Lễ phục của GĐPT?

            Tổ chức Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu niên  mô phỏng theo hình thức đồng phục của tổ chức Hướng Đạo Sinh (Scout) gồm: áo sơ-mi cụt tay và quần soọc (short), chân mang vớ cao tới gối. Vào khoảng thập niên 1940 – 1950 thì mốt quần soọc  được nhiều tổ chức thanh niên thời đó ưa chuộng và được xã hội bấy giờ chấp nhận (thậm chí trong một buổi lễ trọng đại như ngày Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại quảng trường Ba Đình lịch sử, chúng ta vẫn thấy xuất hiện nhiều chiếc quần soọc của các tổ chức, đoàn thể  tham dự hôm ấy.) Người viết còn nhớ hình ảnh của các anh phú-lích (police) thời ấy cũng mặc soọc trong khi làm nhiệm vụ.

            Chiếc quần soọc xanh và chiếc áo lam tay cụt từ lâu đã đi vào tâm tư tình cảm của người đoàn viên GĐPT. Mỗi khi mặc bộ đồng phục GĐPT trên người, ai cũng cảm thấy như trẻ lại, trở nên tự tin và tự trọng hơn. Trên bước đường xa quê vì kế sinh nhai, ai cũng trân trọng gói ghém bộ đồng phục GĐPT đem theo cùng với những hành trang khác , xem như một biểu tượng của niềm tin và lý tưởng trong cuộc sống mà mình trọn đời theo đuổi.

 

50 năm sau ngày ra đời danh xưng Gia Đình Phật Tử, tuyệt đại đa số đoàn viên GĐPT vẫn trung thành với bổ đồng phục truyền thống của mình, nhưng đồng thời cũng đã thấy xuất hiện những ý kiến phản bác việc các đoàn viên GĐPT mặc quần soọc đi chùa  tại một số địa phương. Ý kiến phê phán việc mặc quần soọc đi chùa đầu tiên xuất phát từ chư tôn đức Tăng, Ni rồi được sự đồng thuận của các bác Phật tử trong chùa. Từ đó, một số địa phương linh hoạt chuyển quần soọc sang quần tây dài. Việc quy định đồng phục GĐPT mặc quần soọc hay quần tây dài đã chiếm khá nhiều thời gian thảo luận trong hội nghị huynh trưởng GĐPT toàn quốc kỳ X (năm 2001). Sau cùng, với tinh thần “Tùy duyên, bất biến”, hội nghị đã quyết định vẫn giữ hình thức đồng phục truyền thống, tuy nhiên “mở một cánh cửa “ cho chiếc quần tây dài được ghi vào khoản A, Điều 12, Chương II Nội Quy GĐPT kể từ năm 2002 đến nay.

 

Biết sao bây giờ, đành phải chấp nhận một thực tế khách quan của cuộc sống, dù thực tế ấy đi ngược lại tâm tư tình cảm của mình, khác với suy nghĩ chủ quan của mình. Phật dạy “Vạn pháp vô thường”. Đã 50 năm qua rồi, biết bao cuộc “vật đổi sao dời”, kể cả thẩm mỹ quan của con người cũng không còn như xưa. Bóng dáng bộ đồng phục truyền thống của GĐPT đã không còn hiện diện trong đời sống xã hội thường ngày đã hơn 20 năm qua ( 1975 – 1995. Bây giờ nó đã trở nên xa lạ, thậm chí kỳ cục, đối với con mắt thẩm mỹ của đa số người trong xã hội hôm nay. Người thức thời thì phải chấp nhận sự thay đổi ấy, xem như một quy luật của cuộc sống. Hội nghị huynh trưởng GĐPT toàn quốc kỳ X-2001 đã làm một việc rất là “thức thời” vậy !

 

            Qua 10 năm thực hiện đồng phục theo Nội quy 2002 đến nay mới thấy chiếc quần tây dài trong đồng phục GĐPT cũng có cái hay. Bên phía mấy chị thì khỏi lo rồi, vì ngày thường đi sinh hoạt thì cứ mặc trại phục cho nó gọn gàng; mà khi có lễ trong chùa thì mặc áo dài lam là lịch sự, kín đáo ra phết ! Chỉ rắc rối cho mấy anh, nếu không có cái quần tây dài “cứu bồ” thì quả là trơ trẻn , lúng túng và ngượng nghịu trong chiếc quần soọc giữa một biển y áo của chư Tôn đức Tăng, Ni và bao nhiêu là Phật tử vây quanh !

 

            Miền Nam có cụm từ “nhứt y nhứt quởn” để chỉ những người “đơn giản tối đa” trong việc ăn mặc, ý nói một người quanh năm suốt tháng cũng chỉ có một bộ đồ dính da. Mùa hè nóng nực hay mùa đông lạnh lẽo cũng chỉ một bộ đồ đó; lao động cuốc đất cũng bộ đồ đấy mà đi ăn giỗ ăn cưới… thì cũng duy nhất một bộ đồ đấy.. Một cụm từ gợi lên  hình ảnh thật khôi hài trong cuộc sống, nếu không nói là hình ảnh một con người lập dị !

 

            Bởi vậy mà, dù trung thành với lời dạy “tri túc-kiệm ước” của Đấng Từ Phụ Thích Ca, chư Tăng, Ni cũng phải sắm cho mình đủ 3 bộ y để mặc trong những trường hợp khác nhau :

            1-Y hạ là bộ đồ mặc thường ngày trong chùa khi chấp tác, lao động

            2-Y trung là bộ đồ mặc khi đi ra ngoài công tác Phật sự

            3-Y thượng là bộ lễ phục để mặc trong khi hành lễ trong chùa hay ở nơi công cộng.

