau thật hài hòa và giản dị, trang nhã và đáng yêu. Những búp sen tươi thắm vươn lên thật mượt mà, nõn nà, duyên dáng, thanh cao, chúng đứng bên nhau thân ái, chân chất đầy kêu hãnh dưới ánh nắng mặt trời. Những cánh hoa rung rinh theo làn gió nhẹ, chút tăm cá gợn lăn tăn trên mặt hồ yên tĩnh.

Từ hồ Tịnh Liên nên thơ, dẫn bước ta đến với hai bên Đức Phật từ hòa khả kính cao 1,9m, ngự dưới hai gốc cây đại thọ, chót vót cao, cội cây đại thọ vươn cao xòe tán rộng. Tương truyền hai cây đại thọ này khoảng 300 tuổi, tỏa bóng mát cho hậu thế. Lòng ta không khỏi lâng lâng trước cảnh tòa lâu đài Đức Phật Di Lặc cười tươi cao 4,5 mét đang ngồi trên đài cao 11,7 mét bằng đá hoa cương nặng 40 tấn. Cảnh vật thật mênh mông tĩnh mịch, thật thanh thoát đến lạ thường.

Hòa với tiếng chim ca lảnh lót, đưa ta đến khu vườn tháp, những ngôi tháp thờ xá lợi các vị cao Tăng. Đại Tòng Lâm “Đất phúc địa” nơi đã in đậm dấu chân quý ngài.

Những cơn gió nhẹ trôi, tiếng cây thì thầm trò chuyện, hơn 3.000 gốc Sao sừng sững, thân thẳng đứng thành hàng vươn cao thẳng tắp. Hơn 20.000 cây Mai vàng rực rỡ sắc Xuân làm xốn xang lòng người. Tiếng gió, tiếng cây reo, tiếng chuông chùa ngân nga thành một bản hợp ca nhiều cung bậc.

Đại Tòng Lâm chất chứa bao điều thật đáng kính, thật đáng nhớ, thật đáng yêu… đáng yêu nhiều lắm lắm.

Làn khói hương nhẹ nhàng phảng phất bay bay, tiếng chuông gióng giả vọng ngân nga. Chút gì ngập ngừng trong ánh mắt, lòng tôi se thắt lại, tôi tôn trọng, cảm phục, yêu kính biết dường nào! Giữa khung cảnh đất trời hùng vĩ nên thơ, ta tưởng thấy dáng thanh cao của ngôi Đại hùng Bửu điện đang hiển hiện với diện tích hơn 3.500m2, 8000m sử dụng, hai dãy Đông lang, Tây lang bên cạnh trai đường gần 9.000m2, 30.000m sử dụng nằm trong tổng thể 17ha của Đại Tòng Lâm. Biết bao nắng dội mưa dầm, biết bao sóng gió thử thách, biết bao khó khăn gian khổ, bao giọt mồ hôi thánh thót rơi, cùng bàn tay, nghị lực, với quyết tâm sắt đá “một đời thảy ước ao”, trải bao thăng trầm, nhưng Hoà thượng Thích Quảng Hiển – Trưởng Ban Kiến thiết, Người đứng mũi chịu sào để cho hôm nay đây Đại tự Đại Tòng Lâm khởi sắc, và cho ta một niềm kiêu hãnh lớn lao. Ta tự hỏi lòng rằng: Phải chăng đây chính là sức sống mãnh liệt của Đại Tòng Lâm Phật giáo? Vâng!

Vì nơi đây, xưa kia chỉ có “tràm xanh, đồng hoang cỏ cháy, mặt đất luôn phủ đầy cát bụi nhưng trăng sao vẫn đẹp những đêm rằm”.

Thổn thức tự đáy lòng, chúng ta bước vào Đại điện, nơi đây tôn trí tượng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Đức Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm, Thế Chí, Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Hộ Pháp, tất cả bằng đá hoa cương, 20.000 tượng Phật bằng vàng, đồng trang trí khắp mặt tường trong Đại tự. Mơ màng trong khói sương, làn khói hương nghi ngút, khép mắt mơ màng, lòng xốn xang đến khó tả. Tâm hồn nhẹ nhõm và thanh thản lạ, trầm hương nhẹ lan tỏa, quyện vào từng lời kinh tiếng kệ êm đềm trầm bổng vút cao. Trong không gian u tịch, Đại Tòng Lâm uy nghiêm vô cùng.

