Một chút tâm tình

 

          GĐPT từ ngày được thành lập đến nay đã hơn nửa thế kỷ (1940). Trải qua từng ấy thời gian đủ để khẳng định sức sống của một tổ chức giáo dục của tuổi trẻ Phật Giáo Việt Nam (PGVN). Là một tổ chức tập hợp người trẻ, lấy tinh thần Lục Hòa và giáo pháp của đức Thế Tôn làm nội dung và mục tiêu đào tạo, GĐPT thật sự là một mô hình giáo dục độc đáo của riêng PGVN.
        Lịch sử PGVN đã ghi nhận không ít những tấm gương thánh tử đạo đã hi sinh vì đạo pháp và dân tộc, trong đó nhiều tấm gương là huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT. Tiêu biểu như: chị Quách Thị Trang, chị Nguyễn Thị Vân, ….Trong những năm 1960 của thế kỉ trước cùng với làn sóng phản chiến của học sinh – sinh viên miền Nam, GĐPT cũng góp phần không nhỏ trong các phong trào đấu tranh ấy. Nhìn chung GĐPT luôn lấy tinh thần Bi – Trí – Dũng làm phương châm cho hành động và luôn đồng hành cùng dân tộc.
        Gần 20 năm gắn bó với tổ chức GĐPT, tôi thấy rằng GĐPT thật sự là một tổ chức giáo dục tiên tiến của phật tử Miền Nam mà các bậc tiền bối đã dày công xây dựng và vun đắp. Xét một cách toàn diện GĐPTVN được tổ chức rất khoa học, thống nhất và mang tính giáo dục sâu sắc. Trong phạm vi ngắn ngủi của bài viết, và bằng những kinh nghiệm thực tế, tôi xin được nêu lên cái thấy, cái biết của mình về GĐPT chứ không dám xem đây là bài nghiên cứu hay tham luận gì cả:
        – Tính giáo dục: Tổ chức GĐPT thật sự là một tổ chức giáo dục cho thanh thiếu niên tin phật, con em của bổn đạo. GĐPTVN  lấy tinh thần Bi  – Trí –  Dũng làm phương châm cho hành động và đưa tư tưởng Phật Giáo vào lối sống hằng ngày của thanh thiếu niên phật tử. Do đó ngay từ những ngày đầu mới thành lập GĐPT lấy phương châm :” Đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành những phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo chân tinh thần Phật giáo“. và hiện nay mục đích của GĐPTVN đã được tu chỉnh là “ Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin phật trở thành phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội ” Với phương châm ấy, GĐPT luôn hướng đoàn sinh của mình đến Chân – Thiện – Mỹ, giáo dục, đào tạo thành những người sống có lí tưởng cao đẹp hiền từ, nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu đất nước, yêu hòa bình…, Rèn luyện những hành vi sai trái, chỉnh sửa các thói quen không tốt từ hành vi, lời nói đến suy nghĩ ( Thân, khẩu,  ý) phải cho thật trong sạch, góp phần tịnh hóa nhân gian, xây dựng xã hội tốt đẹp, lành mạnh. Do đó điều luật thứ 3 của GĐPT có qui định : ” Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.”
       Gần 20 năm gắn bó với tổ chức GĐPT, tại địa bàn tỉnh Bình Định, nơi người viết sinh sống, tôi  thấy phần lớn các đơn vị GĐPT trong tỉnh luôn đi đúng mục tiêu giáo dục của mình. Đa phần huynh trưởng là những người gương mẫu không chỉ trong sinh hoạt mà trong cuộc sống hàng ngày để xứng đáng là tấm gương cho đoàn sinh noi theo. Người đoàn sinh luôn được giáo dục :” Không làm các việc ác – Siêng làm các việc lành – Giữ tâm ý trong sạch – Là lời chư Phật dạy“, Do vậy, nhiều đoàn sinh là con ngoan trò giỏi, học sinh tiên tiến, là lớp trưởng, bí thư chi đoàn năng nổ tích cực, luôn tham gia nhiệt tình các hoạt động ở trường, lớp, cộng đồng và xã hội,….Một điều chúng ta phải thừa nhận rằng, đoàn sinh GĐPT được đào tạo khá bài bản và có nhận thức sâu sắc về lý nhân – quả, nghiệp báo. Đứng trước những hoàn cảnh đầy tính cám dỗ, người phật tử vẫn đủ sáng suốt lựa chọn hành vi phù hợp, không vi phạm pháp luật, không làm trái luật nhân quả, thiện ác cho nên tỷ lệ phạm pháp trong thanh thiếu niên đoàn sinh gia đình phật tử không nhiều. Tóm lại GĐPT là một tổ chức mang tính giáo dục con người theo tư tưởng và phương pháp của Phật giáo, hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ.
       – Tính Thống Nhất: GĐPT là một khối thống nhất từ TW đến cơ sở. Điều này đã được quy đinh trong các văn bản như nội quy, quy chế nhằm hướng người huynh trưởng và đoàn sinh sống và tu học theo đúng mục tiêu và phương châm đã lựa chọn.  Lịch sử hơn 60 năm thành lập của GĐPTđã minh chứng cho tính thống nhất từ ý chí đến hành động của tổ chức; cho nên trong những năm đen tối của chế độ Sài Gòn, GĐPT đã chịu nhiều áp lực và trở ngại, nhưng nhờ tính thống nhất ấy, GĐPT đã tự khẳng định mình: thanh tịnh, vô úy và bất khuất trước giông bão và bạo quyền, xứng đáng là như biểu tượng hoa sen trằng của nó. Xét ở tầm vi mô, mọi hoạt động sinh hoạt của một đơn vị GĐPT phải đều do Ban Huynh Trưởng quyết định, do Ban Huynh Trưởng hoạch định, xây dựng và điều hành. Việc này thể hiện cao độ tính nhất quán, đoàn kết và cộng trụ của tổ chức GĐPT. Một hành vi sơ suất, một cử chỉ thiếu chánh niệm của huynh trưởng có thể ảnh hưởng không tốt đến đoàn sinh và thậm chí phương hại đến thanh danh của đơn vị. Do đó tự bản thân mỗi huynh trưởng phải tự nghiêm khắc đào luyện và bản thân Ban Huynh Trưởng cũng quản lý chặt chẽ thành viên của Ban từ lối sống, hành vi, lời nói …sao cho vừa khế hợp với tinh thần nhà Phật, vừa không sai nội quy, quy chế huynh trưởng và đặc biệt không để đoàn sinh bị ảnh hưởng không tốt.

