LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA (Bậc Hướng Thiện)
LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA
I. Bối cảnh xã hội Ấn Độ
Vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch, dân tộc A-ly-an (Aryen) thâu phục nước Ấn Độ và chia dân chúng ra thành bốn giai cấp như sau:
1. Bà-la-môn: Gồm các đạo sĩ học hành uyên thâm, giới hạnh đoan nghiêm. Văn hóa của dân tộc đều nằm trong sự điều khiển của các bậc này.
2. Sát-đế-lỵ: Dòng dõi vua chúa.
3. Phệ-xá: Hạng buôn bán.
4. Thủ-đà-la: Dân tôi tớ lao động.
Ngoài ra còn có chủng tộc Ba-ly-a là dân tộc mọi rợ.
Chỉ có ba giai cấp trên được quyền học đạo. Hai giai cấp sau cùng không có quyền đọc kinh sách, ngược lại chỉ làm tôi tớ cho ba giai cấp trên.
II. Sự ra đời của thái tử Tất Đạt Đa
Vào năm 624 trước Tây Lịch tại Vương quốc Ca-tỳ-la-vệ do dòng họ Thích Ca lập nên, Vua Tịnh Phạn (Suddhodana) được 50 tuổi và Hoàng Hậu Ma-da (Maya) được 45 tuổi. Năm ấy, Hoàng Hậu đản sanh Thái tử. Thái tử sanh vào ngày trăng tròn tháng hai Ấn Độ, tức nhằm ngày rằm tháng tư âm lịch năm 624 trước Tây lịch, dưới cây Vô ưu trong vườn cảnh mỹ lệ Lâm Tỳ Ni thuộc nước Ca Tỳ La Vệ. Ngài được đặt tên Tất Đạt Đa, họ Thích Ca, vì Thích Ca là chi nhánh của dòng dõi Kiều Tất La nên ngài được gọi là Kiều Tất La Thích Ca Tất Đạt Đa.
III. Tướng mạo Thái tử
Thái tử có 32 tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Tướng số A-Tư-Đà nhìn thái tử và nói rằng: “Nếu thái tử làm vua thì sẽ làm vị chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật”. Ông A-Tư-Đà vừa vui vừa buồn. Vui là thái tử sẽ thành Phật, và buồn vì khi thái tử thành Phật thì ông không còn sống nữa.
IV. Cuộc sống của Thái tử
Thái tử chào đời được bảy ngày thì hoàng hậu Ma Gia qua đời. Thái tử được dì Ma-Ha-Ba-Xà-Ba-Đề nuôi dưỡng. Thái tử nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, lại luôn luôn khiêm tốn, lễ độ nên được mọi người yêu chuộng. Đến năm 17 tuổi, sau khi chiến thắng được tất cả các cuộc thi đua, Thái tử cưới công chúa Da-Du-Đà-La làm vợ và sanh được đứa con trai tên La-Hầu-La.
V. Thái tử tiếp xúc với đời:
Thái tử xin cha đi du ngoạn để biết cuộc sống ở ngoài hoàng cung. Lần thứ nhất ở cửa thành phía Đông ngài gặp một cụ già da nhăn, lưng còm, tai điếc. Lần thứ hai ở cửa thành phía Tây gặp một người bịnh rên la thảm thiết. Lần thứ ba ở cửa thành phía Nam ngài chứng kiến một đám tang, thân nhân khóc la sầu thảm. Bấy giờ thái tử mới thực sự biết rõ thực trạng đau khổ của kiếp người. Lần thứ tư ở cửa thành phía Bắc gặp một vị sa môn. Nhìn hình ảnh thanh thoát của vị sa môn làm thái tử nảy sanh ý chí tìm đạo. Ngài hiểu rằng chỉ có phương pháp xuất gia, tìm đạo giải thoát, mới mong cứu được hết thảy chúng sanh khỏi khổ đau.