Thế đấy! Với Tòng Lâm không những Tòng Lâm đẹp, Tòng Lâm nên thơ. Tòng Lâm đáng nhớ bởi nơi đây làm nên một ngôi Đại tự lớn nhất nước – một “Tòng Lâm điển hình” của sự thanh cao để hướng thiện lòng người, Tòng Lâm là đỉnh cao của những tâm hồn mộ đạo cầu Phật, là trung tâm truyền đăng tục diệm Phật giáo của miền Đông Nam Bộ. Không những thế, Tòng Lâm còn là nơi sản sinh ra biết bao Tăng tài hiền đức, từng ngày từng giờ nuôi nấng những người con siêu phàm trưởng thành trong thời mạt pháp.

Vả đúng như vậy! Nơi Tòng Lâm thánh địa này, ngoài ngôi trường Phật học, đào tạo Tăng tài, còn những ngôi thiền viện mọc lên để dẫn người từng bước đi về bảo sở.

Ngôi trường đơn sơ, ai qua rồi mới thấy, có vẻ gì mộc mạc nhưng rất đổi kiêu sa. Bởi nơi đây là khoảng trời yêu thương vô cùng gắn bó: Này đây tường vôi, này đây mái ngói, mát rượi từng tán lá tàng cây, này đây những khu vườn ngập tràn sắc nắng, có bầy chim non ríu rít trong sân trường… Lớp như tổ ấm, trang vở thơm tho, hương hoa giữ trong lòng, giọt mực như dòng sông chảy những ý mầu trong trẻo, “có nụ cười trong vắt, tiếng yêu thương nhớ mãi đến suốt đời, có ánh mắt thân yêu gợi cho nhau sống đẹp hơn từng giờ từng phút… và bóng cây cửa lớp và xác lá sân trường, một thời để nhớ, một thời để thương”… Cho kiến thức và trao niềm ước vọng làm hành trang mang theo bao tri thức vào đời, để Xuân về một cành mai nở sớm, làm nên hương, nên sắc ước mơ hồng… Nở thắm đợi mùa Xuân.

… Một khung cảnh thiên nhiên mênh mông xinh đẹp. Đại Tòng Lâm với cả con người, không khí, âm thanh, hình sắc, làm rung cảm bao nhiêu tâm hồn, làm day dứt bao con tim đã nâng bước đón tiếp từng bước chân của những du khách hành hương. Và nhất là, vào một buổi sáng đẹp trời của ngày 04-01-2003, thiên nhiên, cây cỏ, hoa lá, như đón chào đoàn Phật tử của nước bạn – Thái Lan “xứ sở của những chiếc y vàng” viếng thăm Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm và ngôi Đại điện Đại Tòng Lâm Phật giáo cúng tặng xá lợi Phật.

Bằng tình yêu sâu lắng về Đại Tòng Lâm, bằng những cảm xúc chân thành, thân thiện, đoàn đã dành nhiều tình cảm cho Đại Tòng Lâm nơi đây. Và thật là tự hào, niềm tự hào vô bờ, niềm kiêu hãnh lớn lao, đoàn đã dâng cúng xá lợi Phật cho Đại Tòng Lâm. Nỗi xúc động tràn lên khóe mắt, với tất cả tấc lòng thành kính Hòa thượng Thích Quảng Hiển – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm kiêm Trưởng Ban Kiến thiết Đại Tòng Lâm Phật giáo, cùng toàn thể Tăng sinh của trường thành kính quỳ lạy xá lợi Phật, tiếp nhận với tất cả trái tim, nâng niu và gìn giữ như báu vật thiêng liêng, để cho xá lợi Phật mãi sáng ngời lan tỏa đến ngàn sau không ngừng dứt, để cho chúng ta hôm nay và thế hệ mai sau cùng chung niềm tự hào và cảm xúc.

Đại Tòng Lâm thiên nhiên kỳ thú. Có đi mới thấy hết cái hay cái đẹp, ta mới yêu hơn nhiều lần Đại Tòng Lâm, mới thêm tự hào vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, để mỗi độ Xuân về, hàng triệu cháu con của Rồng Tiên đất Việt và bạn bè muôn phương hãy lại về Đại Tòng Lâm mến yêu này.

… Khí trời ấm áp, làn gió Xuân nhè nhẹ – Mùa Xuân! Tôi đang nghĩ về mùa Xuân, giờ đây các bạn ạ! Hơn bao giờ hết, chúng ta càng thấy mình phải làm thế nào đây để trở thành một nhành Xuân, để rồi từ một nhành Xuân sẽ còn nảy ra những mầm lộc mới. Vậy chúng ta hãy nguyện phấn đấu suốt đời các bạn nhé! Để một hôm nào đó, lòng ta lại vi vi vu vu… “Đại Tòng Lâm – Thánh Địa” cao ngời.

