HỒI ỨC MỘT CHUYẾN ĐI

Tiếng là Trung tâm, đáng lẽ ra phải được đầu tư quy mô bề thế, nhưng có lẽ do nguồn kinh phí khó khăn, cho nên đến bây giờ ở đây mọi thứ vẫn vô cùng đơn giản. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là một dãy nhà với ba căn phòng trông có vẻ cũ kĩ, một trong số đó mái ngói đã bị dột nát, không còn sử dụng được nữa, hai căn phòng còn lại được dùng để chứa dụng cụ luyện tập cho các em và bên cạnh là một căn phòng nằm riêng biệt, chật chội, tường vôi cũ kỉ, nơi đây được dùng làm văn phòng của trung tâm.

Khi chúng tôi vừa đến nơi, thì các em đang tập trung nhận quà của công ty sữa đậu nành Vinasoy Quảng Ngãi. Nhìn những ánh  mắt háo hức của các em khi thấy có khách đến làm chúng tôi cũng nao lòng. Tập trung trong sân của trung tâm không chỉ là các em mà còn có cha mẹ, có người thân của các em vì một nhẽ các em không thể tự mình đến trung tâm như bao trẻ em bình thường khác. 

         Không hẹn mà gặp, sau đoàn chúng tôi còn có sư cô Thích Nữ Huệ Thanh – Trụ trì chùa Phú Thiện (TP Quảng Ngãi) cũng đến tặng quà cuối năm cho các em.    
         Những phần quà đầu tiên, chúng tôi cung thỉnh Thượng Tọa Thích Viên Đạo- Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Bình Sơn và Ni Sư Thích Nữ Huệ Thanh trao tượng trưng cho một số em, những phần quà còn lại được các anh chị thay nhau tặng cho các em còn lại.

Trong số các em đến nhận quà tết đợt này có em Nguyễn Tấn Nghĩa năm nay đã hơn 10 tuổi, qua trò chuyện với mẹ em, chúng tôi được biết, từ khi sinh em ra đã mang trong người chứng bệnh bại não, khi được 10 tháng tuổi mẹ em bắt đầu đưa em đến trung tâm này với hy vọng tình trạng của em sẽ được cải thiện,  từ đó đến nay, em vẫn không thể chuyển biến tốt, chỉ có thể ngồi trên xe lăn, mọi việc đều phụ thuộc vào người mẹ. Nhưng an ủi một điều là em đã biết nhìn theo mẹ, biết nhoẽn miệng cười mỗi khi mẹ nói chuyện với em.
Có một trường hợp cũng đau lòng không kém, đó là trong một gia đình có đến ba người con đều cùng mang trong người một chứng bệnh là Cao Tuấn Tú, Cao Thị Thúy Hiền và Cao Thị Thúy Hồng ở xã Bình Thanh Đông đều phải đến trung tâm phục hồi chức năng để tập luyện. Thử hỏi, trong một gia đình có một người con bệnh tật thôi cũng đủ vất vả lắm rồi nhưng gia đình này có đến ba người con thì nỗi khổ sẽ biết nhường nào.
Trong khi các anh chị trao quà cho các em, tôi đã có dịp trò chuyện với chú Vũ là người quản lí của trung tâm này. Theo chú cho biết thì trung tâm được thành lập vào tháng 10/2002. Nhân viên của trung tâm gồm có 1 quản lí, 2 kĩ thuật viên, 1 cấp dưỡng và 1 bảo vệ.  Trung tâm hiện đang chăm sóc cho khoảng 80 em. Các em được chia thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi ngày có khoảng  10 hoặc 15 em đến trung tâm để tập luyện.
Trước kia các em được tập luyện cả ngày ở trung tâm, cơm trưa được người cấp dưỡng lo liệu. Nhưng gần đây các em không thể ở lại tập luyện cả ngày ở trung tâm vì: các phòng đang xuống cấp, hư hỏng, hơn nữa cơ sở của trung tâm được mượn từ trường THCS Bình Hòa, nay trường được xây dựng lại, trung tâm phải trả lại các phòng đã mượn vậy nên trung tâm đang xin một khu đất khác để xây dựng lại phòng tập cho các em. Được biết trung tâm không thuộc quản  lí của nhà nước mà thuộc Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Quảng Ngãi nên kinh phí cho trung tâm có phần bị hạn chế, ngay cả cơm trưa trước kia của các em có được là do các Mạnh Thường Quân, các tổ chức từ thiện tài trợ, nếu không có thì do trung tâm vận động bà con trong xã gom góp hỗ trợ cho các em. Về cơ sở vật chất, ở đây chỉ có những máy tập đơn giản và số lượng máy tập cũng không nhiều.  Khó khăn là thế nhưng dù nắng hay mưa, phụ huynh của các em và các nhân viên của trung tâm vẫn luôn hết mình giúp đỡ cho các em tập luyện chỉ với hi vọng một ngày không xa bệnh tình của các em sẽ tiến triển tốt hơn, để các em có thể sống cuộc sống của mình một cách đúng nghĩa.
Những món quà được trao đến tay các em, tuy đơn sơ, giá trị không lớn, nhưng đổi lại chúng tôi được nhận từ các em, từ người thân các em những ánh mắt hàm ơn, hớn hở. Lòng rộn rã niềm vui, vì tổ chức ÁO LAM GĐPT chúng tôi tuy nghèo nàn về tiền của vật chất nhưng lại biết tằn tiện, chắt chiu dành dụm những chất liệu yêu thương mang đi dâng tặng cho đời.

Trên đường về, đoàn chúng tôi ghé thăm và tặng quà cho em Lâm Thị Mỹ Phụng cũng có hoàn cảnh tương tự. Mẹ em cho chúng tôi biết:  đã 8 năm rồi kể từ lúc chào đời, em vẫn nằm nguyên một chỗ như môt đứa bé mới sinh. Thân người em mềm nhũn, yếu đuối nên mẹ em không thể đưa em  đến trung tâm tập luyện như các bạn khác.
Ngồi trên xe để về lại thị trấn Châu Ổ, có lẽ, trong lòng mỗi anh chị em chúng tôi sẽ mãi theo một dòng suy tư của riêng mình, nhưng chắc chắn rằng điều chung nhất, từ trong sâu thẳm đáy lòng hẳn là các anh chị vẫn nghĩ về các em, cũng thân phận làm  người nhưng các em lại có những mảnh đời không vẹn toàn về thể xác lẫn tinh thần, các em chịu thiệt thòi nhiều quá, hàng ngày phải gồng mình chống chọi với ốm đau bệnh tật.
Không nén được tiểng thở dài, tôi thầm nguyện cầu Mẹ hiền Quán Thế Âm, một vị Bồ tát luôn lắng nghe thấu hiểu nỗi khổ của vạn loại chúng sinh, cầu xin Ngài hãy ban vui cứu khổ cho các em, đẩy lùi bệnh tật mà các em đang mang trong người để các em được hòa nhập cùng cộng đồng với thân hình bình thường, lành lặn, mỗi ngày được cắp sách đến trường, đi đứng chạy nhảy lăng xăng, nói cười vô tư, hồn nhiên như bao trẻ thơ khác.
                                               
                                                     Những ngày cuối Đông năm Giáp Ngọ
                                             Nguyên Diệu NGÔ THỊ VY GĐPT Chơn Thạch
                                           Hình ảnh & minh họa : Tâm Thường Trần Khanh

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn giadinhphattu.vn là vi phạm bản quyền

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.