Anh Thư – Tài năng không đợi tuổi

Anh
Thư Tài năng không đợi tuổi

 

Trải qua
ba vòng thi đầy khó khăn và thử thách kéo dài gần bốn tháng, cuối cùng cô bé Hà
Phạm Anh Thư (ảnh) sinh năm 1999 đến từ Bình Dương đã hoàn toàn thuyết
phục được Ban Giám khảo cũng như khán giả bằng chính tài năng và sự cố gắng của
mình, để trở thành người chiến thắng cao nhất. Cuộc thi Đồ Rê Mí 2008 do Ban
Thể thao-Giải trí-Thông tin Kinh tế (VTV3) Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty
MultiMedia phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam
Vinamilk khép lại vào ngày 12-10-2008 khi đã tìm được chủ nhân của nó nhưng ít
ai biết rằng em là một Oanh vũ của tổ chức GĐPT và con đường đi đến vinh quang
cũng vô vàn thử thách với cuộc sống đời thường.

Tuổi thơ vẫn khó nhọc

Trong các thí sinh Đồ Rê Mí 2008, Anh Thư có hoàn cảnh tương đối đặc biệt.
Bố hiện đang phục vụ trong quân ngũ với đồng lương khiêm tốn, mẹ trước kia làm
thợ may nay phải chuyển sang làm nhân viên bảo hiểm. Cả hai phải xa làng quê
miền Bắc vào Bình Dương lập nghiệp từ khi cưới nhau, vì thế mà tuổi thơ của Anh
Thư gặp nhiều khó nhọc. Theo như lời của chị Thanh Hoài – mẹ của Anh Thư thì vợ
chồng chị đi lên từ bàn tay trắng vì ông bà mất sớm, những người thân ở quê
cũng nghèo khổ. Ngôi nhà Anh Thư hiện ở với bố mẹ tương đối đơn sơ ở vùng đất
Thuận An – Bình Dương. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Gia đình hiện
vẫn còn dùng chiếc tivi trắng đen được mua từ khá lâu. Do điểm xuất phát thấp
nên khi tham gia cuộc thi, Anh Thư không thể sánh với bạn bè cùng trang lứa về
điều kiện sinh hoạt và cả ngoại hình.

Biết con đam mê ca hát từ nhỏ, chị Thanh Hoài cũng bấm bụng đưa con đến sinh
hoạt các lớp năng khiếu tại thị xã Thủ Dầu Một để thỏa lòng con. “Nhưng nhiều
khi đưa cháu đi học mà không có tiền đổ xăng, không đủ tiền ăn trưa làm tôi
cũng cảm thấy xót xa!”, chị Hoài chân tình tâm sự. Lúc đó, chị phải nghẹn lòng
nói với con ngừng sinh hoạt một thời gian để gia đình vượt qua giai đoạn khó
khăn. Nghe vậy, Anh Thư cứ rưng rưng nước mắt làm cho anh chị phải luôn cố gắng
vun đắp ước mơ của con với tâm niệm “rồi sẽ có ngày tươi sáng, chứ không thể
nghèo suốt đời được”. Chính những suy nghĩ ấy đã góp phần không nhỏ chắp cánh
ước mơ cho Anh Thư.

