TU LÀ CÕI PHÚC (Tâm Giới Phan Ngọc Thảo)
*Có người thì cho mọi việc mình làm là đúng, vẫn biết rõ 10 điều ác là gì nhưng hay dùng lời thô ác chê bai người khác, chưa bao giờ có lời nói dễ nghe.
*Có người luôn luôn sử dụng lưỡi 2 chiều để làm hài lòng người đối diện;
*Có người nhầm lẫn, coi người tự cao, tự đại là người “Trung ngôn nên nghịch nhĩ”
*Có người nghe ai nói đúng, sai đều phân biệt được hết nhưng “Im lặng là vàng”.
*Có người trình độ thế học kha khá thì hay dùng mạng xã hội để phê phán quanh co, châm chích, đá xéo anh em khi họ không vừa ý mình.
*Có người là Huynh trưởng cấp cao nhưng ăn chay không quá 4 ngày/tháng, thậm chí có người ăn mặn trong dịp đám cưới, liên hoan vào các ngày sóc vọng và ngụy biện sẽ ăn bù……
*Có người khi phát biểu hay phân biệt chia rẽ hệ phái gây mất đoàn kết vô tình vi phạm hiến chương GHPGVN..
*Có người có công lớn trong việc xây dựng chùa chiền, nhung vị sư trụ trì không hợp ý mình thì phản đối gây bất hòa.
*Có anh chị không hiểu rõ nôi quy hiện nay, GĐPT là đơn vị cơ sở sinh hoạt trong lòng giáo hội dưới sự quản lý của sư trụ trì nên hành xử tùy tiện, dễ va chạm.
* Có nhiều anh chị Huynh trưởng không tham gia góp ý trong các cuộc họp nhưng lại phê phán sau lưng.
* Nhiều anh chị nghe người ta nói: “Các anh là GĐPT Phân ban, quốc doanh không phải là truyền thống” mà không biết trả lời sao cả, Thật đáng tiếc!
Xin chia sẻ với quý anh chị điều này như sau:
Chúng ta, hiện nay về danh chính ngôn thuận là GĐPT truyền thống(*) vì những người thầy, người anh kính mến của GĐPT VN là bác Tâm Minh Lê ĐìnhThám, Hòa thượng Thích Minh Châu , Huynh trưởng cấp Dũng đầu tiên Nguyên Hùng Võ Đình Cường là những người đồng sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam, điều này đã được khẳng định qua các kỳ đại hội đại biểu GĐPT toàn quốc:
– Đại hội lần thứ I vào năm 1951 tổ chức tại Huế.
– Đại hội lần thứ VIII vào năm 1973 tổ chức tại Đà Nẵng
– Hội nghị lần thứ IX vào năm 2001 tổ chức tại Huế
– Hội nghị lần thứ X vào năm 2006 tổ chức tại TP HCM
– Hội nghị lần thứ XI vào năm 2011 tổ chức tại Huế
– Hội nghị lần thứ XII vào hạ tuần tháng 11 năm 2018 tại Đà Nẵng
Các kỳ hôi nghị sau là tiếp nối, tu chỉnh một số nội dung cho phù hợp với điều kiện hiện tại.
Một điều tuyệt vời nữa là năm 1973 anh Võ Đình Cường với chức vụ Trại trưởng trai Vạn Hạnh I tại Đà Lạt thì đến năm 2001 chính anh Võ Đình Cường vẫn là Trại trưởng trại Vạn Hạnh II tại Huế. Tính kế thừa rõ ràng, tính truyền thống đầy đủ thể hiện qua nội quy và chương trình tu hoc, huấn luyện của huynh trưởng và đoàn sinh. Đó chính là truyền thống của GĐPTVN
Xin thưa quý anh chị, chủ trương của chúng ta hiện nay là lo tu học để nâng tầm của mình bằng việc hành trì, giữ phẩm hạnh, tuyệt đối không phê bình ai nhưng phải tự bảo vệ tổ chức GĐPT mình bằng Chánh kiến – Chánh ngữ – Chánh Tư duy. Do vậy trên cơ sở thực tế ta có thể trả lời như sau: “Chúng tôi là Gia đình Phật tử đang sinh hoạt trong lòng Giáo Hội Phật GíáoViệt Nam, tuân theo luật pháp hiện hành, không có lương bỗng gì cả, gọi chúng tôi là quốc doanh thì oan nghiệt như nỗi oan Quan Âm Thị Kính vậy. Màu áo Lam xuất hiện trong các ngày chủ nhật và các ngày lễ tại các chùa, niệm Phật đường…. hết sức thân thương không có sự phân biệt A, B nào cả. Đó là màu lam truyền thống của GĐPTVN. (để hiểu rõ vấn đề nầy xin anh chị xem biên bản cuộc họp của Hòa Thượng Thích Minh Châu và 4 Huynh trưởng cấp Dũng tháng 10 năm1997 tại thiền viện Vạn Hạnh TP HCM (Tài liệu tu học bậc Sơ thiên, tài liệu trại huấn luyện cấp III Vạn Hạnh III)
Đề cập các biểu hiện trên để mỗi chúng ta tự suy nghiệm, quán chiếu “ Bản lai diện mục” của mình để tu học và hành trì hướng đến bến bờ giác ngộ giải thoát.
