Giáo dục tuổi trẻ góp phần xây dựng đời sống văn hóa giáo dục
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Thí dụ, đức Phật mô tả căn nhà của một vị trưởng giả đang cháy mà bầy con của vị Trưởng giả thì cứ nhởn nhơ vui đùa trong ngôi nhà ấy, không biết gì là nguy hại. Cuối cùng, vị Trưởng giả phải tương kế tựu kế, chúng ham chơi thì lấy đồ chơi để dụ chúng. Các thứ xe dê, xe trâu, xe hươu đẹp đẽ lộng lẫy chưa từng có được bày ra sân để khích động tính hiếu kỳ và ưa thích của chúng. Khi chúng ra khỏi nhà lửa rồi, vị Trưởng giả cho các con đồng một thứ xe lớn – xe trâu – tượng trưng cho năng lực tế độ của đại thừa.
Ý nghĩa thâm thúy của câu chuyện trong kinh đã giúp cho các vị tiền bối sáng lập GĐPT rút tỉa ra những huyền nghĩa trong ấy để làm lý thuyết cho sinh hoạt của tổ chức GĐPT. Hình ảnh bầy con của vị Trưởng giả kia phải chăng là hình ảnh sống động của thanh thiếu niên bây giờ; nếu những chiếc xe dê, xe hươu, xe trâu đẹp đẽ có đủ mãnh lực lôi kéo những quý tử của vị Trưởng giả ra khỏi ngôi nhà lửa thì sao chúng ta lại không biết dùng những trò chơi, những cuộc cắm trại, những bài ca tiếng hát, những hoạt động thanh niên làm phương tiện dẫn dắt thanh thiếu niên đến với GĐPT, đến với đạo Phật.
TINH THẦN GIÁO DỤC
GĐPT lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản lưu truyền vì giáo lý ấy đủ ba điều kiện cần thiết để đào tạo con người theo đúng nghĩa của nó. Bi là phần tình cảm, Trí là phần lý trí, Dũng là phần ý chí, thiếu một trong ba phần ấy, con người khó hoàn hảo.
Tinh thần Bi Trí Dũng của GĐPT không phải chỉ là tiêu chuẩn mà còn là ba đức tính cần thiết cho người đoàn viên. Về phương diện khách quan, không có từ bi thì không có tình người, tình nhân loại, nghĩa đồng bào; không có trí tuệ thì mọi hành động dễ trở thành manh động, mù quáng, phản với chính nghĩa, phản chân lý; không có dũng lực thì sẽ không có sức mạnh tinh thần để đưa đạo vào đời, mà ngược lại sống cuộc sống lệ thuộc và mất tự do. Châm ngôn Bi Trí Dũng đã tạo cho tổ chức GĐPT một uy tín, một địa bàn hoạt động rộng lớn.
Về phương diện chủ quan: không có từ bi thì dễ sa vào đường ác, không có trí tuệ thì mê mờ không thể giác ngộ, không có dũng lực thì dễ trở thành hèn nhát, xu phụ. Châm ngôn Bi trí Dũng bắt nguồn từ ba tiếng: Đại Hùng Đại Lực Đại Từ Bi trong Lăng Nghiêm thập chú, nhưng đã được thanh niên hóa, hiện đại hóa.
Về phương diện thực tế, người nào sống không có yêu thương thì những chất liệu cay độc đắng chát sẽ xâm chiếm tâm hồn, người ấy đã tự đẩy cuộc đời mình đi vào địa ngục băng giá. Người nào sống trong đời mà không có lý trí, người đó tự đưa cuộc đời mình vào khổ lụy chung thân. Còn sống không có dũng lực sẽ không xây dựng một thành quả nào hết cho đời mình.