        Tính thống nhất còn thể hiện ở chỗ hiện nay GĐPT là một bộ phận nằm trong lòng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Phương châm của Giáo Hội : “ Đạo Pháp – Dân Tộc – CNXH” còn mục tiêu của GĐPT “ Đào luyện thanh thiếu đồng niên tin phật trở thành những phật tử chân chính, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội “, như vậy cho thấy giữa Giáo Hội và GĐPT cùng chung một mục tiêu: Đạo Pháp – Dân Tộc. Mọi hoạt động, sinh hoạt của GĐPT đều nhắm đến mục đích chung của Giáo Hội, phục vụ cho Giáo Hội khi Giáo Hội cần. Chính vì vậy trong kế hoạch sinh hoạt của mỗi đơn vị GĐPT đều được xây dựng dựa trên kế hoạch của Giáo Hội địa phương.

        – Tính Khoa Học: GĐPT được tổ chức và biên chế theo những phương pháp mang tính khoa khọc chặt chẽ. Xét theo cấp bậc GĐPT có tổ chức từ TW đến cơ sở, tại mỗi cấp độ đều có người đảm trách từng bộ phận chuyên môn: Tổ kiểm, nghiên huấn, thanh, thiếu, đồng niên…Xét về lứa tuổi, GĐPT có ba cấp theo từng độ tuổi: Thanh, Thiếu, đồng niên. Về giới thì có ngành Nam và ngành Nữ. Mỗi một ngành đều có ngày kỉ niệm riêng của mình.

