GIÁO LÝ PHẬT GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

          Điều căn bản nhất mà chúng ta thấy ở giáo lý Phật giáo là vị Giáo chủ không phải là vị thần linh, không phải là một vị thượng đế đầy uy quyền thưởng phạt, mà là một con người thực sự như bao con người khác. Ngài chứng kiến những cảnh lầm than cơ cưc của dân chúng trước những bất công của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, thấy rõ những nổi thống khổ sinh, già, bệnh, chết. Ngài đã từ bỏ gia đình, vợ con một mình ra đi tìm phương giải quyết. Sau những năm tháng hỏi đạo, học đạo và hành đạo với các đạo sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, kết quả không giúp cho Ngài giải quyết được những bức xúc trong lòng. Cuối cùng Ngài quyết định tự mình tham cứu, suốt 49 ngày đêm tham thiền nhập định dưới cội Bồ đề, khi sao mai vừa mọc, Ngài thấu đạt chân lý, rõ được chân tướng của vạn pháp, Ngài hoàn toàn giác ngộ, thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
          Sự kiện trên đã hình thành một khái niệm về tính nhân bản của Phật giáo- Con người là trung tâm điểm của Phật giáo hay nói một cách khác hơn không có nhân loại thì Phật giáo không hiện hữu trên cõi đời này. Trong quan niệm của Phật giáo con người là chủ nhân ông của mọi hành vi của chính bản thân mình ở cả ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai; Là vị thượng đế duy nhất toàn quyền thưởng phạt cho chính cuộc đời mình. Ngoài mình ra, không có bất cứ ai hay vị thần linh nào khác có khả năng đưa mình lên thiên đàng hay quẵng mình xuống địa ngục. Phật giáo luôn đề cao sự nổ lực, ý chí của con người. Tinh tấn là một trong những đức tính thành tựu đạo quả Bồ đề. Điều đáng nói nhất về khả năng của con người mà Phật giáo luôn nhấn mạnh là trí tuệ. Đó là khả năng cao nhất của nhân loại, là di sản vô cùng quý giá mà bất kỳ ai nếu biết vận dụng, phát huy đúng đắn đều có thể tận diệt mọi khổ đau đạt đến bến bờ hạnh phúc.
Tóm lại con người vốn là một chúng sanh ưu việt, có rất nhiều khả năng phi thường, nêu chúng ta biết khai triển thì không có gì không thể thực hiện trên cõi đời này. Như vậy ta có thể nói rằng: Phật giáo là Phật giáo của con người, xuất phát từ Đưc Phật Thích ca, Ngài là một đấng giác ngộ, nhưng Ngài cũng là một con người , Ngài đã cất tiếng nói và có một đời sống rất người, vì con người mà khai thị chân lý, hướng dẫn con người đến mọi sự an vui.
            Đức Phật không dạy con người phải lệ thuộc Ngài, phải phó thác đời mình cho một quyền năng nào cả. Ngài dạy: “Người phải làm công việc của người vì Như lai chỉ dạy con đường” hoặc : “ Người là nơi nương tựa của chính người, không ai khác có thể là nơi nương tựa”
            Nghiệp (Karma) là động cơ vẻ nên tiến trình nhân quả luân hồi của con người: “ Người là tác nhân của nghiệp, chủ nhân của nghiệp, kẻ thừa tự của nghệp”. Luật nhân quả nghiệp báo nói rõ kết quả mà mỗi con người đang thọ nhận là do chính hành vi, lời nói ,ý nghĩ của mỗi người đã tạo tác:

“Ý dẫn đầu Các pháp
Ý làm chủ,ý tạo
Nếu với ý ô nhiểm
Nói năng hay hành động
Khổ nảo bước theo sau
Như chiếc xe theo chân vật kéo”
“Nếu với ý thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc bươc theo sau
Như bóng không rời hình”

            Gi áo lý duyên khởi được Đức Phật tóm tắt trong kinh Phật tự thuyết: “Do cái này có mặt, nên cái kia có mặt. Do cái này không có mặt nên cái kia không có mặt. Do cái này sinh, nên cái kia sinh. Do cái này diệt, nên cái kia diệt”.
