CA DAO, TỤC NGỮ VỀ HIẾU NGHĨA, ĐẠO PHÁP, TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
CA DAO, TỤC NGỮ VỀ HIẾU NGHĨA, ĐẠO PHÁP,
TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
1. Ca dao
Ca dao thuộc về loại văn chương truyền khẩu, có lời văn nhất định, thường là bài thơ ngắn và làm theo thể lục bát. Ca dao là những câu hát tiếng hò, có vần, có nhịp, có lẽ lúc đầu dùng để diễn xướng trong các buổi tế lễ thần linh, rồi dần dà dùng trong các việc lao tác, vừa hát hò vừa làm việc cho đỡ mệt nhọc, về sau để trai gái trao đổi tình tự với nhau, hay để khi một mình buồn chán thì hát nghêu ngao cho khuây khỏa, có khi lại còn dùng làm câu đố để thử thách, trêu ghẹo nhau…
Ca dao là trái tim, là tâm hồn của dân tộc.
Ngoài ra, có những câu “nói vè”, vốn là một “truyện kể dân gian”, nhưng lại có vần, có nhịp, có bản văn nhất định, nên cũng có thể xem như là một loại ca dao.
2. Tục ngữ
Tục ngữ cũng thuộc loại văn chương truyền khẩu có lời văn nhất định, thường là câu nói hoàn chỉnh, ngắn gọn, truyền từ lâu đời. Tục ngữ là những lời ăn tiếng nói gọn ghẽ, dễ nhớ, ghi lại những nhận xét, kinh nghiệm hay triết lý hành động về cuộc sống hằng ngày, khả dĩ giúp cho người dân theo đó mà ăn ở, cư xử cho phải cách. Tục ngữ là đầu óc, là túi khôn của dân tộc.
Ca dao, tục ngữ là tấm gương phản ánh từ địa lý thiên nhiên, lịch sử xã hội, sinh hoạt vật chất, tinh thần cho đến tâm hồn, tư tưởng, khát vọng của một dân tộc.
Trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, ở mỗi địa phương khác nhau, do hoàn cảnh thiên nhiên và lịch sử địa phương, phương thức sản xuất, phong tục tập quán,…tác động đến nếp sống và tính cách con người nên có nhiều sắc thái khác nhau. Tuy vậy, vì dân tộc Việt Nam là một khối thống nhất, có chung nguồn gốc nên bên cạnh cái riêng cũng có cái chung chứa đựng tinh thần và phù hợp với tâm hồn dân tộc.
3. Ca dao, tục ngữ về hiếu nghĩa:
– Ý nghĩa những câu ca dao về hiếu nghĩa:
Nếu không có cha mẹ sanh thành dưỡng dục, thì không có chúng ta ở trên quả đất này:
Con người có tổ có tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.
Trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật cũng đã dạy về công ơn cha mẹ:
Ân cha lành cao như núi Thái,
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi,
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sanh ta.
Bổn phận làm con phải luôn nhớ công ơn của cha mẹ đối với các con thật to lớn như trời cao, biển rộng:
Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao,
Đố ai đếm được vì sao,
Đố ai đếm được, công lao mẫu từ.
***
Công cha ba năm tình thâm lai láng,
Nghĩa mẹ đậm đà chín tháng cưu mang,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Biết lấy chi đền đáp khó khăn,
Hai đứa mình lên non lấy đá xây lăng phụng thờ.
Cha mẹ đã cho ta thân này, với người Phật tử, được thân làm người này là điều quý để cho ta được tiếp tục tu tập theo lời Phật dạy trên con đường giác ngộ, tu chứng và giải thoát. Người Phật tử phải hiếu kính với cha mẹ.
Mẹ già như chuối ba hương,
Như xôi nếp mật, như đường mía lau.
Việc kính trọng và báo hiếu dành cho song thân, thiết nghĩ không chỉ về vật chất là đủ, mà còn tinh thần nữa… bởi những lời hỏi thăm hay những hành động không làm cho cha mẹ buồn lòng, cũng là việc kính hiếu vậy:
Mẹ già ở túp lều tranh.
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con
***
“Đêm đêm khấn nguyện Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con”
– Ý nghĩa những câu tục ngữ về hiếu nghĩa:
Con người sống không vô ơn bội nghĩa như
“Ăn cháo đá bát”
mà phải “Uống nước nhớ nguồn”,
Sống phải biết ân đức sâu dày của tổ tông, hiền nhân đã xây dựng nên đất nước thanh bình và dạy dỗ chúng ta nên người; chúng sanh vạn loại đã cho ta cuộc sống no đủ; Phật pháp cho ta con đường sống an lạc hạnh phúc trong chánh giác.