B. TU NHƯ THẾ NÀO?
1. Những người có căn tánh cao:
+Tu Thiền theo lộ trình Giới – Định – Tuệ tiến đến nhất tâm bất loạn, giải thoát chứng được Thánh quả (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật) .
+Tu Tịnh độ theo lộ trình Tín – Hạnh – Nguyện tiến đến nhất tâm bất loạn, giải thoát chứng
được Thánh quả.
2 Những người có căn tánh thấp:
Như đa số anh chị em chúng ta, thay vì đi theo lộ trình của Ngài Huệ Năng(đốn ngộ) ta theo lộ trình của Ngài Thần Tú (tiệm ngộ). Hiện nay đa số tín đồ tu theo theo lộ trình Thiền Tịnh song tu
Xin nhắc lại: – Tu rốt ráo 5 giới kiếp sau thành người chân chánh ( Nhân thừa.)
- Tu 10 giới miên mật sau khi chết về cỏi trời ( Thiên thừa )
- Tu theo Tứ đế đúng pháp ( Thanh văn thừa)
- Tu theo 12 nhân duyên đúng pháp( Duyên giác thừa )
- Tu Lục độ ba la mật (bố thí, nhẫn nhục, trì giới, thiền định, tinh tấn, trí tuệ), đạt quả vị Bồ tát thừa, Phật thừa.
*Tứ thánh (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phât) thoát vòng luân hồi sinh tử
*Lục phàm ( Trời, người, a tu la, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục) : trong vòng luân hồi sinh tử
Anh chi em quý mến!
Trong các quả vị trên chỉ có Nhân thừa nghe qua thì tương đối dễ nhưng trực nhớ lời Phật dạy “ Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (thân người khó đạt,Phật pháp khó nghe), bản thân vừa lo, vừa mừng vì sao làm người lại khó thế! nhưng mừng là vì hiện tại mình đã là người rồi, vậy thì trong tiền kiếp ít ra mình cũng giữ được 5 giới. Vấn đề đươc đặt ra là trong thời đại 4.0 hiện nay, việc giữ được 5 giới là quá khó:
*Giới thứ nhất: Không sát sanh giữ được khí áp dụng không giết hại, không nghe, thấy giết, không xúi giết
*Giới thứ hai: Không trộm cắp của cải vật chất khắp nơi; giữ được khi không lấy bất cứ vật gì không phải của mình (ngoại trừ của cho chính đáng)
*Giới thứ ba: Không tà dâm: khó thật, hiện nay quá nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ, quá nhiều quán xá trá hình…. Nhưng giữ đươc khi hiểu được lòng sắt son chung thủy một vợ một chồng và nắm vững nguyên tắc không vì dục vọng nhất thời mà rơi vào cạm bẫy tội lỗi.
*Giới thứ tư: không nói dối (dối hại) có nhiều cấp độ quá khó thật, nhưng giữ được khi hiểu rằng nói dối hại người khác là tội lỗi, lương tâm không cho phép
*Giới thứ năm : không uống rượu hoặc sử dụng chất gây nghiện. Một vấn nạn của xã hội hiện nay, ai cũng biết sự tác hại của rượu bia, ma túy nhưng giữ được khi biết sự tác hại thì không uống say, rượu bia có thể uống ít thôi nhưng không say sưa ảnh hưởng đến nhân cách, tuyệt đôi không sử dụng ma túy.
Một Huynh trưởng không được quyền nói câu chuyện dưới cờ trước các em Đoàn sinh khi đã uống bia, rượu quá chén, mặt đỏ gay.
Rõ ràng giữ 5 giới không quá khó đối với người huynh trưởng và nếu so sánh với 5 điều luật ngành Thiếu, Thanh và Huynh trưởng GĐPT thì 5 điều luật có nội hàm khó hơn, tuy nhiên với bệnh phổ biến hiện nay “quá dễ dãi với chinh mình” thì dễ mắc các bệnh về ngũ dục: tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
Hy vọng anh em chúng ta ít nhất cũng trở thành người phật tử chân chính trong hiện kiếp và kiếp sau.
Nếu chúng ta giữ tốt 5 giới thì bước đến 10 giới: không sát sanh,không trộm cắp không tà dâm, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói 2 lưỡi, không nói lời hung ác, không tham lam, không sân hận, không si mê, ta sẽ quyết tâm tu được và có hy vọng an trú trong cõi trời trời( Thiên thừa).
