TẢN MẠN VỀ MỘT LỜI CHÚC!

Kính bạch chư Tôn Thiền đức, quý độc giả và anh em nhà Lam kính mến.!   Trong những lời chúc nhau chúng ta thường gặp hai dạng  quen thuộc. Lời chúc thứ nhất  mang ý nghĩa mong cầu, ví dụ chúc anh chị dồi dào sức khỏe, vạn sự như ý, phát lộc, phát tài;  dạng thứ hai mang ý nghĩa động viên, khuyến tấn ví dụ  chúc  anh chị tinh tấn hoàn thành các Phật sự được giao”;  dạng thứ ba có nội hàm sâu sác hơn: vừa cầu chúc vừa động viên khuyến tấn ví dụ:  Nhân dịp năm mới xin kính chúc anh chị em Nhà Lam “Thân khỏe, Tâm an, Trí sáng, Đức dày”
Trong bài viết ngắn nầy, Tâm Giới xin phép được trình bày tản mạn về 4 từ Thân, Tâm, Trí, Đức kèm theo các bổ ngữ Khoẻ, An, Sáng, Dày.
Kính thưa chư vị! Khiêm cung là bản chất của người Phật tử chân chính, nên không ai trong chúng ta cho mình đã đạt “Thân khỏe, Tâm an, Trí sáng, Đức dày”. Có lẽ các bậc tiền bối như bác Tâm Minh Lê Đình Thám, Đại lão Hoà thượng Thích Minh Châu, anh Nguyên Hùng Võ Đình Cường khi còn tại thế đã đạt Tứ vô ngại trí (Pháp vô ngai, Nghĩa vô ngại, Từ vô ngại, Lạc thuyết vô ngại). Các vị là Bồ tát giữa đời thường nên sống ung dung trong cảnh giới vô thường.
Tôi xin  phân tích sơ lược ý nghĩa các cụm từ vừa nêu
Thân khoẻ:
Từ lúc hình thành bào thai trong bụng mẹ cho đên khi trưởng thành, cha mẹ luôn theo dõi chúng ta từng nhịp thở, việc ăn ngủ, đường đi lối về ở mọi thời điểm luôn mong chúng ta chóng lớn, khỏe mạnh, sức khỏe  được xem trọng ở mọi hoàn cảnh. Lúc nhỏ, nhà nghèo tôi muốn bệnh để được ăn sướng nhưng khi đổ bệnh nhìn tô cháo thịt cảm thấy buồn nôn, tôi ý thức thân khỏe quý giá như thế nào và  hiểu được bệnh là khổ như là chân lý của cuộc sống. Ngày nay ai cũng biết rằng sức khỏe  là điều kiện đầu tiên để con người sống và tạo lập sự nghiệp,
Để thân khỏe có nhiều cách thực hiện, có rất nhiều sách vở đề cập  đến vấn đề nầy, xem các trang web, điện thoại,internet  nếu không tỉnh táo ta sẽ bị lừa…nhưng đơn giản dễ rèn luyện là tập thể dục dưỡng sinh, đi bộ, đi xe đap, tập yoga, thiền hành, thiền tọa, luyện võ… mỗi  người tự lựa chon theo hoàn cảnh của mình. Tóm lai để có sức khỏe phải vận động cơ bắp kèm theo sự thoải mái của tinh thần.
Thân khoẻ là diều kiện đầu tiên cho cuộc sống lâu dài nhưng chưa đủ.
Tâm an:
Sự sống của ta sẽ ra sao khi tâm lúc nào cũng bất an, luôn lo sợ về mọi sự vật hiện tượng, sợ sấm, sét, mưa bão, sợ bóng đêm, ma quỷ…sợ  đủ thứ dẫn đến mất phương hướng, bỏ ăn, mất ngủ và lâm bệnh. Đúng là “Tâm viên,ý mã” (tâm như vượn chuyền cành, ý như ngựa chạy rông)
Kính thưa chư vị!
Đức Phật đã dạy : “Tâm làm chủ các pháp”
Tâm như họa sĩ khéo
Vẽ thế giới muôn màu
Pháp ngũ âm thế gian
Không phép nào không tạo
(kinh Hoa Nghiêm)Đã thọ Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện và học hỏi giáo lý Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên, các phép thiền quán (37 phẩm trợ đạo), lễ Phật  hàng ngày thì chúng ta là người có Chánh tín  phân biệt tà chánh rõ ràng, có niềm tin bất động về Đức Phật và giáo lý vi diệu của Ngài, không sợ vu vơ, không tin vớ vẫn, không nghe những người tu sĩ xuất xứ  mơ hồ, chỉ biết làm lễ các đám tang mà quên hành trì  giói luật… Nhưng chúng ta cần nhớ: Trọng pháp kỉnh Tăng là điều lành tối thượng (các vị có trú xứ rõ ràng, giữ giới thanh tịnh)
Tâm An Thế giới an, tâm bình Thế giới bình.
Vì vậy để Tâm an  cần hành trì giới luật, lễ Phật mỗi ngày với lời nguyện
“Không làm các điều ác
Chỉ làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Đức Phật day  như vậy”
(kinh Pháp cú)
Khi tâm đã an  thì  chúng ta tự tin thực hiện các kế hoạch đã đề ra không hề gặp chướng ngại, mọi nghiệp chướng được hóa giải trên tinh thần tự giác, giác tha,  Việc hành trì Sự phải viên dung như lời dạy của Đại lão Hòa Thượng Thích Thanh Từ về việc tu học của người cư sĩ trong xã hội hiện nay.

