GÓC VƯỜN LAM: ĐIỀU TƯƠNG ĐỒNG CỐT LÕI VỀ LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT (PHẬT GIÁO)VÀ ĐỨC KHỔNG TỬ (NHO GIÁO): CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH NGỮ (BÁT CHÁNH ĐẠO-GIÁO LÝ PHẬT GIÁO) MẪN SỰ, THẬN NGÔN (LUẬN NGỮ- TỨ THƯ CỦA NHO GIÁO) Huynh trưởng cấp Dũng Tâm giới PHAN NGỌC THẢO

+DẪN NHẬP:

Người đời thường nói những tư tưởng lớn thường găp nhau. Trong trường hợp nầy quá chuẩn vì đức Khổng Tử sinh năm 479 trước CN tại Trung Quốc, đức Phật Thích Ca sinh năm 624 trước Công nguyên tại Ấn Độ. Như vậy, đức Khổng Tử sinh sau Thái tử Tất Đạt Đa 145  năm. Thời đó chưa có mối quan hệ tương thông về văn hóa, nên ta không thể nói  đức Khổng Tử  học theo tư tưởng của đức Phật. Ta chỉ biết rằng Trung Hoa, Ấn Độ và Ả Rập là 3 nền văn minh  lâu đời nhất của nhân loại

Ngày nay, nhắc đến đức Khổng Tử  người ta tôn vinh Ngài là Vạn Thế Sư Biểu (Người thầy của muôn đời), nói đến đức Phật Thích Ca , tín đồ tôn vinh Ngài 10 danh hiệu:  Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn, là  Đấng toàn giác.

+ Ý NGHĨA CÁC CỤM TỪ:

Kính thưa chư vị,

Trong buổi lễ ra mắt của Tân Ban Hướng dẫn Phân ban  GĐPT tỉnh Bình Định Nhiệm kỳ 2022-2027, vào ngày 12/10/2024, anh Tân Trưởng ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT Bình Định Thiện Huệ Trần Ngọc Nhàn đã khuyến tấn Huynh trưởng  “MẪN SỰ THẬN NGÔN” (Viết đầy đủ là “mẫn ư sự nhi thận ư ngôn”) anh Thiện Huệ muốn lưu ý quý Huynh trưởng BHD Phân Ban GĐPT Bình Định hãy giỏi trong công việc và cẩn trọng trong lời nói.

Đúng là Thánh nhân nói ngắn gọn mà ý nghĩa bao trùm, nên nhân dịp nầy bản thân tôi xin góp thêm một số ý để cùng nhau thưởng lãm.

Bốn từ trên  được trích trong sách Luận ngữ, 1 trong 4 cuốn của  Tứ thư (Mạnh Tử, Đại học. Trung dung, Luận ngữ)

Riêng về 2 từ Trung dung, tôi có bài viết đăng trên trang giadinhphattu.vn đề cập đến Trung đạo và Trung dung.

Hôm nay tôi xin lạm bàn đến  “Mẫn sự thận ngôn” của Nho giáo và Chánh nghiệp, chánh ngữ trong Bát chánh đạo của Phật giáo.

Ở phạm trù thế gian, ai thực hiện nghiêm túc “Mẫn sự thận  ngôn” thì quần chúng cho đó là người quân tử và nhiều người kính trọng, bởi vì người giỏi trong công việc, cẩn trọng trong lời nói thì có viêc làm đúng mực, lời nói nhẹ nhàng, biết kính trên nhường dưới, hiếu thuận với ông bà cha mẹ, bà con cô bác, có lòng thương người.

Một xã hội mà mọi người cư xử với nhau theo tinh thần “Mẫn sự, thận ngôn” thì xã hội loài người đâu có đau khổ như ngày nay.

Dù muốn hay không thì qua 1000 năm Bắc thuộc nền văn hóa Việt chịu ảnh hưởng rất lớn của nền văn hóa Trung Hoa, điều tuyệt vời nhất là ông bà ta biết gợn đục khơi trong, học cái tinh túy của người nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc mình, hòa nhập mà không bị hòa tan, ít có dân tộc nào trên thế giới thực hiện được. Ông bà ta đã tìm ra chữ Nôm thay dần chữ Hán, cuối cùng đã có chữ Quốc ngữ của riêng  cho dân tộc mình.

Giỏi trong công việc, cẩn trong lời nói về lý thuyết  nghe rất hay nhưng vận dụng trong cuộc sống không hề dễ dàng vì đòi hỏi người vận dụng phải có bản lĩnh, phải am hiểu và vận dụng: Tam cương (Quân thần, phụ tử, phu thê),  Ngũ thường (Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Đối với những người theo đạo Phật, Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, Lục hòa, Tứ nhiếp pháp, Bát chánh đạo …  đã được trang bị thì hiểu biết về Tam cương, Ngũ thường không mấy khó khăn

Xin liên hệ giữa  Chánh nghiệp, Chánh ngữ trong Bát chánh đạo với Mẫn sự thận ngôn.

+Chánh nghiệp: hành vi, tạo tác chân chính bao gồm Thân, Khẩu, Ý thuộc về 10 điều thiện: Thân (không sát sanh,không trộm cắp, không tà hạnh), Khẩu (không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời hung ác), Ý (không tham lam, không sân hận, không si mê)

+Chánh ngữ: lời nói chân chính bao gồm 4 giới cấm về  khẩu. Nhưng trong 8 con đường chân chánh, Chánh kiến đứng đầu trên lộ trình Trung đạo .

