VỆ SINH THỰC PHẨM, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG (Bậc Hướng Thiện

VỆ SINH THỰC PHẨM, VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

 
 Phần 1: VỆ SINH THỰC PHẨM
Trong cuộc sống của con người, sức khỏe đóng một vai trò quan trọng, bởi vì nếu một ai đó  có nhiều tiền, rất xinh đẹp, có chức vụ, địa vị cao sang nhưng chẳng may lâm bệnh nặng, không đi lại, làm việc được thì mọi thứ đều trở thành vô nghĩa. Vì thế sức khỏe  rất quí, cần phải được bảo vệ.
Để giữ gìn sức khỏe tốt, chúng ta phải quan tâm đến  thực phẩm và dinh dưỡng.
Vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề luôn được mọi người quan tâm.
– Đối với thực vật: Thực phẩm đảm bảo vệ sinh và an toàn là thực phẩm không nhiễm các chất độc hại từ phân bón và thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, không nhiễm các loại ký sinh trùng từ phân bón hữu cơ (phân heo, bò, gà …) bón trực tiếp trên các loại rau …
– Đối với động vật: Thực phẩm đảm bảo vệ sinh và an toàn là thực phẩm tươi, mới, không bị ôi thiu, không nhiễm các chất độc hại trong quá trình bảo quản như ure, hàn the, diêm sinh…
Thực phẩm phải được bảo quản tươi mới, không để ươn ôi. Khi sử dụng phải nấu chín, đun sôi.
Các loại rau ăn sống phải được rửa kỹ bằng nước muối pha loãng.
Thực phẩm đã nấu chín, nên ăn trong  ngày, không nên để thực phẩm qua đêm trong các dụng cụ bằng nhôm hoặc kim loại dễ bị ôxy hóa, gây nhiễm độc.
Thức ăn khi dọn lên mà chưa ăn, phải đậy kỹ, tránh ruồi nhặng. Tuyệt đối không ăn thức ăn đã bị ruồi, gián, kiến … bâu vào.
Không nên ăn các loại thực phẩm sống như gỏi cá, thịt tái… vì trong đó chứa nhiều mầm bệnh. Không sử dụng các loại thực phẩm đóng hộp hoặc chế biến sẵn đã quá hạn sử dụng. Không sử dụng thực phẩm bị mốc hoặc chuyển sang mùi lạ, màu lạ.
Khi sử dụng các loại thực phẩm, cần quan tâm đến nguồn dinh dưỡng của thực phẩm. (Các Vitamin và khoáng chất). Hạn chế sử dụng thực phẩm có nguồn gốc động vật.

Phần 2: VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Môi trường là những điều tồn tại chung quanh chúng ta. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập những môi trường cụ thể như môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, gọi chung là môi trường sống.
Môi trường sống cần phải trong sạch để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, trong đó có con người, các loài động vật, các loài thực vật.
Ô nhiễm môi trường là sự nhiễm bẩn của không khí, nguồn nước do rác thải, chất thải, khói bụi, các loại chất độc hại từ phân bón, thuốc trừ sâu…
Để bảo vệ môi trường, chúng ta nên:
– Bỏ rác đúng nơi qui định.
– Tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.
– Đi vệ sinh đúng chỗ.
– Hạn chế việc thải khói, đi xe đạp và sử dụng các phương tiện công cọng như xe buýt.
Để bảo vệ môi trường, chúng ta không nên:
– Không nên vất rác thải, thức ăn ôi thiu, hư hỏng tùy tiện ngoài sân, ngoài đường.
– Không nên sử dụngquá nhiều túi ni lông và vất bừa bãi vì chúng rất khó phân hủy, làm nghẽn mạch nước ngầm.
– Không nên phá hại các loại cây trồng vì đó là nhà máy lọc không khí thiên nhiên tốt nhất trên hành tin chúng ta.
– Không nên phóng uế bừa bãi

Ghi  nhớ:
– Phải chú ý giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng.
– Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ chung của tất cả chúng ta, phải được thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Thực hành:
– Em hãy vận dụng những hiểu biết của mình vào việc lựa chọn, chế biến và bảo quản thức ăn.
– Em luôn luôn bỏ rác, phóng uế đúng nơi qui định, trồng và bảo vệ cây xanh.
– Phổ biến và vận động mọi người cùng thực hiện giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.