            Sự thật duyên khởi nói lên sự tương quan, tương duyên, tương tức giữa các hiện hữu – Giữa con người với con người – Giữa con người với nhân quần xã hội – Giữa con người với môi trường thiên nhiên.
            Qua sự phân tích trong giáo lý Năm uẩn ta thấy con người là một hợp thể ngũ uẩn, là do các duyên thuộc thế giới vật lý và tâm lý mà sinh. Mỗi người có sự liên hệ mật thiết với tha nhân, xã hội, với thiên nhiên, môi trường và không bao giờ tự nó có thể hiện hữu.Theo giáo lý Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi thì con người do biệt nghiệp nên có những quả báo riêng, do cộng nghiệp mà sinh ra cùng quốc độ có môi trường ,hoàn cảnh tương đối giống nhau. Cho nên giữa con người và nhân quần xã hội, môi trường thiên nhiên tương quan mật thiết với nhau.
            Qua phần giáo lý vừa nêu, nói lên rằng: Không có cái gì tự nó hiện hữu mà do nhiều nhân duyên hợp lại –Cái này có mặt là do cái kia có mặt. Nếu mỗi cá nhân có ý nghĩ, lời nói, hành động tốt thì nhất định sẽ ảnh hưởng tốt đến nhân quần xã hội, môi trường, môi sinh. Và ngược lại, nếu có một việc làm, một lời nói hay ý nghĩ xấu sẽ tác hại ảnh hưởng không tốt đến tha nhân  xã hội, môi trường. Bởi vậy với tinh thần từ bi-vô ngã- vị tha của đạo Phật thì giáo dục con người chính nó cũng đồng thời có mặt sự giáo dục tinh thần trách nhiệm đối với tha nhân, cộng đồng xã hội, môi trường, môi sinh vậy.
Đạo Phật đã có mặt từ buồi bình minh của lịch sử dân tộc Việt Nam, bước đầu từ khi đất nước còn bị lệ thuộc phong kiến phương Băc., đạo Phật đã gây dựng ý thức độc lập quốc gia dân tộc. Và trải qua các triều đại đặc biệt là dưới các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần giáo lý đạo Phật đã được ứng dụng tu tập tạo nên những bậc minh quân yêu nước, thương dân, xã hội thuần từ thịnh trị. Đặc biệt hình ảnh của Trúc Lâm Sơ Tổ, Ngài đã xem ngai vàng, vinh hoa phú quý như đôi dép bỏ. Ngài đã từ bỏ ngai vàng xuất gia tu hành và đi khắp đất nươc khuyến hóa mọi người tu nhân tích đức, từ bỏ dâm từ, thực hành mười điều thiện.
            Đất nước chúng ta ngày hôm nay sau một thời gian dài chiến trnh tàn phá, đói nghèo lạc hậu. Khi đất nước đổi mới, hội nhập, mở của, song song với những tiến bộ về vật chất, đời sống của người dân mỗi ngày một khá hơn. Nhưng con người cũng đang đối mặt với mặt trái của cơ chế thị trường, với những hệ lụy xã hội: Ma túy, mại dâm, bạo hành, tai nạn giao thông….ngày càng thêm nhức nhối.  Gía trị đạo đức đang bị xói mòn, tình người, tình làng, nghĩa xóm đang bị teo dần nhường đất cho lợi nhuận, cạnh tranh, phát triển. Đặc biệt các tệ nạn xã hội đang được các lớp trẻ – Những chủ nhân tương lai của đất nước đón nhận khá nồng nàn và đang lan dần vào các học đường và các làng quê êm ả. Đất, nước, không khí bị ô nhiểm vì chất thải công nghiệp, môi trường bị tàn phá. Nạn phá rừng, đốt rừng dẫn đến hậu quả thiên tai, bão lũ, hạn hán liên tiếp xãy ra ngày càng cực đoan. Nói tóm lại dù đời sống vật chất đã được nâng lên một bước khá cao so với mấy chục năm về trước. Con người được hưởng thụ mọi tiện nghi vật chất do khoa học kỹ thuật đem lại. Song con người vẫn cảm thấy bất an và đau khổ.