Bi Trí Dũng phải được gắn kết chặt chẽ với nhau và phát triển đồng bộ vì: Trí không Bi là trí thông minh điêu xảo, Bi không Trí là Bi thương hão thương huyền, Dũng không Trí Bi là Dũng tàn bạo sai đường… (câu Hò Huế)
PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
GĐPT áp dụng các phương pháp giáo dục vào việc hướng dẫn thanh thiếu niên tùy theo độ tuổi, phù hợp với tâm sinh lý từng đối tượng:
* Phương pháp huân tập
* Phương pháp hoạt động
* Phương pháp lý giải
* Phương pháp quán niệm
Phương pháp huân tập
Theo Duy thức học của Phật giáo thì sở dĩ con người (chúng sanh hữu tình) tiếp xúc, phân biệt nhận xét cảm thọ được các sự vật (các Pháp) là do tám món thức gồm: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức, Ý thức, Mạt na thức và A Lại Da thức mà trong đó thì thức thứ tám (A Lại Da thức) có năng lực tích tập, hàm chứa kết nhóm và giữ gìn các chủng tử (hạt giống) của các pháp, giống như cái kho chứa hạt giống để rồi từ đây khi gặp hoàn cảnh, điều kiện thuận tiện, các hạt giống ấy sẽ phát sinh ra hiện hành (như hạt giống khi gặp đất, nước thì sẽ nẩy mầm mọc lên thành cây). Cũng theo Duy thức học, nếu phân biệt theo nguồn gốc chủng tử thì có hai loại:
– Hạt giống đã có sẵn từ vô thỉ kiếp trước (bản hữu chủng tử)
– Hạt giống mới nhặt kiếm, mới tích chứa thêm (tân huân chủng tử).
Nếu phân biệt theo tính tốt, xấu thì chủng tử lại có hai loại:
– Loại hạt giống xấu, ác, bất thiện (Hữu lậu chủng tử)
– Loại hạt giống tốt, thiện lành (Vô lậu chủng tử).
Tất cả bốn loại chủng tử cũ mới, xấu tốt đều được thu hút, nhóm họp, kết tập và tàng trữ cất giấu trong A Lại Da Thức của mỗi một con người. Khi gặp trợ duyên thuận tiện, các chủng tử đã thuần thục ấy sẽ phát sinh ra hiện hành qua ý nghĩ, lời nói, việc làm, hoặc tốt lành hoặc xấu ác, tùy chủng tử vô lậu hay chủng tử hữu lậu phát tác ra. GĐPT vận dụng nguyên lý huân tập chủng tử thành phương pháp giáo dục quan trọng: Phương pháp huân tập mà người xưa thường gọi là: Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.
GĐPT tạo môi trường thích hợp cho các em như sinh hoạt vui chơi tập thể, đi trại, du ngoạn, sống hòa đồng và giúp đỡ bạn, chăm chỉ học tập, siêng năng làm việc thiện, giữ gìn vệ sinh môi trường, tập nói lời ngay thật, thương người tàn tật, kính người già cả, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ cây cối cỏ hoa nơi công cộng, không đam mê các trò chơi điện tử hung bạo, không xem phim ảnh thiếu lành mạnh.
Nói chung là tập cho các em có thói quen ưa thích làm nhiều việc hiền thiện để kết tập thật nhiều hạt giống tốt lành vào A Lại Da thức, đồng thời ngăn chặn sự phát triển của hạt giống xấu ác đã có sẵn từ trước, giúp các em biết chối từ khi đối diện với nhiều thử thách quyến rũ, không cờ bạc rượu chè, không hút hít xì ke ma túy, không tỷ số cá độ, không gần gũi bạn bè xấu ác đến lúc vào đời là lúc chủng tử tốt lành đã thuần thục phát sinh ra hiện hành qua hành động lời nói, ý nghĩ tạo thành người tốt, việc tốt.
Phương pháp hoạt động
Phương pháp hoạt động là phương pháp làm phát triển tâm lý, sinh lý, trí tuệ, tình cảm của tuổi thiếu niên bằng chính sự hoạt động của các em. Nói cách khác cho các em học tập, rèn luyện thể chất, trí tuệ, trau dồi ý thức tình cảm ngay trong việc làm của các em, tức là vừa làm vừa học hay vừa chơi vừa học. Áp dụng phương pháp hoạt động bằng các hình thức tạo công việc cho các em làm; trò chơi, trình diễn văn nghệ, tiếp xúc với cảnh vật thiên nhiên, tham gia các sinh hoạt cộng đồng… Phương pháp này phù hợp với tâm lý hiếu động và giai đoạn cơ thể đang độ phát triển của tuổi thiếu niên.
