VĂN NGHỆ (Bậc Trung Thiện) BIẾT THÊM CÁC LÀN ĐIỆU DÂN CA
BIẾT THÊM VÀI LÀN ĐIỆU DÂN CA.
Tiếng Việt giàu âm điệu, lên bổng xuống trầm nên thơ nên nhạc, lại có nhiều thanh điệu, mở rộng âm vực làm cho âm điệu thêm phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc. Thơ, ca, hò, vè là sự dung hóa giọng nói địa phương và các thể văn thơ bình dân hay bác học tạo nên. Đó là thể loại dân ca Việt Nam bắt nguồn rất xa xưa, là sản phẩm sáng tạo của giới sĩ, nông đề cập đến các sinh hoạt, các công việc và tâm trạng, tâm hồn của người dân, nhằm biểu lộ tâm tình, ước mơ trong lao động, lúc nghỉ ngơi, vui chơi, lễ hội, tế lễ,… hoặc phê phán châm biếm những cảnh chướng tai gai mắt.
Cách thể hiện các làn điệu dân ca ở mỗi miền có khác nhau. Khi cần đọc những câu thơ có âm điệu, người Miền Trung và Miền Bắc gọi là Ngâm (Miền Bắc: Ngâm Kiều, Kể Kiều, Lẩy Kiều,…), người Miền Nam gọi là Nói Thơ (hát kể chuyện Vân Tiên, hát hay nói lô tô,…). Các Nho sĩ xưa ở Miền Trung ngâm những câu thơ đố chữ gọi là “Hát thai” hay “Hò thai”…
Ở đây, tìm hiểu sơ lược vài nét về làn điệu dân ca ru con, điệu hò.
1. Làn điệu dân ca ru con
Ru là làn điệu dân ca theo lối phổ nhạc những bài ca dao lục bát nguyên thể hay biến thể. Thường bắt đầu và ngân nga là các tiếng đệm: à ơi, ầu ơ,… kéo dài thật êm dịu ngọt ngào để ru trẻ ngủ, làn điệu mênh mang, có khi là nỗi buồn về thân phận người phụ nữ.
Ru ở Bắc Bộ
À à ời iii… à à ơi …iii
Con cò mà đi ăn đêm ơ…
Đậu phải cành mềm ơ…lộn cổ ơ… xuống ơ…ao
À à ời iii… à à ơi …iii
Ông ơi, ông vớt tôi nao ơ…
Tôi có lòng nào ơ…ông hãy ơ… xáo ơ…măng
À à ời iii… à à ơi …iii
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục ơ…đau lòng ơ…cò ơ…con
À à ời iii… à à ơi …iii
Hàà..à..a..à.ời.
Hàà..a..à.ỡơ iiii..iii.ii.
Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt …ơ… ai đưa ơ… cò ơ…về…
(mà) Cò về thăm quán cùng quê
Thăm cha thăm mẹ ơ… (mà) cò về ơ…
Thăm ơ… a…aiii..ii.i !
Hàà..à..a..à.ời.
Hàà..a..à.ỡơ iiii..iii.ii.
À ời à ơi. Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Tiếc công bác mẹ (ớ) sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem
Mải vui quên hết (ớ) lời em dặn dò.
Gánh vàng đem đổ sông Lô
Đêm nằm mê tưởng (ớ) đi mò sông Thương.
À ời hà à ơi.
Thằng cuội ngồi gốc cây đa
Bỏ trâu ăn lúa (ớ nó) gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên đồi,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời (à) quan viên.
À ời, à à à ơi.
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm đò ngang quan chèo,
À ời, à à à ơi.
Muốn sang thì bắc cầu Kiều,
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy.
À ời, à à à ơi.
Bồng bồng cõng chồng đi chơi,
Ra tới chỗ lội (í a) em đánh rơi mất (à) chồng,
Ai có thương thì cho mượn chiếc gầu sòng
Để tôi tát nước (ớ)vớt chồng tôi (à) lên.
À hời, à ơi.
Ru ở Bắc Bộ thường theo giai điệu ngũ cung Đô, Rê, Fa, Sol, La.
Ru Nam Bộ hay bắt đầu bằng: “Ầu ơ… ví dầu”, “Ù ơ… ví dầu”,…thường theo giai điệu ngũ cung: Đô, Mi, Fa (già), Sol, La “hơi Nam, giọng oán”.
Ru ở Nam Bộ
Ầu ơ … ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu treo lắc lẻo gập ghềnh khó đi…
Ầu ơ … Khó qua mẹ dắt con qua
Con đi trường học… mẹ đi trường đời …
Ầu ơ … ví dầu tình bậu muốn thôi
Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra…
Ví dầu kết chẳng đặng đôi
Làm thơ trái bưởi thả trôi sông này…
Ru ở Trung Bộ
Ru ở Quảng Nam theo lối nói thơ giai điệu ngũ cung hơi Nam, giọng oán. Ru ở Quảng Trị, Thừa Thiên nằm trong tứ cung.
