CÓ MỘT TÌNH LAM NHƯ THẾ…
Tôi sinh trong gia đình truyền thống Phật Giáo ở Huế, ông ngoại là Gia trưởng của một Gia đình Phật tử, Mẹ và các Cậu Dì là những Đoàn sinh và Huynh trưởng, nội ngoại đều là những Phật tử thuần tuý. Tôi may mắn được đến chùa và tiếp xúc với nền văn hóa Phật giáo từ bé. Những hình ảnh sinh hoạt của các anh chị lớn, những buổi học, những buổi thi vẫn còn hiện diện mơ màng trong tâm trí. Tôi lúc đó chỉ mong đến chiều Chủ nhật để được lên chùa nghịch phá, gặp các chú tiểu, đi xem cá trong hồ sen trước chánh điện, có lần đang mãi mê vui chơi khám phá thì bị mấy anh lớn chọc ghẹo khiến tôi khóc to lên, sư phụ thấy vậy liền đến rầy các anh rồi bế tôi lên trên chánh điện, dỗ tôi ngủ trên tấm thảm mà sư phụ ngồi tụng kinh. Hình ảnh ân cần trìu mến của sư phụ làm tôi nhớ mãi, đó cũng là ký ức rõ nhất của tôi thời thơ ấu đến chùa.
Khi bắt đầu bước vào Trung học Phổ thông, cũng là bước ngoặt trong “chặng đường Lam” của tôi. Tôi phải trọ học ngoài thị trấn cách nhà đến hơn 10 cây số, thời gian đầu còn tranh thủ cuối tuần đạp xe về nhà, mục đích vừa thăm nhà vừa đi sinh hoạt, chiều chủ nhật phải đạp xe ra lại thị trấn để kịp cho buổi học ngày thứ hai đầu tuần. Thế nhưng, số lần về bắt đầu thưa dần, số lần đi sinh hoạt bắt đầu giảm dần do những lịch học ngày càng dày hơn, do mệt mỏi vì quãng đường dài đạp xe từ thị trấn về nhà và từ nhà ra thị trấn, tôi quên luôn những buổi chiều chủ nhật sinh hoạt, không để ý tình hình hoạt động của Tân Sơn. Rồi sau ba năm cấp 3, tôi tiếp tục lên thành phố Hồ Chí Minh học đại học. Khoảng cách xa khiến tôi càng ít về nhà, các anh chị em bạn đoàn cùng thời với tôi đa số cũng vậy, tôi cũng không còn để ý nhiều đến hoạt động của Tân Sơn. Khi ấy mạng xã hội chưa phát triển, smart phone chưa phổ biến, anh em chúng tôi vì thế cũng không thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ nhau. Thế nhưng các ngày lễ lớn hay những kỳ trại, tự bản thân anh em chúng tôi ai cũng cố gắng sắp xếp thời gian để về tham gia cùng với gia đình. Tình yêu với Tân Sơn vẫn luôn âm ỉ trong trái tim mỗi người, vẫn đang chực chờ bùng cháy cùng nhau như lời bài hát: “Lửa hồng cháy bừng tỏa hào quang Lửa hồng cháy bừng sáng rừng hoang… Hỡi đoàn áo Lam yêu lửa thiêng Mau về xiết tay ta cùng ca..” Những câu hát gắn liền với thời gian, kéo lại tất cả những ký ức, những hình ảnh sinh hoạt cùng Tân Sơn cứ thế hiện lên, lửa Lam được thắp qua những đêm lửa trại, tôi biết mình sẽ trở về. Anh em chúng tôi được quây quần cùng nhau qua các dịp lễ, các kỳ trại, cùng nhau lật lại những trang kỷ niệm, được vui chơi cùng các em đoàn sinh đàn em. Nhìn các em, tôi thấy lại mình, tình yêu, sự nhiệt huyết của các em như làn gió nhẹ, dần thổi lên ngọn “lửa Lam” đang âm ỉ trong tôi và trong tất cả những anh chị em đang muốn trở về. Và rồi anh em chúng tôi ngày càng có nhiều buổi gặp gỡ hơn, gần nhau hơn, trở về sinh hoạt nhiều hơn, đoàn sinh cũ và mới đã trở nên hoà hợp và thân thiết, dành cho nhau tình cảm chân thành nhất. Tôi sắp xếp lại cuộc sống, thời gian về hổ trợ các em đoàn sinh, để được đóng góp công sức cho gia đình. Nhìn thấy gia đình đủ sáu đoàn, số lượng đoàn sinh gia nhập Tân Sơn ngày càng đông, các chương trình hoạt động của gia đình phong phú đa dạng chính là niềm hạnh phúc của anh em chúng tôi. Tất cả đều đồng lòng để xây dựng một Tân Sơn đúng theo lý tưởng của Gia đình Phật tử Việt Nam. Và hơn thế, Tân Sơn chính là Gia đình thực sự của tất cả anh em đoàn sinh chúng tôi.
Hai mươi năm hình thành và phát triển của Tân Sơn là hai mươi năm tuổi đời tôi gắn bó. Hai mươi năm, thời gian không quá dài nhưng đủ để khẳng định một tình yêu trong tôi. Cột mốc hai mươi năm đã qua là khởi đầu cho những lần hai mươi năm nữa của tôi cùng Tân Sơn và sẽ “mãi một tình lam như thế” với Tân Sơn tiếp nối truyền thống của gia tộc, tiếp tục sứ mệnh thiêng liêng của bao thế hệ Huynh trưởng đã qua.