Phương pháp lý giải
Phương pháp lý giải là phương pháp dạy cho các em dùng lý trí để suy xét, nhận định, lý luận phân tích mà tìm hiểu sự vật, nhận thức con đường giác ngộ, tránh được sự sai lầm do suy nghĩ nông cạn, tình cảm bồng bột. Áp dụng phương pháp này bằng cách cho các em nghiên cứu đề tài, tìm đọc sách, báo, tài liệu, kinh luận để tập suy luận, tập thảo luận, tập thuyết trình…
Giới thiệu cho các em tìm hiểu và lý giải tinh thần năm giới cấm và lý nhân quả của Phật giáo liên quan đến luật pháp quốc gia, tìm hiểu tinh thần độc lập tự do, tính nhân bản, tình yêu quê hương đất nước bàn bạc trong 147 điều của Hiến pháp Việt Nam để sống trọn vẹn với quê hương dân tộc.
Phương pháp quán niệm
Phương pháp quán niệm tập cho thanh niên định tâm quan sát, xem xét hiện cảnh, tìm hiểu căn nguyện, kiềm chế được bản tánh không bị tham sân si thúc đẩy mà khởi tâm niệm vọng động dẫn đến sai lầm phạm pháp.
Nhờ phương pháp quán niệm người thanh niên Phật tử am hiểu cặn kẽ, thông suốt dễ dàng từng sự việc, từng vấn đề nên đã hăng hái tham gia tích cực các hoạt động từ thiện xã hội, cứu trợ thiên tai bão lụt, hiến máu cứu người, tham gia ngân hàng máu sống, tham gia đội tình nguyện viên của tổ chức phòng chống HIV – AIDS. Nhờ quán niệm mà người thanh niên thực hiện được nếp sống thiểu dục tri túc để góp phần an ninh xã hội.
60 năm qua, tuổi trẻ Phật giáo Thừa Thiên Huế đã có những cống hiến cho quê hương dân tộc , góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa Huế, nền luân lý đạo đức cổ truyền của TT. Huế. Hai ngàn huynh trưởng GĐPT Thừa Thiên Huế đang hoạt động khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ miền gió cát Điền Hương, Điền Lộc, Vinh Hải, Vinh Hiền lên tận núi rừng Nam Đông, A Lưới để hướng dẫn, huân tập đời sống văn hóa đạo đức cho con em thành những con ngoan, trò giỏi.
Hàng vạn công dân tốt của Thừa Thiên Huế, hàng ngàn hạt nhân ưu tú trong các cơ quan đoàn thể, xí nghiệp, những bàn tay vàng, những nghệ nhân, những chủ nhân của các gia đình có nếp sống văn hóa hạnh phúc, những tu sĩ Phật giáo… trong số họ rất nhiều người đã từng thấm đượm tinh hoa của Gia đình Phật tử Thừa Thiên Huế.
Tại các cộng đồng dân cư, nơi nào có Niệm Phật đường, có GĐPT sinh hoạt thì nơi đó ít xảy ra tệ nạn xã hội. Cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu đã từng dặn dò cho hai chục ngàn đoàn viên GĐPT Thừa Thiên Huế rằng: “… ai đó sa ngã trong cần sa ma túy thì GĐPT không có mặt ở đó; nơi nào cờ bạc rượu chè thì GĐPT không có mặt ở đó; nơi nào quán sá say sưa, ẩu đả giành giật nhau thì GĐPT không có mặt ở đó”.
Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, vui mừng trước sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, chào mừng Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc năm 2008. Gia đình Phật tử sẽ tích cực hơn nữa để góp phần xây dựng đời sống văn hóa đạo đức cho tuổi trẻ Thừa Thiên Huế.