TỔ ĐÌNH SẮC TỨ THIÊN ẤN
SẮC TỨ TỔ ĐÌNH THIÊN ẤN
Chùa Sắc tứ Thiên Ấn tọa vị trên đỉnh bằng núi Thiên Ấn mà dân gian ngày xưa thường gọi là núi Hó, nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc, về phía đông nam huyện Sơn Tịnh, có độ cao 105m, được xếp vào đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi: “Thiên Ấn Niêm Hà” – dấu trời đóng trên sông!
Từ phía bắc chân cầu Trà Khúc, theo quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ, đến cây số 3, sẽ thấy dưới chân núi có cổng chào: “Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn” với con đường xoắn ốc đã trải nhựa lên tận đỉnh. Núi Thiên Ấn được xem là tổ sơn cho những núi thuộc đồng bằng huyện Sơn Tịnh. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí năm Tự Đức thứ 3, Canh Tuất – 1850, núi Thiên Ấn được ghi vào điển thờ.
Bên cạnh chùa Thiên Ấn cách cổng tam quan 100m về phía tây nam là mộ nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch Nước, an giấc ngàn thu ngày 21-4-1947. Núi Thiên Ấn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngày 2-3-1990. Khách tham quan Thiên Ấn không chủ riêng giới Phật tử mà hầu như đồng bào trong cả nước, không chỉ vào dịp tết, lễ hội mà gần như thường ngày.
Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa, húy Thượng Phật hạ Bảo – Lâm Tế đời thứ 35 thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ của Tổ Đạo Mân – Mộc Trần, Thông Thiên – Hoằng Giác khai sơn.
Về tiểu sử và hành trạng của Thiền sư Pháp Hóa, đã có nhiều công trình biên soạn và ấn hành nhưng có vài ấn bản không trùng khớp. Theo một số tài liệu và công trình nghiên cứu có tính thống nhất (1) thì Ngài họ Lê tên Diệt (Duyệt) sinh năm 1670, quê tỉnh Phúc Kiến – Trung Hoa. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, quyển 2, trang 156 thì có lẽ Ngài sang Đại Việt cùng với Thiền sư Nguyên Thiều thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) khi sư Nguyên Thiều về Trung Hoa lần thứ 2, Ngài đến Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn vào khoảng năm 1694, trước Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo sang Đại Việt một năm.
Sau khi khai sơn chùa Thiên Ấn, đạo hữu, tín đồ và khách thập phương ngày càng đông; nhu cầu nước uống thiếu hụt nên Ngài Pháp Hóa phát nguyện đích thân đào giếng. Tục truyền rằng khi Ngài khởi công thì bỗng có một vị Tăng không biết từ đâu lên núi đào giúp sức. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Cố sức đào 20 năm mới tới mạch nước”. Nhưng ngay sau đó, vị sư trẻ đi đâu biệt tích và giếng thiêng kỳ diệu trên Tổ đình Thiên Ấn đã ghi dấu trong ca dao Quảng Ngãi:
Ông Thầy đào giếng trên non
Đến khi có nước không còn tăm hơi.
Khi giếng có nước, cũng vừa lúc Chúa Nguyễn Phúc Chu từ các tỉnh phía Nam trở về Thuận Hóa, đã lên viếng chùa và ngự đề: “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự” vào ngày mùng 8 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh thứ 11 – 1716 đời vua Lê Dụ Tông. Hai trăm năm sau, biển ngạch bị mờ nhạt nên Ngũ Tổ Hoằng Phúc hiệp Chư sơn tái tạo vào năm Duy Tân thứ 9 – 1915 (2).
Sau 60 hoằng hóa lợi sanh, mở cảnh Thiền môn cho Tổ đình Thiên Ấn Quảng Ngãi, đức Tổ thị tịch vào ngày 17 tháng giêng năm Giáp Tuất – 1754, mộ Ngài được tôn trí bên trái chính điện. Bia tháp Ngài do Tam Tổ Bảo Ấn Hòa thượng trùng tu vào năm Bính Thìn – 1836 với dòng chữ: Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo chi tháp. Long vị thờ Ngài: Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo giác linh Đại sư Chi vị.
