HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI (Bậc Sơ Thiện) GIAO TIẾP LỊCH SỰ

GIAO TIẾP LỊCH SỰ

 
Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên giao tiếp với người khác. Có những cách giao tiếp đem lại niềm vui và hạnh phúc, có những cách giao tiếp mang lại sự đau khổ và lòng thù hận. Để có một kết quả tốt đẹp khi giao tiếp, chúng ta cần phải biết giao tiếp lịch sự.
Phép lịch sự chính là sự tổng hợp các nghi thức được biểu hiện ra trong cách giao tiếp với người xung quanh. Những nghi thức đó không phải là những ứng xử máy móc mà những hành động linh hoạt, nhiều vẻ, gắn với hoàn cảnh, môi trường cụ thể, tuỳ theo đối tượng chúng ta  gặp gỡ. Phép lịch sự nói lên cách xử thế của mỗi cá nhân trong các trường hợp giao tiếp khác nhau.
Phong cách giao tiếp thể hiện nếp sống, trình độ văn hóa, bản lĩnh, tố chất tâm lí, sự rèn luyện tư tưởng của một cá nhân. Sự thể hiện này thông qua sắc thái, ngôn ngữ và cử chỉ. Như vậy, giao tiếp lịch sự không  những là dùng lời lẽ lễ phép, hòa nhã, dịu dàng mà còn phải có thái độ lịch sự trân trọng, cử chỉ đúng mức, phù hợp khi giao tiếp với người  khác.
Người xưa có câu:
“ Chim khôn kêu tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”
Trong 5 điều luật của Ngành Thiếu GĐPT, điều luật thứ tư ghi rằng: “Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm”. Như vậy lời lẽ chúng ta sử dụng khi giao tiếp không những là lời hay mà còn phải có ý đẹp, là những lời trung thực, đúng đắn, mang tính từ bi hòa nhã, đem lợi lạc cho chúng sanh, đừng vì cái lợi trước mắt của riêng mình mà quên đi lợi ích của người khác.
Vì thế, khi giao tiếp với người khác, lời nói phải từ hòa, tấm lòng trung thực, thương người, tôn trọng người đang giao tiếp và mong họ tiếp nhận những thông tin trung thực cũng với thái độ từ hòa và thân tâm an lạc.
Chúng ta luôn sống trong các quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp. Các quan hệ này tạo ra môi trường sống thường xuyên của mỗi cá nhân và ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách và xu hướng hành động của mỗi cá nhân. Chính cuộc sống đòi hỏi mỗi người phải có xử thế đúng đắn, thể hiện qua phép lịch sự trong quá trình tiếp xúc với các đối tượng khác nhau, ở những địa điểm khác nhau. Giao tiếp lich sự chính là những hiểu biết về các phong tục, tục lệ của đời sống xã hội.
Ở gia đình, cha mẹ, con cái, anh em chuyện trò vui vẻ, bộc lộ tình cảm thân thiết, tâm sự cùng nhau những chuyện riêng tư, nhưng khi giao tiếp với người lạ, lần đầu gặp ở nơi công cộng (ở bến xe, khi đợi mua hàng,…) thì lại cần phải kín đáo, nói ít, nói nhỏ, không bộc lộ đời tư của mình, không sa vào những câu chuyện dài dòng.
Phép lịch sự dạy chúng ta tôn trọng người khác. Đó chính là một nghệ thuật sống tế nhị. Chúng ta phải tỏ ra khiêm tốn với người chung quanh, chủ động chào hỏi, chuyện trò với họ vì mỗi người trong chúng ta là một thành viên của một tập thể, một tổ chức, một cộng đồng nhất định, chứ không phải là một cá nhân duy nhất, tách biệt.
Giao tiếp lịch sự giúp chúng ta biết  thích ứng với môi trường chung quanh. Đến dự một cuộc họp, một buổi kỷ niệm cần ăn mặc chỉnh tề, nói năng lịch sự, trong khi đến gia đình gặp người quen có thể chuyện trò vui vẻ, gọi nhau thân mật. Đến dự đám tang, không ăn mặc loè loẹt, không nói chuyện ồn ào, cần nói khẽ, nói ít, tỏ thái độ kính trọng, thương tiếc người đã mất,…
Sự thể hiện bản thân về mặt hình thể như màu sắc, chất liệu quần áo, dáng vẻ đi đứng phải phù hợp với lứa tuổi, địa vị xã hội và hoàn cảnh cụ thể cũng có ý nghĩa quan trọng và lịch sự trong giao tiếp. Tránh ăn mặc lòe loẹt, hở hang, lố lăng, kỳ dị…
Sự hài hòa cũng đòi hỏi chú ý việc quản lý thời gian (gặp nhau nói chuyện ngắn hay dài tuỳ tình hình), địa điểm và cách xử sự phù hợp với môi trường chung quanh (ví dụ không nên đứng giữa đường, giữa đám đông nói chuyện với nhau dông dài, nói to, cười to…).
Giao tiếp lịch sự, tế nhị là không làm phiền người khác, không đi sâu vào đời tư của người ta, đồng thời lại chú ý đáp ứng những mong muốn của họ. Ví dụ giúp người khác tìm chỗ ngồi, lấy một tách nước,… Ở nơi công cọng, nên có cử chỉ đẹp như nhường quyền ưu tiên cho người già yếu, phụ nữ hoặc trẻ em, giúp đỡ những người khó khăn…
Từ cách xử thế đúng đắn, lịch sự trong giao tiếp mà chúng ta có nhận thức đúng đắn về bản thân và về người khác. Điều này giúp chúng ta ngày càng trưởng thành và có kinh nghiệm sống phong phú. Cách xử thế thể hiện vốn sống của mỗi cá nhân, sự hiểu biết của mỗi người về các quan hệ xã hội, cho nên chúng ta phải luôn học hỏi, trau dồi.
Trong giao tiếp ứng xử hàng ngày, chúng ta cố gắng tập làm những điều trên để góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn và bản thân mình cũng tu tập được tâm tính, như thế là chúng ta đã đưa được Tứ nhiếp pháp vào cuộc sống, đã đưa được giáo lý Đức Phật đến với nhiều người.
Ghi nhớ:
Khi giao tiếp với người khác, chúng ta phải dùng lời lẽ từ hòa lễ phép, thái độ nhã nhặn khiêm tốn với tấm lòng chân thật, từ bi. Sự từ hòa và khiêm tốn còn thể hiện ở cách ăn mặc, đi đứng cho phù hợp, thể hiện phong cách lịch sự trong giao tiếp.
Thực hành:
Chúng ta tập nói lời êm ái, dịu dàng với ông bà, cha mẹ, thầy cô, anh chị em, bạn bè và những người hàng xóm,… một cách thực lòng.
Suy nghĩ:

  1. Gặp bạn bè nơi đông người mà trò chuyện lớn tiếng như chỗ không người thì có hại gì ?
  2. Tứ nhiếp pháp là gì ?
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.