Người Huynh trường với sứ mệnh Phật hóa phổ gia đình

Nếu trong thuyết chính nhân quân tử của Khổng giáo, tiêu chí lập thân của bậc đại trượng phu được sắp xếp theo thứ tự: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Thì trong Phật giáo mục đích tu học của người Phật tử: Hoán cải tự thân, Phật hóa gia đình và gieo vui xã hội.

Thử so sánh thì ta thấy đối với Khổng giáo cũng như Phật giáo đều lấy tu thân làm nền tảng, tiếp theo đó là tề gia đối với Khổng giáo và là Phật hóa gia đình đối với Phật giáo.

Nếu như vậy thì trong vai trò một Phật tử tại gia gương mẫu, ngoài việc tu thân để trở thành một Phật tử chân chánh thì gieo vui xã hội bằng tinh thần góp phần cải tạo xã hội theo tinh thần Phật giáo như mục đích của Gia Đình Phật Tử thì sứ mệnh Phật hóa gia đình cũng rất chi là nặng nề mà người huynh trưởng phải gánh vác.

Chúng ta thấy mục đích đầu tiên là hoán cải tự thân thì người huynh trưởng phải thực hiện rồi, vì tự thân huynh trưởng phải là một bài thuyết giáo không lời, là tấm gương sáng cho đàn em nhìn ngắm. Vì thân giáo là khởi điểm – Dĩ thân tác chứng –rồi mới Dĩ thân tác chúng. Do đó nếu không hoán cải tự thân thì chắc chắn không thể trở thành huynh trưởng được. Đây là một điều cốt yếu. Thế nhưng mục đích thứ hai là Phật hoá gia đình thì không phải huynh trưởng nào cũng thực hiện được. Mặc dù ai cũng ý thức được rằng: Một cư sĩ bình thường nếu con cái không đi chùa, không quy y Tam bảo cũng không sao. Nhưng với một huynh trưởng thì điều đó không chấp nhận được. Chúng ta thấy trong khi thực hiện hạnh nguyện của mình, người huynh trưởng dùng phương pháp giáo dục của Gia Đình Phật Tử để giáo hoá thanh, thiếu niên đến với giáo lý Phật đà và sống với giáo lý ấy. Thế nhưng nếu như vợ hoặc chồng, con cái của huynh trưởng không thực hiện điều này trước thì chúng ta trở thành người nói suông, việc làm của chúng ta sẽ giảm tác dụng. Nếu ai đó đặt câu hỏi: “Tại sao đi chùa hay vào Gia Đình Phật Tử có lợi ích như thế mà anh (hay chị) không cho vợ (hoặc chồng) con cái cùng đi?” thì ta sẽ trả lời như thế nào? Lúc đó bao nhiêu công sức để thuyết phục người khác sẽ trở thành vô ích, ta thấy mâu thuẫn với chính mình và vô tình tự biến mình thành đối tượng gièm pha của những người thiếu thiện chí hoặc chưa hiểu đạo.

Anh Nguyên Lương Lê Văn Hạng – UV Ban Điều hành trại Lục Hòa Khu vực V- Kiến Hòa- đơn vị Quảng Ngãi cùng 3 con là trại sinh thuộc Đoàn Quảng Ngãi 4 : Lê Thị Liễu, Lê Thị Trà Giang, Lê Thị Lệ Huyền. Con út là Lê Phước Đạt, oanh vũ nam cũng được đi theo bởi ở nhà không còn ai nữa.

 

Thế là cả nhà rất vui vẻ cùng đi trại cũng như mỗi chiều chủ nhật cà nhà cùng đi sinh hoạt 

 Theo lý nhân quả thì chúng sanh tuỳ theo chánh báo và y báo mà sanh cùng quốc độ và trong cái trùng trùng duyên khởi thì chúng sanh cùng sống chung trong một mái nhà đều bắt nguồn từ nhiều nhân duyên khác nhau. Có cộng nghiệp nhưng cũng có biệt nghiệp. Con cái trong nhà có đứa hiếu thảo, có đứa ngỗ nghịch, có đứa đến đòi nợ, cũng có đứa đến để trả nợ từ nhiều kiếp cho cha mẹ hiện tiền. Điều này lý giải cho ta thấy tại sao có cây ngọt nhưng lại sinh trái đắng. Có nhiều anh chị là huynh trưởng mẫu mực suốt đời phụng sự cho lý tưởng áo Lam mà có đứa con không biết Phật là ai! Có anh chị sống ở đời được thầy yêu bạn chuộng, anh chị trong tổ chức nể trọng thế mà con cái không hề đến chùa hoặc không một lần mặc áo Lam GĐPT. Đây là một thực trạng đau lòng làm trăn trở cho anh chị em huynh trưởng GĐPT, là điều khổ tâm cho biết bao huynh trưởng đang làm cha, làm mẹ.

Dẫu biết rằng cảm hoá một con người rất khó, nó tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, vì dù chung sống trong một mái nhà, nhưng do nhiều nguyên nhân để đến với nhau như đã nói ở trên. Thế nhưng trong khi bản thân người huynh trưởng xác định được lý tưởng, đức tin vào giáo lý Phật đà là đúng đắn và chúng ta đang đi trên con đường sang đến bờ giải thoát thì thật đáng buồn vì không có những người thân yêu nhất của chúng ta cùng đồng hành trên con đường đó.

Đáng buồn hơn nữa là những người thân yêu đó lại đang đi trên một con đường khác, con đường dẫn đến khổ đau, phiền não.

Phật hoá gia đình là một mục tiêu, một khát vọng mà những bậc cao tăng, những vị cư sĩ đầy tâm huyết đã đề ra trong công cuộc chấn hưng Phật giáo cách đây hơn nửa thế kỷ.

Cũng như cái tên “Gia đình Phật hóa phổ” tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam mà các vị sáng lập viên đã đề ra vào thập niện 40 của thế kỷ trước đã nói lên mục đích và khát vọng đó. Thế nhưng cho đến bây giờ hơn nửa thế kỷ đã trôi qua và mục đích ấy vẫn đang còn ở phía trước, hoặc chỉ là đang thực hiện. Thế mới biết gánh vác một sứ mệnh như sứ mệnh “Phật hóa gia đình” thật là nặng nề lắm thay!

Đôi điều trao đổi để anh chị em huynh trưởng chúng ta cùng nhau suy gẫm.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.