Cái quán giữa đàng
Bạn hàng trước ngõ
Cây hương bên tàu
nhỏ nhụy thơm xa
(Chớ) anh có đi mô lâu
cũng nhớ ghé vô thăm chén ngọc ve ngà
dù gần cũng nghĩa
dù xa cũng tình…
Bạn chào ta có ân có ái
Ta chào lại bạn có nghĩa có nhơn
May mô may quyển lại gặp đờn
Quyển kêu thánh thót còn tiếng đờn thì ngâm nga
Nhắn em về nói với mẹ cha
Dọn đàng quét ngõ tháng ba dâu về
Dâu về không lẽ về không?
Ngựa Ô đi trước kiệu Hồng theo sau
Ngựa Ô đi tới vạt cau
Kiệu Hồng thủng thỉnh đi sau vạt chè…
Hàà..à..a…ời.
Hàà..a…ỡơiiii..ii
Hờờ.ờ.ờ….. ơ…..ơ……ơ !
Ầu ơ….ơ…ơ..ơ.ơ ….ơ..ớ..
Thương con tình sâu mà nghĩa nặng ……
Chỗ ướt mẹ nằm, nơi khô ấm giành con ……
Dù đắng cay sớm hôm mà mưa nắng . …..
Trút hết yêu thương cho con kiếp đời mặn nồng
Từng tứng tang từng tang tứng từng tang tứng ……
Trút hết yêu thươ..ơng , cho con kiếp đời mặn nồng.
2. Vài nét sơ lược về điệu hò
“Hò” tức là hô lên, vừa làm việc nặng nhọc như đẩy xe, bơi thuyền, kéo gỗ,… vừa “hò” – hô to những câu hát để tạo hứng thú, đồng một nhịp điệu rập ràng theo động tác lao động làm tăng thêm sức thúc đẩy.
Lời là những câu ca dao, âm điệu tùy theo từng địa phương nhưng rất thắm đượm chất trữ tình bởi sự giao duyên giữa người, giữa công việc
Hò qua sông hái củi (Dân ca Hải Phòng)
Dô hò – Hò dô ta là ta dô hò
Cùng nhau chung một con đò – Dô hò
Sang sông hái củi – Dô hò
Có nàng có anh
Dô hò – Dô ta là ta dô hò
Chuyến đò – Dô ta
Vượt sóng sang ngang – Dô ta
Cũng đi hái củi – Dô ta
Có nàng có anh
Dô ta – Dô hò là hò dô ta – là ta dô hò
Chuyến đò – Dô ta
Nên nghĩa nên duyên – Dô ta
Cũng đi hái củi – Dô ta
Có nàng có anh
Dô ta – Dô ta là ta dô hò
Hò trèo đèo
Anh em – Dô ta
Hăng hái hò reo – Dô ta
Vượt sông vượt núi – Dô ta
Vượt bao nhiêu đèo
Dô tà, dô tà là hò dô ta – Dô ta
Tiếng “Dô ta” biểu thị động tác kéo hay giật. Tiếng “hò khoan”, “hố khoan”, “rố khuầy”,… biểu thị động tác đang “khuấy”, đang chèo thuyền. Tiếng “Hù”, “Hụi”, sự nặng nhọc của công việc, làm hì hục, lụi hụi.
Hò làm việc mang tính tập thể. Người đầu tiên hò lên một đoạn (hò cái – Miền Trung gọi là “Vế kể”) rồi tất cả những người cùng làm việc hò theo (hò con, hò phụ – Miền Trung gọi là “Vế xô”).
Hụ là khoan là hụ là khoan!
Á lá khoan hò khoan, là hụ là khoan!
Hò cái: Chim khôn…
Hò con: Hụ là khoan!
Hò cái: Đậu nóc nhà quan…
Hò con: Hụ là khoan!
Hò cái: Trai khôn tìm vợ…
Hò con: Hụ là khoan!
Hò cái: Gái ngoan tìm chồng…
Đồng hò: Bớ hò bớ hụi
Bớ í hụi hát hụi hò khoan!
Á lá khoan hò khoan là hụ là khoan…
Và trong hò giã gạo, nhịp điệu rất rõ ràng, thiên về hò đối đáp, hát giao duyên, lời ca rất trữ tình.
Hò cái: Khoan khoan mời bạn hò khoan
Hò con: Ô … ô…
Hò cái: Ơ bởi núi cao
Hò con: Ô … ô…
Hò cái: Ô mà chi lắm núi ơi!
Hò con: Ô … ô…
Hò cái: Ô núi che mặt trời
Hò con: không thấy người ta thương người thương!
CÁC BẢN NHẠC TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