      Tính khoa học còn thể hiện trong chương trình đào tạo đoàn sinh và huynh trưởng. Ngành đồng có 4 bậc học: Mở mắt, cánh mềm, chân cứng, tung bay. Ngành Thiếu cũng có 4 bậc: Sơ thiện, Hướng thiện, Trung thiện, Chánh thiện. Tương tự 4 bậc học của Ngành Thanh gồm: Hòa, Minh, Kiến, Trực. Mỗi ngành chương trình đào tạo đều 4 năm tùy theo lứa tuổi, tâm sinh lý mà nội dung các bài học khai thác ở một góc độ khác nhau. Bên cạnh việc đào tạo đoàn sinh GĐPT còn đào luyện đội ngũ lãnh đạo tuỳ theo thứ bậc mà mở các trại huấn luyện như: Tuyết Sơn cho ngành Đồng, A Nô Ma – Ni Liên cho ngành Thiếu, Lộc Uyển là trại huấn luyện sơ cấp huynh trưởng, cao hơn có các trại: A Dục, Huyền Trang, Vạn Hạnh. Mỗi khóa trại chuyên huấn luyện huynh trưởng cho từng vị trí trong GĐPT. Ví dụ: Tuyết Sơn huấn luyện đầu thứ đàn, A Nô Ma – Ni Liên huấn luyện đội chúng trưởng, Lộc Uyển huấn luyện huynh trưởng tập sự đảm nhiệm đoàn phó, A Dục huấn luyện đoàn trưởng, Huyền Trang huấn luyện Liên đoàn trưởng và cuối cùng trại Vạn Hạnh huấn luyện ủy viên lãnh đạo cấp tỉnh thành và trung ương. Đối với huynh trưởng ngoài việc tham gia các kì trại huấn luyện thiên về kĩ năng quản lí, còn có 4 bậc học thiên về kĩ năng Phật pháp đó là : Kiên, Trì, Định, Lực. Qua đây cho thấy hệ thống tổ chức, chương trình đào tạo – giáo dục trong GĐPT được nghiến cứu, tổ chức rất công phu và khoa học. Đảm bảo một người đoàn sinh và huynh trưởng khi đến với tổ chức phải hiểu, tin đúng tin vững chứ không mù mờ, mê tín dị đoan.

        – Tính hiện đại và năng động: GĐPT ngoài những hoạt động tu học mang tính đặc thù của Phật giáo: Tọa thiền, tụng kinh, niệm phật….còn mang tính trẻ trung và hiện đại. Sự trẻ trung và hiện đại ấy thể hiện ngay trên sắc phục của GĐPT, không phải là chiếc áo dài khăn đóng mà là quần sọc (nôi quy hiện nay còn cho phép mặc quần tây dà trong một số trường hợpi) áo ngắn tay (đối với nam), đối với nữ vẫn trung thành với chiếc áo dài duyên dáng của dân tộc và đôi lúc vẫn cho phép mặc trại phục để dễ hoạt động, sinh hoạt. GĐPT ngoài việc dạy giáo lý còn có các kĩ năng: Văn nghệ, Xã hội, hoạt động thanh niên. Với những kĩ năng này, một đoàn sinh GĐPT sẽ rất dễ bắt nhịp khi đi sinh hoạt Đoàn, Hội, Đội,….Bởi vì GĐPT và các tổ chức ngoài xã hội trên không khác mấy về kĩ năng hoạt động thanh niên. Cho nên tại đơn vị mà người viết sinh hoạt đa phần anh em điều đảm nhận tốt vai trò lớp trưởng, liên đội trưởng, bí thư, liên đoàn trưởng….tại trường, lớp mà họ theo học.

