AN TOÀN GIAO THÔNG (Bậc Hướng Thiện)
AN TOÀN GIAO THÔNG
1. Thế nào là an toàn giao thông?
An toàn giao thông là khi tham gia giao thông trên đường không gây ra bất kỳ một tình huống bất ngờ nào dẫn đến thương vong, gây hư hại phương tiện.
Muốn đảm bảo an toàn giao thông, trước hết, chúng ta phải có những kiến thức, những hiểu biết nhất định về các loại hình giao thông, qui định và luật lệ.
Có các loại hình giao thông sau: đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.
2. An toàn giao thông đường bộ:
Loại hình giao thông phổ biến nhất là giao thông đường bộ.
Đối với giao thông đường bộ, chúng ta phải biết những qui định giao thông bắt buộc như: đi bên phải, theo tốc độ qui định, đúng làn đường, không phóng nhanh vượt ẩu, không lạng lách, sắp đến giao lộ như ngã ba, ngã tư…phải đi chậm lại, nếu có đèn giao thông thì phải tuân theo, nhớ rằng đèn vàng là dấu hiệu đi chậm lại để khi đèn đỏ thì dừng hẳn chứ không phải thấy đèn vàng thì ráng sức vượt nhanh qua.
Khi đi bộ cũng phải tôn trọng luật lệ giao thông, như đi trên vỉa hè dành cho người đi bộ, muốn qua đường, phải quan sát cẩn thận. Ở đường phố lớn, có vạch dành riêng cho người đi bộ băng qua đường.
Không chạy chơi, đá bóng … trên đường phố, vỉa hè. Không thả rông gia súc ra đường. Không vứt các chướng ngại vật (như rác, vỏ lon, vỏ chai, miểng thủy tinh…) ra đường.
Thường xuyên kiểm tra phương tiện giao thông như thắng, còi, đèn của xe…
Nếu chúng ta không tôn trọng, tuân thủ và thực hiện tốt các qui định về giao thông sẽ gây ra những tai nạn nguy hiểm, trong phút chốc không biết điều tồi tệ gì sẽ xảy ra, sẽ ảnh hưởng đến việc học hành, công việc, sức khỏe, tiền bạc, thậm chí cả tính mạng nữa. Có câu Ngạn ngữ nói rằng: “Thà phải chờ đợi 10 phút trên đường phố còn hơn nằm trong bệnh viện một tháng”.
3. An toàn giao thông đường sắt:
Ngoài giao thông đường bộ, chúng ta cũng quan tâm đến an toàn giao thông đường sắt.
Khi đi qua những đoạn đường giao nhau với đường sắt, chúng ta phải tuân theo hiệu lệnh qui định của người quản lý báo hiệu sắp có đoàn tàu đi qua, tuyệt đối không được vượt qua rào chắn. Ở những nơi đường sắt và đường bộ giao nhau mà không có rào chắn, không có báo hiệu thì phải quan sát hết sức cẩn thận, nếu có dấu hiệu có đoàn tàu sắp đi qua thì phải dừng lại để chờ, không được vội vã vượt qua, nếu bất cẩn thì tai nạn thảm khốc có thể xảy ra, không thể lường trước được.
4. An toàn giao thông đường thủy:
Khi tham gia giao thông đường thủy, chúng ta nên quan tâm các điều sau:
– Không lên những chiếc thuyền thô sơ mà chở khách vượt số lượng qui định, lại chất nhiều xe cộ, hàng hóa. Thà trễ chuyến đò còn hơn là gặp tai nạn rủi ro.
– Khi lên thuyền, đặc biệt là mùa mưa lũ, nên mặc áo phao.
– Phải ngồi hẳn vào trong khoang thuyền, không được ngồi trên be thuyền, trước mũi thuyền.
– Ngồi trên thuyền, không nên đùa giỡn, nghịch ngợm, làm thuyền chòng chành.
– Khi đang di chuyển, nếu có dấu hiệu bất thường, phải bình tĩnh làm theo hướng dẫn của người có trách nhiệm, không được hốt hoảng, gây hoảng loạn, làm tình hình càng xấu thêm.
5. An toàn giao thông đường hàng không:
Khi tham gia giao thông đường hàng không, phải chú ý lắng nghe hướng dẫn từ các hệ thống phát thanh công cọng.
Giao thông đường hàng không có những qui định nghiêm ngặt, vì vậy, khi lên máy bay, phải tuân thủ những qui định được hướng dẫn như thắt dây đai an toàn, dùng phone tai tránh ù tai, nhức đầu, không tự ý bấm những nút không dành cho hành khách…
Ghi nhớ:
Chúng ta phải biết một số biển báo giao thông thông thường và tuân thủ các qui định về giao thông.
Thực hành:
Khi tham gia giao thông, chúng ta phải luôn luôn tuân theo các qui định về giao thông.
Khi điều khiển phương tiện giao thông phải tập trung vào việc đang tham gia giao thông và xử lý tốt tình huống xảy ra. Tập cho tâm không bị tán loạn.