Cha mẹ với kinh nghiệm cuộc sống nhân nghĩa và tình thương bao la đối với con cái, đã đem hết tâm trí để dạy bảo con, cho nên:
“Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”.
4. Ca dao, tục ngữ về cách đối nhân xử thế ở đời
– Ý nghĩa những câu ca dao về cách đối nhân xử thế ở đời: “Trách người một, trách ta mười
Bởi ta tệ trước, nên người bạc sau”
***
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
Sự cảm thông, chia xẻ, san sẻ, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau là nếp sống đẹp.
“Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”
Nghĩa đồng bào, giữ gìn giềng mối dân tộc:
“ Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
– Ý nghĩa những câu tục ngữ về cách đối nhân xử thế ở đời:
Trong đối nhân xử thế, ái ngữ là văn hóa tạo sự cảm thông và đoàn kết: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Luật nhân quả trong cuộc sống:
“Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió gặt bão”.
Cho nên chính mình đừng bao giờ gieo nhân ác và cũng cầu mong người khác không gieo nhân ác. Cuộc sống từ hòa nhân ái, yêu thương:
“lá lành đùm lá rách”
Cuộc sống của bản thân cũng phải dung hòa các mối quan hệ trong xã hội:
“Nước trong quá thì không có cá
Người xét nét quá thì không có bạn bè”
Sự cần cù, kiên trì nhẫn nại, chịu khó trong làm lụng, trong tu tập hàng ngày sẽ mạng lại quả lành cho chúng ta: “Kiến tha lâu đầy tổ”.
5. Ca dao, tục ngữ về tình yêu quê hương:
Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc luôn nhớ trong mỗi người con Việt:
“Ta về ta tắm ao ta,
Dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn” (cd)
Quê hương thắm đượm trong tâm hồn mỗi người, yêu quê hương là sự gắn bó tình cảm với cái gì rất cụ thể … tình làng nghĩa xóm, bến nước con đò, …
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương. (cd)
Mỗi người phải thắm đượm trong ta tình yêu quê hương đất nước, đó là điều tất nhiên cũng giống như:
“ cây có cội, nước có nguồn” (tn)
6. Ca dao, tục ngữ về Đạo pháp:
“Ai ơi hãy ở cho lành
Kiếp này chẳng được, để dành kiếp sau” (tn)
Cảnh tranh danh đoạt lợi, cấu xé nhau, làm mất nghĩa khí, hòa khí là bài học cho chính ta tu tập:
“Mặc ai chác lợi mua danh
Miễn ta được học đạo lành thì thôi” (tn)
***
“Người trồng cây hạnh người chơi
Ta trồng cây đức để đời về sau” (tn)
Thấu hiểu sâu sắc được lời khuyến dạy khẩn thiết của đức Thế Tôn với chúng sanh hãy còn tham đắm, vui say trong “nhà lửa”, ca dao đã kêu gọi:
Tu cho trọn kiềp bụi hồng
Kẻo già lại tiếc rằng lòng từ bi
Từ sự hòa nhập, đắm mình trong đạo pháp một cách thuần thục, sâu sắc, đã làm đổi thay nếp nghĩ cũ, rất tiến bộ về sự “giàu” và “nghèo” của người đời; về nghiệp quả tương báo của mỗi cá nhân:
Thiên cao đã có Thánh tri (A La Hán, Bồ Tát)
Người nhân nghĩa chẳng hàn vi bao giờ (tn)
Do vậy, trong bể khổ trầm luân (còn gọi là “cửa thần phù” theo ca dao và “Ngũ uẩn” theo Phật pháp) kẻ nào sớm giác ngộ, sống và hành theo lời Phật, sẽ được an lạc, giải thoát; còn kẻ xấu ác, chướng nghịch, sẽ mãi quay cuồng trong sinh tử khổ đau:
Lênh đênh qua cửa Thần phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm (cd)
Tất cả những câu ca dao thật nhẹ nhàng nhưng rất sâu lắng. Là người Phật tử cần học hỏi nhiều hơn và sống cho xứng đáng hơn.
Chú thích: – Ca dao: viết tắt (cd) , – Tục ngữ: viết tắt (tn)