CỨU THƯƠNG (Bậc Trung Thiện) CẤP CỨU CHẾT NGẠT

CẤP CỨU CHẾT NGẠT

I. Ngạt thở

Ngạt thở xảy ra xảy ra khi có một bất cứ vật gì cản trở không khí qua mũi và miệng làm cho nạn nhân không thể thở được.
Ngạt thở là một tình trạng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong vì khi bị ngạt thở thì các tổ chức tế bào không được cấp đủ oxy. Do vậy khi bị ngạt thở phải được tiến hành cấp cứu ngay.
II. Nguyên nhân gây ngạt thở
1. Bị đuối nước.
2. Ðường thở bị tắc nghẽn do tụt lưỡi ở một nạn nhân bất tỉnh, hoặc do thức ăn, chất nôn, hoặc dị vật khác lọt vào đường thở.
3. Nghẹt thở vì đường hô hấp bị bịt kín do gối mền, túi nhựa, vùi lấp.
4. Chèn ép khí quản do treo cổ hoặc thắt cổ
5. Chèn ép lồng ngực do bị đất hoặc cát chèn, bị chèn ép vào tường, rào chắn hoặc sức ép từ một đám đông.
6. Tổn thương thành ngực (như trong trường hợp chính thức có mảng sườn di động).
7. Hơi khí độc.
8. Co giật làm cho hô hấp không đủ (điện giật, ngộ độc, liệt do tai biến mạch máu não hoặc tổn thương tủy sống).
III. Sơ cứu ngạt thở
Nếu phát hiện nạn nhân bị ngạt thở, cần nhanh chóng làm như sau:
1. Phát hiện mối nguy hiểm.
– Nếu nghi ngờ có bất cứ điều gì là không an toàn đối với chúng ta, đừng cố tình cứu nạn nhân.
– Không vào những nơi nhà có thể sập, không an toàn (chẳng hạn bị cháy nổ, khí độc lan tỏa,…)
2. Làm sạch đường thở.
– Lấy hết dị vật trong miệng và cứu nạn nhân khỏi nguy hiểm.
– Nếu một người bị vùi lấp do nhà sập, cát hoặc động đất. Hãy đào bới cho đến tận vùng hông của nạn nhân để họ có thể thở càng sâu càng tốt.
– Nếu nạn nhân bị ngạt thở vì khí độc, khi cứu họ, chúng ta làm như sau:
+ Lấy khăn che miệng.
+ Nằm sát xuống sàn.
+ Cố thở hơi ngắn, nhịn thở trong khi cứu nạn nhân.
3. Làm thông đường thở.
– Ngửa đầu nạn nhân về phía sau, nâng hàm nạn nhân ra trước sẽ giúp nạn nhân thở được.
– Hoặc đặt đầu nạn nhân ngửa ra sau, nâng cằm hướng lên phía trên và làm thông đường thở, giúp nạn nhân thở dễ dàng.

Đối với trẻ nhỏ: nâng cằm lên một cách nhẹ nhàng và để cổ hơi ngửa ra phía sau. Dùng quần áo cuộn thành một gối kê dưới vai để giữ cho đầu hơi ngửa ra phía sau. Không được để đầu ngửa quá ra đằng sau giống như làm đối với người lớn.
4. Kiểm tra nhịp thở.
Để má của bạn gần miệng nạn nhân trong 5 giây, rồi vừa quan sát ngực của nạn nhân, nghe tiếng thở và cảm nhận hơi thở của nạn nhân qua miệng và mũi của nạn nhân phả vào má của bạn.
Nếu nạn nhân còn tự thở được, đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục, giúp nạn nhân dễ thở, cho phép các chất nôn hoặc các chất dịch được dẫn ra ngoài và đảm bảo giữ thông đường thở.
Nếu nạn nhân không tự thở được, kiểm tra nhịp đập của tim.
5. Kiểm tra nhịp đập của tim.
– Cổ ngửa ra sau để giữ thông đường thở.
– Đối với người lớn và trẻ lớn: dùng 3 ngón tay sờ vào hõm dưới cằm, cạnh yết hầu.

 – Đối với trẻ nhỏ: rất khó xác định mạch đập ở cổ. Chúng ta có thể tìm cảm giác mạch đập ở mặt trong của cánh tay, trên điểm giữa từ khủy tay đến mỏm vai.
– Tìm kiếm mạch dập trong 5 giây, trước khi quyết định là có mạch đập hay không.
* Nếu nạn nhân ngừng thở nhưng tim vẫn còn đập, tiến hành hà hơi thổi ngạt.
* Nếu nạn nhân ngừng thở và không có mạch, tiến hành ép tim ngoài lồng ngựchà hơi thổi ngạt.
6. Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.
Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất, nơi mà họ nhận được sự chăm sóc của nhân viên y tế, nếu có biểu hiện sau:
– Khó thở hoặc thở nhanh.
– Có tiếng khò khè khi cố thở.
– Sùi bọt mép.
– Môi và móng tay tím tái.
IV. Giáo dục và phòng bệnh
– Hướng dẫn sơ cứu ngạt thở trong các trường học, cho các cha mẹ có trẻ nhỏ.
– Cất giữ dị vật có thể gây ra ngạt thở và để chúng xa trẻ em. Dạy cho trẻ đừng bao giờ trùm kín đầu bằng bất cứ vật gì.
– Chuẩn bị sẵn sàng sơ cứu ngạt thở khi thảm họa xảy ra như do bùn lầy, sập nhà, lụt bão.
– Biết cách sơ cứu cho người bất tỉnh.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.