LÒNGVỊ THA

GÓC VƯỜN LAM:             Lạm bàn về         LÒNGVỊ THA
                                                    (Tâm giới     Phan Ngọc Thảo)
A DẪN NHẬP
Hôm nay, sau khi ăn sáng, uống cốc cà phê, tôi miên man suy ngẫm đủ điều, chuyện trên trời, chuyện dưới đất, nào là nỗi khổ của người dân Sirya, Iraq ở Trung Đông, đến nỗi thống khổ của dân tị nạn đổ dồn vào Châu Âu, nỗi khổ của dân chúng Afghanistan, chuyện khủng bố ở Pháp, Bỉ, Đức… Nỗi kinh hoàng về chuyện bắn giết nhau vì màu da tại nước giàu có bậc nhất: Hoa Kỳ và gần đây nhất chuyện khủng bố tại Thái Lan. Rõ ràng  thực tại là một thế giới không bình yên.
Vì sao lại thế?   hầu hết các tôn giáo đều khuyên tín đồ làm điều tốt kia mà!
Có lẽ nguyên nhân sâu xa nhất cho mọi nỗi bất hạnh là thiếu LÒNG  VỊ THA  nhưng thừa sự thù hận, thừa sự đố kỵ, sân hận.
– Gia đình lục đục chuyện ông bà, cha mẹ, anh em, cháu chắt chỉ vì chuyện đất đai do lòng tham vô đáy và thiếu lòng vị tha.
– Chuyện bạo lực gia đình khiến vợ chồng ly tán, con cái bơ vơ  do thiếu lòng vị tha.
-Bạn bè tranh cãi hơn thua dẫn đến đụng tay đụng chân  do không  tôn trọng nhau và thiếu lòng vị tha
– Hàng xóm tranh giành vị trí hàng rào, bức tường chung luôn đòi phần hơn về mình do thiếu lòng vị tha.
– Chuyện làng nước cán bộ phán theo ý mình, dân cãi không cần phép tắc dẫn đến bất an  do thiếu lòng vị tha.
Những cuộc xung đột các phe phái trong một quốc gia, nước nầy với nước khác vì ý thức hệ, vì quyền lợi do thiếu lòng vị tha….. và kể mãi không thể hết được.
Nếu nhịn nhau một chút, chịu thiệt về mình một chút, tha thứ một chút, lùi một bước thì trước mắt là biển rộng trời cao, nghĩa tình trọn vẹn…có phải là quá khó hay  sao!!!?
Trong quá khứ, có nhiều tôn giáo đã truyền đạo bằng cách ép buộc dân bản xứ bằng vũ lực như Đế quốc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha tại châu Mỹ la tinh, Đế quốc Pháp tại Đông dương, Đế quốc Anh tại Ấn Độ, Miến Điện v.v… quân Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ năm 1203 tiêu diệt Phật giáo. Ngày nay phiến quân IS nhân danh Nhà nước Hồi giáo tự xưng gây thảm họa cho loài người. Họ làm như thế là trái với lời dạy của đấng  giáo chủ của mình  do thiếu lòng vị tha một cách đáng suy ngẫm.
Là một người Phật tử, chúng ta vô cùng sung sướng được thọ nhận giáo lý vừa cao siêu lại vừa gần gủi với mọi giai tầng xã hội của Đức Phật, tự hào vì Đạo Phật được Liên Hiệp Quốc tôn vinh là đạo của hòa bình. Thật vậy, gần 2600 năm đạo Phật chưa chủ trương giết hại một ai. Tuy nhiên tôi  cảm thấy man mác buồn vì tín đồ của Phật giáo có nơi nầy, nơi khác chưa thực hiện TỨ VÔ LƯỢNG TÂM: TỪ-BI-HỶ-XẢ như lời dạy của ngài. Tôi không hề dám phê phán về việc phân chia bộ phái, tông phái. Điều mà người viết bài này muốn thưa là tại sao mình là Phật tử mà lại thiếu lòng vị tha, đều là con Phật mà xem nhau như kẻ thù. Phật đã dạy: “Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình”.  Phải chăng  nguyên nhân chính là thiếu lòng vị tha.
B. NHỮNG HIỆN TƯỢNG TÁC ĐỘNG ĐẾN LÒNG VỊ THA
Điều kiện cần cho người có lòng vị tha là người biết tôn trọng sự khác biệt, biết bao dung, biết tha thứ, biết tôn trọng đồng loại, biết cho và biết nhận, biết tôn trọng sụ thật, biết tu tâm dưỡng tánh.
Rõ ràng giáo lý Phật Đà đề cao LÒNG VỊ THA
Xin mạo muội chia sẻ với  quý độc giả và anh em nhà Lam:
-Những hiện tượng thiếu lòng vị tha: trong tứ chúng đồng tu (Tỳ kheo,Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di). Đã đồng tu mà vẫn có chuyện Bổn sư của chị, Bổn sư của tôi để rồi bất hòa không đáng có. Thật ra Phật tử chúng ta chỉ có một vị Bổn sư đó là THÍCH CA MÂU NI, còn quý vị Tăng, Ni chỉ là Bổn sư truyền giới đừng cố nhầm lẫn đáng tiếc.
-Nhà chùa có phòng khách tiếp đạo hữu gần xa, phòng riêng của chư Tăng, Ni không tiếp khách, thế nhưng quý Phật tử nghĩ rằng mình thân thiết nên tự do vào ra không đúng lúc gây ra lời xì xào, chia rẽ, lòng vị tha bị tổn thương, làm mất đi sự thanh tịnh của chốn thiền môn.
