GÓC VƯỜN LAM PHƯỚC – HUỆ SONG TU Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO Thân quý tặng anh chị học viên bậc Lực V (2016


B. THẾ NÀO LÀ TU PHƯỚC ? THẾ NÀO LÀ TU HUỆ ? THẾ NÀO LÀ PHƯỚC HUỆ SONG TU ?
I. TU PHƯỚC:
Là gieo hạt giống phước đức giúp người, giúp đời như thực hiện hạnh bố thí: giúp đỡ người nghèo, hoạn nạn, cấp phát cháo từ thiện, phóng sanh đúng cách, hiến máu, hiến nội tạng cứu người, làm công quả, quét dọn chùa, tháp, làm vệ sinh môi trường… Đó là các hình thức TU PHƯỚC.
Trong Kinh Phạm Võng, Đức Phật dạy: có 8 đối tượng cần được cung kính giúp đỡ:
1. Phật          2. Thánh nhân      3. Hòa thượng      4. Sư trưởng
5. Tỳ kheo    6. Cha                  7. Mẹ                    8. Người bệnh
Hành giả giúp đỡ 8 đối tượng trên sanh vô lượng phước. Chăm sóc người bệnh là phước báu lớn nhất. Lúc tại thế Đức Phật đã từng săn sóc cho một vị Tỳ kheo bị bệnh.
Người tu phước chấp tứ tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả (**) và chấp lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thì phước đức không nhiều, nếu hành giả bố thí Ba La Mật (không thấy người bố thí, người nhận và vật bố thí) thì phước đức không thể nghĩ bàn vì tâm lượng của người tu phước quảng đại. Giáo lý Phật Đà khẳng định: có phước báo mới giảm thiểu nghiệp báo.
2. TU HUỆ:
Là luôn quán chiếu học hỏi để mỗi ngày trí huệ tăng trưởng, có công năng giải phóng mình ra khỏi ràng buộc khổ đau. Việc hành trì giới luật, ngồi thiền, tụng kinh, bái sám, trì chú hằng ngày, dành những giây phút tĩnh tâm đối diện Phật tiền là điều không thể thiếu đối với hàng Phật tử tại gia.
Tu huệ có nhiều phương cách tùy theo sự lựa chọn pháp môn tu của hành giả, tu Tịnh độ, Tu thiền hay Thiền Tịnh song tu hoặc Mật tông.
3. PHƯỚC HUỆ SONG TU:
Thực ra trong PHƯỚC có HUỆ, trong HUỆ có PHƯỚC, nên PHƯỚC – HUỆ SONG TU là con đường chân chính hiện nay.
Thực vậy, người tu phước thì trước hết biết mục đích của tu phước là gì ? Bố thí với mục đích gì ? Phóng sinh để làm gì ? Để giải quyết những câu hỏi tại sao hành giả phải am hiểu giáo lý Phật Đà: bố thí là làm vơi nỗi khổ của tha nhân (tài thí, pháp thí, vô úy thí), phóng sanh đúng cách là cứu mạng sống của chúng sanh trong vòng lục đạo … như vậy, hành giả đã tu huệ.
Nếu tu huệ đúng chánh pháp, hành vi miên mật giới luật, hiểu sâu nghiệp nhân, nghiệp quả. Biết vận hành của 10 pháp giới, hành giả sẽ biết tu phước đúng pháp, tránh được các các hình thức mê tín dị đoan, làm hoen ố thiền môn.
Xin kể 3 câu chuyện để chư vị tham khảo:
1. Câu chuyện giữa Tổ Bồ Đề Đạt Ma và vua Lương Võ Đế
Tổ Đạt Ma là Tổ thứ 26 Thiền Tông của Ấn Độ, Tổ thứ nhất của Trung Quốc.
Lương Võ Đế là vua nhà Lương, thế kỷ thứ V, Trung Quốc. Ông nổi tiếng là vị vua am hiểu Tam giáo tín tâm Phật Pháp, luôn lo việc xây chùa, tháp, bố thí cứu người, dân chúng xem ông là vua A Dục của Trung Hoa.
Năm 527, trong cuộc diện kiến giữa Tổ và vua tại triều đình:
