SẮC PHỤC GĐPT (Bậc Hướng Thiện)
SẮC PHỤC GĐPT
Để tạo sự đồng nhất của một tổ chức, người ta thường đòi hỏi các thành viên phải mặc áo quần đồng phục. Tùy theo mục đích của tổ chức, đồng phục cũng được chọn lựa để biểu lộ tinh thần của tổ chức đó.
Đối với Gia Đình Phật Tử Việt Nam thì bộ “sắc phục áo Lam” là hình ảnh tiêu biểu trước nhất cho GĐPT bởi nó thể hiện niềm tin Đạo pháp, tinh thần bình đẳng hòa đồng, tâm hồn tươi trẻ; đức tính khiêm tốn, dịu dàng, nếp sống bình dị trong sáng thanh cao của người đoàn viên GĐPT.
1. Sắc phục GĐPT:
Sắc phục áo Lam nói đủ là bao gồm áo, quần, mũ (nón), giày dép, bít tất,… đều được qui định kiểu cách thống nhất theo từng ngành Huynh trưởng, đoàn sinh Thanh, Thiếu Nam, Thiếu Nữ, Oanh vũ Nam, Nữ (theo Nội quy GĐPT)
2. Ý nghĩa màu Lam:
Màu lam được chọn lựa cho màu áo của GĐPT. Màu Lam của GĐPT với những ý nghĩa sau:
a. Bình đẳng:
Tổ chức GĐPT gồm đủ mọi thành phần, từ một em bé lên năm đến một cụ già bảy tám mươi tuổi; từ một người lao động tay chân đến những người học rộng tài cao; từ một em học sinh vỡ lòng đến một vị giáo sư kinh nghiệm. Tất cả đều đến với nhau trong tinh thần bình đẳng, san sẻ từ cái vui đến cái khổ mà không bao giờ phân bì hơn thua cao thấp.
b. Hòa đồng:
Màu lam là màu hòa hợp với thiên nhiên và màu sắc. Màu lam có thể đứng chung với bất cứ màu nào mà không quá nổi bật hoặc chìm đắm. Nếu một màu sặc sỡ như đen hoặc đỏ, thì màu lam là một màu nhu hòa. Nếu một buổi trời nắng chang chang, màu lam là một màu dịu mát. Nếu một buổi sáng mùa đông lạnh lẽo, thì màu lam là màu mang theo hơi ấm. Tất cả đó là mục đích của Tổ chức là luôn đem vui cứu khổ đến cho muôn loài.
c. Tinh tấn và nhẫn nhục:
Màu lam là một màu dễ cảm mến. Người mặc áo màu lam vào mình cũng không thể nóng nảy, hoặc u buồn mà phải luôn luôn nhẫn nhục và tinh tấn trên đường tu học và giúp ích mọi loài.
Màu lam là một màu dễ dơ nhưng khó thấy, biểu lộ cho một tinh thần của Phật Giáo. Phật tánh hay ma tánh cũng tại tâm ta. Nếu chúng ta vẫn mãi chạy theo tham dục thì Phật tánh cứ mãi che khuất. Nếu chúng ta biết xa dần dục vọng thì Phật tánh lại càng ngày càng tăng trưởng trong tâm chúng ta.
Chiếc áo lam của Tổ chức mang một ý nghĩa thật cao quý. Chúng ta nên cố gắng giữ gìn chiếc áo cũng như giữ gìn thân tâm của chúng ta phải luôn trong sạch, không làm hoen ố nó. Có như vậy mới xứng đáng là một đoàn sinh của tổ Chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
3. Ý nghĩa chiếc “Mũ (nón) Tứ Ân”:
Chiếc “Mũ (nón) Tứ Ân” là biểu tượng cho đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, một truyền thống cố hữu của Dân tộc Việt Nam vốn được kết tinh hài hòa với giáo lý Đạo Phật.
Người Phật tử nhận rõ công ơn của chúng sinh, của Phật Pháp Tăng nên cần phải luôn cố gắng đền đáp bốn ân: ân Cha mẹ, ân Thầy bạn, ân Quốc gia xã hội, ân Tam bảo.
Chỉ có sống đúng theo lời Phật dạy và khuyến hóa mọi người, mọi loài sống theo lời Phật dạy là cách đền ơn trả nghĩa quý hóa thiết thực nhất.
GĐPT chọn Chiếc “Mũ (nón) Tứ Ân” làm nét đẹp tinh thần đặc thù và đúc kết bài học thường trực sâu sắc cho mọi đoàn viên GĐPT trân trọng và thực hành “Tứ trọng ân”.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1) Tóm tắt ý nghĩa màu Lam của GĐPT.
2) Nêu ý nghĩa chiếc mũ (nón) tứ ân trong sắc phục của người đoàn viên GĐPT ?
3) Tìm hiểu Nội quy GĐPT, hãy nêu các quy định kiểu cách thống nhất sắc phục GĐPT theo từng ngành Huynh trưởng, đoàn sinh Thanh, Thiếu Nam, Thiếu Nữ, Oanh vũ Nam, Nữ ?