Bàn về Đạo Đức
Đạo đức là một phạm trù rộng lớn, bao quát nhiều vấn đề của xã hội loài người: đạo đức cá nhân, gia đình, họ tộc, làng xã nghề nghiệp…
Trước khi bàn cụ thể từng vấn đề được đặt ra, ta cần hiểu định nghĩa tổng quát: “Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng xã hội.”
Bài viết này, chúng tôi xin đề cập đạo đức của quần chúng. Doanh nghiệp nói chung và đạo đức của người theo đạo Phật (trong đó có huynh trưởng Gia đình Phật tử) với ước nguyện góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc, bình an.
1. Đạo đức của quần chúng
– Cá nhân với cá nhân: tôn trọng cuộc sống riêng tư của người khác, bình đẳng với mọi người, không làm hại người, giúp đỡ những người yếu thế, sống vị tha, không xảo ngôn, gian dối, tôn trọng sự khác biệt.
– Cá nhân với tập thể: sống chan hòa với mọi người, tuân thủ nội lệ, nội quy mà tập thể đề ra, giữ chữ tín với mọi người, biết tôn trọng người lớn tuổi, nhường nhịn người ít tuổi, cần khiêm tốn, không tự cao, tự đại, nhẫn nhịn là đức tính cần thiết để tập thể hòa hợp.
Thí dụ: Để tập thể sư phạm đoàn kết vui vẻ thì thầy cô giáo tôn trọng nhau, thương yêu và công bằng với học sinh, học sinh kính trọng thầy cô giáo trong tinh thần tôn sư trọng đạo…
– Cá nhân và gia đình riêng: Vợ chồng cần có tiếng nói chung trong việc nuôi dạy con cái, vợ chồng biết tôn trọng nhau, làm gương cho con cái về tính trung thực, lòng thương người. Vợ chồng biết hiểu thảo với ông bà cha mẹ để con cái cảm nhận được tấm lòng của cha mẹ và có hành vi tốt về sau. Bí quyết để vợ chồng hòa hợp là “tương kính như tân”(tôn trọng nhau như khách). Ông bà cần có lòng khoan dung, độ lượng thông cảm với con cháu thì gia đạo bình an.
– Cá nhân với họ tộc: Họ tộc là giềng mối của làng xã, quy tụ hầu hết những người cùng huyết thống, họ tộc đóng vai trò quan trọng cho cuộc sống bình yên hiện nay. Nơi nào họ tộc được tổ chức qui cũ (có nhà thờ họ, quỹ lương bằng, quỹ khuyến học, có ban quản trị đoàn kết) thì việc sinh hoạt cộng đồng tốt đẹp
2. Đạo đức Doanh nghiệp, Doanh nhân
– Một doanh nhân có đạo đức không thể thiếu các đức tinh sau đây: trung thực (nêu đúng chất liệu sản phẩm, không bán hàng giả, hàng nhái, giá cả hợp lý…), hòa ái, đúng hẹn, không ba hoa.
Một doanh nhân có đạo đức được khách hàng tin tưởng, tất sẽ làm ăn phát đạt.
– Một doanh nghiệp có đạo đức phải có người lãnh đạo có tâm, có tầm, có tài vì không có tâm trong sáng, tổ chức kém, thiếu năng lực nên nhiều doanh nghiệp phá sản, lâm vào cảnh lao lý, tù tội…( việc thành bại của một doanh nhân,doanh nghiêp có nhiều tham số nhưng để thành công không thể thiếu sự quyết đoán, minh bạch tính trung thực và lòng vị tha)
3. Đạo đức của người có niềm tin tôn giáo:
Mỗi tôn giáo có vị giáo chủ riêng và giáo lý do vị ấy hướng dẫn, chỉ dạy, trong bài viết nầy tôi xin đề cập đến người theo đạo Phật trong đó có huynh trưởng Gia đình Phật tử.
Đạo Phật xuất phát từ Ân Độ, giáo chủ là Đức Phật THÍCH CA MÂU NI, Hiện nay đạo Phật đã phát triển khắp nơi trên thế giới và được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là tôn giáo của Hòa bình. Giáo lý nhà Phật là một kho tàng đồ sộ gồm 3 tạng kinh điển Kinh, Luật, Luận.
– Đối với các vị có tình cảm với đạo Phật thì tin Phật theo tín ngưỡng dân gian xem trọng Phật –Lão – Khổng (tam giáo đồng nguyên). Các vị chỉ nghĩ đến Phật khi gặp hoạn nạn, tại nhà thường thờ Bồ Tát Quán Thế Âm, đám tang thường mời thầy về tụng kinh, đưa tiễn…Tầng lớp nầy khá đông đảo, họ tin nhân quả, am hiểu đạo lý tam cang (quân thần, phụ tử, phu phụ) ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), có nếp sống đạo đức, coi trọng tình làng nghĩa xóm, biết bố thí, giúp đỡ người khác. Những vị nêu trên hội đủ tiêu chuẩn là người có đạo đức.