Sau khi nghe Tổ thuyết giảng chủ yếu về tính không (tinh yếu của Bát Nhã Tâm Kinh và Kinh Kim Cang): nhà vua và triều đình chưa lãnh hội kịp.
Nhà vua hỏi Tổ về phước đức của hạnh bố thí, Tổ trả lời: không có phước đức gì. Nhà vua thất vọng tiễn khách.
Tổ qua nước Ngụy, lên nước Tung Sơn, 9 năm ngồi thiền nhìn vào vách núi (cửu niên diện bích). Ngài là Tổ thức 1 của Thiền Tông Trung Hoa, các Tổ kế tiếp là Huệ Khả, Tăng Xáng, Đạo Tín, Hoằng Nhẫn, Huệ Năng. Sau nầy, nhà vua hối hận nhưng đã muộn. Tổ Đạt Ma là sáng lập môn phái Thiếu Lâm Tự.
Xin bàn về ý chí của Tổ về việc tu phước.
Thực ra, việc xây dựng chùa, bố thí có phước không trọn vẹn, ngôn ngữ của nhà thiền ngắn gọn nên câu trả lời của Tổ Đạt Ma là tiếng sét giữa trời quang làm cho vua, quan nhà Lương hụt hẫng.
Nhà vua chấp vào tướng, bố thí nên không ngộ được ý chí của Tổ (còn phân biệt ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả). Dùng tâm vô lậu mà bố thí (bố thí Ba La Mật là bố thí vô tướng). Kinh Kim Cang có ghi: Bồ Tát không trụ vào tướng bố thí nên phước đức lớn không thể nghĩ bàn.
Như vậy, bố thí vô tướng là thể hiện pháp môn Phước – Huệ song tu.
2. Câu chuyện trong thời Đức Phật: Bà già cúng đèn
 Trong thời kỳ Đức Phật đang hoằng hóa ở nước La Duyệt Kỳ, tại núi Kỳ Xà Quật, vua A Xà Thế thỉnh Phật dự lễ trai tăng. Sau lễ, vua sai người đem 100 thùng dầu chở vào Tịnh xá Kỳ Hoàn cúng dường Phật để Chư Tăng làm lễ hoa đăng. Có một bà già quê mùa, nghèo khổ, đi xin độ thân, bà muốn mua dầu cúng dường Đức Phật. Suốt ngày bà chỉ xin được 2 tiền, biết lòng tốt của bà, chủ quán cho thêm 3 tiền để bà mua được đèn dầu vào Tịnh xá cúng dường Phật. Bà nghĩ mình quá hạnh phúc vì gặp được Phật trong hiện kiếp. Đèn của bà cúng không đẹp, dầu không đầy, bà nghĩ chắc đèn mình cúng không quá nửa đêm. Bà nguyện rằng: “Nếu sau nầy tôi được chứng đạo như Đức Phật thì ngọn đèn sẽ đỏ suốt đêm và sáng tỏ khác thường”. Sau đó, bà ra về. Rạng sáng khi kiểm tra, Ngài Mục Kiền Liên phát hiện: đèn của vua cúng dường có ngọn còn sáng, có ngọn tắt, duy chỉ có một ngọn cháy sáng hơn cả mà dầu không hao đó chính là ngọn đèn của bà lão cúng dường. Ngài Mục Kiền Liên bạch Phật: “Ngọn đèn của bà lão, con tắt 3 lần không được, con lấy áo cà sa quạt, đèn lại sáng hơn. Vì sao vậy thưa Đức Thế Tôn ?”.
Đức Phật dạy: “Hãy dừng lại, ngọn đèn ấy là hào quang công đức cho vị Phật tương lai, không thể lấy thần thông của ông mà tắt được”…
Nghe kể lại, Vua A Xà Thế nói với Kỳ Đà rằng: “Ta làm công đức rộng lớn mà tại sao Phật không thọ ký !!!”. Kỳ Đà đáp rằng: “Ngài cúng đèn tuy nhiều mà tâm không chuyên nhất, không bằng tâm địa thuần thành của bà lão đối với Phật”. Nhà vua vỡ lẽ.
Bà già cúng đèn đã hành trì Phước – Huệ song tu.
3. Câu chuyện đời thường hôm nay