1. SƠ KHỞI SỰ HÌNH THÀNH ĐẠI TÒNG LÂM PHẬT GIÁO

Năm 1964, Tổ sư thượng Thiện hạ Hòa, mang sứ mạng Trị sự Trưởng Tăng già Nam Việt, xin khai khẩn 100 ha đất hoang hóa tại xã Phú Mỹ, quận Long Lễ, tỉnh Phước Tuy (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã thành công. Mục đích biến nơi này thành cảnh già lam danh tiếng như Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản…

Một bản đồ quy hoạch trong tay, nào là trường Phật học, thiền viện, tịnh viện, bệnh viện… đã có, nhưng cố gắng lắm Tổ sư chỉ thực hiện được một Niệm Phật đường tạm bằng vách tôn và một vài dãy nhà nhỏ để cho thiện nam tín nữ nghỉ ngơi để tiếp tục khai phá. Một chiếc cầu đúc có tầm cỡ ngang qua hồ Tịnh Liên (nay đã xuống cấp và đã đuợc tháo dỡ). Một Phật Thích Ca ngồi dưới gốc cây đại thọ và một tượng Quán Thế Âm lộ thiên cao 19m đứng giữa cánh đồng bao la bát ngát đã được hình thành. Rồi từ đó gặp phải chiến tranh tàn phá nên không thực hiện được ý nguyện của Tổ sư.

Sau năm 1975, nước nhà hoàn toàn thống nhất, nhưng Tổ lại đã lâm bệnh, cho đến năm 1978, thì ngài viên tịch (01-01-Mậu Ngọ). Những môn đồ kế thừa sự nghiệp thì hoàn cảnh nước nhà mới độc lập, kinh tế còn khó khăn, xã hội còn gặp nhiều trăn trở, nên 100 ha đất của Tổ sư để lại nay không còn nguyên vẹn, đã bị dân tứ phương chiếm lấy sản xuất phân nửa. Số còn lại thì Tăng Ni ở các tự viện cũng quy tụ về dựng tịnh thất và canh tác tu tập…

2. GIAI ĐOẠN KẾ THỪA

Đầu năm 1982, Hòa thượng Thích Minh Hạnh, Hòa thượng Thích Minh Thành, Thượng toạ Thích Minh Phát rất cố gắng xây dựng được một ngôi Niệm Phật đường bằng loại nhà cấp 4 và những công trình cảnh quan như: tháp Đa Bảo, vườn Lâm Tỳ Ni, Phật chuyển Pháp luân, Phật nhập Niết bàn, phương trượng, trai đường… và từ đây đã tạo được quang cảnh cho Tăng Ni, Phật tử từ thành phố Hồ Chí Minh ra Vũng Tàu ghé vào dừng chân lễ Phật, thế là mỗi ngày một đông. Thật là trong giai đoạn nước nhà đang có chính sách mở cửa đổi mới.

3. GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN

Đầu năm 1988, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước ra đời do cụ Nguyễn Văn Linh (Tổng Bí thư Đảng) và nhất là sau Đại hội Phật giáo Việt Nam lần thứ II tại thủ đô Hà Nội. Hòa thượng Thích Đồng Huy và Hòa thượng Thích Quảng Hiển (Chánh và Phó Đại diện huyện Châu Thành, Đồng Nai) đứng ra xin phép Chính quyền địa phương mở lớp bổ túc giáo lý cho Tăng Ni tại đây và đồng thời Hòa thượng Thích Quảng Hiển cũng đã khởi công xây dựng Ni viện Thiện Hòa với những dãy nhà lá cho Ni sinh đang cư trú. Ngoài Tòng Lâm thì xây thêm một số Tăng xá cấp 4 cho Tăng sinh cư trú.

Đầu năm 1990, Hòa thượng Thích Quảng Hiển đề nghị Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, thành lập Trường Cơ bản Phật học. Và cũng vào năm này (11-12-Canh Ngọ, tức 16-03-1990) mở phiên họp của Ban Giám đốc Đại Tòng Lâm tại Tu viện Huệ Quang do Hòa thượng Thích Huệ Hưng (Tổng Quản sự Tổ đình Ấn Quang), chứng minh phiên họp, Hòa thượng Thích Minh Hạnh chủ tọa. Trong phiên họp, trong phiên họp Ban Giám đốc Tổ đình Ấn Quang đã mời Hòa thượng Thích Quảng Hiển, Phó Ban Thường trực vào Ban Quản trị và Trưởng Ban Kiến thiết Đại Tòng Lâm Phật giáo.

