PHÒNG CHỐNG MA TÚY (Bậc Trung Thiện)
Thứ hai – 19/10/2020 06:42
PHÒNG CHỐNG MA TÚY
1. Ma túy là gì?
Theo Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh đã định nghĩa: “Ma” là cây gai. “Túy” là say. Theo gốc Hán Việt, ma túy là những chất gây nghiện, tạo cảm giác ảo, làm cho người dùng nó mê mẩn tâm thần, luôn ở trạng thái ngây ngất, lờ đờ và mất tự chủ.
Ma túy được phát hiện khoảng 4000 năm trước công nguyên, ở các khu vực Địa Trung Hải, Nam Á, Trung Á… Do quá trình tìm kiếm các cây dược thảo, người ta đã phát hiện ra cây thuốc phiện và một số loại khác. Chúng có tác dụng làm giảm đau, giảm co thắt cơ trơn, an thần, tăng lực…
Trong quá trình sử dụng lâu dài, các chất này đã làm cho người bệnh có hiện tượng thèm thuốc mà ta gọi là nghiện. Những chất gây nghiện có nguồn gốc từ cây thực vật như: Cây thuốc phiện, cây cần sa, cây ma hoàng, cây gai dầu ở Ấn Độ, cây xương rồng Mehico, cây coca ở Nam Mỹ, lá của cây có tên khoa học là Catha edulis Forsk (cây khát) ở vùng Đông Phi và Ả Rập. Ngoài ra, chất ma túy còn có thể được tổng hợp từ một số hoá chất khác.
2. Thế nào là nghiện ma túy?
Nghiện ma túy là sự lệ thuộc ở mức độ cao của người sử dụng vào chất ma túy. Người nghiện phải làm tất cả những gì có thể để thoả mãn cơn đói thuốc; bất chấp sự an nguy và tính mạng của mình hay của người khác. Có thể nói, bất kỳ chất ma túy nào khi sử dụng đều khiến đối tượng có trạng thái hưng phấn, có khuynh hướng gia tăng liều và dần dần trở nên nghiện, cuối cùng bị tê liệt ý chí cũng như bị hủy hoại cơ thể.
3. Tác hại của những dạng ma túy đang lưu hành
a. Các chất gây rối loạn:
Cây Cần sa (Cannabis), còn gọi là cây đại ma, cây lanh mèo, cây bồ đà. Nhựa cần sa được chiết xuất từ thân, hoa, lá, hạt có hàm lượng gây nghiện cao (gấp 8-10 lần).
b . Các chất gây ảo giác:
– LSD (Lysergic Sauer Diethylamide) là một thứ Acid, chiết xuất từ một loại nấm mọc trên cây lúa mạch. Đây là một trong những loại ma túy nguy hiểm nhất, dùng với liều cao và lâu dài, người nghiện dễ rơi vào tình trạng điên loạn suốt đời.
– Chất Mescaline, khi dùng nó sẽ tạo nên một tình trạng “bay bổng lâng lâng” (phê), sử dụng lâu ngày gây cho người nghiện bị lệ thuộc tâm lý rất nặng nề.
c. Các chất gây trầm uất:
– Thuốc phiện (Papaver Somniferum L.), Morphine,
– Heroine còn có tên gọi là Bạch phiến (Blanche): có tác hại lên hệ thần kinh trung ương, làm suy giảm sức thở, suy giảm hoạt động của tim, gan và thị lực. Sử dụng một lần có thể gây nghiện ngay.
d. Các chất gây kích thích:
– Thuốc lắc (Ecstasy): Là tên chung của một số dược chất Amphétamine, viết tắt là MDMA (Metylen Dioxy Metamphetamine). Các chất này kích thích hệ thống thần kinh, tạo ra một trạng thái hưng phấn giả tạo. Người sử dụng nó có cảm giác không đói và không mệt.
– Chất Cocaine: chất này gây ra ảo giác và mê sảng, quá liều có thể tử vong.
– Crack: Được trích ra từ chất cocaine, chỉ cần xài một lần là bị nghiện, chất này mạnh đến nỗi nếu mới “phi” lần đầu, có thể gây đứng tim, nghẽn hệ thống thần kinh hoặc làm liệt một phần não bộ.
e. Các chất ma túy tổng hợp:
Khi bị lạm dụng ngoài vòng kiểm soát của y học có thể trở thành chất gây nghiện.
– Amphétamine: Maxiton, Ritaline, Mirapront, Obésitol.
– Barbitriques:
+ Thuốc ngủ: Imenortan, Seconal, Binoctal …
+ Thuốc an thần: Valium, Sedusen, Barbiturat …
– Nhóm có chất Á Phiện: Codein, Valium,…
Tóm lại:
– Ma túy trực tiếp tác động hệ thần kinh trung ương, nếu sử dụng lâu dài sẽ dẫn đến mất trí nhớ, suy sụp ý chí, mất phương hướng, rối loạn tâm thần.
– Ma túy gây rối loạn hệ bài tiết, hệ tiêu hóa.
– Ma túy khi vào trong máu sẽ có một phần không thải được, tích tụ ở gan dẫn đến xơ gan, sưng lách, dễ bị teo tĩnh mạch.
