Xá lợi của lòng tin
Ra đón đoàn là hoà thượng Thích Huyền Diệu cùng các phật tử. Mới gặp nhau tay bắt mặt mừng, thầy đã tủm tỉm: “Các vị quả là có cơ duyên và may mắn. Năm xưa, Đường Tăng phải mất hơn 6 năm mới đến được Bồ Đề đạo tràng, còn nay các vị chỉ mất vài tiếng đồng hồ trên con chim sắt là đã rước được xá lợi Phật, đó cũng chính là điều kỳ diệu rồi”.
Chuyến hành hương chóng vánh
Sân bay Gaya mới mở chưa lâu nên khá vắng vẻ. Mở ngoặc một chút, trước đây là nơi đồng ruộng khô cằn chỉ toàn trâu, bò ghé thăm. Nhưng chính nhờ thầy Huyền Diệu thuyết phục và sử dụng uy tín lớn của mình đối với địa phương (thầy có nhiều đóng góp cho cộng đồng người Ấn ở đây) mà sân bay này mới được xây dựng. Lâu lâu mới có dòng khách hành hương bằng đường hàng không.
Một vài người đàn ông Ấn Độ ra nhìn đoàn khách đến quá sớm với vẻ ngạc nhiên. Từ lúc 8h sáng, sân bay hẻo lánh, đơn sơ này mới được đánh thức vì tiếng ồn và đám đông gần 150 hành khách VN đứng chờ làm thủ tục nhập cảnh.
Đúng giờ làm việc, hai nhân viên hải quan Ấn Độ mới đủng đỉnh ra làm thủ tục. Phải nói là họ gần như “vật lộn” với đống hộ chiếu và visa của đoàn khách, với một tốc độ chậm chạp không ngờ. Rốt cuộc, các hoà thượng cũng thở phào vì đã qua được cửa nhập cảnh. Mất gần 1,5 tiếng, đoàn hoà thượng mới ra khỏi sân bay để đến Bồ Đề đạo tràng.
Có rất đông nhóm nhà tu hành ngồi đợi sẵn dưới gốc bồ đề. Người nhắm mắt, kẻ lim dim hay cúi đầu cầu nguyện. Mỗi nơi một sắc màu áo khác nhau: Trắng, vàng, nâu đỏ hay vàng sậm. Dưới gốc bồ đề rợp bóng xanh mát, tiếng chim hót, vẹt kêu, những chú sóc chuyền cành hoan hỉ, có cảm giác yên bình kỳ lạ. Một nguồn năng lượng mạnh mẽ, an lạc chan hoà lan toả.
Tương truyền rằng, chính dưới gốc bồ đề này, sau 3 ngày 3 đêm thiền định, đức Phật đã đạt được sự giác ngộ và thấu hiểu, xuống sông tắm rửa, chấm dứt thời kỳ khổ hạnh và tu tập 7 tuần liên tục để đắc đạo.
Hỏi ra, mới hay ngay từ sáng, 11 đoàn tu sĩ các nước và vùng lãnh thổ đã đến đợi và mong cùng cầu nguyện, tụng kinh với đoàn VN. Thầy Thích Huyền Diệu hướng dẫn nghi lễ rước xá lợi Phật.Trước đó, thầy nhắc nhở từng thành viên hãy giữ từng bước chân an lạc, tập trung chú niệm và đừng để “con ma” mua sắm hành mình mà lạc đoàn.
Có 4 đoàn bạn cùng tụng niệm, nguyện cầu an lạc cho VN (Lào, Myanmar, Tây Tạng…). Thi thoảng, một vài chiếc lá bồ đề rơi xuống vạt áo thầy chùa và một số người nhặt lên tặng cho những thành viên trong đoàn, như một lời chúc may mắn.
Quanh khu vực cây bồ đề, nhiều nhóm nhỏ nhà tu hành, trong đó có nhiều người nước ngoài xá lạy, tụng kinh rất trang nghiêm. Cạnh đó là những chiếc cốc thuỷ tinh nhỏ đựng hoa và nến, làm thành một bàn hoa nến với những chuỗi vòng hoa quấn quanh các hoa văn ở các tháp nhỏ trông rất đẹp mắt.
Một cậu bé thầy tu người Sri Lanka đến làm quen với khách hành hương, bằng cách đưa tặng một chiếc lá bồ đề cuống còn tươi, không quên nở nụ cười thân thiện trên môi. Hỏi ra, cậu năm nay mới 12 tuổi, đi tu được 4 năm. Nụ cười sáng loá, ánh mắt lanh lợi, hỏi lần đầu tiên khách đến thăm Bồ Đề đạo tràng thì thích gì nhất, sau đó là một câu gợi ý, đại loại là cần ít tiền đô hoặc vài rupi. Cậu đi tu vì nhà quá nghèo, nếu vào chùa thì dù sao vẫn có cái để ăn hơn và ở chốn đất Phật này cũng an ổn hơn ở chốn quê nhà.
