HÀNH HƯƠNG THÁNH TÍCH PHẬT GIÁO TẠI ẤN ĐỘ-NEPAL XÁC TÍN NIỀM TIN VÀ ĐÔI ĐIỀU SUY GẪM Ký sự Tâm Giới PHAN NGỌC THẢO –Thiện Thông TẠ NAM TRÂN


II/ XÁC TÍN NIỀM TIN
Những gì sử sách Phật Giáo đã ghi về tiểu sử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được kiểm chứng qua các Thánh tích con lưu lại hiện nay:
 +Vườn Lâm -Tỳ -Ni (Lumbini) : Nơi Đức Phật đản sanh xưa kia là nước Ấn Độ, bây giờ Thánh tích này thuộc nước Nê-pal. Là một khuôn viên rộng lớn, trên   đường dẫn vào vườn Lâm-Tỳ-Ni, có tượng Thái tử đản sinh cao 4m bằng đông mạ vàng, vẻ đẹp xuất trần, do các nước Phật giáo xây dựng. Bên trong khu vườn, có đền thờ Hoàng Hậu Maya.  Bên trong đền là cấu trúc nền nhà cổ xưa đã được khai quật. Trong đó có một bia đá đánh dấu nơi Đức Phật Đản sinh. Cạnh đền thờ là hồ nước, nơi Thái tử Tất Đạt Đa được tắm sau khi đản sinh. Tại đây còn trụ đá vua A Dục dựng lên  năm 259 TCN để đánh dầu nơi Phật đản sinh. Chung quanh  khu vực vườn LTN không xa, có  chùa của các nước: Việt Nam,Thái Lan, cam pu chia, Myanmar, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… Chùa Việt Nam do Hoà Thượng Thích huyền Diệu xây dựng rất khang trang, trong vườn có đàn chim Hồng hạc dạo chơi thanh thản trong màng sương lạnh ban mai.
           +Bồ đề Đạo Tràng (Bodhgaya): Người hành hương thấy mình quá nhỏ bé trước tháp Đại Giác  đồ sộ, trang nghiêm.Tâm điểm trong tháp là pho  tượng bằng đá mạ vàng được tạc vào thế kỷ thứ 10 sau công nguyên. Đền Mahabodhi với tháp cao 52m được Quốc vương Miến Điện trùng tu vào năm 1874 trên nền ngôi tháp do vua A Dục (Asoka) xây cất vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, đánh dấu nơi Đức Phật thành đạo.
 Đây là nơi thu hút và để lại ấn tượng sâu sắc cho Phật tử và du khách đến chiêm bái. Cội Bồ Đề linh thiêng và toà Kim Cang nơi Thái Tử Tất-Đạt-Đa ngồi tham thiền trước khi thành Phật vẫn hiện hữu… Hàng chục đoàn hành hương nối tiếp nhau vào Tháp đảnh lễ Ngài và ngoài vườn tháp trên các bãi cỏ rộng, nhiều đoàn Tăng Ni, Phật tử các nước cử hành lễ cầu nguyện.Về đêm cảnh sắc Bồ đề đạo tràng thật muôn màu rực rỡ. Chỗ nào cũng đèn hoa lấp lánh trang nghiêm, đẹp đẽ vô cùng, làm bừng sáng cả một góc trời.
          Cách  Bồ Đề ĐạoTràng khoản 2km là Mộ tháp thôn nữ Tu-Xà -Đề (Sujata), người dâng sữa cho Thái Tử khi Ngài bị kiết sức bên dòng sông Ni-Liên-Thiền (dòng sông rất rộng khoản 500m, nhưng hiện nay đã khô cạn. Nằm trên đường đi Khổ hạnh lâm). Đền thờ người thanh niên Ku Sa (Cát tường) dâng bó cỏ làm bồ đoàn cho Thái Tử ngồi trong 49 ngày thiền định dưới cội bồ đề. Rõ ràng từ việc lớn đên việc nhỏ đều được thế hệ kế thừa ghi lòng tạc dạ.
