TẬP ĐÁNH CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ (Bậc Chánh Thiện)
TẬP ĐÁNH CHUÔNG TRỐNG BÁT NHÃ.
Đánh Chuông trống Bát nhã chỉ dùng trống đại và đại hồng chung. Thông thường đại hồng chung được đặt tại lầu chuông, bên tay phải từ ngoài nhìn vào chùa, còn trống đại được đặt tại lầu trống, bên tay trái từ ngoài nhìn vào chùa.
Bài kệ Chuông trống Bát nhã thì ngắn, dễ thực hành, chỉ cần học thuộc bài kệ ấy là thực hành được. Tuy nhiên với bậc Chánh Thiện, các em cần biết xuất xứ và ý nghĩa của chuông và trống.
I. Xuất xứ:
1. Chuông: Chuông có 3 loại:
-Đại hồng chung, -Báo chúng chung, -Gia trì chung.
1.1 Kinh Tăng nhất A Hàm chép: mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên thì những hình phạt trong các ác đạo đều tạm dừng nghỉ, chúng sanh nào đang chịu hình phạt ấy được tạm thời an vui.
1.2 Ngày xưa khi đức Phật Câu Lưu Tôn ở tại tu viện Tu Đa La xứ Càng Trúc đã có tạo một quả chuông bằng đá xanh thường đánh vào lúc mặt trời vừa mọc, khi tiếng chuông ấy vừa ngân lên thì trong ánh sáng mặt trời có các vị hóa Phật hiện ra diễn nói 12 bộ kinh làm cho người nghe chứng được thánh quả không thể kể xiết (theo truyện cảm thông chép).
1.3 Kinh Lăng Nghiêm: Đức Phật bảo La Hầu La đánh chuông để giảng giáo lý viên thường cho Ngài A Nan nghe. Như vậy chuông đã có từ thuở đức Thế Tôn còn tại thế.
Đại hồng chung là loại chuông lớn còn gọi là chuông U minh (thường đánh vào đầu hôm và cuối đêm).
2. Trống:
2.1. Trong kimh Kim Quang Minh có chép: Một hôm ngài Tín Tưởng Bồ Tát nằm mộng thấy một cái trống thật lớn bằng vàng , trống chiếu hào quang, trong hào quang có rất nhiều đức Phật ngồi trên tòa sen chung quanh các đức Phật đều có trăm nghìn ức các vị đại đệ tử đều chăm chú nghe pháp. Lúc bấy giờ có người cầm dùi đánh mạnh vào trống vàng. Tiếng trống vang rền nghe như lời kinh sám hối. Khi tĩnh mộng, ngài Tín Tưởng Bồ Tát liền đem trình những điều thấy, nghe trong mộng lên đức Thế Tôn.
2.2. Kinh lăng Nghiêm chép: Đức Phật hỏi “Nầy A Nan ngươi hãy nghe tiếng trống khi dọn cơm xong và tiếng chuông mỗi khi nhóm họp đại chúng trong tịnh xá kỳ Đà nầy. Tiếng trống hoặc tiếng chuông ấy nối tiếp nhau. Vậy theo ý ông, mỗi khi ông nghe được các thứ tiếng ấy vì nó tự bay đến tai ông, hay tai của ông đến nơi chổ phát ra tiếng ấy. Vậy chúng ta quả quyết rằng trống cũng có từ thuở đức Thế Tôn còn tại thế.
II. Bài kệ đánh trống Bát nhã
Bát nhã hội, (3 lần)
Thỉnh Phật thượng đường,
Đại chúng đồng văn,
Bát nhã âm,
Phổ nguyện pháp giới,
Đẳng hữu tình,
Nhập Bát nhã,
Ba la mật môn.
III. Thực hành – cách sử dụng chuông trống:
(Trống) | (Trống) | (Trống) | – | (Chuông) |
– Bát nhã hội. (3 lần) | ||||
Tùng | Tùng- Tùng | – | Chuông | |
Tùng | Tùng- Tùng | – | Chuông | |
Tùng | Tùng- Tùng | – | Chuông | |
– Thỉnh Phật thượng đường | ||||
Tùng | Tùng | Tùng-Tùng | – | Chuông |
– Đại chúng đồng văn | ||||
Tùng | Tùng | Tùng-Tùng | – | Chuông |
– Bát nhã âm | ||||
Tùng | Tùng- Tùng | – | Chuông | |
– Phổ nguyện pháp giới | ||||
Tùng | Tùng | Tùng-Tùng | – | Chuông |
– Đẳng hữu tình | ||||
Tùng | Tùng- Tùng | – | Chuông | |
– Nhập bát nhã | ||||
Tùng | Tùng- Tùng | – | Chuông | |
– Ba la mật môn | ||||
Tùng | Tùng | Tùng-Tùng | – | Chuông |
Tùng | Tùng | Tùng-Tùng | – | Chuông |
Tùng | Tùng | Tùng-Tùng | – | Chuông |
Lần thứ 2, 3 đánh như lần thứ 1. Lần thứ 3, khi hết câu cuối bài kệ rồi, đánh tiếp theo phần kết thúc:
Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông (đánh tiếng nhỏ dần) Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông
Và sau cùng đánh bốn tiếng trống và chuông chấm dứt:
Tùng – Chuông Tùng – Chuông Tùng – Chuông
Tùng-tùng – Chuông-chuông (đánh kép).
Lúc khởi đầu, chuông trống Bát Nhã đánh ba hồi, nhưng khi kết thúc buổi lễ, chuông trống Bát Nhã chỉ đánh một hồi mà thôi.
IV. Công dụng của chuông trống Bát nhã
– Cung thỉnh Phật nói lý Bát nhã nguyện cho đại chúng hiện tiền cùng tất cả chúng sanh đều được thâm nhập giáo lý.
– Thường đánh vào lúc trước lễ sám hối, lễ thù ân, lễ cúng ngọ, lễ khai kinh lớn, lễ vía Phật và Bồ Tát.
– Thỉnh Đại Sư thăng tòa thuyết pháp, chư tôn giáo phẩm chứng minh các lễ lớn: khánh thành, đặt đá, đăng đàn chẩn tế…
LƯU Ý:
Tùy theo từng địa phương, có nơi đánh 2 dùi trống thành một tiếng, ví dụ: Bát nhã hội Tùng-tùng tùng-tùng tùng-tùng – Chuông
Đánh như thế nầy nhịp trống nghe rộn ràng hơn, tuy nhiên phải là người sử dụng rành thì mới thấy hay được. Người mới tập chỉ nên đánh từng tiếng một mà thôi, cần tập thường xuyên mới đánh tốt được.