Nhận định về chương trình tu học tu chỉnh của Gia đình Phật tử Việt Nam

    Gia đình Phật tử (GĐPT) là một tổ chức giáo dục Thanh Thiếu nhi Phật giáo thông qua sứ mệnh của người Huynh trưởng là hướng dẫn, đào tạo Đoàn sinh trở thành những Phật tử chân chính, có đầy đủ Chánh tín để không rơi vào mê tín; có đầy đủ chánh kiến để có thể hiểu biết về những lời dạy của Đức Thế Tôn. Khi lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt, biết rõ về quyền lợi cá nhân không tách rời khỏi quyền lợi của Dân tộc; biết giữ gìn và phát huy truyền thống yêu Đạo pháp, yêu quê hương xứ sở mà các thế hệ tiền bối đã để lại.

    Kể từ khi được Giáo hội Phật giáo khai sinh cho đến nay GĐPT đã trải qua 60 năm tồn tại, phát triển, luôn đặt pháp lý của tổ chức trong lòng pháp lý giáo hội. GĐPT cũng là một tổ chức xã hội không khác gì các tổ chức xã hội đồng thời. Duy chỉ khác nhau một điều là GĐPT có một sinh mạng lâu dài hơn cả, dù trong quá trình tồn tại đã trải qua nhiều thử thách, cam go; dù đã trải qua biết mấy mùa mưa nắng, đến nay vẫn tiếp tục tồn tại, phát triển trong một xã hội đầy mới mẻ của thời đại. Thực tiễn này phải chăng là một điểm son của tổ chức, đồng thời đó cũng là niềm tự hào của mỗi chúng ta?

    Do tính chất giáo dục của GĐPT nên các thế hệ huynh trưởng lãnh đạo đã không ngừng phát huy sáng kiến, sáng tạo xây dựng các văn kiện pháp quy, cùng với một nội dung chương trình tu học khá chặt chẽ ngay từ buổi ban đầu. Rồi từng bước xây dựng, củng cố tổ chức, tu chỉnh nội dung, phân chia đoàn sinh thành 3 ngành đó là: ngành Đồng, ngành Thiếu và ngành Thanh. Mỗi ngành có một nội dung giáo dục riêng (nhưng không tách rời) phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với tâm lý, sinh lý và tình cảm. Đây là một bước tiến quan trọng nhất của GĐPT sau 60 năm hoạt động cho đến nay, thành tựu ấy vẫn được tiếp tục gìn giữ và phát huy.

    Dòng đời cứ trôi chảy, con người và xã hội cũng đã có nhiều biến chuyển sâu sắc. Để đáp ứng những yêu cầu tu học và thích ứng cho mỗi thời kỳ nên trước đây cứ 3 năm có một lần đại hội Huynh trưởng toàn quốc để tu chỉnh nội dung giáo dục, cho đến Đại hội Huynh trưởng toàn quốc năm 1973 tại Đà Nẵng là lần tu chỉnh cuối cùng bởi sau đó thì mọi cơ chế xã hội đều thay đổi.

    Sau khi được GHPGVN chính thức thừa nhận GĐPT là một bộ phận cấu thành của giáo hội, những đứa con của gia đình áo Lam lại trở về núp bóng mát và tắm gội trong dòng nước yêu thương của Giáo hội.

   

    Năm 1998, Phân ban HD/GĐPT TW được thành lập. Việc làm trước tiên của Phân ban là tập hợp nhân sự sau một thời gian dài bị ly tán, mặt khác lo củng cố tổ chức từ Trung Ương cho đến các đơn vị tỉnh, thành. Mãi cho đến năm 2006 một Hội nghị Huynh trưởng GĐPT toàn quốc được triệu tập từ ngày 11/8 đến ngày 14/8/2006 tại VP2 TW Giáo hội và Tổ đình Vĩnh Nghiêm thuộc TP Hồ Chí Minh với chuyên đề tu chỉnh chương trình tu học, sau hơn 30 năm chưa có dịp tổ chức Đại hội. Hội nghị này là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Thành quả của Hội nghị này là sự tổng kết trí tuệ của nhiều thế hệ Huynh trưởng trong cả 2 thời kỳ, không có quá khứ thì làm sao có hiện tại. Nhờ có quá khứ làm nền tảng nên hôm nay mới có cơ sở để xem xét, chọn lựa để bổ sung những gì hầu thích ứng với con người và xã hội hôm nay, một trong những vấn đề quan trọng là phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của đa số đoàn sinh để các em có thể chấp nhận được.

    Cuối cùng hội nghị đã cấu trúc một nội dung chương trình tu học cho các ngành theo định hướng giáo dục mới. Vậy thì, những vấn đề mới mẻ trong tập tài liệu đang ở trên tay của mỗi anh chị là những vấn đề gì?

1. Định hướng giáo dục:

    Suốt 60 năm qua là tổ chức giáo dục nên GĐPT đã xây dựng một nội dung chương trình tu học khá chặt chẽ và đầy đủ. Có mục tiêu giáo dục; có nội dung giáo dục bao gồm các lãnh vực Đức dục, Trí dục, Thể dục, lao động và thẩm mỹ. Để thực hiện nội dung giáo dục, GĐPT đã đề ra phương pháp giáo dục nhưng lại chưa đề ra một định hướng giáo dục để xác định con đường giáo dục mang tính đặc trưng của GĐPT. Định hướng giáo dục là sợi chỉ xuyên suốt toàn bộ nội dung giáo dục.

    Hội nghị đã biểu quyết lấy Tam học Giới – Định – Tuệ làm định hướng giáo dục cho GĐPT. Giới Định Tuệ là con đường giáo dục do đức Phật mở ra, Ngài tự thực hiện con đường và dẫn dắt các hàng đệ tử thực hiện con đường đưa đến thành tựu các Thánh quả.