Sau những bài kinh cầu nguyện dưới gốc bồ đề cổ thụ, cuối cùng đại diện Hội Phật giáo Thế giới trao 9 viên ngọc xá lợi đựng trong 3 bảo tháp lưu ly cho các hoà thượng VN và người có công tổ chức chuyến đi đặc biệt này cho phái đoàn- doanh nhân Nguyễn Xuân Trường. Ông cũng chính là người bỏ ra trên 6.000 tỉ đồng xây ngôi chùa Bái Đính lớn nhất VN.
Phái đoàn đi vòng quanh gốc bồ đề và tháp Đại Giác ngộ, sau đó bước vào tạ lễ ở cung chính điện của tháp, rồi lên xe trở về VN Phật Quốc tự. Trên đường quay ra, có nhiều người ăn xin, từ bà lão, ông lão đến những đứa bé gầy gò, bẩn thỉu, nhưng mặc nhiên không chèo kéo khách tham quan.
Nhưng ngược lại, ngay ở gốc bồ đề – nơi có đủ màu sắc những chiếc áo cà sa của nhiều nước và lãnh thổ, không khí trang nghiêm và những người hành hương chỉ đến cúi lạy hoặc hôn lên bức tường có chạm trổ phù điêu bao quanh gốc bồ đề để tỏ lòng tôn kính đức Phật, thì dường như chỉ người Việt ta mới có thói quen nhét tiền lẻ 1-2 đôla ở mọi chỗ, thậm chí, ngay cả trên khay đựng bảo tháp chứa xá lợi Phật! Nhiều người trong đoàn còn đi… phát “tiền đô” cho các tu sĩ các nước trong thời gian đang hành lễ. Những người tu hành nhận, lặng lẽ không nói gì.
Ra khỏi Bồ Đề đạo tràng về đến chùa VN Phật Quốc tự không xa là bao. Xung quanh, xen kẽ những ngôi chùa của các nước là những cánh đồng xơ xác, những mái tranh xiêu vẹo, hay những căn nhà xây vội lụp xụp, những hàng lưu niệm toàn vòng và tràng hạt luôn đông khách. Một vùng nông thôn Ấn nghèo xơ rơ, nắng nóng và hoang vắng lạ lùng. Đến chùa Việt, mới có nhiều bóng cây xanh mát lành.
Ngôi chùa được xây lên dường như thể hiện khả năng kỳ diệu của con người: Chỉ với 60USD ban đầu, nhưng bằng sức lực từng tí một, bằng lòng kiên nhẫn và sự trợ giúp của các môn đệ trên khắp thế giới, thầy Huyền Diệu đã có một ngôi chùa khang trang trên đất Phật, cách Bồ Đề đạo tràng không xa. Mới đây nhất, thầy đã cho xây xong toà bảo tháp để đựng xá lợi. Thầy cho rằng đây là điều kỳ diệu của đời thầy.
Cây bồ đề – nơi đức Phật giác ngộ là nơi cử hành lễ rước xá lợi Phật. Ảnh: M.T
Lòng tin và sự nghèo khó
Không hiểu sao, những người đàn bà gầy guộc, vất vả bế con nhỏ, những cụ già nghèo khổ, hay những chú bé còm nhom bán dạo mấy chiếc lá bồ đề, vòng chuỗi trong Bồ Đề đạo tràng lại trông không có vẻ buồn phiền hay đau khổ. Họ nhìn khách hành hương với một vẻ không hẳn đã ngạc nhiên, không hẳn đã xa lạ và ánh mắt có chút tia cười. Một tiến sĩ tâm lý người Mỹ từng nói: Có những người giàu, nhưng không có gì vui, vì họ sống mà không còn niềm hy vọng. Nhưng, những người dân nghèo ở Ấn Độ thì lại an lạc trong chính sự thanh đạm của cuộc sống hằng ngày, họ còn nhìn thấy tương lai.
Liệu những con người cùng khổ ốm yếu này nhìn những người hành hương chúng tôi có giống như những kẻ nghèo khó đến từ một vương quốc khác hay chăng? Không phải là một vương quốc có thể đo được bằng của cải, mà là vương quốc về tình thương và tinh thần.