          Tính năng động và hiện đại còn thể hiện ở chỗ tư tưởng mà GĐPT truyền trao cho đoàn sinh. Một số người chưa hiểu cho rằng GĐPT là bi quan, yếm thế , mê tín dị đoan, chứ họ đâu biết đây là một tổ chức giáo dục thiên về đức dục Phật giáo nhằm đào tạo con người sống đẹp, hướng thiện và hướng thượng theo chân tinh thần Phật giáo. Lời bài hát Tình Lam Ca có thể là một ví dụ tiêu biểu: “ Nào cúng cầm tay góp sức xây đời, cùng gieo niềm tin sáng soi ngàn nơi, dù bao gian nguy đời ta vẫn tới, áo Lam chan hòa đời đời nguyền ghi,…” hoặc “ Đoàn Liên Hương ta vui sống trong ánh đạo vàng bên nhau chúng ta yêu đời, yêu nhau chúng ta xây đời….” và “ Có ai hỏi rằng em vô GĐPT vì sướng hay là vì vui? Em trả lời rằng em vô GĐPT chẳng sướng mà cũng chẳng vui, em vô vì lí tưởng thôi. Lí tưởng phật tử giúp em tu sửa thân mình, mang tình huynh đệ đến cho mọi người mười phương……” Còn biết bao bài ca, lời hát mà nội dung mang đậm tính giáo dục, động viên khuyến khích người trẻ hăng say, năng động, tích cực trong cuộc sống và trên bước đường tìm về bờ giải thoát. GĐPT tuyệt nhiên không bi quan, yếm thế ngược lại rất hiện đại, trẻ trung và mang tính nhân văn sâu sắc. Người đoàn sinh gia đình phật tử luôn chấp hiện thực , không chạy trốn mà bình tâm suy xét để cải tạo hiện thực, góp phần xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.

         Khi bạn sinh hoạt GĐPT, tôi tin rằng bạn sẽ học được nhiều điều bổ ích cho cuộc sống. Việc nhận biết các đặc tính trên của GĐPT càng giúp tôi cũng cố niềm tin nơi tổ chức, và hy vọng GĐPT sẽ là một mô hình đào luyện chính cho tầng lớp thanh niên tin phật của hôm nay và mai sau.

         Mới đây qua Internet, người viết được biết Phân Ban Hướng dẫn GĐPT TW họp tổng kết cuối năm và hoạch định kế hoạch cho năm tới, trong các kiến nghị, tôi rất nhiệt liệt ủng hộ những kiến nghi sau:

    “ …..-Đặc biệt Hội nghị đã thống nhất giao Ban Thường trực Phân Ban đệ trình Giáo hội xin điều chỉnh danh xưng Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia Đình Phật Tử cho phù hợp với hiến chương Giáo hội cũng như xin cho GĐPT có con dấu riêng trong điều hành sinh hoạt nội bộ thể hiện tinh thần tự chủ của GĐPT trong lòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Phân Ban Trung ương cũng đã có một số thỉnh thị và kiến nghị với Giáo hội

-Thỉnh nghị Ban Thường trực hội đồng trị sự chỉ đạo các Tỉnh, Thành hội có hướng chỉ đạo cụ thể và biện pháp thích hợp để giúp gia đình phật tử được sinh hoạt ổn định theo sự quản lý của Giáo hội đúng theo Hiến chương và luật pháp.

– Xin Trung Ương hổ trợ cho GĐPT về việc in ấn tài liệu tu học, tổ chức các lớp huấn luyện Huynh trưởng được hiệu quả hơn…..” (nguồn web: giadinhphattu.vn)

Qua kiến nghị này cho thấy Phân BHD GĐPT TW đã thấy được sự cần thiết phải thống nhất nề nếp sinh hoạt GĐPTVN trong khuôn khổ hiến chương của Giáo Hội và luật pháp của nhà nước, đồng thời cần mở rộng tính tự chủ trong nội bộ GĐPTVN thông qua việc cấp con dấu riêng. Tôi cho việc này hết sức cần thiết. Rất mong chư tôn đức lãnh đạo Giáo Hội quan tâm tạo điều kiện cho GĐPTVN phát triển hơn nữa, góp phần phụng sự đạo pháp và dân tộc. Tôi rất tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của Giáo Hội và tinh thần Lục Hòa của quý anh chị trưởng. Ngửa mong oai đức từ bi mười phương chư Phật, chư đại Bồ Tát gia hộ cho GĐPT ngày càng hưng thịnh, xứng đáng là một bộ phận nòng cốt, rường cột cho Giáo Hội hôm nay và mãi về sau.

 

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.