Gắn kết cộng đồng, xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc

Kính bạch Hòa thượng có thể cho biết những thành tựu chính trong công tác Phật sự nhiệm kỳ qua? 

– Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, công tác Phật sự đã đạt được nhiều thành tựu. Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện có khoảng  46.495 Tăng ni và hàng chục triệu tín đồ Phật tử thuần thành tu học thường xuyên tại các cơ sở tự viện trong cả nước. Ngoài ra còn có hàng chục triệu người yêu mến đạo Phật, gắn với truyền thống tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên.

Trong nhiệm kỳ VI, Giáo hội đã cho phép và giới thiệu 113 Tăng ni du học. Có trên 50 Tăng ni hoàn tất chương trình Tiến sĩ, Thạc sỹ Phật học Ấn Độ, Trung Quốc và đã về nước, hiện đang công tác tại các cấp Giáo hội, Ban Viện Trung ương, Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và các cơ sở giáo dục Phật giáo. Đặc biệt công tác Hoằng pháp phát triển tương đối đều khắp ở các vùng miền, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo, như tại đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) đã khánh thành được 3 ngôi chùa và đã cử chư Tăng về trụ trì, sinh hoạt tôn giáo. 

Trong đó, điểm nhấn chính là công tác từ thiện xã hội, gắn kết cộng đồng, xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc được các cấp và thành viên trong toàn Giáo hội quan tâm sâu sắc, góp phần giải quyết nhiều khó khăn xã hội. Kinh phí hoạt động từ thiện trong nhiệm kỳ VI đạt khoảng 2.800 tỷ đồng, trong đó TP. Hồ Chí Minh thực hiện trên 750 tỷ đồng. 
 

Bên cạnh những ưu điểm đạt được, trong quá trình quản lý, điều hành công tác, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có gặp phải những mặt hạn chế, khó khăn gì, kính bạch Hòa thượng? 

– Giáo hội còn gặp phải một số khó khăn trong công tác hoạt động chưa đồng bộ, chưa sâu sát, chưa thật sự là chất xúc tác với các cơ sở địa phương nên một số Phật sự được triển khai chưa đạt yêu cầu. Bộ sách giáo khoa Phật học phục vụ công tác giảng dạy tại các trường Phật học trong cả nước chưa thực hiện được. Trường Cao đẳng Phật học vẫn chưa được thành lập. Chúng tôi cũng chưa soạn thảo được giáo trình Nghi lễ để giảng dạy chung tại các Trường hạ và các Trường Phật học. Trong khi đó, chương trình phát triển văn hoá Phật giáo tại các vùng sâu, vùng xa, vùng cao nguyên và dân tộc ít người tuy đã được thực hiện nhưng chưa đều khắp, vì thiếu kinh phí và thiếu nhân sự; kinh phí cho các hoạt động Phật sự còn nhiều khó khăn.
 

Để công tác Phật sự phát triển trong thời gian tới, theo Hòa thượng, Giáo hội nhiệm kỳ tới sẽ tập trung vào những công việc cụ thể nào? 

– Trong bối cảnh chung của xã hội, đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam theo sự vận hành hòa nhập cùng trào lưu phát triển của xã hội và thế giới, nhất là tinh thần đoàn kết, hòa hợp, ổn định, quyết tâm của toàn Giáo hội kế thừa những thành quả đã đạt được trong 30 năm qua, và trong nhiệm kỳ VI, chương trình hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII (2012 – 2017) sẽ được hoạch định vào một số việc cụ thể như xây dựng, phát triển Giáo hội bằng nguyên tắc phát huy tinh thần đoàn kết, hòa hợp vì Đạo pháp, Dân tộc, CNXH. Hoằng dương chính pháp, truyền bá đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng xã hội an vui, hạnh phúc, phù hợp với đạo đức, văn hóa, truyền thống dân tộc. Giáo dục đào tạo đội ngũ Tăng ni trẻ có đạo hạnh, năng lực, trình độ; vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có kiến thức chuyên sâu và chuyên môn cao đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong thời đại mới…

 

Trân trọng cảm ơn Hòa thượng!

 

Ái Châu (Thực hiện) – Theo Đại đoàn kết

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.