Tại vùng nầy có 2 chùa Việt Nam (Chùa Việt Nam Phật Quốc tự của HT Huyền Diệu, chùa Kiều Đàm Di của Ni Sư  Khiết Minh) và chùa Tây Tạng, Bhutan, Srilanka, Nhật Bản… 
 + Vườn Lộc Uyển (Sarnath) còn gọi là Vườn Nai, nơi đây có tháp Hạnh ngộ (Chaukhandi) nơi Đức Phật gặp lại 5 người bạn đồng tu khổ hạnh:  Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lịch Ca Diếp, Ma Ha Nam Câu Ly và Bạc Đề. Đức Phật đã chuyển pháp luân, giảng bài pháp đầu tiên (Tứ Diệu Đế). Sau bài Pháp nầy, Ba Ngôi Báu (Tam Bảo): PHẬT, PHẤP, TĂNG được hình thành. Vườn Lộc Uyển cách thành phố Ba-la-Nại (Varanasi) 13 km, tại đây có đại tháp Dhamekh được vua Asoka xây dựng vào thế kỷ thứ III TCN, đánh dấu nơi thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật Thích Ca. Nơi đây có ngôi chùa Tích Lan  và mô hình 5 anh em ông Kiều Trần Như cung kính nghe pháp của Đức Thế Tôn và bài Kinh Chuyễn Pháp Luân được khắc trên đá hoa cương.
 + Rừng CâuThiNa (Kushinagar)
          Chiêm bái tháp Đại Niết Bàn (Mahaparinirvana Temple) màu trắng trang nghiêm, được xây dựng năm 1956 trên nền ngôi chùa cổ xưa, đánh dấu nơi Đức Phật nhập diệt. Bên trong là tượng Phật nằm dài khoảng 6,1m được khai quật vào năm 1876-1877.Tượng Phật được tạc từ một khối đá màu hồng đỏ, vào khoảng thế kỷ thứ 5 TL. Tư thế Đức Phật nằm nghiêng bên phải, mặt hướng về phía tây, đầu hướng về phía Bắc. Tấm Đại Y do đoàn hành hương kéo qua kim thân Ngài, ai ai cũng xúc động  như tiễn đưa người thân thương nhất của mình về cõi vĩnh hằng, những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, lòng buồn vời vợi…! Chúng tôi lang thang đi tìm cây Sa La song thọ, nhưng không tìm thấy. Trải qua mấy ngàn năm biết có còn hay không?  
          +Đỉnh núi Linh Thứu (Gijjhakuta) một ngọn núi như hình con kên  tọa lạc ở phía nam thành Vương Xá, đường dốc cao nhưng đã được lót gạch nên cũng dễ đi. Lúc đầu, có vài người lớn tuổi do dự, nhưng sau đó 30 phút tất cả đều có mặt  để lắng lòng chiêm ngưỡng chốn Linh Sơn . Đây là nơi  Đức Phật từng thuyết giảng Bát nhã Tâm kinh, Diệu pháp Liên hoa và nhiều bộ kinh khác cho chư thiên và các vị A La Hán. NAM MÔ LINH SƠN HỘI THƯỢNG PHẬT BỒ TÁT chinh là nơi nầy, tuyệt vời làm sao, từ lời kinh đến thực đia. Hạnh phúc biết bao!
 Ở lưng sườn núi, chúng tôi được thấy hai hang đá của Ngài Xá lợi Phất và Ngài A Nan. Một niềm xúc động, kính ngưỡng trước những di tích lịch sử xa xưa nay còn lưu lại dấu ấn.
 Khi đến các thánh tích đoàn đều có khóa lễ Tri ân và tưởng nhớ Phật trang nghiêm,chân thành với lòng tôn kính bậc Đạo Sư đã từ bỏ tất cả để tự mình chứng đắc VÔ THƯỢNG BỒ ĐỀ.
