Vai trò của Gia đình Phật tử với đạo đức xã hội trong thời hội nhập
Trong hoàn cảnh đó một số thanh niên Phật tử đã đứng ra tổ chức các đoàn thể với nhiều danh xưng, như: “Hội hướng đạo Việt Nam”, “Quốc Anh Đoàn”… để xây dựng lý tưởng: “Tinh thần dân tộc và đạo pháp trong hàng ngũ thanh niên tin Phật, chống lại văn hóa nô dịch, mất gốc được thực dân Pháp thực hiện nhằm phá tan tinh thần yêu nước, yêu quê hương, yêu giống nòi của dân tộc Việt Nam” [3;2]. Cũng vào thời điểm này, Phật giáo Việt Nam bước vào giai đoạn chấn hưng trên khắp 3 miền. Nhiều tổ chức Phật giáo ra đời như “Hội Phật giáo Bắc kỳ”, “Hội An nam Phật học”, “Hội Nam kỳ Phật học”… tất cả đều chung một mục đích “Chỉnh đốn thiền môn, vãng hồi quy giới, đào luyện thế hệ thanh niên tu sỹ, chấn chỉnh và hiếu học, phổ thông giáo lý bằng chữ Việt thay cho chữ Hán” [2;140]. Từ đó một số hội đoàn thanh thiếu niên trong Phật giáo ra đời dưới các danh xưng, như “Phật tử Đồng Ấu” ra đời năm 1935 đến năm 1943 đổi thành “Gia đình Phật hóa phổ” và “Đoàn Phật học Đức Dục” ra đời năm 1948… Tất cả những hội đoàn đó đều vì mục đích “góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, đào tạo và giáo dục thế hệ thanh thiếu niên giữ được truyền thống đạo đức dân tộc khỏi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc manh theo lối sống trụy lạc đầy dục vọng và cạm bẫy làm băng hoại và tha hóa đạo đức các thế hệ thanh niên”[4;245].
Tháng 04 năm 1951, hội nghị Huynh trưởng lần đầu tiên được triệu tập tại tổ đình chùa Từ Đàm, Huế. Tại hội nghị này, danh xưng Gia đình Phật tử được ra đời. Hội nghị cũng vạch ra nội quy cho Gia đình Phật tử với mục đích “…huấn luyện thanh niên và đồng niên Phật tử về phương diện trí dục, đức dục trên nền tảng Phật giáo để đào tạo người Phật tử chân chính” [2;142]. Với mục đích, tinh thần và tôn chỉ đó, Gia đình Phật tử được xem là nền tảng hay “sân chơi” cho chính những thanh thiếu niên mến đạo và rèn luyện đạo đức lẫn tư tưởng để hoàn thiện cho chính cuộc sống của họ.
Gia đình Phật tử thành phố Huế ra đời xuất phát từ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, rèn luyện đạo đức của con em theo đạo Phật. Tổ chức này lấy giáo lý đạo Phật làm cốt lõi, làm nền tảng tư tưởng đạo đức trong tu tập cũng như trong hoạt động. Với những giáo lý về Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, thuyết luân hồi, nhân quả, nghiệp báo… cùng với phương pháp giáo dục tập trung trên hai phương diện “Đức dục”, “Trí dục”, gia đình Phật tử đã đào luyện Đoàn sinh của mình thành những con ngoan, trò giỏi, có đạo đức hướng thượng, từ bi, hỷ xả, vô ngã, vị tha, “làm lành tránh dữ”, “thương người mến Phật”, luôn hướng đến một cuộc sống chân-thiện-mỹ. Bên cạnh đó, hoạt động thanh niên như cắm trại, cứu thương, dịch thuật thư, morse, nữ công gia chánh, sinh hoạt văn nghệ…. Và những hoạt động xã hội cứu tế, làm từ thiện, để hình thành nên tác phong tháo vát, linh hoạt, tính năng động, sáng tạo, tự tin, bản lĩnh ở mỗi đoàn sinh. Từ đó trang bị cho các đoàn sinh một hành trang để bước vào đời, trở thành con người có ích cho xã hội. Đặc biệt, ở ngành Thanh, ngành Thiếu, các em còn được học thêm các kiến thức ở trình độ cao hơn nhằm bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, tình yêu nhân loại; từ đó trang bị cho các em khả năng tự vệ, chống lại sự lôi kéo, tha hóa, đồi trụy, phản động và mọi cám dỗ khác.