Rõ ràng cụm từ Chánh nghiệp, Chánh ngữ hàm chứa Mẫn sự thận ngôn.

Thưa quý anh chị trưởng,

Việc giáo dục các em trong thời đại 4.0 đòi hỏi chúng ta phải  biết trang bị cho mình vốn kiến thức về Phật pháp – HĐTN – KTXH (Không đòi hỏi anh chị có bằng cấp thế học cao, nhưng cần phải nghiên cứu kỹ để truyền đạt chính  xác, không biến buổi sinh hoạt  như một lớp học trong trường phổ thông, không ba hoa). Đức Khổng Tử đã dạy “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả” (Biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, đó là biết vậy). Vận dụng lời dạy nầy trong cuộc sống kết hợp với  Mẫn sự thận ngôn – Chánh nghiệp Chánh ngữ  thì mọi điều sẽ thuận buồm xuôi gió.

+ ĐIỀU MONG CẦU: 

Điều  mong ước chân chính (thuộc về Chánh niệm)  có nhiều cung bậc cảm xúc:

1.Cầu mong Thế giới hòa bình:

Ở thời điểm nầy, chúng ta đang ở Việt Nam một đất nước thanh bình sau hơn 1,5  thế kỷ chiến tranh (Lấy mốc 1858: Thực dân Pháp đổ bộ vào Đà Nẵng), ta mới cảm nhận, trân quý giá trị của hòa bình như thế nào.

Năm 2014, tại Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã đưa Tôn tượng của Đức Phật Thích Ca trước mọi người và mỉm cười, không nói gì cả, nhưng hàm chứa thông điệp về hòa bình cho thế giới vào thời điểm đó: “chỉ có vận dụng giáo lý Phật Đà mới giải quyết bất đồng”, đem lại hòa bình cho nhân loại.” Mặc dù ông Barack Obama không theo tôn giáo nào. Năm 2016, ông đã mãn nhiệm kỳ tổng thống.

Có lẽ ông mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới giải quyết “công án thiền” về hòa bình. Chúng ta ước mong một ngày không xa, người dân các nước Nga, Ucraina, Palestines, Israel… và cộng đồng thế giới sống trong hòa bình, trẻ em được đến trường, không còn lo sợ cảnh bom đạn chiến tranh.

2.Cầu mong thiên tai, địch họa  không tàn phá thế giới  như những ngày vừa qua ở các nước Philippines, Myanmar, Việt Nam, Trung Quốc, Mỹ, Tây Ban Nha…, động đất, bão lũ đã tàn phá gây chết chóc, khủng khiếp  cho nhân loại.

3.Cầu mong cho Tăng Tín đồ Phật giáo đi đúng theo con đường Trung đạo  mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni  đã dạy.

+ ĐÔI ĐIỀU VỚI ANH CHỊ EM NHÀ LAM

Thưa quý anh chị,

Trong năm 2024, trên cả nước, chúng ta đã hoàn thành công tác tu học huấn luyện sinh hoạt đều khắp tại các tỉnh thành có đơn vị GĐPT đang sinh hoạt, đặc biệt trong đó: Tổ chức thành công trại Huấn luyện liên cấp  Huyền Trang – A Dục – Lộc Uyển tại GĐPT các  tỉnh Miền Tây, Trại Họp bạn V ngành Thanh Thiếu 5 tỉnh Tây Nguyên, Thăm một số tỉnh thành, Khai khóa các Bậc học dành cho Huynh trưởng  tại Miền Bắc, Kêu gọi quyên góp cứu trợ đồng bào các tỉnh Miền Bắc bị thiệt hại do lũ lụt, Dự lễ ra mắt BHD Phân ban GĐPT tỉnh Bình Định. v.v..

Tâm Giới tâm đắc mấy điều:

+Tinh thần vượt khó của Huynh trưởng và Đoàn sinh Tây Nguyên: dầm mưa, dãi nắng cắm trại, dự hội thi văn nghệ đậm nét Tây Nguyên, nhiều tiết mục xuất sắc làm say đắm lòng người.

+Theo lời kêu gọi của Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT TW, chỉ trong vòng một tuần,  Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT các Tỉnh-Thành và các Ủy viên BHD Phân ban GĐPT TW đã huy động đóng  góp hơn 370 triệu đồng để ủng hộ đồng bào các tỉnh Đông Bắc bị thiệt hại do bão lũ. Xin đánh giá cao tâm Từ-Bi-Hỷ-Xả  của Nhà Lam cả nước. Xin tán dương công đức của tiểu ban Từ thiện Xã hội thuộc BHD-PB GĐPT TW, đứng đầu là Huynh trưởng  Cấp Tín Nhuận Hoa Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Chị Nhuận Hoa đã giải ngân cứu trợ 189 triệu,  còn lại tạm gởi vào tài khoản ngân hàng để dự phòng tiếp tục cứu trợ các tỉnh miền Trung. Ban Hướng dẫn Phân ban GĐPT TW tuyệt đối không dùng vào việc khác)

+Dù còn muôn vàn khó khăn, nhưng hầu hết các đơn vị cơ sở đều khắc phục mọi chướng duyên để sinh hoạt tu học.

Xin kính chúc quý anh chị trưởng và các em: THÂN  khỏe, TÂM an TRÍ sáng, luôn có tấm lòng vị tha, khiêm cung với mọi người.

                       Quảng Ngãi-Ngày  03/11/2024

          thao.phanngoc@gmail.com -Điện thoại: 0919462898      

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.