Trong một xã hội đa sắc màu hiên nay, để trở thành người Phật tử chân chính là một thách thức lớn của người Huynh trưởng, hướng đến cảnh thiên giới trong tương lai là điều khó khăn, hiểu thấu tứ đế, hành trì 37 phẩm trợ đạo, hiểu lẽ duyên sinh qua 12 nhân duyên, tu trì lục độ ba la mật hướng đến các quả vị thánh… giải thoát tùy thuộc vào mỗi cá nhân, nỗ lực tự thân của mỗi hành giả.
Việc thúc liễm thân tâm của những người đứng đầu trong tổ chức GĐPT từ đơn vị cơ sở đến BHD Trung ương có trong kế hoạch nhưng bị quên lãng bởi nhiều nguyên nhân, xin đề nghị thực hiên nghiêm túc hàng quý, hàng năm để uốn nắn sai sót, kiện toàn lề lối làm việc với mục đích tốt hơn, hiệu quả hơn, đoàn kết hơn.
Phước đức lớn của chúng ta là có vị Bổn Sư vĩ đại: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, vị Cha lành chung bốn loại, lời dạy của Ngài khá ngắn gọn:
“ không làm các việc ác
Chỉ làm các việc lành
Giữ tâm ý trong sạch
Chư Phật dạy như vậy”
Từ bỏ10 điều ác tức là thực hiện 10 điều thiện, ai sẽ kiểm tra ta? Chính bản thân ta chứ không ai khác.
Vì Phật đã dạy “Không ai làm cho ta ô nhiểm, không ai làm cho ta trong sạch, ô nhiểm hay trong sạch là do ta..”(Kinh Pháp cú)
Nếu anh em chúng ta hành trì giới luật hàng ngày: It nhất có một thời 10-15 phút đối diện Phật tiền quán tưởng Đức Thế Tôn…(nhất tâm bất loạn) thì biết đâu điều vi diệu sẽ hiện hữu:
“Bát phong bất động,
Chân như tỏ bày”
Một người Huynh trưởng hành trì Thập thiện và vận dụng tốt 5 điều luật của GĐPT, hiểu rõ luật nhân quả, nghiệp báo thì sẽ trở thành một Huynh trưởng chân chính của GĐPT VN.
C. TU LÀ BIẾT BAO DUNG, BIẾT XẢ, BUÔNG, DỪNG.
“Bụng lớn bao dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Tấm lòng hỷ xả, xả những điều khó xả trong thế gian”
Để thực hiện các hạnh trên thì hành giả phải hành trì phép nhẫn nhục Ba la mật, nhưng xin lưu ý: biển cả mênh mông đón nhận bất cứ vật gì từ đâu đến, nhưng biển cả không chứa tử thi. Những ngọn sóng lớn (hải triều âm) sẽ đưa xác chết tấp lại vào bờ.
Cửa chùa rộng mở cho mọi người vào tu hành, đạo Phật không cấm bất cứ ai mong cầu giải thoát khỏi vòng lục đạo, nhưng đạo Phật có Giới luật như đèn sáng lớn, soi rọi mọi nơi tối tăm, nên nhà chùa không thể chứa chấp những ai phá giới, mượn đạo tạo đời làm hoen ố chốn thiền môn, những người phá giới chính là các tử thi, phải đưa họ ra khỏi nơi thanh tịnh, để xứng danh với Thiền môn Nghiêm tịnh
Biết “buông, dừng” tức là thực hiện lộ trình “Tứ Thánh”. Phớt qua Tám ngọn gió đời (bát phong) gồm 4 cặp phạm trù đối lập nhau gồm: Lợi – Suy (Lợi dưỡng – Hao tổn), Hũy – Dự (Nói xấu – Nịnh bợ), Xưng – Cơ (Kính trọng – Chê bai), Khổ – Lạc (Khổ đau – Vui sướng)
Con đường hướng về “Tứ Thánh” không hề dễ dàng vì Tám ngọn gió đời đã làm cho thế gian biết bao nhiêu điên đão, mộng tưởng, thế giới không một phút yên bình. Rõ ràng những ai phớt qua Tám ngọn gió đời sẽ được ung dung, tự tại giữa đời thường…
Xin tâm sự 4 câu thơ ghép lời ,mượn ý:
“Phớt qua tám ngọn gió đời
Lòng ta thanh thản rong chơi giữa trần
“Mở lòng nhờ những giọt không
Bỗng dưng thuyền đã sang sông tới bờ” “ (**)
Kính chúc chư vị, anh chị em Nhà Lam và gia quyến một Mùa Thành đạo “ Thân khỏe, Tâm an, Trí sáng” luôn an trú trong chánh pháp.
Quảng Ngãi, những ngày Lập đông năm Mậu Tuất 2018
thao.phanngoc@gmail.com ĐT: 0919462898
(*) :Truyền thống: truyền từ đời nầy đến đời kia.
( **) Bát nhã Tâm kinh.