Có thể khẳng định, nội dung hoạt động và phương pháp giáo dục của gia đình Phật tử đã mang ý nghĩa thiết thực, góp phần giáo dục thanh thiếu niên trở thành những con người có đạo đức trong sáng, nhân cách hướng thiện, có lý tưởng sống lành mạnh, năng động sáng tạo trong cuộc sống, có lòng yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc. Điều này có nghĩa rằng, gia đình Phật tử đã góp phần đào tạo cho xã hội những người công dân tốt, những chủ nhân tương lai có đủ trình độ, năng lực và đạo đức để đảm đương được sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Ngày nay, sự bùng nổ của khoa học công nghệ, sự phát triển nhanh của nền kinh tế đã tạo ra ngày càng nhiều của cải vật chất cho xã hội, đời sống con người ngày càng được nâng cao, nhưng cùng với sự phát triển đó, con người lại bị cuốn vào vòng xoáy của những đam mê vật chất, những ham muốn dục vọng tầm thường. Điều này đã khiến không ít người, trong đó có thanh niên sa chân vào những vũng bùn của tội lỗi, ma túy, cờ bạc, mại dâm, rượu chè, hối lộ, tham nhũng, bất hiếu, bất nghĩa, làm băng hoại đạo đức, xói mòn niềm tin cuộc sống. Đây là những tệ nạn đang gây mối lo ngại lớn cho gia đình và xã hội. Gia đình Phật tử là một tổ chức có nội quy, quy chế, chương trình giáo dục và huấn luyện đầy đủ với mục tiêu hoạt động chân chính, tích cực góp phần to lớn trong công cuộc đẩy lùi tệ nạn xã hội, đồng thời nâng cao phẩm hạnh con người qua việc giữ gìn giới luật, đặc biệt là 5 giới cấm của một Đoàn sinh, Huynh trưởng của gia đình Phật tử: không sát sinh: tức không giết hại sinh mạng thì không có sự thù hận, không chém giết lẫn nhau, gây chiến tranh khủng bố, xã hội sẽ ổn định, thế giới sẽ hòa bình và an lạc; Không trộm cắp: thì sẽ không có hiện tượng mất cắp, tham nhũng, nhờ đó kinh tế cũng phát triển; Không tà dâm: thì sẽ không có sự xâm phạm tình dục đối với tuổi vị thành niên, không có tệ nạn mua bán sắc dục ngoài xã hội, mang lại hạnh phúc gia đình; Không nói dối: thì sẽ không có cảnh con người lừa dối lẫn nhau; Không sử dụng chất kích thích: xã hội sẽ không có cảnh nghiện ngập và buôn bán ma túy, không có cảnh nhậu nhẹt say sưa. Việc giữ đúng 5 giới luật này là điều bắt buộc đối với Đoàn sinh và Huynh trưởng trong gia đình Phật tử và đồng thời, đó cũng chính là 5 điều căn cốt của giới luật nhà Phật. Trong một buổi nói chuyện với Huynh trưởng tại lễ khai mạc trại họp bạn Huynh trưởng Lục Hòa Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế năm 1999, hòa thượng Thích Thiên Siêu nói:
“Các huynh trưởng trong ngày hôm nay nương theo chí nguyện của các Ngài, phát tâm đứng vào hàng ngũ Gia đình Phật tử với một tâm nguyện luôn luôn cố gắng, hỷ xã, thông cảm, siêng năng, cần mẫn để xây dựng cho chính mình và xây dựng cho đàn em của mình. Muốn được như vậy, thì mỗi người Phật tử chúng ta sẽ sống đời sống đức hạnh. Nếu ai đó sa ngã trong cần sa, ma túy thì Gia đình Phật tử không có mặt ở đó. Những nơi nào có cờ bạc, rượu chè bê bối thì nơi đó Gia đình Phật tử không có mặt. Những nơi quán xá nhậu nhẹt say sưa, gây lộn đả thương nhau bằng binh khí, miệng lưỡi giành giật, chém giết lẫn nhau thì những nơi đó gia đình Phật tử không có mặt. Chúng ta biết tránh xa những tội lỗi, tộc ác xã hội trước, rồi chúng ta dần dần vứt bỏ những tội lỗi xấu xa chính ngay trong thành viên cộng đồng và trong tâm tư chúng ta.” [5:183]
Như vậy, Gia đình Phật tử thông qua việc giáo dục Đoàn sinh thành những người “Phật tử chân chánh” đã góp phần khiến Đoàn sinh trở thành người chiến sĩ xung kích trong công cuộc ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, ổn định và an lạc.
