LẠY PHẬT – NIỆM PHẬT (Bậc Tung Bay)
LẠY PHẬT – NIỆM PHẬT
(2 tiết)
A. LẠY PHẬT (tiết 1)
*Phương pháp: ôn tập, thảo luận.
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em hiểu được mục đích và lợi ích việc Lạy Phật
II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
1. Mục đích việc lạy Phật
Chúng ta lạy Phật với mục đích:
– Thể hiện lòng thành kính tri ân Đức Phật vì Đức Phật đã khai sáng con đường Đạo cứu độ chúng sanh.
– Quán tưởng tướng tốt, hạnh lành của Đức Phật để phát nguyện làm theo lời Phật dạy là thực hiện các việc lành, tránh xa các điều dữ.
– Tiếp nối truyền thống ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, các đệ tử từ dân chúng đến vua chúa mỗi lần gặp Phật đều cúi mình xuống đất ôm chân Ngài và đặt trán lên bàn chân để tỏ lòng cung kính ngưỡng mộ.
2. Lợi ích của việc Lạy Phật
Hiểu được mục đích của Lạy Phật nêu trên, thì các em hãy cảm thấy mỗi khi lạy Phật thật là hạnh phúc và sung sướng. Không những thế, Lạy Phật là dịp các em sám hối lỗi lầm, giúp các em tăng trưởng lòng thương người và vật mà còn được Chư Phật gia hộ trí tuệ sáng suốt, tánh tình hiền hòa, thân tâm an lạc. Do vậy, các em cần phải siêng năng lạy Phật mỗi ngày hai lần vào sáng sớm khi thức dậy và trước khi đi ngủ. Trước khi lạy Phật em phải súc miệng, rửa mặt, buổi tối sau khi tắm rửa sạch sẽ, em thắp đèn, đốt ba cây hương, kính cẩn đứng trước bàn thờ, chí tâm niệm Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 đến 10 lần vào buổi sáng) hoặc Nam Mô A Di Đà Phật (3 đến 10 lần vào buổi tối).
Sau mỗi câu niệm Phật, em đảnh lễ một lạy, nếu có chuông thì em đánh một tiếng chuông rồi mới lạy.Em nên vận động anh chị em hoặc cả nhà cùng lạy Phật thì càng tốt.Lưu ý các em lau chùi bàn thờ sạch sẽ, các ngày sóc vọng, nhắc mẹ mua hoa quả trưng bày lên bàn thờ.
Cách lạy Phật: khi lạy phải đứng thật trang nghiêm, hai tay chấp lại trước ngực từ từ cúi xuống lòng bàn tay ngữa ra chạm đất(hay gối), rồi đặt trán mình trên hai tay, lưng thấp xuống một hồi rồi đứng dậy, lạy Phật phải nhẹ nhàng thong thả.
III/ GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
– Quán tưởng: quan sát và tưởng nhớ
– Sám hối: ăn năn lỗi trước và từ bỏ lỗi sau.
IV/ CÂU HỎI
– Em lạy Phật để làm gì?
– Em được ích lợi gì khi lạy Phật?
– Trước khi lạy Phật em phải làm gì?
Lưu ý: Huynh trưởng đích thân hướng dẫn các em cách lạy Phật. Lưu ý thực tập cách đứng, cách chắp tay, cách xá và lạy để các em lạy một cách đồng đều và nhịp nhàng. Cần có một cái chuông để hướng dẫn cho các em cách lạy theo tiếng chuông và cách đánh chuông khi lạy.
Tập cho các em hát bài “Lạy Phật con trở về” của Phạm Mạnh Cương.
B. NIỆM PHẬT (tiết 2)
* Phương pháp: ôn tập, thảo luận.
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em hiểu được Niệm Phật và lợi ích việc Niệm Phật
II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
1. Niệm Phật là gì?
Niệm Phật tức là nêu danh hiệu chư Phật, chư vị Bồ tát. Có hai cách niệm Phật thông thường đó là mật niệm, tụng niệm.Mật niệm là niệm thầm không ra tiếng, chỉ niệm trong trí; tụng niệm tức là niệm Phật thành lời có chuông mõ. Niệm Phật là cách chúng ta nhớ nghĩ đến chư Phật, nhớ nghĩ đến những hình tượng cao quý và cảm niệm ân đức của chư Phật, chư vị Bồ tát mà học làm theo hạnh lành của Ngài.
2. Lý do và lợi ích của việc niệm Phật
Niệm Phật đem lại lợi ích trí óc ta được trong sạch, không nghĩ điều xấu xa, thát loạn, thân ta làm các điều lành, quyết không làm điều ác độc, miệng ta nói những lời hòa ái, chân tình, không nói những lời chia rẻ, xấu xa.
Như vậy, niệm Phật là huân tập theo các hạnh lành và làm theo lời Phật dạy. Công năng niệm Phật giúp chúng ta có được thân tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt, giúp ta tiến bộ trong việc học hành và trở thành người tốt có tiếng thơm.
Do đó các em cần phải siêng năng niệm Phật, khi niệm Phật chúng ta thể hiện lòng thành kính, tập trung tư tưởng, không giao động. Thông lệ niệm Phật vào buổi sáng sau khi thức dậy, và buổi tối trước khi đi ngủ. Tuy nhiên, mỗi khi có thì giờ rảnh rỗi, chúng ta có thể tranh thủ niệm Phật, đặc biệt niệm Phật vào những lúc ta gặp điều bối rối, nguy hiểm sẽ giúp ta được ổn định tâm trí.
III/ GIẢI NGHĨA TỪ VỰNG
– Bồ tát: Người tu hành gần đạt đến quả vị của Phật
– Huấn tập: Rèn luyện điều hay.
IV/ CÂU HỎI
– Niệm Phật được ích lợi gì?
– Thế nào là mật niệm?
– Thế nào là tụng niệm?
Kiểm tra các em đã đồng bộ thuộc bài “Sám Hối” chưa?, rồi tập cho các em tụng. Huynh trưởng phải lưu tâm nhắc nhở các em thuộc bài này.
Bổ sung:
– Cần phân biệt Bồ Tát ở đây là: các vị cổ Phật còn gọi là Bồ TátMa Ha Tát (Bậc chúng sanh có lòng dạ quảng đại của Phật), còn Phật tử tại gia thọ Bồ Tát giới gọi là Bồ Tát Sự phát tâm.
– Niệm Phật: 5 cách thường sử dụng
1/ Tụng niệm: trước bàn thờ có chuông mõ
2/ Mật niệm: niệm thầm, bất cứ nơi nào
3/ Khẩn niệm: niệm khẩn cấp (thường sử dụng khi gặp tai nạn)
4/ Quán niệm: chiêm ngưỡng trước hình ảnh Đức Phật
5/ Chuyên niệm: niệm ở mọi tư thế, mọi lúc, liên tục.