Trong giai đoạn này, Hòa thượng Thích Quảng Hiển vừa trông coi xây dựng Ni viện Thiện Hòa vừa xin phép thành lập Trường Cơ bản Phật học vào ngày 05-01-1990, trường được đặt tại Đại Tòng Lâm. Lúc này Hòa thượng Thích Nhật Quang làm Hiệu trưởng và Hòa thượng Thích Quảng Hiển làm Phó Hiệu trưởng. Đây là ngôi trường Phật học đầu tiên được có mặt tại miền Đông Nam bộ (kể từ khi Phật giáo truyền vào miền Đông Nam bộ, Biên Hòa, Long Khánh, Đồng Nai, Đất Đỏ, Bà Rịa Vũng Tàu), việc đưa ngôi trường về đây cũng gặp nhiều trở ngại khó khăn. Trường đã tuyển sinh khoá I gồm có 66 Tăng Ni sinh theo học và tiếp đó tuyển sinh khoá II (vì quyết định của trường cho phép gối đầu mỗi năm). Việc tuyển sinh vừa xong, vào tháng 10-1991, Quốc Hội họp khóa IX đã cắt phần đất tỉnh Đồng Nai (huyện Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc) và Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo thành tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ngày nay. Từ đó, Trường Cơ bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm) đã trực thuộc tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Hòa thượng Thích Quảng Hiển, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự được cử làm Hiệu trưởng Trường Phật học Đại Tòng Lâm. Cũng trong niên khóa II này, một nửa Tăng Ni sinh ở lại Tòng Lâm, Tăng Ni sinh còn lại dời về chùa Pháp Hoa, Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Kế đó nhà trường tiếp tục tuyển sinh đào tạo khoá III, khóa IV.

Ngày 18-08-1995, trường được phép mở lớp Cao đẳng khoá I, đến ngày 03-08-1999, trường tiếp tục tuyển sinh Cao đẳng khoá II. Từ đây Trường Phật học Đại Tòng Lâm đã có hai hệ thống giáo dục là Trung cấp và Cao đẳng, đây là ngôi trường nội trú có tầm cỡ cả nước. Từ năm 1990 đến 2003, trường đã đào tạo Tăng Ni sinh hai hệ Trung cấp và Cao đẳng, tốt nghiệp gần 1000 Tăng Ni sinh.

Năm 1991, Hòa thượng Thích Quảng Hiển vừa lo đào tạo Tăng tài vừa trông coi xây dựng Ni viện Thiện Hòa (Ni sư Thích nữ Như Như làm Quản viện), lại vừa chỉ huy xây dựng Trường Phật học Đại Tòng Lâm.

Ngày 10-04-1992, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép xây dựng các công trình của trường Phật học trong khuôn viên đất Đại Tòng Lâm, gồm có 11 hạng mục trong đợt 1 như: Chánh điện, giảng đường, nhà Tăng, lớp học, văn phòng, thư viện, nhà trù… Vào ngày 02-04-1993, Đại Giới đàn đầu tiên được long trọng tổ chức nơi Thánh địa này. “Tuyển Phật Trường” được dựng bằng cây lá. Đại Giới đàn này, Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Đàn đầu, Hòa thượng Thích Thiện Siêu làm Tuyên Luật sư, Hòa thượng Thích Minh Hạnh làm Tôn chứng, Hòa thượng Thích Minh Thành trong Ban Kiến đàn, Thượng toạ Minh Phát làm Đại thí chủ. Đại Giới đàn gần 2000 giới tử, thật là một Đại Giới đàn chưa từng có ở Miền Nam Việt Nam. (Cũng cần nói thêm thời điểm này, nhờ sự chủ trương của Đảng đổi mới cao độ nên Giới đàn Giáo hội mới được như thế).

Sau Đại Giới đàn, nhà trường tiếp tục vận động xây dựng đại giảng đường, con đường thánh đạo (từ quốc lộ 51 vào trường), chánh điện trường Phật học, đài Quán Thế Âm.