Trí sáng:
Trí tuệ cần thiết để hoàn thiện nhân cách một con người. Trí bao gồm: Thế trí (thế gian) và Phật trí (xuất thế gian).
Trí tuệ tích cực sẽ cho ta hiểu đúng về cuộc đời, biết khoan dung độ lượng với tha nhân, nếu ta vận dụng Tam vô lậu học (giới, định ,tuệ) thì ta sẽ có cái nhìn thiền quán về  cuộc đời “Trong hoa có rác, Trong rác có hoa. Hãy biến Rác thành Hoa để làm đẹp cho đời”
Nếu đã có Thân khoẻ, Tâm an, Trí sáng thì phải vượt qua bước quyết định

Đức đày
Đức có ý nghĩa sâu xa, một vài dòng không thể nói hết, mà Đức liên hệ  trưc tiếp đến tâm. Nhìn thế thái nhân tình trong thời đại mình, đại thi hào Nguyễn Du đã  viết nên truyện kiều bất hủ trong đó có 2 câu thơ lục bát theo bản thân tôi từ thời học Trung học “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Thật vậy người có Thân khoe, tâm an trí sáng chỉ là điều kiện cần để trở thành con người hữu ích, điều kiện đủ là người đó phải có đức (tâm trong sáng, lòng từ bi). Người có đức  không thể nào  sống nhởn nhơ trong nỗi khổ của đồng loại,  ai chết mặc bay, tiền thầy bõ túi. Nhiều tấm gương về lòng nhân ái, đức hy sinh trong thiên tai, bão lũ, dịch bệnh cho chúng ta những bài học về lòng nhân ái và chúng ta không khỏi đau lòng khi nghĩ về những người có điều kiện sống đầy đủ nhưng lòng tham vô đáy dẫn đến lao lý tù đày. Người có đức dày mới vượt qua chướng duyên đi vào lộ trình Bồ tát đạo. Đức dày là khái niêm trừu tượng nhưng ai sống đúng chánh pháp, thực hiện hạnh bố thí Ba la mật  thì đáng trân quý lắm rồi.
Những người đức mỏng hay phô trương bản thân, hay chê người khác, không quan tâm đến cảm xúc của người xung quanh, không thực hiện tốt chức năng của bậc làm cha mẹ, thờ ơ với  người sinh trưởng nuôi nấng mình, không hề có khái niệm bố thí hay giúp đỡ người  yếu thế. Ích kỷ là bản chất của những người  thiếu đức.
Người  đức dày sống bình dị, trung thực, chân tình, có đời sống lành mạnh, tu tập  tự thân tốt, luôn  giúp đỡ người khác cả tài thí,pháp thí và vô úy thí
Kính thưa chư  vị, chỉ là một lời chúc nhưng tôi lại tản mạn hơi dài: Thân khoẻ – Tâm an – Trí sáng – Đức dày  là mong muốn của nhiều người, trong đó  ĐỨC khó cân đo đong đếm.

Xin thưa quý anh chị  Huynh trưởng và các em.  Gần 70 năm sinh hoạt trong tổ chức GĐPT,  chưa bao giờ tôi vui mừng và ưu tư như lúc nầy.
Vui mừng vì GĐPT đươc sự công nhận của quần chúng trong cả nước. Là một tổ chức giáo dục giới  trẻ có hiệu quả của Phật giáo Việt Nam. GĐPT Là tổ chức duy nhất chỉ PGVN mới có. Hiện nay GĐPT có mặt khắp nơi trên cả nước và một số Quốc gia có người Việt Nam sinh sống.
Ưu tư vì anh  em nhà Lam còn nhìn nhau qua cặp kính màu, mối quan hệ  của Ban Huynh Trưởng và vị Sư Trụ trì ở một số nơi không thân thiết như trước đây, Ban Huynh trưởng chưa hiểu rõ vai trò của vị Sư Trụ trì đối với GĐPT. Việc tu tập tự thân chưa đi vào nề nếp.  Áí ngữ là nguyên tắc hàng đầu của người Huynh trưởng nhưng còn nhiều anh em dùng lời lẽ khiếm nhã trao đổi với nhau.

Kính thưa chư vị và Anh Chị em nhà Lam!
Nhân mùa xuân Quý Mão kính chúc “Thân khoẻ, Tâm an, Trí sáng, Đức dày”,
Kính nguyện Chư Phật luôn độ trì cho tất cả chúng ta./.

Quảng Ngãi ngày 14 tháng 2 năm 2023
Tâm Giới Phan Ngọc Thảo

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.