Một người thầy từng đến ở ngôi chùa VN Phật Quốc tự một năm vài ba tháng, đã nhận xét: Ấn Độ là một quốc gia kể cũng lạ. Rất mạnh về phần tâm linh, rất nhiều thiền sư, giỏi tu tập, nhưng lại có khá đông dân chúng chấp nhận cuộc sống nghèo khổ và không phải lo cho ngày mai. Phải chăng họ được tự tại và an lạc trong chính tâm hồn họ?
Có mặt trong đoàn rước xá lợi, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ về kinh nghiệm hành hương sâu sắc của mình: “Khi đến đất Phật, chứng kiến những gì diễn ra, thấy Phật giáo có lẽ cũng như những tôn giáo khác thôi, khiến cho con người gần nhau hơn, đó cũng là điều hội nhập mà chúng ta hướng tới.
Trong không gian linh thiêng ấy, có những người Tây Tạng, người nước ngoài, người VN quây quần cùng hướng tới đấng tối cao nào đó để mong muốn có những điều tốt đẹp. Nhân đây cũng có thể nói công đức của thầy Huyền Diệu làm cho VN chúng ta nằm ngay trong lòng đất thiêng này, thể hiện sự gắn bó của Phật giáo đối với đời sống chúng ta không chỉ trong quá khứ, hiện tại, mà cả ở tương lai nữa.
Điều thứ ba, ta vừa ở trong nước sang, trong không khí lễ hội, người dân đi chùa chiền rất đông. Bên cạnh những mặt hứng khởi của tôn giáo, tín ngưỡng trong nước, ta vẫn thấy mặt trái của nó, ở trong nước, không hiểu vì sao có tập quán người ta rải tiền khắp nơi, trong khi dân chúng Ấn Độ còn nhiều người nghèo khổ, mà họ biết ứng xử, đời sống tâm linh của họ rất trong sạch. Đi rồi, tôi mới ngẫm, chúng ta nên trở lại với không gian tín ngưỡng vốn có của Phật giáo”.
Thầy Huyền Diệu còn đang ấp ủ một dự án khác – viết bộ tuyển tập về lịch sử Phật giáo VN 2.000 năm, với sự hợp tác của nhà sử học Dương Trung Quốc. Qua thầy Huyền Diệu, mới biết được cơ duyên mà Giáo hội Phật giáo VN được trao tặng 9 viên ngọc xá lợi Phật và Thánh tăng này là nhờ tình thâm hữu và mối tri ân của ngài Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới – vốn là bạn thân của thầy- trao tặng.
Nhân chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 9.2009 của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan, bà có ý định mang ngọc về. Nhưng chính thầy Huyền Diệu cho rằng, nên làm một lễ rước đặc biệt để tôn vinh giá trị của xá lợi Phật.
Thầy cho biết: Đây là điều kỳ diệu, không phải nước nào cũng tổ chức được một chuyến rước như vậy đâu. Đầu tiên, mọi người gắng thành tâm tu tập theo đúng lời Phật dạy, thì sẽ có những điều màu nhiệm không thể giải thích được. Những người đi rước xá lợi Phật cũng có cơ duyên riêng và nên tu tập sau chuyến đi này.
Theo thầy Thích Nhật Từ: “Xá lợi thật ít lắm, còn đây đó người nói, đó chỉ là xá lợi niềm tin. Nói là xá lợi không thật thì người ta nghe mà buồn, vì niềm tin là chính. Chính phủ Thái Lan phải đóng tiền bảo hiểm 5 triệu USD để được thỉnh rước được xá lợi Phật và phải cúng dường cho Chính phủ Trung Quốc mấy trăm nghìn USD. Nếu ở Thái Lan có xá lợi thật thì không ai dại gì mà bỏ ra số tiền nhiều như thế để làm điều đó. Còn xá lợi thỉnh từ Trung Quốc là xá lợi thật. Hiện nay, Trung Quốc chỉ có một viên thôi. VN đến thời điểm này chỉ có viên ngọc xá lợi rước từ chuyến này là thật, còn đợt trước có lẽ là xá lợi niềm tin dù không ai nói ra”.
Chuyến hành hương ngắn ngủi, biết đến một Ấn Độ đậm màu sắc tâm linh tại một vùng quê nghèo như Gaya, dù chỉ thoáng qua, cũng đủ ám ảnh cả một cuộc hành trình. Những viên xá lợi – kim thân của đức Phật, như thầy Nhật Từ đã nói, có thể chỉ là niềm tin và có thể sẽ mãi là niềm tin, hay lòng tin của một dân tộc. Có ngọc xá lợi rồi, làm được điều gì kỳ diệu, có ích cho dân và cho nước còn là câu chuyện dài của tu tập và đạo hạnh, của mệnh nước, nhưng một dân tộc có hy vọng, biết hy vọng thì không thể không vươn lên đầy sức sống.