CỨU THƯƠNG (Bậc Trung Thiện) CẤP CỨU CHẾT ĐUỐI

CẤP CỨU CHẾT ĐUỐI
 

Một người có thể bị đuối nước khi nước hay chất lỏng ngăn không để không khí vào mũi miệng. Chết đuối là hiện tượng tử vong do ngạt nước, có thể xảy ra với cả những người bơi giỏi mà chủ quan.
Chúng ta thường nghĩ tới nạn nhân chìm dưới nước sâu, nhưng ngay cả khi nạn nhân chỉ bị dìm mặt xuống nước sông cạn thì cũng sẽ bị ngạt thở. Cả những người bất tỉnh cũng có thể do bị đuối nước bởi chính chất nôn của họ.
I. Cấp cứu nạn nhân chết đuối:
Nếu nhìn thấy một người bị đuối nước:
1- Đánh giá sự nguy hiểm tại hiện trường đối với:
– Người sơ cứu
– Nạn nhân
 – Những người xung quanh
Nhìn chung quanh và cẩn thận để tránh mối nguy hiểm đối với chính ta. Phát hiện các nguy hiểm tiềm ẩn tại hiện trường:
– Nguồn điện cao thế
– Nước sâu
– Nguy cơ cháy, nổ
– Khí độc, hoá chất
– Vật rơi từ trên cao
– Sạt lở …
2- Gọi người giúp đỡ.
Tuỳ theo tình trạng nạn nhân mà gọi sự hỗ trợ và cấp cứu.
– Số gọi khẩn cấp:
113 – Cảnh sát,    114 – Cứu hỏa,   115 – Cấp cứu.
– Hô to để kêu gọi và thông báo mọi người đến giúp.
– Khi gọi cấp cứu cần cung cấp những thông tin cụ thể sau:
+ Tên và số điện thoại của người sơ cứu.
+ Địa điểm xảy ra tai nạn.
+ Loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng.
+ Số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân.
+ Các nguy hiểm tại hiện trường như: chất cháy, nổ, khí độc,…
+ Không cúp máy điện thoại trước khi cơ quan Y tế chưa khai thác hết thông tin.
3- Nếu nạn nhân ở nước sông cạn:
Nâng đầu nạn nhân ra khỏi nước (hoặc chất lỏng) và mang nạn nhân đi một cách an toàn với tư thế đầu thấp hơn ngực.

4- Nếu nạn nhân bị đuối nước ở trong nước sâu:
– Khi thấy một người đang hốt hoảng trên mặt nước hãy nhanh chóng thảy cho họ bất cứ thứ gì có thể giúp họ bám vào và nổi lên được.
a. Cẩn thận không để bạn cũng bị đuối nước:
– Không nhảy xuống nước cứu nạn nhân nếu như không biết bơi.
– Nếu chỉ có một mình và 2 tay không, nếu không phải là một nhân viên cấp cứu nhiều kinh nghiệm thì bơi ra cứu nạn nhân là điều rất mạo hiểm dù là một tay bơi giỏi vì trong cơn hoảng loạn cực độ, nạn nhân thường có khuynh hướng vùng vẫy, níu kéo rất chặt gây khó khăn cho người cấp cứu và có nguy cơ làm chết đuối luôn cả hai. Nên ném cho nạn nhân một phao nổi trước cho nạn nhân bám vào, sau đó mới cho nạn nhân bám vào ngưới cứu hộ.

b. Nếu một người đuối nước gần bờ:
– Chúng ta nhanh chóng nắm lấy một vật gì đó đưa cho nạn nhân (cây gậy, khúc tre, nhánh cây, cây lau nhà,…) có thể làm phương tiện để nạn nhân bám lấy và kéo họ lên bờ một cách an toàn.
– Hoặc ném một đoạn dây thừng từ bờ cho nạn nhân để họ túm lấy và kéo họ vào.
c. Nếu một người đuối nước ở quá xa bờ và bất tỉnh:


– Ngay lập tức sử dụng thuyền (nếu có sẵn) đến vớt nạn nhân lên thuyền.
 

