Đổi mới sinh hoạt và tư duy năng động là yếu tố quan trọng

– Tiến trình tổ chức Hội trại diễn ra như thế nào, thưa anh? 

Vào năm 1960, Ban Hướng dẫn GĐPT Trung Phần chuẩn bị tổ chức Trại họp bạn ngành Thiếu tại Nha Trang mang tên Vạn Hạnh, nhưng chính quyền thời ấy không cho phép vì lý do an ninh. Đã 47 năm trôi qua, đến ngày 24-7-2004, Ủy viên ngành Thiếu GĐPT Trung ương đề xuất ý kiến tổ chức Trại họp bạn ngành Thiếu được Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương chấp thuận và được hơn 400 huynh trưởng các cấp Dũng, Tấn, Tín đang dự lễ bế mạc Trại Vạn Hạnh II – 2005 tại Trại trường Trúc Lâm hoan nghênh nhiệt liệt. Sang năm 2006, Trung ương thông báo tin vui cho các tỉnh, thành tổ chức Trại họp bạn ngành Thiếu tại địa phương để chuẩn bị tuyển chọn trại sinh cho Hội trại hôm nay.

 



-Tâm trạng của anh sau khi Hội trại diễn ra rất tốt đẹp?

– Không chỉ tôi mà toàn Phân ban, các huynh trưởng và đoàn sinh trong toàn quốc rất vui mừng vì đây là một trong các sự kiện lịch sử của GĐPTVN sau 60 năm tồn tại và phát triển.

 



– Mục đích của Hội trại lần này là gì?

– Chúng tôi xác định Hội trại lần này chính là cơ duyên cho đoàn sinh và huynh trưởng ngành Thiếu gặp gỡ, kết thân, giao lưu sinh hoạt, phát huy sáng kiến xây dựng ngành Thiếu GĐPT vững mạnh. Ba ngày qua, toàn Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương, Ban quản trại họp bạn ngành Thiếu và toàn thể huynh trưởng có mặt tại trại đều hân hoan thấy rằng những gì mà chúng tôi đề ra đều thành hiện thực. Gần 3.500 em đoàn sinh thiếu nam, thiếu nữ đã kết thân nhau rất chân thành, rất tự nhiên, rất lục hòa tạo thành một tình cảm thắm thiết. Thêm vào đó, không phân biệt vùng miền, các em đã trao đổi kinh nghiệm trong sinh hoạt, trong học tập và rất nhiều sáng kiến đã đưa ra nhằm giúp nhau khắc phục khó khăn để đến với đoàn.

 



– Nhân Hội trại này, Phân ban đã tổ chức hội thảo liên quan đến ngành Thiếu với chủ đề “Biện pháp duy trì – phát triển ngành Thiếu một cách bền vững”. Vậy vấn đề lớn nhất hiện nay đối với ngành Thiếu là gì?

– Nhân cuộc gặp mặt của đông đủ huynh trưởng ngành Thiếu, chúng tôi đã tổ chức hội thảo dành riêng cho huynh trưởng ngành để anh chị em thấy được tình hình thực tế của ngành hiện nay. Đó là 2 vấn đề lớn nhất gồm tình hình tu học, phương cách sinh hoạt và việc thiếu huynh trưởng có khả năng để hướng dẫn ngành Thiếu.

 



– Hội thảo đã tập trung giải quyết vấn đề đó như thế nào?

– Vào tháng 8-2006, đã có một Hội nghị đại biểu huynh trưởng GĐPT để tu chỉnh chương trình tu học, huấn luyện của GĐPT trong đó có ngành Thiếu.

Đối với vấn đề đào tạo huynh trưởng ngành Thiếu, Hội thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đề xuất của các anh, chị. Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương đã nghiêm túc tiếp thu và sẽ nghiên cứu để áp dụng trong thời gian tới.

 



– Xin anh trình bày cụ thể hơn?

– Đó là cách sinh hoạt truyền thống của chúng ta hiện tại không còn phù hợp nữa mà cần được thay đổi, trong đó phải biết ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ thông tin nhằm tạo hứng thú mới đối với đoàn sinh.

Chúng tôi cũng nhận thức được rằng đoàn sinh bây giờ rất khác trước về trình độ văn hóa, chuyên môn, nhận thức, trí tuệ. Do vậy mà người huynh trưởng phải biết vươn lên để đi trước các em.

 



– Trải qua hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, GĐPT đã chuẩn bị tư thế ra sao khi đối diện trước những thách thức lớn của một xã hội trên đường hội nhập?

– Những thành tựu mà đất nước đã đạt được trên con đường hội nhập đều mang lại lợi ích to lớn cho mọi người, trong đó có đoàn sinh GĐPT. Dĩ nhiên là GĐPT phải tư duy vấn đề này, trước mắt ổn định hàng ngũ, tăng cường nội lực và bám sát đường lối chủ trương của Giáo hội và Nhà nước đề ra. Có như thế GĐPT mới không bị tụt hậu.

 



– Là một huynh trưởng cao niên, trọn đời gắn bó với màu lam thân thương, qua Hội trại này anh có nhắn nhủ gì với toàn thể đoàn sinh và huynh trưởng trong cũng như ngoài nước?

– Từ thực tế sinh hoạt và suy nghĩ của các anh chị em trong cũng như ngoài nước, tôi chỉ muốn nói với tất cả là hãy xác định “Cái gì là phương tiện, cái gì là chủ yếu”!



– Xin chân thành cảm ơn anh.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.