Tiếp đến Đại Giới đàn Thiện Hòa II – năm 1996 được tổ chức, Hòa thượng Thích Trí Nghiêm được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng, Hòa thượng Thích Đổng Minh được cung thỉnh làm Tuyên Luật Sư.

Tiếp theo là Đại Giới đàn Thiện Hòa III – năm 2000 được tổ chức, Đại Giới đàn Thiện Hòa IV – năm 2003, Ban Trị sự cung thỉnh Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Đàn đầu Hoà thượng, Hòa thượng Thích Trí Quảng làm Tuyên Luật Sư. Trong giai đoạn này Đại Tòng Lâm mới thực sự chuyển mình theo năm tháng.

Cùng lúc ấy, Ni viện Thiện Hòa, chánh điện và các công trình được hoàn thiện, thiền viện Phổ Chiếu, thiền viện Huệ Chiếu, chùa Huê Lâm II cũng được tu sửa rất khang trang. Cạnh đó một số tịnh thất trong khuôn viên Đại Tòng Lâm cũng được sửa sang lại. Trong thời gian này Hòa thượng Thích Minh Hạnh viên tịch (năm 1993), Thượng toạ Thích Minh Phát viên tịch (ngày 21-03-1996 Bính Tý), Hòa thượng Thích Minh Thành viên tịch (ngày 09-12- Kỷ Mão), làcác môn đệ của Hòa thượng khai sơn từ nay không còn người đứng ra kế thế và yểm trợ cho Đại Tòng Lâm Phật giáo!

4. GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ QUAN TRỌNG

Ngày 09-11 năm Tân Tỵ (2001), lễ đặt viên đá khởi công xây dựng ngôi Đại tự Đại Tòng Lâm. Hòa thượng Thích Quảng Hiển, là người đứng ra xin phép xây dựng ngôi Đại tự Đại Tòng Lâm, Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Đồng Huy, Hòa thượng Thích Trí Quảng Chứng minh đạo sư, cùng trên 2000 Tăng Ni và 5000 Phật tử tham dự. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong hoài vọng xây dựng ngôi Đại Tòng Lâm Phật giáo của Tăng Ni, Phật tử đã ấp ủ bấy lâu. Cũng như chí nguyện của Tổ khai sơn Đại Tòng Lâm Phật giáo. Trước khi khởi công xây dựng Đại tự, Hòa thượng Thích Quảng Hiển đã cho đổ đất và đặt một tượng Đức Bổn Sư ngồi dưới cây đại thọ bên trái ngôi Đại tự (từ ngoài nhìn vào), bên phải đã có tượng Bổn Sư ngồi dưới gốc cây đại thọ do Tổ khai sơn tôn trí năm 1964.

Hòa thượng đổi lại họa đồ quy hoạch kiến thiết của Tổ khai sơn, ngôi Đại tự không đặt sau tượng Bổn Sư nữa, mà phải dời qua bên trái 70m cho cân đối hai cây đại thọ, hai cây đại thọ đứng sừng sững vĩ đại trông giống 2 chiếc bảo cái hầu che ngôi Đại tự Đại Tòng Lâm. Bên cạnh gốc cây đại thọ phía phải có mấy dãy tháp của Hòa thượng Huệ Hưng (Tổng Quản Trị Tổ đình Ấn Quang), Hòa thường Huệ Thới (Minh Hạnh) và một số tháp nhỏ khác. Sở dĩ có một số tháp nằm trước điện Đại tự, vì lúc ngài Huệ Hưng viên tịch, thầy Minh Phát nghĩ chỉ duy trì khu bên ngoài (bên kia cầu Ly Trần) và phát triển ở đó chứ không dễ gì phát triển được khu bên trong. Nơi khu vực này Tăng Ni xây cất tịnh thất, nhà ở không thứ lớp, dân chúng chiếm canh tác, nên khó mà thực hiện theo quy hoạch ban đầu của Tổ khai sơn.

Đại Tòng Lâm thánh địa thật nhiệm mầu. Sau đặt đá xây dựng Đại tự đầu năm 2002, vì hoàn cảnh lúc khởi công tài chánh còn quá khó khăn, nên Hòa thượng Thích Quảng Hiển phải mượn 500 lượng vàng chùa Hộ Pháp về trang trải xây dựng. Bên cạnh đó, gia đình Phật tử họ Tạ từ hải ngoại về phát tâm cúng dường một tượng Di Lặc Tôn Phật nặng 40 tấn bằng đá hoa cương, Hòa thượng Quảng Hiển đứng ra xây dựng tượng đài Phật Di Lặc được tôn trí nằm chánh diện ngôi Đại tự, mặt xoay về hồ Tịnh Liên, hai bên có hai cây cổ thụ, hai tượng Phật Bổn Sư an tọa. Ngôi Đại tự Đại Tòng Lâm thật sự có tầm cỡ cả nước đang từng bước hoàn thành.

