LỤC HÒA (SÁU PHÉP HÒA KÍNH) (Bậc Sơ Thiện)

LỤC HÒA

I. Định nghĩa:
Lục hòa là 6 phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần từ lời nói đến việc làm. Hòa ở đây với mục đích tích cực tiến tới sự cao đẹp, chứ không phải hoà một cách thụ động, ai nói phải cũng gật, nói quấy cũng ừ. Hòa mang thông điệp “tự lợi và lợi tha” không so đo hơn thua, thắng bại.

II. Nội dung của lục hòa:
1. Thân hòa đồng trú:
Nghĩa là cùng nhau ở dưới một mái nhà. Trong phạm vi của một tổ chức, hôm sớm có nhau “mỗi người mỗi xứ mỗi nơi, bước vào cửa Phật như con một nhà”. Trong cộng đồng xã hội, vận dụng tốt câu “tứ hải giai huynh đệ” để lập nghiệp, sinh sống.
2. Khẩu hòa vô tranh:
Lời nói hòa hợp không cải cọ nhau.
– Trong gia đình, lời nói không hòa dẫn đến mối quan hệ xấu giữa cha con, vợ chồng, cháu chắc…
– Trong đoàn thể mà cải cọ nhau thì dẫn đến mất đoàn kết…
– Trong xã hội mà ăn nói bừa bãi sẽ dẫn đến hậu quả khó lường.
  3. Ý hòa đồng duyệt:
Nghĩa là mọi ý kiến phải được đồng thuận vui vẻ trước khi thực hịên. “Ý là hệ trọng hơn hết, nó là động cơ thúc đẩy miệng và thân, kể công thì nó đứng đầu mà kết tội nó cũng đứng trước” (Duy thức học)
Muốn được tâm ý hòa hiệp phải thực tu hạnh hỷ xả, nghĩa là bỏ ra ngoài những sự buồn phiền, hờn giận, không chấp chặt trong lòng những lỗi lầm của người khác.
 4. Giới hòa đồng tu:
Cùng nhau gìn giữ giới luật để tu học. Trong một đoàn thể đạo hay đời, nếu không cùng nhau giữ giới điều, kỷ luật, quy tắc chung thì chúng ta không thể sống chung với nhau được.
Người phật tử phải cùng nhau giữ gìn giới luật để tu tập. Anh em trong tổ chức GĐPT, ngoài 5 giới cấm còn có 5 điều luật của tổ chức.
5. Kiến hòa đồng giải:
Thấy biết giải bày cho nhau hiểu khi ta khám phá ra điều mới lạ, một ý kiến hay thì nên giải bày cho mọi người chung quanh cùng hiểu chia xẻ sự hiểu biết của mình cho người khác. Mọi ý kiến chưa thông suốt phải được giải bày cho nhau cùng hiểu.
Người Phật tử nghe pháp, đọc Kinh, Luật, Luận mỗi người có cách ngộ riêng. Đừng chấp chặt với cái ngộ của chính mình. Trong kho tàng giáo pháp của Đức Phật có vô số điều vi diệu, cao siêu…. Cho nên việc giải bày ý kiến của mình cho bạn cùng tu là điều hết sức cần thiết.
Cùng học hành sống chung với nhau, mỗi người cần chia xẻ điều hiểu biết của mình cho người khác, đặc biệt cùng nhau khuyên bảo thực hành tu tập để thể nhập cái ngộ của mình. Như thế sự tu học mới đạt kết quả viên mãn.
6. Lợi hòa đồng quân:
Chia đều các tặng phẩm, phân đều tài vật của cải tập thể (không dùng sử dụng chung) cho mỗi thành viên, có chiếu cố người đau yếu bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn hơn. Không ai được chiếm làm của riêng hay giành phần nhiều về mình, ở đây không có chỗ cho tính ích kỹ, bè phái, hám lợi.

III. Kết luận:
Sáu phép hòa kỉnh Phật dạy, nếu mọi người thực hiện một cách triệt để thì:
 + Gia đình  hạnh phúc.
 + Quốc gia hùng cường.
 +  Thế giới hòa bình.
 +  Chúng sinh an lạc.
Người Phật tử phải thực hiện 6 phép hòa kỉnh làm gương cho người khác để góp phần làm  đẹp đạo, tốt đời.
Đối với GĐPT phép Lục Hoà làm nền tảng cho sự đoàn kết nội bộ, cho sự thăng tiến của tổ chức.
  Phép Lục Hoà là hành trang của người Phật Tử trên mọi nẻo đường.
 
CÂU HỎI ÔN TẬP:  
1. Lục hòa là gì?
2. Nêu ví dụ cụ thể về từng sự việc tương ứng với từng mục của 6 phép hoà kỉnh.
3. Nêu những ích lợi khi áp dụng phép lục hòa trong  sinh hoạt GĐPT?
 
Tập hùng biện
Các Đội, Chúng bốc thăm thuyết trình một trong 6 phép Lục Hoà.
Mời Ban Huynh Trưởng làm trọng tài – có thưởng.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.