+Viện Đai Học NalanDa: Trường đai học Phật giáo đầu tiên và lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, với diện tích 49 km2 dược thành lập 400 năm sau khi Phật nhập diệt. Trường có 10 ngàn học sinh và 1.500 giáo sư giảng dạy, chính ngài Huyền Trang cũng đã từng học tập và giảng dạy 16 năm du học tại Ấn Độ. Trường giảng dạy rất nhiều bộ môn: Triết học Đông, Tây, Mỹ thuật, Hội họa, Âm nhạc .v.v.
          Vào thế kỷ 13, quân đội Hồi giáo xâm lăng Ấn Độ đã phá trường, giết học sinh, thầy giáo và đốt tất cả kinh sách.Trong phế tích này còn lại một giếng nước sâu hun hút. Nơi đây là quê hương của Ngài Xá lợi Phất. 
+ Thánh tích Tỳ xá Ly(Vaisaly) nơi diễn ra cuộc kết tập kinh điển lần thứ II do Ngài Da Xá chủ trì. Nơi đây Đức Phật đã trãi qua mùa an cư thứ 5 và 14. Tỳ xá Ly được xem là chốn tổ của Ni đoàn. Chính nơi đây Di Mẫu Kiều Đàm cùng 500 thế nữ dòng họ Thích được Đức Phật cho phép xuất gia.Trụ đá vua A Dục dựng lên là khối đá sa thạch nguyên khối cao 6,7m với tượng sư tử trên đầu quay mặt về hướng bắc, đánh dấu nơi Đức Phật giảng bài pháp cuối cùng, hàm chứa các nội dung nói đến chuyến đi vào cõi Niết Bàn của Ngài. Nơi đây Ni đoàn đã xây tháp A-Nan để ghi ơn Ngài đối với giới nữ xuất gia.
 +Tháp Xá Lợi Phật là nơi khi xưa tôn thờ 1 trong 8 phần xá Lợi Phật mà dòng họ Liccchavis được chia sau lễ trà tỳ tại Câu Thi Na (hiện nay Xá Lợi nầy được trưng bày tại bảo tàng quốc gia Ấn Độ)
 +Tịnh xá Trúc Lâm (Venulava), Đoàn đã đến thăm tịnh xá Trúc Lâm (rừng trúc) nơi đức Phật  thuyết pháp cho chư tăng vào những ngày đầu tiên Tăng đoàn được thành lập, hành giả ngồi dưới cội cây cổ thụ ngắm nhìn hồ nước phẳng lặng, tâm hồn bình an.
+Tịnh Xá Kỳ Viên (jetavana Vihara), Đòan rất hào hứng khi viếng tịnh xá Kỳ Viên (Kỳ Đà –Cấp Cô Độc  viên). Nơi Đức Phật đã thuyết pháp cho Tăng đoàn trong suốt 25 mùa an cư kiết hạ.Tại đây cây bồ đề A-Nan-Da được trồng làm biểu tượng hiện thân của Đức Phật khi ngài vắng mặt.
           + Khổ Hạnh Lâm, hang đá nơi Đức Phật tu khổ hạnh nằm trên ngọn núi cao, vách đá sừng sửng, chung quanh là những dãy núi chập chùng. Bên trong hang đá thờ tượng Đức Phật khổ hạnh bằng đồng. Trên triền núi có chùa Tây Tạng. Đường đi khá vất vã, đên đây mới thấy sự gian khổ cùng cực của một tu sĩ tu ép xác. Chúng con xin đảnh lễ Ngài và nguyện tinh tấn tu học,hành trì  theo lời dạy của Ngài:
           “ Không làm các điều ác
              Nguyện làm các việc lành
              Luôn giữ tâm ý trong sạch…”
          + Bình minh trên sông Hằng
Có thể nói rắng chưa có một cảnh bình minh nào đẹp, linh thiêng như cảnh bình minh trên sông Hằng này.