-Hiện nay Phật Gíáo Việt Nam có Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ v.v… Bắc tông  có 2 pháp môn phổ biến: Tịnh độ và Thiền.
Đa số  các đạo tràng kết hợp thiền tịnh song tu, riêng tổ chức Gia đình Phật tử  vận dụng tổng hòa các pháp môn được chư Tôn Đức xây dựng một cách hệ thống áp dụng trên 60 năm, luôn được cập nhật. Dù  khác pháp môn tu đích cuối cùng là giải thoát, thế nhưng nơi nầy hoặc nơi khác có người cho rằng pháp môn mình đang tu là đúng chánh pháp, còn lại không đúng để xãy ra tranh cãi, mà tranh cãi với bất cứ ai, bạn thắng rồi thì sao??? Thắng có nghĩa là thua???  Vì  mất hết hòa khí.
Huynh trưởng lớn tuổi  cho mình biết tuốt, theo chủ nghĩa kinh nghiệm nhưng không nghiên cứu cập nhật, không nghe sự góp ý của anh chị em, Huynh trưởng trẻ mới tham gia các kỳ trại huấn luyện, có kiến thức thế học thì nãy sinh tự cao, xem thường các anh chị lớn tuổi. Các anh chị không áp dụng sáu phép hòa kỉnh nên  dẫn đến  bế tắc nguyên nhân chính là do tự cao, tự đai, thiếu lòng vị tha.
Nếu Ban Huynh trưởng tạo mối quan hệ tốt đẹp, kính trên nhường dưới với Ban Hộ tự, Sư Trụ trì.  Bằng tấm chân tình chúng ta giải bày để các bác, Sư Trụ trì thương thì mọi việc sẽ trôi chảy. Để xảy ra việc tranh cãi vì thiếu lòng vị tha thì phần thiệt là chúng ta.
C.ĐIỀU KIỆN CHO LÒNG VỊ THA PHÁT KHỞI:
Thiểu dục, tri túc   (Muốn ít, biết đủ)
 “Lấy vật chất làm của, của sẽ rời xa ta. Lấy phúc đức làm của, của theo ta vạn đời”
Bình đẳng :  Không phân biệt giai cấp màu da, giàu nghèo, địa vị xã hội. Thực hiện lời Phật dạy: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ”
Giữ giới (Ngũ giới, Thập thiện, Bồ tát giới…)
Hành trì lòi Phật dạy: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý(Không làm các việc ác, siêng làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch) Cần lưu ý:  đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy điều ác nhỏ mà làm/’    
Vận dụng :Tứ vô lượng tâm (từ-bi-hỷ-xả)  trong mọi hoàn cảnh.
Cần suy ngẫm “ Lấy oán báo oán, oán luôn chồng chất. Lấy ân báo oán, oán sẽ tiêu tan”
-Sử dụng Tứ nhiếp pháp  trong đời sống  (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự)
Bố thí bao gồm  tài thí, pháp thí, vô úy thí trong đó cả ba đóng vai trò quan trọng cho từng hoàn cảnh. Lời nói chân tình, nhẹ nhàng sẽ được nhiều người đón nhận.
-Thực hành 10 điều thiện để đối trị với 10 kiết sử phiền não (tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ)
D. 10 ĐIỀU NUÔI DƯỞNG LÒNG VỊ THA
1. Im lặng là câu trả lời hay nhất cho sự phỉ báng.
2. Đừng ôm ấp hận thù và sự giận dữ, học cách quên lãng và biết tha thứ
3. Có lòng yêu thương vô tư thì sẽ có tất cả,
4. Hãy chấp nhận những gì không thể thay đổi, điều nầy tiết kiệm rất nhiều thời gian, năng lượng và lo lắng.
5.  Đứng ở góc độ của người khác để nghĩ cho họ thì đó mới là từ bi.
6. Người âm thầm quan tâm chúc phúc cho người khác đó là một sự bố thí vô hình
7. Khi anh vui phải nghĩ rằng niềm vui nầy không vĩnh hằng, khi anh đau khổ anh hãy nghĩ rằng nỗi đau nầy cũng không trường tồn.
8. Nhân quả không nợ chúng ta thứ gì, cho nên xin đừng oán trách nó
9. Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó (BILL GATES)
10. Đừng bao giờ đùa giỡn với cảm xúc  của người khác, bởi lẽ bạn có thể thắng trong trò chơi đó, nhưng chắc chắn bạn đánh mất người đó cả đời (Shakespeare- nhà văn Anh)
E.THAY LỜI KẾT:
Lòng vị tha (tha thứ cho người, nghiêm khắc với chính mình, độ lượng với người khác)  là chất liệu yêu thương của mỗi cá nhân, của tập thể, của toàn xã hội, của thế giới loài người nhằm hàn gắn những mất mát, đau thương đem lại sự bình an cho nhân loại.
Lòng vị tha là nước cam lồ dặp tắt  lửa sân hận của cá nhân và tập thể đẩy lùi chiến tranh, thù hận, bạo lực trên cõi Ta bà nầy.
Tóm lại: Lòng vị tha là chìa khóa tinh thần cho mỗi cá nhân, tập thể, Quốc gia, thế giới về sự an lạc và thịnh vượng.
 
            Trọng đông Bính Thân       01/12/2016
                       thao.phanngoc@gmail.com          ĐT: 0919462898
 
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.