Chị Đồng Viên TTM là một Huynh trưởng GĐPT Minh Phước, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Nhà nghèo, chồng chị mất sớm, chị phải chăm sóc cha mẹ chồng già thường xuyên ốm đau bệnh tật và nuôi hai đứa con nhỏ ăn học. Hàng ngày chị phải thức dậy từ 1, 2 giờ sáng để chế biến thức  ăn chay mang xuống bán tại chợ Thu Lộ Quảng Ngãi (cách nhà chị gần 15 km) trên 10 năm nay, dù vật giá lên xuống, chị vẫn giữ nguyên giá 10 ngàn đồng một tô bún chất lượng, cho dù đó là ngày rằm, mùng một ÂL. Sợ chị lỗ vốn, khách hàng đề nghị trả thêm tiền nhưng chị từ chối, chị sống nhẹ nhàng, chân thành, trung thực, luôn hoàn thành tốt vai trò trách nhiệm của người Huynh trưởng GĐPT và sẵn sàng giúp đỡ cho người khác. Con chị đi học thêm, thấy hoàn cảnh khó khăn của chị thầy cô miễn phí, chị  xin quý thầy cô chỉ giảm cho các con mình một ít vì chị biết rằng thu nhập của nghề giáo cấp 1,2 còn khá khiêm tốn. Biết nhà chị nghèo, gần ngày Tết GĐPT tỉnh vận động nội bộ giúp đỡ cho Đoàn viên GĐPT trong tỉnh có hoàn cảnh khó khó khăn trong đó có chị, nhiều năm liền chị đều từ chối để nhường cho người khác còn khó khăn hơn mình. Hằng ngày, bất luận mưa, nắng mỗi tối chị đều tụng kinh, trì chú, ngồi thiền. Phải chăng đó là hạnh của người Phước – Huệ song tu.
C. THAY LỜI KẾT
Thưa quý độc giả, quý anh chị trưởng.
+ Nếu tu phước đúng cách thì không bao giờ hành giả phóng sanh từ những chú chim đã bị chặt cánh, thả cá xuống khúc sông người giăng lưới chờ sẵn, khi mở ví tiền lấy tiền cho ai liền nhờ người khác chụp hình lên Face book.
+ Người tu huệ mà chê bai pháp môn này, khen pháp môn kia, vừa tụng kinh xong ra đường chửi bới, xúc phạm người khác, khen mình chê người, nói lưỡi hai chiều thì huệ khó phát sinh.
+ Phước – Huệ song tu đúng pháp lòng ta rất thanh thản, hiểu đời là khổ nhưng ta vẫn rong chơi giữa đời thường. Vậy ai bảo người theo đạo Phật là yếm thế, trốn đời !!!
Vận dụng trí tuệ bát nhã giữ tam nghiệp: thân – khẩu – ý thanh tịnh, tinh tấn tu dưỡng, phát tâm Bồ Đề thì Niết Bàn nơi trần thế sẽ hiện trước mắt ta.
Đức Phật được xưng tán bậc LƯỠNG TÚC TÔN (hoàn toàn đầy đủ phước và huệ).
Các vị Tăng, Ni có đầy đủ phước và huệ được xưng tán các BẬC TÔN TÚC.
“HÃY TỰ MÌNH THẮP ĐUỐC LÊN MÀ ĐI” là chân lý tối hậu, vĩnh viễn mà Đức Phật đã dạy chúng ta trước khi nhập Niết Bàn, là kim chỉ nam cho mọi người Phật tử chân chính trong mọi thời đại.
 
Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO
ĐT: 0919.462898
Email: thao.phanngoc@gmail.com
 
———————-
(**): Tứ tướng: ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng.
+ Người mê cậy có tiền của, học vấn, danh phận khinh chê người khác nên nói có ngã tướng.
+ Tuy thực hành: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín nhưng còn có ý tưởng cao ngạo nên nói có nhân tướng.
+ Việc tốt đem về mình, xấu đẩy cho người gọi là chúng sanh tướng.
+ Đối cảnh thì phân biệt, lấy cái nầy, bỏ cái kia, cầu sống lâu gọi là thọ giả tướng.
 
 
 
 
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.