VIẾT TƯỜNG THUẬT, LÀM THƠ VỀ SINH HOẠT ĐOÀN, CẮM TRẠI, DU NGOẠN
VIẾT TƯỜNG THUẬT, LÀM THƠ VỀ SINH HOẠT ĐOÀN, CẮM TRẠI, DU NGOẠN – CÂU ĐỐ
I. Mục đích:
– Cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tác các thể loại văn học như viết tường thuật, làm thơ, câu đố.
– Giáo dục cảm thụ văn học, say mê sinh hoạt tập thể.
II. Nội dung, phương pháp giảng dạy:
- Giới thiệu: Trong các cuộc Trại hoặc du ngoạn v.v.., chúng ta thường có cảm xúc để sáng tác văn chương. Vậy những thể loại nào thường được ưa thích viết?
- Nội dung bài:
+ Khái niệm:Tường thuật là thể văn xuôi, kể lại một sự kiện, sự việc nào đó (Lễ Chu niên, Đêm văn nghệ, Ngày cắm trại…)
+Cách viết:
-Chọn đề tài, chủ đề
– Bố cục:Mở bài, thân bài, kết luận.
– Các phần của bố cục:
+ Phần mở bài: Giới thiệu thời gian, địa điểm, hoàn cảnh… xảy ra sự việc.
+ Phần Thân bài: Tường thuật, (kể lại) diễn biến sự việc theo trình tự thời gian. (tất nhiên có sự hiện diện, tham gia của các nhân vật) Chọn lọc các chi tiết quan trọng làm nổi bật nội dung, đề tài, chủ đề.
+ Phần kết bài: Tóm tắt, nhấn mạnh nội dung tường thuật và có thể nêu cảm nghĩ của mình về đề tài, chủ đề đó.
+ Khái niệm;Thơ là tiếng nói của cảm xúc, tâm hồn, tình cảm được diễn đạt qua nghệ thuật ngôn từ.
+ Các thể loại thơ quen thuộc:
*Thơ lục bát: Mỗi bài có ít nhất 2 câu (6,8)
ví dụ:“ Mẹ già như chuối bá hương,
Như xôi nếp một như đường mía lau”.
* Thơ Thất ngôn Đường luật; Mỗi bài có 8 câu, mỗi câu có 7 chữ. Ví dụ bài “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quang hoặc “Bạn đến chơi nhà” của Nguyễn Khuyến.
* Thơ tự do: Không hạn định số từ, số câu, vần… ví dụ:
“ Ngày hôm nay Đoàn em đi cắm trại
Chùa Trúc Lâm,
Cảnh đẹp gọi mời.
Thú vị thay vừa học vừa chơi…
+ Lưu ý: Khi có cảm hứng, có hiểu biết chút ít về luật thơ thì khá dễ sáng tác thơ. Trong thời gian ngắn của trại, du ngoạn nên sáng tác thơ Lục Bát hoặc thơ tự do “ Tức cảnh sinh tình’.
+ Khái niệm: Là những câu nói có vần vè hoặc những câu thơ có nội dung “đố” cần được giải đáp tức thời. ví dụ:
* Trăm thứ dầu, dầu chi không thắp?
Trăm thứ bắp, bắp chi không rang?”
Hoặc:* Bằng trự tiền nằm nghiêng trong bụi? – Lá gì?
* Sừng sững mà đứng giữa trời
Gươm dao không sợ, sợ người moi gan.- Cái gì?
+ Nội dung câu đố: Rất phong phú đa dạng. Tùy theo hoàn cảnh, đối tượng tham gia chơi mà ra câu đố:
– Có thể chia nhóm, mỗi nhóm một chủ đề đố nhau
– Chủ đề: Đố về lá, về cây, về người, về loài vật, sự vật…
3 – Em suy nghĩ:
– Tường thuật là làm gì?
– Bài tường thuật có thể thực hiện ở dạng thể nào?
– Em làm thơ, câu đố để làm gì?
4 – Em cần nhớ:
Viết tường thuật, làm thơ, câu đố giúp em lưu lại những suy nghĩ, cảm xúc cá nhân về các buổi sinh hoạt, chu niên, thi vượt bậc, công tác từ thiện xã hội, diễn đạt tâm tư, tình cảm đối với Đạo pháp, tổ chức GĐPT, chùa tháp, quê hương…
Những bài hay được tập hợp lại làm báo Đoàn, báo gia đình.
Quen viết, em sẽ dễ dàng diễn đạt ý kiến, tư tưởng, tình cảm… của mình, lưu giữ được các bài viết hay giúp bạn bè, người thân hiểu thêm về em, về tổ chức em đang sinh hoạt.
Bài viết có thể thực hiện ở nhiều dạng thể khác nhau: văn, thơ, câu đố…