Vào ngày 04 tháng 01 năm 2003, có phái đoàn Phật giáo Thái Lan đến dâng cúng một viên Xá lợi của Đức Phật để tôn thờ nơi Đại tự. Thật là một duyên lành hy hữu.

Vào cuối năm 2005, ngôi Đại tự được hoàn thành. Đầu năm 2006, lễ hội Vạn Phật được tổ chức tại ngôi Đại tự, có hàng ngàn Phật tử, Tăng Ni về thăm dự lễ Phật cả tuần trong dịp đầu năm Ất Dậu (2005). Khi ngôi Đại tự vừa được hoàn thành, thì cũng là năm Giáo hội tỉnh nhà cho tổ chức mùa Hạ tập trung Tăng Ni toàn tỉnh trong khuôn viên Đại Tòng Lâm Phật giáo, gồm có 1.200 vị. Trong mùa Hạ thứ 2 năm 2006, Hòa thượng cho xây dựng tiếp theo các công trình như: Trai đường (chứa 1000 vị), Tăng phòng (Đông lang, Tây lang) chứa 500 vị. Sau mùa Hạ, các công trình đã hoàn tất. Một nhà phát hành Pháp Bảo cũng vừa được hoàn thành, cổng Tam Quan cũng xây dựng lại cho xứng với ngôi Đại tự. Một ngôi bảo tháp cao 25 mét cũng đang hình thành, một tòa lâu đài dài 108m, rộng 48m, cao 32m, xây dựng Cửu phẩm Cực Lạc đang được quy hoạch xây dựng (có Thông bạch số 06), đây là một công trình quan trọng của tín ngưỡng nhân gian Tịnh Độ, mà Ban Kiến thiết hằng mong mỏi. Trong quang cảnh Cửu phẩm Tịnh Độ này, Ban Kiến thiết sẽ tạo: nào núi, cây, chim, rừng… Hạ phẩm, trung phẩm, thượng phẩm, tác động bằng màu sắc, hình tướng như cảnh Tây phương Cực Lạc của Phật A Di Đà. Du khách vào nơi đây sẽ tự thấy lòng mình thanh tịnh an lạc lạ thường và trút bỏ bao nhiêu trần lụy thế gian. Đây là điểm mong muốn dừng chân cuối cùng của người Phật tử. Vào nơi đây, chúng ta sẽ tự thấy mình không còn lạc lõng trong kiếp luân hồi nữa, tự thấy mình có nơi nương tựa, có nơi an lạc vô sanh, đó mới thật là:

Tây phương phong cảnh khác hồng trần

Gió mát trăng thanh chẳng cực thân

Chim hót líu lo niềm an lạc

Cỏ hoa đua nở ngát hương trời

Gắng công niệm Phật hầu qua đó

Sống mãi muôn đời cảnh thảnh thơi!

Nén hương siêng lễ ba ngàn Phật

Xâu chuỗi cần chuyên một tấc lòng

Đá vững chơn trời nền Bát nhã

Rễ sâu lòng đất cội Bồ đề.

Sau lưng khu học viện, Ban Kiến thiết đang quy hoạch và cho xây dựng một bệnh viện Đa khoa Phật giáo 200 giường bệnh (có Thông bạch số 03) để làm nơi điều trị bệnh cho Tăng Ni và Phật tử nghèo không nơi nương tựa. Bệnh viện ngoài phương cách điều trị thân bệnh còn tạo phương tiện điều trị tâm bệnh cho chúng ta theo tinh thần Đạo Phật. Đây là một công tác trọng đại của Đại Tòng Lâm Phật giáo. Và còn bao nhiêu công trình khác để góp phần công đức cho ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.

Đại Tòng Lâm hùng vĩ trên đất nước Việt Nam thân yêu với con Lạc cháu Hồng! Đại Tòng Lâm sẽ sáng ngời trong lòng người con Phật, Đại Tòng Lâm mãi mãi chuyển mình theo năm tháng!

TRƯỞNG BAN KIẾN THIẾT ĐẠI TÒNG LÂM PHẬT GIÁO

Hòa thượng THÍCH QUẢNG HIỂN

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.