– Nếu không có thuyền:
+ Lấy một sợi dây thừng buộc quanh thắt lưng của một người (dùng gút ghế đơn, gút cứu hỏa) rồi bơi ra chổ nạn nhân và có một người cầm đầu dây kia đứng trên bờ.

+ Bơi đến nơi, nói lớn với nạn nhân một cách vững vàng để giúp họ bình tĩnh rồi giữ tay nạn nhân về phía sau, cố gắng nâng cằm và mặt của họ lên khỏi mặt nước.
+ Người đứng trên bờ kéo cả hai vào bờ một cách an toàn.
– Nếu có phao, nên đem phao bơi ra cùng nạn nhân (nhưng vẫn phải buộc dây thừng quanh người như trên), rồi giữ nạn nhân bám vào phao và bơi vào bờ cùng người đứng trên bờ kéo vào an toàn. (Tránh trường hợp ném phao không đến nạn nhân, dòng nước chảy đẩy phao ra xa nạn nhân).

Sơ cứu nạn nhân chết đuối:
Khi nạn nhân bị đuối nước và người cứu đã đến được bờ an toàn, điều quan trọng nhất tiếp theo là phải khẩn trương thực hiện sơ cứu.
Sơ cứu theo các bước như đối với sơ cứu nạn nhân bất tỉnh, gồm các bước sau:
1. Làm sạch đường thở và làm thông đường thở.
2. Kiểm tra hơi thở và mạch.
a. Nếu nạn nhân còn thở và tim còn đập nhẹ, đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục, đặt nằm đầu thấp, thay quần áo, ủ ấm, dùng ngón tay quấn gạc hoặc khăn tay móc hết đờm dãi trong mồm.
b. Nếu nạn nhân ngừng thở, tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Nếu sờ không thấy mạch (ngừng tim) tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ngay.
c. Trường hợp nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim thì nhanh chóng dốc ngược đầu nạn nhân cho nước trong đường thở thoát ra hết; sau đó móc hết đờm dãi trong mồm và cởi ngay quần áo, làm hô hấp nhân tạo bằng cách thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực.
Cũng có thể làm hô hấp nhân tạo theo phương pháp nằm sấp: đặt nạn nhân nằm sấp, đầu nghiêng về một bên, người cấp cứu quỳ ở phía đầu nạn nhân, dùng hai bàn tay ấn mạnh lên vùng bả vai để nạn nhân thở ra. Sau đó, cầm hai cánh tay đưa lên và ra sau để nạn nhân thở vào, làm 10-20 lần/phút.
3. Đặt nạn nhân trong tư thế hồi phục nếu nạn nhân bắt đầu tự thở được. (Khi tỉnh lại, nạn nhân sẽ nôn ra nước nên phải đặt họ ở tư thế hồi phục, phòng không cho nạn nhân bị đuối nước trở lại vì chất nôn của chính họ).
Hãy để cho nạn nhân nằm ở tư thế hồi phục cho tới khi nạn nhân đủ khỏe để ngồi dậy và đi lại. Giữ ấm bằng cách đắp chăn cho nạn nhân.
Chuyển nạn nhân đuối nước đến cơ sở y tế sau khi đã sơ cứu và họ đã hồi phục để họ nhận được sự chăm sóc tiếp theo của nhân viên y tế.

III. Giáo dục và phòng ngừa:
1. Phòng tai nạn đuối nước trong gia đình:
– Rào quanh ao hoặc nơi có nước sâu để bảo vệ trẻ em.
– Luôn theo dõi trẻ em khi chúng chơi với nước hoặc tắm rửa.
– Dạy cho trẻ biết bơi, nhưng chỉ ở chổ an toàn.
2. Phòng tai nạn đuối nước trong cộng đồng:
– Nói với người dân đừng bao giờ bơi một mình.
– Xác định những chổ nguy hiểm hoặc có chổ nước sâu trong cộng đồng (đánh dấu những chổ nguy hiểm trên bản đồ, cắm biển báo) và thông báo cho thầy giáo, học sinh và nhiều người khác cùng biết.
– Hướng dẫn cách sơ cứu đuối nước cho nhiều người.
– Chuẩn bị tốt cho việc sơ cứu đuối nước khi có thiên tai, lụt, bão xảy ra.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.