Thương lắm em ơi! … một mảnh đời bất hạnh

Cha em là ông Trương Thanh Dũng bị bệnh tâm thần, bỏ nhà đi lang thang khắp nơi trong huyện, cách nay gần 5 năm không thấy trở về nhà nữa còn mẹ em là bà Huỳnh Thị Hiền cũng bỏ em lúc em mới được 3 tháng tuổi, nghe đâu đã xe mối lương duyên mới với người chồng khác đâu tận trong Miền Nam. Em Liên được bà nội là bà Võ Thị Mai đã ngoài 70 tuổi nuôi nấng chăm sóc từ khi em bị mẹ bỏ rơi cho đến tận bây giờ.
Nhà nghèo, tuổi già lại hay ốm đau bệnh tật nhưng bà nội em Liên một thân đơn độc, vẫn gắng sức làm lụng cực nhọc, không kể nắng mưa, khuya sớm để lo cho em miếng ăn, cái mặc và ngay cả chuyện em được cắp sách đến trường học tập hằng ngày để em khỏi phải tủi thân cùng bạn bè trang lứa.
Sau trận bão lũ lịch sử cuối tháng 11 năm 2009 nhà cửa của bà cháu Liên bị hư hỏng nặng. Từ đó đến nay, do nhà nghèo, lo cái ăn hàng ngày còn chưa xong nói chi đến việc làm nhà nên hai bà cháu vẫn phải oằn mình chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của Miền Trung, nhất là vào những ngày đông tháng giá, mưa dầm rét buốt.
Chúng tôi đến thăm em vào một ngày giữa tháng 5. Dưới cái nắng chiều gay gắt, chói chan, hầm hập, tôi không khỏi đắng lòng khi nhìn căn nhà tường đổ cột xiêu, vách đất bong tróc từng mảng, trống trước trống sau chỉ được che chắn bằng nhiều loại vật liệu góp nhặt từ những tấm tole mục, tấm bạt rách cho đến miếng cót tre thủng  lỗ chỗ. Ngôi nhà  nằm khá cách biệt với xóm làng. Từng vệt nắng chiều xuyên qua lung linh, đọng lại trên nền đất gồ ghề như muốn thêu cháy những người đang trú ngụ bên trong. Tài sản trong nhà ngoài chiếc bàn thờ cũ kỹ và vài chiếc ghế nhựa hỏng ra thì chẳng có gì đáng giá. Nhìn góc học tập của em đặt trên nắp thùng phuy đựng lúa, sách vở sắp xếp ngăn nắp gọn gàng bên cạnh những tấm giấy khen về thành tích học tập qua từng năm học, tôi thầm cảm phục em vì em đã biết vượt lên số phậm hẩm hiu cơ hàn để chạm tay vào bầu trời tri thức.
Bà nội em cho biết Liên chăm chỉ học hành, luôn được thầy cô thương yêu, bạn bè quý mến, ngoài thời gian học tập ở trường em về nhà phụ giúp bà nội việc nấu cơm, hái rau nhặt củi, chiều chủ nhật hàng tuần với chiếc xe đạp cà tàng em rất siêng năng về chùa Đức Lâm sinh hoạt tu học cùng với bạn Đoàn trong Gia đình Phật tử Mỹ Long kể từ khi đơn vị vừa tái sinh hoạt vào năm 2008 cho mãi đến tận bây giờ.
Chúng tôi hỏi em mong ước lớn nhất của em bây giờ là gì và câu trả lời của em đã khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Em chỉ mong sao mình có thể kiếm đủ tiền để có thể sửa sang lại căn nhà cho bà nội. Bà đã già lắm rồi, em không muốn mỗi mùa mưa bão phải nhìn thấy cảnh bà rét run vì căn nhà không đủ che ấm và lỡ tường sập nhà đổ thì hai bà cháu biết phải làm sao? 
Mùa mưa bão lại sắp về, liệu rằng căn nhà của hai bà cháu có trụ nổi với mưa to, gió lớn thường xảy ra nơi vùng bán sơn địa này không hả em tôi ơi!!!?
                                                                                    Tâm Thường Trần Khanh
                                                                 ĐT: 0919401737;  Email: trankhanhcg@gmail.com


                     Con đường từ nhà bà nội đến chùa để sinh hoạt tu học


    Ngôi chùa và Đoàn quán nơi gắn bó với em từ lúc còn là Oanh vũ nữ cho mãi đến bây giờ
                                                                       


                         Góc học tập của em là đây


                         Bà nội của Liên, người mẹ thứ hai kể từ khi em mới 3 tháng tuổi


                      Ngôi nhà hai bà cháu đang tá túc bấy lâu nay

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn giadinhphattu.vn là vi phạm bản quyền

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.