TỨ NHIẾP PHÁP (Bậc Chánh Thiện)

              TỨ NHIẾP PHÁP

 
I. Định nghĩa:
Tứ nhiếp pháp là 4 phương pháp để nhiếp hóa chúng sanh. Đây là 4 phương pháp giản dị áp dụng trong mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng để đưa chúng sanh từ mê đến giác.

II. Hành tướng của Tứ Nhiếp Pháp:
1. Bố thí nhiếp: Vì lòng từ bi mà thực hành hạnh bố thí trên 3 phương diện:
   a. Tài thí: gồm nội tài và ngoại tài.
+ Nội tài thí: là những gì có trong thân ta đem cho người khác. Ví dụ: giúp người khác bằng sức lực của mình, hiến máu cứu người, hiến các bộ phận trong cơ thể của mình để cứu người…
+ Ngoại tài thí: đem tiền bạc của cải vật dụng, nhà cửa, đất đai,… các sản nghiệp của mình được tạo dựng chân chính đem giúp người.
Một đoạn bài tụng của đức Phật trong Trung A Hàm (quyển 3 trang 80):
. . . Nếu kiếm của hợp pháp,
Đã lo được tự thân,
Cung cấp và tự dùng,
Bố thí và tạo phước,
Cả hai đều có đức.
  b. Pháp thí: Đem giáo pháp để khuyến hóa người chung quanh tu tập. Có 2 cách:
+ Diễn thuyết chánh pháp: giảng giải chánh pháp cho chúng sanh để khuyến tu giác ngộ chân lý.
+ Cúng dường chánh pháp: ấn tống kinh sách, thực hành chánh pháp, đọc tụng kinh sách để cho chúng sanh học tập nghe hiểu và hồi hướng công đức cho chúng sanh.
  c. Vô úy thí: Nghĩa là dùng các phương tiện bố thí cho chúng sanh khỏi lo sợ, bình tĩnh trước mối hiểm nguy, biến cố như:
+Gặp bão tố thì khuyên tuân thủ theo người hướng dẫn, không hoảng loạn, niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm;
+ Gặp đói kém thì giúp tài, vật;
+ Sợ sanh tử luân hồi thì khuyên tu cầu giải thoát.
2. Ái ngữ nhiếp: Dùng lời nói từ hòa, thân mật và thành thật, xuất phát từ lòng thương để nhiếp hóa:
– Hướng dẫn cảm hóa người
– An ủi, khuyến khích người
– Tạo niềm kính tín Tam Bảo..
3. Lợi hành nhiếp: Đem lại lợi ích cho số đông trong đó có bản thân mình. Lợi hành nhiếp có 2 cách:
a. Lợi hành trong công việc: thực hành hạnh tài thí để cứu trợ đời sống vật chất, thực hành pháp thí để giáo hóa mọi người, thực hành vô úy thí để an ủi chúng sanh.
b. Lợi hành trong tấn tu: giữ giới thanh tịnh, siêng năng tu học, diệt trừ tham dục, đào thải si mê mà cảm hóa mọi người. Đây là hình thức làm lợi lạc chúng sanh có tính cách tích cực và có sức nhiếp hóa rất sâu  rộng.
4. Đồng sự nhiếp: Cùng một mục tiêu để duy trì sự sống của một tổ chức, cùng hòa mình với chúng sanh trong công việc, trong cùng hoàn cảnh, trong nghề nghiệp. Luôn dung hòa tư tưởng và vai trò để cảm hóa và nhiếp phục.
Đây là phương pháp nhiếp hóa có hiệu quả nhất. Nhờ gần gũi mà ta hiểu rõ hoàn cảnh, cảm thông tâm tư nguyện vọng của từng cá thể nên có thể giúp ích họ một cách thiết thực, cụ thể và ta trở thành nơi tin cậy đối với họ.

III. Lợi ích của Tứ Nhiếp Pháp
1. Đối với cá nhân: Mỗi một hành động Tứ Nhiếp Pháp là hạt giống thiện gieo vào ruộng phước, làm cho uy đức ngày một tăng trưởng theo định luật nhân quả.
– Thoát cảnh đói khổ, tội chướng vô minh, bớt lo sợ (bố thí).
– Thâm nhập chánh pháp, tự tại an vui, tăng trưởng công đức (ái ngữ).
– Tăng trưởng phước thiện trong tất cả hành vi, tăng tiến đức độ (lợi hành).
– Cải thiện hạnh nghiệp bất chính thành chân chính, cải thiện ý niệm và tập quán bất thiện thành ý niệm và tập quán thiện mỹ (đồng sự).
2. Trong phạm vi gia đình: Gia đình  hòa thuận, hạnh phúc, có uy tín trong xã hội.
3. Trong phạm vi xã hội: Đa số vận dụng Tứ Nhiếp Pháp vào cuộc sống thì xã hội hết sức tốt đẹp. Nếu nhiều người vận dụng Tứ Nhiếp Pháp thì sẽ bớt đi nhiều tệ nạn xã hội, làm cuộc sống thăng hoa hơn, chân – thiện – mỹ không còn xa với chúng ta nữa.

IV. Kết luận:
Tứ Nhiếp Pháp nhằm mục đích lợi sanh, đúng với hạnh từ bi ban vui cứu khổ của Đức Phật. Là Phật tử chơn chánh, phải vận dụng hai yếu tố quan trọng để tu hành là tự lợi và lợi tha, cần phải nổ lực thực hành Tứ Nhiếp Pháp trong mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp thì nhất định mọi Phật sự sẽ được viên thành.
                           
CÂU HỎI ÔN TẬP
a. Tứ nhiếp pháp là gì ? Liệt kê các hành tướng của Tứ Nhiếp Pháp.
b. Thế nào là ngoại tài, nội tài ?
c. Hiến máu nhân đạo là hạnh bố thí gì ?
d. Thực hiện đúng đắn Tứ Nhiếp Pháp sẽ đem lại lợi ích gì cho bản thân, gia đình và xã hội ?   

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.