– Nguy cơ lây truyền qua đường sinh dục khá cao, sử dụng lâu năm có thể bị liệt dương, vô sinh …
4. Những dấu hiệu giúp nhận biết một người nghiện ma túy ?
a) Sa sút trong học tập nhanh chóng.
b) Trầm tư, ít nói, khi cáu gắt bất cập vội vã, đặc biệt rất ngại khi kiểm tra, chất vấn…
c) Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có dấu hiệu biệt lập với người thân, không thiết tha với các sinh hoạt tập thể, cộng đồng.
d) Ăn uống thất thường, dậy trễ, da mặt không còn trong sáng, hồng hào, đồng tử (con ngươi) khi giãn to khi teo nhỏ.
5. Những tác hại do ma túy gây ra ?
a. Đối với cá nhân:
– Tất cả người nghiện ma túy đều bị ảnh hưởng thần kinh và có thể bị bệnh tâm thần.
– Do số lượng chất ma túy đưa vào cơ thể thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của người nghiện, nên dẫn đến các biến chứng về sinh lý như nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng não, lao phổi, tim mạch, gan nhiễm siêu vi B, hoại thư, AISD … suy nhược cơ thể, dẫn đến đột tử.
– Năng lực học tập, làm việc sa sút. Nhân cách thay đổi, trở nên nhu nhược, yếu đuối, ý chí suy sụp, nghị lực kém. Khi no thuốc, dành tất cả thời gian để tận hưởng; người lớn tuổi tìm chỗ yên tĩnh nằm, người trẻ tuổi dễ bị kích động, lao vào những cuộc chơi nguy hiểm, đốt da tay, rạch tay chân, gây sự đánh nhau, đua xe… Khi đói thuốc, sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể cả tội ác buôn bán ma túy, trộm cắp, lừa đảo, cướp giật, mại dâm, giết người …
b. Đối với gia đình:
Ma túy gây ra tình trạng xào xáo, hạnh phúc tan vỡ, ly tán và đi đến tán gia bại sản…
c. Đối với xã hội:
Lượng tiền khổng lồ đổ vào cho việc dùng và cai ma túy. An ninh trật tự bất ổn, tội phạm gia tăng, hư hỏng nhiều thế hệ, ảnh hưởng đến phát triển đất nước về mọi mặt: kinh tế, văn hoá, xã hội,…
6. Chúng ta cần làm gì để tránh xa ma túy ?
Phòng chống ma túy là trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi gia đình phải tự bảo vệ con em mình, mỗi cá nhân phải tự cứu lấy mình bằng cách cảnh giác, đừng để rơi vào cạm bẫy vô hình và chết người oan uổng là ma túy.
– Đề cao cảnh giác tệ nạn ma túy đã và đang lăm le, rình rập, đầu độc thanh thiếu niên.
– Qua thông tin truyền thông, hiểu biết về ma túy, thấy được tác hại nguy hiểm của nó và không thử dù chỉ một lần.
– Tạo hơi ấm gia đình, các thành viên cần được tôn trọng, động viên, khuyến khích, chia xẻ, tự tin mình có nơi nương tựa vững vàng nhất là đối với trẻ. Trẻ có cơ hội phát triển suy nghĩ, bộc lộ ước mơ, những khó khăn cần tháo gỡ trong cuộc sống …
Vì cuộc sống của chính mình, vì hạnh phúc của gia đình và tương lai của đất nước, tất cả mọi người hãy đề cao cảnh giác, cùng hợp lực quyết tâm phòng chống ma túy để bảo vệ thế hệ trẻ lành mạnh, tươi đẹp và hữu ích cho đất nước.
Là một Phật tử, hiểu được lý nhân quả, tôn trọng bản thân mình, dựa vào chính mình để tu tập tự thân, tâm ngày càng thanh tịnh, thân ngày càng an lạc. Cho nên không bao giờ hủy hoại thân mình, lạc vào ma túy. Thông cảm và có thái độ đúng đối với người nghiện ma túy, cùng xã hội tích cực phòng chống tệ nạn này.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1) Có bao nhiêu loại dạng ma túy đang lưu hành ?
2) Những tác hại do ma túy gây ra ?
3) Những dấu hiệu nào giúp nhận biết một người nghiện ma túy ?
4) Người Phật tử ý thức như thế nào về tệ nạn ma túy?
ĐỌC THÊM
KHÔNG CHƠI CÁ ĐỘ, KHÔNG NGHIỆN RƯỢU,
KHÔNG CHƠI CHỨNG KHOÁN BỪA BÃI
Tác hại của cá độ, nghiện rượu,
chơi chứng khoán bừa bãi
+ Cá độ thắng thua trong các trận bóng đá, quần vợt, đá gà,… lúc đầu là giải trí nhưng càng về sau con ma vô hình đã làm khuynh gia bại sản. Ai dính vào mà không biết dừng thì chỉ có con đường đi vào tội lỗi…
+ Nghiện rượu, lúc đầu mỗi bữa uống vài ve, sau đó không đi uống một bữa thì thấy nhớ, càng ngày càng nghiện, say, ăn nói thô tục… Hậu quả thân thể bại hoại, gia đình bất ổn, bạn bè tốt tránh xa…
+ Chơi chứng khoán bừa bãi: Không hiểu được qui luật của chứng khoán nhưng cứ chơi bừa bãi dẫn đến gia đình khánh tận.
Ghi nhớ:
Là Đoàn viên trong GĐPT, chúng ta phải kiên quyết nói không với ma túy, rượu chè, bài bạc, cá độ,…
Nguồn tin: Tài liệu tu học bậc Trung Thiện