Kế thừa là Hòa thượng Huỳnh Thế Khánh Vân, quê huyện Mộ Đức, húy Thiệt Úy thượng Chánh hạ Thành hiệu Khánh Vân, nguyên trụ trì chùa Liên Tôn (Hoàng Long – Tư Nghĩa) được cung thỉnh về trụ trì chùa Thiên Ấn vào năm Giáp Tuất – 1754. Ngài đã có công mở mang Tổ đình nên được suy tôn Đệ nhị Tổ sư. Ngài viên tịch ngày mùng một tháng 11 năm Canh Dần – 1770. Bia mộ tháp ghi: Tự Lâm Tế phổ tam thập lục thế (3) Thiên Ấn đường thượng đệ nhị Tổ sư trùng tu Thiên Ấn hiệu Khánh Vân Hòa thượng chi tháp, Canh Dần niên thập nhứt ngoạt sơ nhứt nhựt tịnh tọa nhi hóa.
Thời gian sau khi Đệ nhị Tổ viên tịch, Ngài Huệ Hải cùng Ngài Tăng Lượt – Lâm Tế đời thứ 35 trông coi Tổ đình được một thời gian ngắn rồi giao lại cho Chư sơn. Giai đoạn này, cuộc chiến tranh Tây Sơn bùng nổ (1771), chùa Thiên Ấn lâm vào cảnh thiêu rụi, điêu tàn,…!
Đến năm Gia Long lên ngôi – 1802, Ngài Pháp Châu – Lâm Tế đời thứ 36 trụ trì nhưng cũng chỉ được 3 năm, công việc khôi phục, trùng tu còn dang dở. Kế tiếp là Ngài Huệ Minh – Lâm Tế đời thứ 35 được đề cử trụ trì nhưng chỉ một thời gian ngắn thì “Cù phong biệt tích” – trận gió dữ đã cuốn mất tăm tích!
Sau 30 năm chiến tranh, chùa Thiên Ấn đã bị đổ nát, giờ đây lại rơi vào cảnh không người cai quản mãi đến năm 1827. Có lẽ trong suốt 57 năm hoang tàn, hiu quạnh những sử liệu về chùa Thiên Ấn, về hành trạng Chư Tổ, về lịch sử truyền thừa của Phật giáo Quảng Ngãi từ cuối thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ 19 (1694-1827) bị mất mát, tiêu hủy mà hôm nay, đàn hậu học chúng ta gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong công việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.
Đến năm Minh Mạng thứ 7, Đinh Hợi – 1827, sơn môn Quảng Ngãi cung thỉnh Hòa thượng Bảo Ấn đang trú trì chùa Viên Quang (Bình Sơn) về trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Hòa thượng có thế danh Trịnh Bảo Ấn sinh năm Mậu Ngọ 1798 tại làng Tráng Liệt, nay là xã Nghĩa Hòa – huyện Tư Nghĩa – Quảng Ngãi. Ngài xuất gia với Hòa thượng Tế Chơn – Liễu Ngộ -Quảng Tế tại chùa Viên Quang (4) – Bình Sơn – Quảng Ngãi. Về sau, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác tại chùa Phước Lâm nên có pháp danh Toàn Chiếu, tự Trí Minh, hiệu Bảo Ấn, nối pháp đời thứ 37 Lâm Tế tông, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh.
Trong đời Ngài có một huyền tích kỳ lạ về quả chuông Thần. Sự tích rằng: một hôm, Ngài đang tọa thiền thì có vị Hộ Pháp mách bảo Ngài cho người đến làng Chú Tượng, có quả chuông do dân làng đúc nhưng đánh không kêu. Ngài cử thầy Điển Tọa đến 2 lần làng Chú Tượng mới đồng ý cho thỉnh về. Ngài làm lễ niệm hương bạch Phật rồi cầm dùi khai chung thì chuông ngân vang khắp núi Thiên Ấn. Hiện nay, quả chung vẫn còn tại Tổ đình với niên đại: “Thiệu Trị ngũ niên tuế thứ Ất Tỵ tứ nguyệt sơ thập nhựt” (10.4.1845).