Chúng tôi bước xuống thuyền nhìn về phương Đông để chiêm ngưỡng cảnh mặt trời mọc. Bấy giờ mặt trời đỏ như son to bằng quả cầu lửa lừng lững nhô lên ở chân trời, trông như rất gần.
Bầu trời trong vắt không một gợn mây, mặt nước mênh mông lăn tăn gợn sóng. Chim Hải Âu bay liệng từng đàn, sà xuống đớp mồi của du khách rãi trên mặt nước, chúng tỏ ra thân thiện với người. Nhiều đoàn khách Phật giáo thuê thuyền chạy dọc dòng sông để đọc kinh, thả nến và hoa xuống dòng sông cầu nguyện cho hằng triệu sinh linh nơi đây được siêu thoát! Mặc cho thời tiết lạnh giá, nhiều người xuống sông tắm gội, họ tin rằng nước sông Hằng linh thiêng có thể tẩy sạch nghiệp trần khổ đau, bệnh hoạn…
Trên bờ sông nhà cửa san sát, đường sá đông đúc khách tham quan, người mua kẻ bán, súc vật thả rông, người ăn xin ngồi la liệt, xe cộ giành nhau đón khách, cảnh tượng thật xô bồ. Đó đây là những giàn hỏa lộ thiên thiêu xác chết, khói bốc lên đen ngòm, khét nghẹt.
 
III/ ĐÔI ĐIỀU SUY GẪM
              -Ấn Độ là một trong ba nền văn minh cổ đại (Hy Lạp-Ấn Độ-Trung Hoa). Ngày nay, Ấn độ là nước đông dân thứ 2 thế giới (sau Trung hoa) và là nước có nền kinh tế phát triển xếp hạng thứ 7 thế giới và thứ 3 Châu Á (sau Trung Hoa và Nhật bản). Nổi bật là ngành công nghiệp Ô tô, công nghệ Thông tin, Dược phẩm v.v…
          -Về mặt tín ngưỡng tôn giáo: Hindu (Ấn độ giáo) 80,5%, Hồi giáo 13,4%, Phật giáo 5%, Thiên chúa giáo 2,3%, các đạo khác 2,9%. Như  vậy, Ấn Độ hiện nay không phải là đất Phật mà chỉ là nơi có các phế tích Phật giáo, đánh dấu sự khai sinh của  đạo Phật  qua sự hành đạo và chứng đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, cách đây 2642 năm. Hiện tại các nước Myanmar, Thái Lan, Tích Lan, Srilanca, Camphuchia, Bhutan…mới là đất Phật, vì có trên 90% dân số theo đạo Phật.
          Trong 12 ngày ở Ân độ, chúng tôi có dịp tham quan thủ đô New Delhi, các thành phố Varanasi, Bodhgaya, Patna, Vaishali, Padrauna, Kushinagar thuộc các Bang vùng Bắc và Đông bắc Ấn và vùng Lumbini của Nepal.