VI. Thái tử xuất gia
Một đêm kia, sau buổi yến tiệc linh đình, thừa lúc mọi người đang ngủ say, Thái tử nhìn vợ con lần cuối rồi cùng Xa-Nặc phi ngựa Kiền-trắc theo hướng Đông Nam. Đến dòng sông A-Nô-Ma, ngài cởi hoàng bào, cắt tóc, và trao gươm báu cho Xa-Nặc đem về cho vua cha để bày tỏ ý chí cương quyết xuất gia của Thái tử. Ngài xuất gia vào lúc trăng tròn tháng 2 Ấn Độ lúc ngài được 19 tuổi (1).
VII. Thái tử tầm đạo:
Trên đường tầm đạo Thái tử đã tới thụ giáo 2 vị đạo sư tôn kính là A-La-Ra Kalama và Uất Đầu Lam Phất, chẳng bao lâu Ngài đã đạt được sở ngộ nhưng Ngài biết rằng đây vẫn còn trong vòng sinh tử…
Ngài đến Ưu Lâu Tần Loa bên dòng sông Ni Liên Thuyền cùng tu khổ hạnh vơi 5 anh em ông Kiều Trần Như (Kodanna) kéo dài 6 năm trời với kết quả thân thể kiệt quệ, không còn đi đứng được nữa nhưng tâm thức còn sáng suốt. Ngài thấy rằng chân lý tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể tìm cầu ở bên ngoài, mà sự chứng ngộ ấy cần phải đuợc thể hiện ở chính trong nội tâm của mỗi người. Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn nữ tên là Tu Xà Đề dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng sông. Năm người đồng tu cho rằng ngài đã thối chí nên bỏ đi.
VIII.Thành Đạo:
Còn một mình, Ngài đến gốc cây Tất Bát La (pippala) cò gọi là cây Bồ Đề (Bodhi) trong 49 ngày đêm với tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, li dục đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền… sau đó hướng tâm đến tam minh. Canh một Ngài chứng Túc mệnh minh biết rõ vô lượng kiếp quá khứ của mình, sang canh hai ngài chứng Thiên nhãn minh thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sinh, qua canh ba ngài chứng Lậu tận Minh (đoạn tận mê lầm). Sau cùng ngài chứng đắc quả vị PHẬT đầu tiên trong hiện kiếp lúc ấy sao mai vừa mọc, danh hiệu Đức Phật GOTAMA. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ ấy. Mâu Ni nghĩa là bậc hiền nhân tịnh mặc, Thích Ca Mâu Ni là danh xưng thể hiện tôn kính Đức Phật là vị Hiền nhân trong dòng họ Thích Ca.
IX. Bài pháp đầu tiên. Ngôi tam bảo được hình thành
Sau khi quyết định truyền bá giáo lý cứu khổ cho muôn loài, Ngài nghĩ ngay đến hai vị thầy cũ nhưng cả hai đã qua đời trước đó không lâu. Đức Thế Tôn nhớ đến 5 anh em ông Kiều Trần Như đang ở vườn Nai (Lôc Uyển) thuộc Ba-La-Nại (Benares), Ngài lên đường tìm gặp. Tại đây ngài giảng bài pháp đầu tiên: “Tứ Diệu Đế”. Nghe xong, tôn giả Kiều Trần Như chứng quả Tu Đà Hoàn. Đức Phật nhận 5 tôn giả là đệ tử đầu tiên và thế là 3 ngôi tam bảo: Phật, Pháp, Tăng được hình thành.
X. Đức Phật hóa độ rộng lớn và cùng khắp:
Với lòng bi mẫn rộng sậu, tính bình đẳng triệt để và ý chí dũng mãnh vô song, Đức thế tôn đã tùy căn cơ của mọi người mà dùng nhiều phương tiện thiện xảo giáo hóa như một bậc y vương đã tùy bệnh mà cho thuốc. Ngài đã cảm hóa được 3 anh em ông Ca Diếp – Giáo chủ thần lửa, người em họ độc ác Đề-Bà-Đạt-Đa, chàng Vô Não giết người không run tay… và trong 10 đại đệ tử của Phật có ông Ưu Ba Ly xuất thân từ giai câp hạ tiện (chiên đà la). Với lòng hiếu thảo, Đức Phật thuyết pháp độ cho vua cha, di Mẫu, công chúa Da-Du-Đà-La và con trai La Hầu La. Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề xuất gia là một sự kiện quan trọng vì Ni giới từ đây được công nhận là một bộ phận của Giáo hội Phật Giáo.