– Đối với các vị là Phật tử thuần thành (thọ tam quy, ngũ giới, thập thiện……) Trong ngũ giới (không sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dỗi và uống rượu) đặc biệt lưu ý không sát hại mạng người, không lấy của không phải của mình, không thông dâm với người không phải là chồng, vợ, không nói những lời dối trá lừa gạt người khác, không uống rượu say và sử dụng ma túy. Trong 10 điều thiện (về thân có 3 điều: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm. Về khẩu có 4 điều: không nói dối, không nói thêu dệt, không nói hai lưỡi, không nói lời hung ác. Về ý có 3 điều: không xan tham, không sân hận, không si mê. Đặc biêt điều nguy hiểm nhất là nói 2 lưỡi- đòn xóc 2 đầu.
Ngoài ra người Phật tử tại gia phải ăn chay ít nhất 2 ngày mùng 1 và 15 âm lịch, và tùy tâm nguyện có thể ăn chay 4 ngày, 6 ngày, 10 ngày trong 1 tháng ….hoặc ăn chay trường.
Người Phật tử thuần thành thực hiện tốt 5 giới và 10 điều thiện thì có thể xem là người có đạo đức (Bắc Tông)
– Đối với người huynh trưởng GĐPT: Người huynh trưởng thọ 1 trong 4 cấp Tập – Tín – Tấn – Dũng; mỗi cấp giữ giới luật đã thọ, cấp càng lớn càng mẫu mực hơn, kể từ cấp Tập, người huynh trưởng phải giữ giới như một đạo hữu thuần thành. Ngoài ngũ giới , thập thiện, các anh chị phải vận dụng 6 phép hòa kỉnh (thân hòa, khẩu hòa, ý hòa, giới hòa, kiến hòa, lợi hòa) trong đời sống, tứ nhiếp pháp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự) , hiểu và hành trì 37 phẩm trợ đạo (tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn,ngũ lực, thất bồ đề phần, bát chánh đạo). không có lý do biện minh cho người huynh trưởng không thuộc 5 điều luật của GĐPT, không nắm được nghi thức lễ Phật thông thường. Ngoài ra mỗi bậc học còn có phần tu học tự thân.
Anh chị nào hành trì tốt phần tu học tự thân, chương trình bậc hoc, không cao ngạo, khen mình chê người, vận dụng tốt tứ nhiếp pháp, nhất định người đó có đạo đức.
4. Những đối tượng không thể xếp vào hạng người có đạo đức:
– Không hiếu kính với ông bà,cha mẹ.
– Không chung thủy với vợ (chồng) ,không có trách nhiệm nuôi, dạy con cái.
– Không trung thực nịnh trên, nạt dưới, luồn lách để tiến thân, bất chấp đạo lý làm người.
– Sống ba phải không phân biệt đúng sai, làm việc theo sự sai khiến của người khác.
– Luôn bảo thủ, không nghe người khác góp ý, mở miệng là khen mình chê người, tâm địa nhỏ mọn.
– Mê tín dị đoan : tin mù quáng không có chánh tín.
– Buôn bán,làm hàng giả, hàng nhái, nâng giá vô tội vạ làm rối loạn thị trường
Chuyện Đạo đức như lá rừng, những gì bài viết đề cập đến như nắm lá trong khu rừng rộng mênh mông, người viết xin đóng góp 1 phần rất nhỏ trong việc xây dựng một cuộc sống thanh bình, một xã hội công bằng để mọi người được tự do hít thở không khí trong lành trong bầu trờii bình yên.
5. Một bài học hay: Nhà toán học vĩ đại Alkhawarizmi người Ả Rập khi được hỏi về giá trị của con người, ông đã trả lời:
Nên tảng con người là đạo đức. Nếu có đạo đức thì giá trị của bạn là 1. Nếu cũng thông minh, thêm một số 0, giá trị của bạn sẽ là 10. Nếu bạn giàu có thêm một số 0 nữa và giá trị của bạn sẽ là 100. Nếu bạn còn xinh đẹp, lại thêm số 0 nữa và giá trị tổng sẽ là 1000. Nhưng nếu bạn mất số 1 tương ứng với mất đao đức, bạn sẽ mất tất cả giá trị khác và giá trị của bạn chỉ còn lại là số 0.