Đường hướng Giáo hội Phật giáo Việt Nam
MỞ ĐẦU:
Đường hướng là hướng đi nhắm đến mục đích (cứu cánh). Đường hướng là phương tiện. Như vậy bất cứ một tổ chức nào cũng đều có hướng đi cho chính mình. Cứu cánh và phương tiện ấy trong Phật Giáo là một, từng bước phương tiện đều hiện hữu cứu cánh (đến trong từng bước đi đúng hướng). Như vậy trong tổ chức GHPGVN, đường hướng là mục đích, cứu cánh của Giáo Hội. Đường hướng của GHPGVN đã được giới thiệu khá rõ nét qua lời nói đầu của Hiến Chương GHPGVN “lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý đức Phật, nhằm phục vụ dân tộc Tổ quốc và Nhân loại chúng sinh là lập trường của GHPGVN. Phương châm hoạt động của GHPGVN là Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội… GHPGVN hoạt động theo đúng Luật Phật và Luật pháp Nhà nước quy định”.
Tất cả Tăng Ni nhất là những vị ra gánh vác Phật sự cần quán triệt đường hướng của Giáo Hội làm chỉ nam cho mình trên bước đường hoằng pháp lợi sanh.
Khóa tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ trú trì cần triển khai thật chi tiết về các tổ chức PG qua các thời kỳ để nhận chân tính ưu việt của đường hướng GHPGVN hôm nay.
NỘI DUNG:
Chúng ta sẽ tìm hiểu qua các lãnh vực sau đây:
Vị trí của PGVN trong dòng lịch sử Việt.
Phật Giáo VN trong thời đất nước bị đô hộ bởi thực dân và bởi Tôn giáo của họ.
Phật Giáo VN phục hưng trong cao trào yêu nước của dân tộc.
Phật Giáo VN trước vận hội mới – Tổ quốc độc lập thống nhất. Hình thành GHPGVN.
Nội dung đường hướng GHPGVN thể hiện qua phương châm “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội.
Đó là 5 vấn đề trong phần nội dung lần lượt chúng ta triển khai.
VỊ TRÍ CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG DÒNG LỊCH SỬ VIỆT:
Phật Giáo đã hiện hữu từ buổi bình minh của dân tộc, luôn có mặt góp phần trong công cuộc chống ngoại xâm của Hai Bà Trưng (40 – 43), Bà Triệu (148), rõ nét nhất là Lý Nam Đế (544 – 548) đã cho dựng chùa Khai Quốc (Trấn Quốc) từ thời Lý Bí – Ngô Quyền (938) đều có các bậc cao tăng cố vấn. Đến nhà Đinh (968 – 980) có vai trò của Ngô Chân Lưu (Khuông Việt Đại Sư), nhà Lê (980 – 1009) – ngài Đỗ Pháp Thuận, nhà Lý (1010 – 1225) có ngài Vạn Hạnh. Nhà Trần càng rực rỡ vai trò của PG qua hình ảnh Phật hoàng Trần Nhân Tông, rồi tiếp các thời đại sau, lúc thịnh lúc suy nhưng vai trò của PG luôn gắn bó với dân tộc. Thời các chúa Nguyễn mở mang bờ cõi đến tận cùng phương luôn lấy Tư tưởng PG là Tư tưởng chủ đạo trong việc an dân. Và đến bây giờ, Hồ Chủ Tịch lại khẳng định: “PGVN với dân tộc như hình với bóng, tuy hai mà một…”.
Trong dân gian, hình ảnh của những ngôi chùa làng, những chuyện cổ tích giáo dục mang tinh thần PG, những ca dao tục ngữ đều bàn bạc tinh thần từ bi hỷ xả. Lấy nhân quả mà giáo dục trăm họ. PG hòa vào lòng dân tộc thật rõ nét qua hình ảnh của các ngôi chùa được định hình: Đất vua, Chùa làng, phong cảnh Bụt.
Đó là vị trí của PGVN trong dòng lịch sử Việt vậy.
PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẤT NƯỚC BỊ ĐÔ HỘ BỞI THỰC DÂN VÀ BỞI TÔN GIÁO CỦA HỌ:
Chúng ta biết từ thế kỷ thứ 16, các giáo sĩ dòng tên của các nước thực dân Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho v.v… họ đã đi rao giảng đạo đến các nước kém mở mang trong đó có Việt Nam. Họ ngoài việc giảng đạo còn là những tên do thám, để cho đến khi nào đủ lực lượng con chiên cần thiết và nắm vững địa hình địa vật là bắt đầu sau lưng những áo chùng đen là súng đạn tầu đồng xâm lăng. Khi ách thống trị đã thiết lập trên mọi miền tổ quốc ta, họ thi hành những thủ đoạn bóc lột. Bên cạnh, những vị giáo sĩ có công đầu cũng tha hồ dựa vào phương tiện súng đạn mà bức ép cải đạo. Tình trạng đó kéo dài cả gần trăm năm. Dân tộc quá điêu linh và tôn giáo của dân tộc là PG cũng bị nhận chìm đau thương, thâm độc hơn là biến PG thành mê tín dị đoan, thiếu học thức v.v…
Sau năm 1954, đất nước tạm chia cắt, miền nam Việt Nam lại rơi vào tay đế quốc Mỹ – giàu mạnh hơn Pháp đã dựng nên một chế độ có Mỹ từ là Việt Nam Cộng Hòa, nhưng thực chất chỉ là một chế độ tay sai được dựng lên bởi Ngô Đình Diệm, luôn tìm đủ cách để tiêu diệt PG. Với họ phải Thiên Chúa giáo hóa cả miền nam để miền nam trở thành thành đồng vững chắc nhất chống lại với ước vọng thống nhất của dân tộc VN (hình ảnh nam hàn).