            Giáo lý: Tứ thánh đế, Duyên khởi, Nhân quả nghiệp báo nói rõ sự thật của cuộc đời, của con người. Nói rõ sự thật khổ đau của con người là do lòng tham ái, chấp thủ hữu Giáo lý ấy cũng nói lên trách nhiệm của mỗi con người, chính ý nghĩ, lời nói, việc làm của mình và sự tương quan mật thiết giữa cá nhân, tha nhân, giữa con người và môi trường sinh thái. Đồng thời giáo lý ấy cũng nói lên sự thật con đường đưa đến sự diệt khổ là nội dung Bát chánh đạo.
            Nếu giáo lý trên được phổ biến, tu tập, ứng dụng trên căn bản Giới – Định –Tuệ là xây dựng đạo đức (dựa trên nền tảng năm giới, mười điều thiện của người Phật tử tại gia) Sự ổn định tâm linh và sự sáng suốt (chánh kiến, chánh tư duy) thì chắc chắn rằng giáo lý Phật giáo sẽ đóng góp tích cực để chế ngự, chuyển hóa các tệ nạn xã hội, sự xói mòn tình cảm, đạo đức, sự tàn phá môi trường, môi sinh. Khi các tệ nạn giảm dần thì nguy cơ các mối hiểm họa cũng sẽ giảm dần theo tỷ lệ thuận.
            Khi hiểu rõ tường tận mọi hành vi của mình, con người tự giác chấp thủ kỷ luật mà không do bị đè nén mọi tham muốn  và ước vọng thầm kín trong lòng. Và khi con người tự chủ nhờ kỷ luật nội tâm thì không có tội ác.
            Xin dẫn một đoạn trong tác phẩm “ Vượt lên cả giáo điều” được trích đăng trong Nguyệt san Giác ngộ số 71, tháng 2 năm 2002 để minh chứng thêm cho vấn đề: “ Phương pháp chính để chữa trị căn bệnh này của xã hội là kỷ luật tự giác trong đời sống cá nhân nhờ đó con người gắng tự chủ, rất khó áp dụng kỷ luật từ bên ngoài. Để giải thích những lợi ích của kỷ luật tự giác chúng ta hãy lấy những ví dụ: Những làng mạc trên giãi Hy Mã; Các viên chức Ấn Độ, cảnh sát cũng như thường dân cho biết rằng: Ngày xưa rất ít trường hợp phạm pháp, rất ít trộm cắp, ít đánh nhau, ít dối trá và mặc dù không có sự tiến bộ vật chất và giáo dục hiện đại người dân vẫn ngay thẳng. Nhưng từ khi giáo dục và những yếu tố khác của văn minh hiện đại từ đồng bằng du nhập vào đây tội phạm cứ tăng dần. Khi con người biết tự chủ nhờ kỷ luật nội tâm thì không có tội ác dù không có cảnh sát. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của kỷ luật tự giác. Nhưng cần hiểu danh từ này không ám chỉ chuyện dồn nén tất cả mọi thèm muốn và ước vọng chân chính trong lòng chúng ta. Một kỷ luật khả thi thực sự không do đè nén mà do hiểu rõ tường tận mọ hành vi của chúng ta. Sự tuân theo những hành động nhất thời có thể đem lại những thỏa mãn nhanh chóng. Tuy vậy cần phải biết đến những hậu quả chắc chắn trong tương lai mặc dù ngay lúc này chúng ta chưa thấy được. Vậy phải sử dụng trí thông minh, sự khôn ngoan của chúng ta để hạn chế những ham muốn nhất thời mà cân nhắc trước khi hành động để nhận định con đường tốt nhất phải theo.”
            Nếu một xã hội thực hành đầy đủ 5 giới, 10 điều thiện, tìm hiểu sâu sắc luật nhân quả nghiệp báo, thực hành thiền định (nội dung Tứ niệm xứ) với tinh thần vô ngã-vị tha của đạo Phật thì chắc chắn nếp sống thanh bính, hạnh phúc sẽ được thực hiện ngay bây giời và ở đây và dần dần dập tắt tham – sân – si – vô minh – chấp thủ bằng trí tuệ vô ngã hoàn toàn giải thoát không phải là một điều không thể vây.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.