Đạo phật là đạo từ bi, đạo cứu khổ và luôn chủ trương nhập thế, gia đình Phật tử lấy đạo Phật làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, nên Gia đình Phật tử không chỉ có tu học trong khuôn khổ của một ngôi chùa hoặc một khuôn hội mà Gia đình Phật tử còn đi vào cuộc đời, hành thiện cứu người. Vì vậy, ngoài hoạt động chuyện môn, hoạt động xã hội cũng là một điểm sáng của Gia đình Phật tử . Gia đình Phật tử đã tích cực tham gia trong các công tác từ thiện: cứu trợ, giúp đỡ các gia đình gặp thiên tai, bão lụt; chăm sóc người già cả, neo đơn, không nơi nương tựa; nuôi dưỡng trẻ mồ côi; khám chữa bệnh, tham gia tuyên truyền về các căn bệnh hiểm nghèo như HIV/AIDS, hiến máu nhân đạo. Mặc dù những hoạt động xã hội của Gia đình Phật tử chưa nhiều nhưng nó thể hiện tấm lòng từ bi của những người con Phật. Gia đình Phật tử đã biết sẻ chia, đồng cảm với những nỗi đau, bất hạnh của những người không may mắn, giúp họ vượt qua được khó khăn, lấy lại niềm tin để sống lạc quan hơn, điều đó cũng có nghĩa Gia đình Phật tử đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho xã hội, tạo điều kiện để phát triển đất nước mà chính họ là những người đã, đang thực hiện đầu tiên.
Qua các bài giáo lý, các mẫu chuyện Đạo về Tứ ân, về Hiếu hạnh, Gia đình Phật tử đã giáo dục cho Huynh trưởng, Đoàn sinh của mình về lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà, ý thức về cội nguồn, tổ tiên, trách nhiệm đối với xã hội, để từ đó họ biết sống đúng với truyền thống đạo lý, nề nếp, thuần phong mỹ tục của dân tộc. Như vậy, chính Đoàn sinh của Gia đình Phật tử đã trở thành những hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng gia đình văn hóa cho đến thôn xóm, làng xã văn hóa mà cả xã hội ta đang phấn đấu thực hiện. Chính Hòa thượng Thích Thiện Pháp trong một hội nghị chuyên đề về cư sĩ ngày 16/04/2004 tại chùa Phổ Quang (TP Hồ Chí Minh) đã tin tưởng khẳng định:
“Gia đình Phật tử được thành lập nhằm mục đích hướng dẫn Phật tử hoàn thiện đạo đức cá nhân để xây dựng một gia đình hạnh phúc theo truyền thống dân tộc và truyền thống Phật giáo, đồng thòi góp phần vào việc bảo vệ thuần phong mỹ tục, văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Tôi tin tưởng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta sẽ tiếp tục xây dựng một thế hệ Phật tử vừa kính tin Tam bảo vừa hoàn thành bổn phận và trách nhiệm của một công dân trong việc hộ đạo, giúp đời.” [3:123]
Huế từ rất sớm được xem là kinh đô Phật giáo với hơn 85% dân số là Phật tử [5:7]. Phật giáo dường như đã ăn sâu, bám rễ vào tâm hồn, nếp nghĩ, lối sống của người dân xứ Huế, trở thành một phần bản sắc văn hóa của mảnh đất thiền kinh này. Những tư tưởng, giáo lý căn bản của Phật giáo như luật nhân quả, giáo lý từ bi, hiếu hòa, hiếu hạnh đã góp phần hình thành nên lối sống, tính cách của con người Huế đầy vị tha, trầm tĩnh hiền dịu và hướng thiện. Nhà nghiên cứu Hà Xuân Liêm đã thật có lý khi nhận định:
“Qua mấy trăm năm, Phật giáo Thiền tông nói chung và Phật giáo Huế nói riêng với bản chất hướng nội, thiên trọng về chiều sâu của tâm thức đã huân tập cho con người nói trên một phần hình nhi thượng khá đặc biệt, đủ để họ trở thành mẫu người Huế trọn vẹn. Phần hình nhi thượng này làm cho con người xứ Huế thuần nhã, ít có tinh thần kích bác, hẹp hòi. Trong cuộc sống họ có hành vi cử chỉ trang nghiêm và lễ độ, nguyên nhân do họ thường đi chùa, kính Phật, trọng Tăng, có tâm từ bi, thường khuyên nhau làm lành tránh dữ.” [1:660]
Để Phật giáo có được chỗ đứng và ảnh hưởng ở mảnh đất này như vậy không thể không kể đến vai trò của Gia đình Phật tử. Đó là nơi truyền bá đạo Phật, đưa đạo Phật thâm nhập và thẩm thấu vào tính cách, lối sống và đời sống tâm linh của người dân xứ Huế. Bởi lẽ mục tiêu cao nhất của Gia đình Phật tử là “đào luyện thanh thiếu niên tin Phật, thành người Phật tử chân chánh” và chắc chắn phần đông tín đồ Phật giáo ở Huế đã từng là Đoàn sinh hay Huynh trưởng của Gia đình Phật tử.
Tóm lại, gia đình Phật tử – một tổ chức lấy giáo lý và lễ nghi của Phật giáo làm nền tảng, đã và sẽ góp phần quan trọng không chỉ “Phụng sự Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” mà còn trong việc giáo dục thanh thiếu niên giữ gìn, bảo lưu và phát huy bản sắc truyền thống của dân tộc. Đó sẽ là cơ sở và là động lực cho sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước hiện nay.