Nói tóm, PG trong thời đại bị đô hộ bởi thực dân cũ cũng như mới đều luôn luôn là mục tiêu cần phải tiêu diệt.
PHẬT GIÁO VIỆT NAM PHỤC HƯNG TRONG CAO TRÀO YÊU NƯỚC CỦA DÂN TỘC:
Trong những ngày đầu Pháp đặt ách thống trị lên đất nước ta đã bị sự phản kháng kịch liệt, và lần lượt những cuộc khởi dậy của Cần Vương, văn thân Yên Bái, của những phong trào Đông Du, Duy Tân nhưng đều bị thực dân và thế lực tay sai tiêu diệt. Đến năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh có quy mô hơn, đã huy động toàn dân tộc, vừa công khai vừa bí mật hoạt động chống thực dân. Giai đoạn cao trào này, PGVN cũng đã phục hưng các hội Phật học của cả 3 miền được thành lập, đã biết tùy thời để tơ chức PG được hoạt động và đã phát huy vai trò của cả Tăng già và Cư sĩ. Một đại hội thống nhất PG Bắc Trung Nam được tổ chức tại Huế năm 1951, thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, do Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội chủ. Lúc này PG cũng chỉ mới sinh hoạt dưới hình thức hội đoàn.
Năm 1954, Phật Giáo miền nam bị chế độ nhà Ngô kỳ thị đã dẫn đến phong trào đấu tranh của PG năm 1963, chế độ Diệm sụp đổ, PG miền nam đã thành lập GHPGVN Thống Nhất năm 1964, được chính phủ Nguyễn Khánh ký sắc lệnh thừa nhận. Đây là giáo hội PG đầu tiên ở miền nam có pháp lý, có Hiến chương, có nội quy, và được cấp đất cho xây VN quốc tự. Nhưng qua năm 1965 chính phủ Trần Văn Hương tạo sự chia rẽ trong PG bằng cách cho thành lập một Tổng Giáo Hội PGVN. Đến năm 1966, bằng sự can thiệp vào nội bộ PG với mưu đồ đen tối của Thiệu Kỳ, PG Thống Nhất đã trở thành 2 khối PG Ấn Quang và PG Việt Nam quốc tự. PG Ấn Quang ở miền nam lúc này tuyên bố độc lập. Kết quả là tính mạng và danh dự của các cấp lãnh đạo PG Ấn Quang không được bảo vệ, bị xâm phạm tấn công bất cứ lúc nào!
PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC VẬN HỘI MỚI – TỔ QUỐC ĐỘC LẬP THỐNG NHẤT, HÌNH THÀNH GHPGVN:
Năm 1975, sau chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước được hòa bình, dân tộc độc lập, thống nhất tổ quốc. Hai miền Nam Bắc sum họp một nhà do vậy tất cả các tổ chức đều phải được thống nhất. Phật Giáo không thể ngoại lệ, hơn nữa thống nhất PGVN là ước vọng bức thiết nhất của toàn thể Tăng Ni Phật Tử Việt Nam. Nhưng những hệ quả của thời chiến tranh, của thời PG miền nam bị phân hóa bởi kế sách chia để trị của các thế lực phi dân tộc, do vậy 6 năm sau ngày thống nhất đất nước, PG mới thực hiện được sự thống nhất PG cả nước để tiếp nối sự nghiệp của 2 ngàn năm lịch sử PG. Tháng 11 năm 1981, tất cả 9 tổ chức Giáo Hội, hệ phái đã cùng nhau đoàn kết hòa hợp thành lập GHPGVN theo nguyên tắc: “thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, nhưng các truyền thống của hệ phái cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chánh pháp vẫn được tôn trọng duy trì” qua tiêu chí: “thống nhất trong đa dạng và đồng thuận trong các Phật sự”. Đây là một Giáo Hội thống nhất từ bắc đến nam, thống nhất các tổ chức PG rất hiếm có trong Tổ chức PG trên thế giới.
NỘI DUNG ĐƯỜNG HƯỚNG THỂ HIỆN QUA PHƯƠNG CHÂM “ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI”:
Trải qua 30 năm hoạt động của GHPGVN ngày càng phát triển, để khẳng định đường hướng của Giáo Hội đúng đắn, phương châm Giáo Hội là thiết thực, những gì chúng ta còn mong đợi là ở yếu tố nhân sự, khả năng của tổ chức cần được cải thiện, nâng tầm.
Phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” là mô hình của khế lý, khế cơ và khế thời của Chư Tổ khi ra truyền đạo. Ngài Ngô Chân Lưu đã kết hợp hài hòa giữa đạo pháp, dân tộc và thế chế chính trị của đất nước. Tất cả Chư Tổ của chúng ta đều rất coi trọng các nhà lãnh đạo, thể chế của đất nước đang phục vụ chính đáng và hữu hiệu cho tổ quốc dân tộc. Ân Tổ quốc, ân các đấng minh quân luôn được PG tôn trọng kính ngưỡng. Có những thể chế không vì quyền lợi của Tổ quốc dân tộc mà chỉ phục vụ cho ý đồ riêng tư đen tối, thì PG không thể đồng hành, có chăng chỉ phải tuân hành luật pháp để tồn tại chứ trong lòng hoàn toàn bất hợp tác, như những giai đoạn nhà nước của Thực dân, nhà nước tay sai cho các thế lực quốc tế (Bảo Đại, Ngô Đình Diệm, Thiệu Kỳ).
Ngày nay nước nhà độc lập thống nhất, chúng ta được lãnh đạo bởi một nhà nước do dân và vì dân, và thể chế chính trị là chủ nghĩa xã hội cho nên PG chúng ta chọn phương châm hoạt động là “Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội”. Đó là Giáo Hội luôn thực hiện đúng theo tinh thần của Phật Giáo, đối tượng Giáo Hội phục vụ là dân tộc và Giáo Hội phải trung thành với hướng đi với thể chế chính trị của dân tộc là chủ nghĩa xã hội. Chính phương châm này đã thể hiện rõ tính khế lý, khế cơ, khế thời của trong sinh hoạt của Giáo Hội. Hơn nữa khi xét về bản chất của chủ nghĩa xã hội là đề cao quyền lợi tập thể, đất nước, là đối kháng với cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ hẹp hòi. Như vậy về bản chất của chủ nghĩa xã hội hoàn toàn phù hợp với tinh thần vị tha vô ngã của PG. Đó là điều chúng ta cần quan tâm để tạo sự đoàn kết đầy tương kính giữa PG, dân tộc và cấp lãnh đạo nhà nước, đẩy lùi những bước chân lỗi nhịp làm ảnh hưởng giá trị hộ quốc an dân mà bao đời PGVN đã xây dựng.
PHẦN KẾT: MINH ĐỊNH PHẬT GIÁO TRONG LÒNG DÂN TỘC HAY PHẬT GIÁO ĐỒNG HÀNH CÙNG DÂN TỘC.
Giáo Hội PGVN của chúng ta đã minh định “Hoạt động theo đúng Luật Phật và Luật pháp nhà nước quy định”, đây là quan điểm của PG trong niệm kính đạo trọng đời. Nhìn lại quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc của PGVN. Đối tượng phục vụ của PG là Tổ quốc dân tộc, quyền lợi của PG không ngoài quyền lợi của dân tộc. Khác với những tổ chức phục vụ cho một ý đồ đen tối lúc dân tộc lầm than thì họ là những kẻ có nhiều đặc quyền đặc lợi cũng như số người “bán nước cầu vinh”. PGVN đã gắn liền với dân tộc như hình với bóng, dân tộc phú cường PG hưng thịnh; dân tộc nô lệ lầm than, PG bị điêu linh. Do vậy bảo vệ tổ quốc dân tộc là PG đang bảo vệ chính mình. Ngày nay những thế lực phi dân tộc đang muốn phá hoại nền độc lập của dân tộc, trước nhất họ tìm cách phân hóa dân tộc, với PG họ sẽ tìm cách chia rẻ nội bộ PG bằng quan điểm chính trị. PG là một trong những thành trì, nếu thành trì rời rạc sẽ là những kẽ hở cho các thế lực xâm nhập. Chúng ta phải có quan điểm chính trị thật rõ mặc dù chúng ta không làm chính trị. Có vậy chúng ta sẽ tuân hành Luật pháp bằng cả chân tâm của mình, phải giữ khối đại đoàn kết để bảo vệ tổ quốc, và chúng ta hoạt động đúng luật Phật để tô bồi cho nền đạo đức văn hóa của dân tộc tốt đẹp.
Chúng ta không chỉ nằm trong lòng dân tộc, mà PG chúng ta phải đồng hành cùng dân tộc, những bước đi lỗi nhịp sẽ tác hại cho đất nước. Khi chúng ta đồng hành, chúng ta sống theo luật pháp sẽ được luật pháp bảo vệ chúng ta. PGVN chúng ta ngày nay có điều kiện phát triển tốt đẹp cũng nhờ Giáo Hội chúng ta có Đường hướng đúng. Mỗi mỗi Tăng Ni chúng ta cố gắng nỗ lực tự thân để cho PG làm tròn trách nhiệm trước lịch sử dân tộc trong giai đoạn của chúng ta như quá khứ PG đã thể hiện trọng sự nghiệp Hộ quốc An dân của Lịch Đại Tổ Sư.