AN CƯ KIẾT HẠ (Bậc Trung Thiện)

AN CƯ KIẾT HẠ (KHÁI QUÁT)
 

I. Định nghĩa:
An cư Kiết hạ là một pháp tu của các vị xuất gia trong 3 tháng mùa hạ.Trong 3 tháng này chư Tăng (Ni) tập trung về môt ngôi chùa, tòng lâm để học giáo lý, tịnh tu, gọi là Đạo tràng An cư hay Trường hạ (có tiền và hậu An cư); còn có tên khác là tọa hạ hay tọa lạp. Lúc bắt đầu thì gọi là kiết hạ hay kết hạ; kết thúc quá trình tu học sau 3 tháng gọi là giải hạ. Sách Nghiệp Số quyển 4 định nghĩa rằng: “Thân tâm yên tĩnh gọi là An, đến kỳ quy định phải ở yên một nơi gọi là Cư”
Bắt đầu 16-4-Âm lịch gọi là tiền An cư; 16-6-Âm lịch gọi là hậu An cư, tổng số tiền và hậu đủ 90 ngày.
II. Nguyên nhân có pháp An cư Kiết hạ
+ Đối với Ấn Độ có 3 mùa, mùa hạ mưa nhiều, để tránh cho chư Tăng gặp quá nhiều trở ngại khi đi truyền đạo nên Phật chế ra pháp An cư.
+ Mùa hạ là mùa côn trùng sinh nở nhiều, tránh cho chư Tăng đi lại  phải dẫm đạp sinh vật.
+ Chư Tăng 9 tháng bận rộn hoằng hóa, cần phải có thời gian chuyên tu thiền quán để tinh tấn đạo nghiệp.
+ Là dịp chư Tăng hội họp, học tâp, kiểm điểm lẫn nhau, sách tấn tu hành, nghiêm trì tịnh giới.
III. Ban tổ chức Trường hạ.
Hằng năm gần đến mùa An cư, Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam ra thông tư hướng dẫn về các tỉnh thành, cách tổ chức các điểm An cư. Tăng, Ni an cư theo đạo tràng riêng.
Mỗi đạo tràng An cư Kiết hạ đều có Ban Tổ chức gồm có:
1. Thiền chủ  : Vị Phụ trách chung đạo tràng
2. Hóa chủ     : Vị phụ trách cơ sở vật chất
3. Thư ký       : Vị phụ trách công văn.
4. Thủ khố     : Vị quản lý vật phẩm cúng dường .
5. Tri khách   : Vị lo việc tiếp khách thập phương.
6. Tri sự         : Vị sắp xếp công việc trong đạo tràng.
7. Chánh na, duyệt chúng: các vị lo việc chuông, mõ.
8. Nhang đăng       : vị lo việc hương đèn.
9. Ban trai đường  : lo việc trai soạn.
Các chúng ……vv…..
IV.Ý nghĩa và lợi ích của pháp An cư
1. Tôn trong sự sống của mọi loài.
2. Chú trọng thực hành nghiêm trì giới luật, tăng thủ oai nghi của bậc xuất gia.
3. Xác định tuổi đạo của Tăng chúng:
– Bậc xuất gia lấy số lần An cư làm tuổi đạo. Một vị Tăng (Ni) chưa kiết hạ lần nào thì chưa có tuổi đạo nào.
– Ngày rằm tháng 7, ngày Tự tứ (an vui, tự tại) là ngày thọ tuổi đạo của người xuất gia. Người có hạ lạp cao (số lần an cư nhiều), giới đức thâm hậu được hàng Tăng chúng tôn trọng.
V. Kết luận
Đức Phật dạy bổn phận người xuất gia phải an cư mỗi năm một lần dù 60 tuổi hạ vẫn phải an cư. Lời dạy này nêu rõ: Đức Phật rất chú trọng đến sự tu hành thanh tịnh, hành trì nghiêm túc giới luật; chấp thủ oai nghi một cách rốt ráo.                   
CÂU HỎI ÔN TẬP

  1. Ai có bổn phận An cư Kiết hạ?
  2. Thế nào là một Đạo tràng An cư?
  3. Người cư sĩ có bổn phận gì đối với các Đạo tràng An cư?
  4. Vì sao Phật chế ra mùa An cư Kiết hạ?
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.