XI. Lời di huấn cuối cùng-Đức Phật nhập diệt.
Đức Phật là nhân vật phi thường, tuy nhiên còn mang thân ngũ uẫn là còn chịu sự hoại diệt của định luật vô thường.Với tuổi 80, Ngài thấy con đường giáo hóa 49 năm đã viên mãn, vào ngày 15 tháng 2 Ngài đến xứ Câu Ly, vào rừng, sai đệ tử treo võng giữa 2 cây sa la song thọ; Ngài giảng giải, khuyên dạy lần cuối trả lời rốt ráo những thắc mắc của chúng đệ tử và nhận vị đệ tử cuối cùng là ông Tu Bạt Đà La 80 tuổi.
Đức Thế Tôn nằm tĩnh lặng, nghiêng mình về hông mặt, chân trái để trên chân phải duổi thẳng, đầu quay về hướng Bắc.
Được ANANDA báo tin, dân chúng, Phật tử tấp nập về quây quần bên ĐỨC PHẬT, cùng rừng cây sa-la chứng kiến giây phút thiêng liêng duy nhất trên đời và nghe những lời dạy sau cùng của ĐỨC BỔN SƯ:
“Nầy! Các ngươi phải tự mình thắp đuốc lên mà đi! Các ngươi hãy lấy Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác ngoài các ngươi…”
“Nầy các ngươi đừng vì dục vọng mà quên lời dặn. Mọi vật ở đời không có gì quí, chỉ có chân lý của Đạo ta là bất di bất dịch. Hãy tinh tấn lên để giải thoát, hỡi các ngươi rất thân yêu của ta!…”
CHÚ THÍCH
(1) có tài liệu ghi năm 29 tuổi.
SUY NGHĨ
1. Ngài luôn luôn nghĩ đến sự khổ đau của chúng sanh và tìm cách cứu giúp.
2. Thái tử xem nhẹ danh lợi, tài sắc, giã từ hạnh phúc gia đình để đi tìm hạnh phúc chân thật.
3. Ý chí dũng mạnh, cương quyết của Ngài đã giúp Ngài vượt qua mọi gian khổ trên bước đường xuất gia.
4. Sự có mặt của Ngài không phải là huyền ảo. Chính lịch sử nhân loại đã chứng minh Ngài là một nhân vật lịch sử, một nhân vật có thật.
TU TẬP
Không đua đòi theo thế gian.
Không ăn chơi quá độ.
Không ngủ quá mức.
Luôn nghĩ đến khổ đau của người khác.
Thương mọi người như thương chính bản thân mình.
Không hơn thua ganh tị.
Giúp đỡ mọi người.
Không hèn nhát trong lẽ phải.
Đừng sợ hãi khi đối diện với sự thật.
Tinh tấn trong việc học hành cũng như công việc làm.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Nêu sự phân hóa giai cấp và tính bất công trong xã hội Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ 6 trước Tây lịch.
2. Nêu thân thế, tướng mạo và cuộc sống của Thái tử Kiều Tất La Thích Ca Tất Đạt Đa.
3. Trong các lần dạo chơi ngoài thành Ca-Tỳ-La-Vệ tiếp xúc với đời sống của dân chúng, hình ảnh nào đã khiến Thái Tử Tất Đạt Đa thực hiện ý chí tìm đạo?
4. Nêu quá trình học đạo, tầm đạo, đoạn tận mê lầm và chứng đắc quả vị Phật của Thái tử Tất Đạt Đa.
5. Nêu ý nghĩa của sự thành đạo, hóa độ và lời di huấn cuối cùng của Đức Phật Thích Ca.