 

            Cũng thế, tất cả các tổ chức, đoàn thể, lực lượng vũ trang … trong nước hay trên thế giới cũng đều có chung một suy nghĩ trong việc chế ra bộ đồng phục cho tổ chức mình. Do đó tất cả các tổ chức, đoàn thể… dù tiết kiệm tối đa cũng đều phải có ít nhất 2 bộ đồng phục : một bộ đồng phục sinh hoạt ngày thường và một bộ đồng phục tươm tất hơn,  trịnh trọng hơn để mặc trong những dịp lễ lạt quan trọng, gọi là lễ phục.

 

Gia Đình Phật Tử Việt Nam là một tổ chức có truyền thống hơn 70 năm qua. So với các tổ chức chính trị, xã hội, tôn giáo khác hiện nay ở nước ta, Gia Đình Phật Tử không hề thua kém về phương diện nào. Tổ chức chúng ta có những ưu điểm như sau :

-Về tuổi đời, tổ chức chúng ta đã hơn 70 tuổi. Một tổ chức nghèo, không tiền tài, không địa vị, không danh vọng… mà sống thọ đến chừng ấy tuổi, thật không dễ gì có.

-Về tôn chỉ, đường lối và mục đích của tổ chức Áo Lam không hề thay đổi trong suốt 70 năm qua. Đó là điều quý báu thứ hai.

-Tình thương yêu đoàn kết giữa những con người Áo Lam cùng lý tưởng của nhiều địa phương và nhiều thế hệ luôn bền chặt trước bao phong ba bão táp của cuộc đời là ưu điểm thứ ba.

-Huynh trưởng GĐPTVN chẳng những không hưởng lương bổng của tổ chức, mà còn đóng góp cho tổ chức từ tiền bạc cho đến công sức và cả sinh mạng của chính mình để bảo tồn và phát triển tổ chức. Thật hiếm có một tổ chức nào có được những con người “kỳ cục đáng yêu” như vậy.

 

Nói như vậy để anh chị em Áo Lam chúng ta thấy rằng tổ chức chúng ta cũng có những tố chất của một tổ chức bề thế về mọi mặt, so ra không thua kém bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào khác..

Vậy thì tại sao chúng ta chưa dám nghĩ đến việc có thêm một bộ lễ phục cho huynh trưởng ? Phải chăng trong sâu kín tâm hồn của một bộ phận huynh trưởng GĐPT vẫn còn mặc cảm “mình là một tổ chức con nít” ?

 

            Lễ phục GĐPT không phải là điều gì mới. Vào năm 1973 trong kỳ đại hội huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần VIII tại chùa Pháp Lâm, Đà Nẳng, nếu chúng tôi nhớ không lầm, đã thấy xuất hiện (thể nghiệm) bộ lễ phục dành cho huynh trưởng nam với : 1)Quần tây dài xanh dương đậm – 2)Áo chemise lam tay dài, cổ đứng – 3) Cà vạt màu xanh dương đậm.

            Hình thức bộ lễ phục GĐPT gần đây được một số Anh ở Bà Rịa-Vũng Tàu tái hiện và được các Anh ở Kiên Giang hưởng ứng trên tinh thần “thể nghiệm” Nhân hội nghị Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần XI – 2011 sắp diễn ra tại chùa Pháp Lâm-Đà Nẳng, chúng tôi mạnh dạn đề nghị Hội nghị lần này đưa bộ lễ phục GĐPT vào chương trình nghị sự .

 

            Thực tế cho thấy, hiện nay trên cả nước có khá nhiều huynh trưởng GĐPT là ủy viên Ban trị sự tại các Tỉnh, Thành hội. Các anh thường tham dự các lễ lạt hoặc hội nghị của Phật Giáo tại địa phương. Bộ lễ phục GĐPT sẽ giúp hình ảnh người huynh trưởng thêm chững chạc, oai nghi. Từ đó tạo cảm giác trân trọng và tin tưởng cho người khác nhỉn vào

 

           Nhìn lại hàng huynh trưởng cấp Tấn , cấp Dũng hiện nay, người trẻ nhất cũng trên 50 tuổi, còn đa số là ở tuổi 60 – 70 . Đây là những tinh hoa của tổ chức Áo Lam, là hình ảnh một Phật tử chân chính, kết quả của quá trình đào luyện suốt nửa đời người. Chúng tôi nghĩ : mời các Anh mặc bộ lễ phục vào những dịp lễ lớn hay các hội nghị lớn cũng không có gì gọi là se sua quá đáng. Trái lại, bộ lễ phục trong những dịp này chính là một hình thức khẳng định  vai trò, vị trí của bậc đàn anh trong đại gia đình Áo Lam.

 

            Chúng ta đều biết câu “Cái áo không làm nên thầy tu”. Nhưng chúng ta cũng biết rằng “Không có áo thì thầy tu sẽ không ra thầy tu”. Toàn bộ vấn đề đồng phục, huy hiệu, cấp hiệu… của GĐPT cũng đều nằm trong tinh thần này.

 

            Kính mong các bậc đàn anh và các thiện hữu tri thức nhã giám.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.