            -Về vấn đề Dân sinh, ngoài thủ đô New Delhi, còn lại các nơi khácthuộc phía bắc Ân đời sống dân chúng hầu như nghèo nàn, lạc hậu và thất học. Nhà cửa hầu hết được xây tường gạch nhưng vách không tô vữa, nên trông diêm dúa, cũ kỷ, ẩm thấp, ngổn ngan, (dường như không có sự qui hoạch  của Nhà nước), kể cả nơi phố thị sầm uất.  Đường sá chen chúc người, xe cộ, súc vật và người mua bán. Môi trường ô nhiễm, phương tiện giao thông xấu xí, tắt đường, bụi bặm…
          -Vấn đề xã hội, sự kỳ thị giai cấp khá rõ rệt, bên cạnh những khu phố khang trang, đẹp đẽ có cả những khu nhà ổ chuột của giai cấp nô lệ (Ba-ri-a). Không có bình đẳng giới, 90% nam giới có mặt ngoài xã hội (công sở, nhà máy, xí nghiệp, mua bán, dịch vụ, nương rẫy v.v…). Người ăn xin (đàn bà, trẻ em, người già) quá nhiều, nhất là tại những nơi có thánh tích Phật giáo số lượng lên đến năm, ba trăm người. Phải chăng giai cấp cầm quyền không hề quan tâm đến tầng lớp thấp? Hay những người cùng đinh họ mặc nhiên chấp nhận số phận nô lệ của họ? Chúng tôi trộm nghĩ, cách đây 2.600 năm, Đức Phật đã khuyến cáo: Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ” và bài học gần nhất là gương đấu tranh bất bạo động của Ngài Ghandhi năm 1948 để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc Ấn, trước sự đô hộ của Anh quốc. Gần 3.000 năm trôi  qua, xã hội Ấn độ vẫn tồn tại giai cấp thống trị và bị trị. Nhà cầm quyền Ấn độ hiện nay, đã suy nghĩ và hành động như thế nào về vân đề giai cấp và bình đẳng giới  trong xã hội, trước trào lưu tiến bộ của nhân loại hiện nay?
          -Vấn đề hỏa táng trên bờ sông Hằng, theo phong tục người chết được đặt nằm trên giàng hỏa lộ thiên, không được che chắn, người sống vây quanh, dân cư sống trên bờ sông sinh hoạt bình thường trong làn khói khét nghẹt của xác chết. Sau đó, phần xác còn lại được thả xuống dòng sông Hằng. Thật là mất vệ sinh vô cùng! Vậy mà người địa phương  tin rằng nếu ai đó được hỏa táng ở đây sau khi chết, linh hồn của họ sẽ được yên nghỉ trên thiên đàng mãi mãi.
          Có một điều chúng tôi nghĩ người Việt Nam chúng ta cần phải học tập, đó là việc hút thuốc lá và uống bia, rượu.! Trong suốt thời gian ở Ấn độ, đi khắp mọi nơi từ thành thị đến nông thôn, chúng tôi không bắt gặp một người nào hút thuốc lá nơi công cộng, phố xá không có một quán ăn nhậu, trong nhà hàng ở Khách sạn 3-5 sao đều có bản niêm yết “không bán rượu, bia”. Do đó không có người say xỉn, quậy phá. Thức ăn chính của người dân Ấn hàng ngày là cơm, mì sợi, các loại đậu, rau, ngũ quả và trứng. Gần như là Ăn chay! Ngoài ra, họ thương yêu, không giết hại gia súc, gia cầm,  chim chóc và không chặt phá cây rừng.!
          IV/ KẾT LUẬN
Thưa chư vị, một chuyến hành hương 12 ngày với 5 trang giấy, chúng tôi chỉ tóm tắt những điều cơ bản nhất qua mắt thấy, tai nghe và suy nghiệm. Từ đó,  có thể rút ra mấy ý sau đây:
          – Về mặt tổ chức, chuyến hành hương thành công tốt đẹp.
          –  Mỗi thành viên trong đoàn, có thêm hành trang trong cuộc sống, tăng trưởng niềm vui.
           – Niềm tin về giáo lý Phật Đà được xác tín và vũng chắc hơn.
           – Nhìn đất nước và cuộc sống của họ, mình sẽ có cái nhìn “thiền quán” về mình, về đất nước mình.
 Xin hãy lắng lòng hành trì lời dạy của Đức Phật:
           “Lấy nhẫn nhục làm pháp môn tu luyện
             Lấy trí tuệ để xét đoán việc đời
            Lấy từ bi để yêu thương tất cả.”
 
              NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
                                                                  
       thao.phangoc@gmail.com      dt   0919462898
           Tạ Nam Trân    đt         0903519530
 
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.