Hành trình của vinh quang

Cả bố và mẹ Anh Thư đều không theo văn nghệ, nhưng cô bé lại được thừa hưởng
lòng đam mê nghệ thuật từ ông ngoại trước kia là Trưởng đoàn Nghệ thuật Quân
khu 4. Trước khi tham dự cuộc thi Đô Rê Mí, em đã từng tham dự và đoạt rất
nhiều giải thưởng liên quan đến văn nghệ thiếu nhi của tỉnh Bình Dương: Giải I
Tiếng hát Sơn Ca tỉnh Bình Dương lần 3-2008; Giải nhất kể chuyện theo sách do
Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh tổ chức; Giải nhất Cuộc thi Nét đẹp Tuổi thơ của tỉnh
v.v… Nói về năng khiếu bẩm sinh của học trò, cô Nguyễn Thị Thu Thủy – giáo viên
múa Trung tâm Văn hóa-Thông tin-Thể thao Thủ Dầu Một, cho chúng tôi biết: “Anh
Thư là cháu bé thông minh và có năng khiếu toàn diện cả múa lẫn hát. Tôi đã dạy
nhiều thế hệ học trò nhưng đây quả là một trường hợp đặc biệt”. Không những
thế, em còn là một học trò ngoan và chăm chỉ. Ba năm liền, em là học sinh giỏi
của Trường Tiểu học Hiệp Thành (Thủ Dầu Một). Dù gia đình em khó khăn như thế,
nhưng theo chị Hoài, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Cuộc thi Đồ Rê Mí mặc dù dành cho lứa tuổi nhi đồng nhưng sức cạnh tranh
cũng khá khốc liệt. Nhìn những thí sinh lọt vào vòng chung kết mới thấy sự đầu
tư và tính chất tranh tài của cuộc thi này. Dù không có lợi thế về ngoại hình
cũng như khá rụt rè ở những vòng đầu nhưng với sự ngoan hiền, trong sáng, cầu
tiến và chăm chỉ, cô bé Anh Thư dần dần nổi lên như một hiện tượng. Sở hữu chất
giọng mượt mà, trong trẻo, cao và rất sáng như chim sơn ca, Anh Thư luôn biết
thay đổi hợp lý từ những bài hát nhẹ nhàng mang âm hưởng dân gian, đến những
bài hát nhí nhảnh của tuổi thơ và đặc biệt là sự lột xác trong phong cách
hiphop. Điều này đã hoàn toàn chinh phục khán giả và Ban Giám khảo. Vì thế giải
đặc biệt – giải thưởng cao nhất của cuộc thi năm nay dành cho em hoàn toàn xứng
đáng với những gì mà em thể hiện. “Anh Thư rất thông minh trong cách xử lý bài
hát. Chất giọng của em tương đối chuẩn và lôi cuốn người nghe. Em cũng biết
cách diễn xuất và tạo sự thu hút về ngoại hình”, nhạc sĩ – ca sĩ Sỹ Luân, một
trong những giám khảo vòng loại cuộc thi khu vực miền Nam nhận xét
khi trao đổi với chúng tôi.

Một lòng quy ngưỡng Đức Phật

Có một điều khá đặc biệt mà ít người biết đến, Anh Thư hiện là một Oanh vũ
của tổ chức GĐPTVN, sinh hoạt tại GĐPT Hội Khánh – Bình Dương đã bốn năm nay.
Em quy y với pháp danh là Trang Đài. Dù nhà ở tương đối xa nhưng tuần nào em
cũng đến với gia đình mà không bỏ buổi sinh hoạt nào. Có lẽ nhờ được hun đúc
trong tình thương của các anh chị trưởng và tinh thần đạo Phật mà em khá hiền
lành, dễ gần và sống rất tình cảm như đánh giá của huynh trưởng Song Linh –
Liên đoàn trưởng gia đình. Hôm gặp chúng tôi, khi được hỏi về sự gia hộ của Đức
Phật, em trả lởi rất ngây thơ: “Trước khi tham gia cuộc thi, con cầu Đức Phật
gia hộ cho con vào vòng trong và đã được như thế. Con cảm ơn Đức Phật rất nhiều
và sẽ cố gắng tập hát thật hay để cúng dường lên Ngài”.

Bé Anh Thư và Đoàn OV GĐPT Hội Khánh dâng hoa cúng dường Chư Tôn Đức và

chúc mừng Trại Huyền Trang KVII-2008

Chào tạm biệt ra về mà tôi mãi ấn tượng về một cô bé nhỏ nhắn, đầy nghị lực,
sớm có niềm tin rất đáng trân trọng. Những gì em đạt được chỉ mới là bước khởi
đầu và thời gian phía trước còn dài. Mong cho em tương lai trở nên một nghệ sĩ
tài danh trong làng âm nhạc Việt Namvà góp phần vào hoạt động văn hóa văn nghệ Phật giáo Việt Nam đậm đà bản
sắc.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.