    GĐPTVN lấy Giới – Định – Tuệ làm định hướng giáo dục là một chuyển biến mới trong việc tu học, giúp cho tuổi trẻ Phật giáo có một cuộc sống quân bình giữa Thân và Tâm; giữa Đức và Trí; giữa học tập chánh pháp và hành trì chánh pháp; giữa vật chất và tinh thần vì chúng ta đang sống trong một thời đại thật dễ dàng bị cuốn hút theo vật chất và quên lãng đến các giá trị tinh thần vốn có. Giới – Định – Tuệ là con đường giáo dục truyền thống, mang tính lâu dài sẽ không bị rơi lại đằng sau thời đại.

    Đây là vấn đề mới thứ nhất.

2. Những đề tài xuyên suốt:

    Chọn một số đề tài xuyên suốt cho các bậc học của Đoàn sinh là một sáng kiến đáng quan tâm, giúp cho người biên soạn chỉ cần biên tập một bài thật chính xác cho bậc học thấp nhất làm cơ sở rồi từ đó nâng cao dần nội dung cho các bậc học tiếp theo mang đầy đủ tính giáo khoa sư phạm.

    Đây là điểm mới thứ hai.

3. Giản lược nội dung chương trình:

    Chúng ta biết rõ, nội dung giáo dục của học đường ngày nay đã là gánh nặng đối với học sinh các cấp, trong đó có đoàn sinh của GĐPT. Vì thế, chúng ta không thể bỏ thêm vào hành trang của các em, dù là chánh pháp của đức Phật, chúng ta chủ trương “Học ít hiểu nhiều, làm nhiều” để những bài học trở thành những hạt giống tốt, thiện lành tích chứa thêm nhiều vào “tân huân chủng tử” thức thứ 8 của các em. (trích Lời nói đầu tập chương trình tu học và huấn luyện).

    Đây là điểm mới thứ ba.

4. Phần tu học tự thân:

    Phần tu học tự thân cho mỗi bậc học của Huynh trưởng là những bước đi và thực hiện thường xuyên trong đời sống về những lời dạy của đức Thế Tôn thông qua sự tinh cần và nỗ lực tu tập Thiền định để cái Tâm không bị tán loạn, chạy lung tung. Ngược lại, thực hành Thiền tập là để giữ cái Tâm và cái Thân cùng một thể.

    Đây là điều mới thứ tư.

5. Đưa Thiền Chánh niệm vào bậc học và lứa tuổi nhỏ nhất:

    Đến nay vẫn còn khá nhiều người vì chưa có những hiểu biết cơ bản về Thiền định Phật giáo nên vừa nghe đến Thiền đã hoang mang, sợ hãi. Họ cho rằng Thiền định Phật giáo mang tính cao siêu, thiêng liêng chỉ dành cho hàng Phật tử thượng trí mà không biết Thiền định chỉ là phương pháp huấn luyện thân và huấn luyện tâm bất cứ mọi lúc, mọi nơi trong đời sống, trong đi, đứng, nằm ngồi và lứa tuổi nào cũng có thể tự huấn luyện mình mà không xảy ra những hiện tượng làm cho tâm hoang mang, dao động, sợ hãi.

    Đưa Thiền chánh niệm vào lứa tuổi thiếu nhi là một chủ trương chính xác và cần thiết giúp cho các em đi vào huân tập hằng ngày để có thể tạo quân bình giữa Động và Tĩnh; giữa ồn ào và im lặng.

    Đây là điều mới thứ năm.

6. Chia bậc học ngành Thanh từ 2 thành 4 bậc học:

    Ngành Thanh hôm nay khác xa với ngành Thanh trước kia, hầu hết anh chị em đều là cha, là mẹ, là ông bà. Vì phải đối diện với hoàn cảnh và trách nhiệm nên không còn có mặt trong đội ngũ Huynh trưởng cầm Đoàn. Các anh chị đã không thể tiếp tục sứ mệnh của người Huynh trưởng thì làm sao có thời gian, hoàn cảnh để tu học nhiều đề tài Kinh sách được. Thậm chí, có anh chị học thì có nhưng giữ lại cái sở học thì không còn bao nhiêu. Do đó, việc chia thành 4 bậc học là thích ứng với thành phần này nhất.

    Đây là điểm mới thứ sáu vậy.

    Tóm lại, nội dung chương trình tu học của GĐPTVN được tu chỉnh tại Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc vào các ngày 11/8 đến ngày 14/8/2006 là một bước tiến mới rất quan trọng, vừa đáp ứng được với hoàn cảnh của con người mới, xã hội mới vừa là dấu ấn mới của một thời kỳ mới của GĐPTVN nhằm tạo ra những chuyển biến cùng khắp trong tổ chức. Một sự trở về với giáo lý truyền thống, trở về với con đường mà đức Phật đã mở ra gần 3 ngàn năm trước sẽ là những bước đi vững chắc nhất, đúng hướng nhất thì mới có thể đáp ứng được những yêu cầu tu hành cho những ai có đầy đủ niềm tin đang có mặt trong một thế giới hiện đại này.

    Nếu mỗi thành viên trong GĐPT đều biết lắng nghe Chánh pháp, liễu tri Chánh pháp, biết hành trì đúng Chánh pháp, đưa Chánh pháp vào cuộc sống thì chắc chắn mỗi chúng ta sẽ tiếp nhận được niềm hân hoan, an lạc từ Chánh pháp.

    Đây cũng là niềm tin, niềm yêu thương nhất của người viết bài này, xin trân trọng gửi đến tất cả anh chị em, đặc biệt xin gởi đến các em Oanh vũ bé bỏng của anh.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.