Hòa thượng Bảo Ấn đạt điểm hạng ưu trong khoa thi Tam trường nên được vua Minh Mạng ngợi khen, ban Giới đạo Độ điệp phê rằng: “Tam trường liên trúng ưu hạng, dự yến tiến sĩ đồng” (Cả 3 trường Văn, Võ, Phật học đều trúng ưu hạng được dự tiệc ngang hàng với tiến sĩ).
Pháp tôn của Ngài Bảo Ấn là Hòa thượng Hoằng Tịnh nói về Ngài được Hòa thượng Khánh Anh chép trong tập 1 phần Kỷ niệm như sau: “Tổ Bảo Ấn là Thạc Nhân … sắc diệu uy hùng … tán tụng hay, thư ấn giỏi, văn võ song toàn, nham độn tuyệt diệu!”
Tháng 5 năm Mậu Tuất – 1838, Ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn và Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu.
Ngài an nhiên thị tịch vào giờ Ngọ ngày 29 tháng 6 năm Bính Dần – 1866, niên hiệu Tự Đức thứ 18. Nhục thân Ngài nhập tháp trong khuôn viên Tổ đình Thiên Ấn.
Sau 39 năm trụ trì chùa Thiên Ấn với những công đức giáo hóa cao dày, Ngài được sơn môn Quảng Ngãi cung xưng Đệ tam Tổ sư. Và cũng từ Đệ tam Tổ sư về sau, lịch sử truyền thừa của Phật giáo Quảng Ngãi mới có sử liệu cụ thể.
Kế thừa là Hòa thượng Giác Tánh, thế danh Lê La Xa (tên trong phổ ý là La Văn Xa) sinh năm Canh Dần 1830 tại làng Sung Tích, Sơn Tịnh được Tổ Bảo Ấn nhận làm con nuôi nên đổi tên họ thành Trịnh Quang Việt.
Ngài xuất gia với Đệ tam Tổ tại chùa Thiên Ấn được Bổn sư cho pháp danh Chương Khước, tự Tông Tuyên, hiệu Giác Tánh. Ngài là đệ tử xuất sắc của Tổ Bảo Ấn nên được kế thừa trụ trì Tổ đình Thiên Ấn từ năm 1866 khi Tổ viên tịch.
Ngài đã ra sức tiếp Tăng độ chúng, lập nông thiền theo tông chỉ Tổ Bách Trượng nên môn đồ ngày càng đông. Ngài đã canh trưng núi Thiên Ấn đưa vào địa bộ năm 1894 làm tài sản của Tổ đình.
Vào ngày 13 tháng 4 năm Nhâm Ngọ 1882, Ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn. Bằng hạnh nguyện, Ngài độ chúng tăng và phú pháp chữ “Hoằng” đến gần trăm vị.
Ngài thị tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Thân – 1908. Ngài được sơn môn Quảng Ngãi tôn xưng Đệ tứ Tổ sư.
Kế thừa là Hòa thượng Hoằng Phúc, thế danh là Phạm Ngọc Long sinh năm 1865 tại làng Phước Long, nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ với Tổ Giác Tánh tại chùa Thiên Ấn và là bào đệ của Ngài Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh. Ngài được Bổn sư ban pháp danh Ấn Tham, tự Tổ Vân, hiệu Hoằng Phúc.
Tuy Ngài không phải trưởng tử của Tổ sư Giác Tánh nhưng với đạo hạnh và giới đức, Ngài được sơn môn cung thỉnh Ngài về trụ trì Tổ đình khi Tổ Giác Tánh viên tịch năm 1908.
Năm Canh Tuất – 1910, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm – Quảng Nam do Quốc sư Hòa thượng Vĩnh Gia làm Đàn đầu.
Năm Nhâm Tý – 1912, Ngài vận động trùng khắc bản kinh Kim Quang Minh. Năm Quý Sửu – 1913, Ngài đứng xin tái canh trưng điền bộ mở rộng khắp núi Thiên Ấn và chủ trương xây dựng cổng Tam quan. Cũng trong năm này, Ngài được triều đình phong Tăng Cang và được Cần Chánh Đại học sỹ Nguyễn Thân cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì chùa Thạch Sơn.
Ngài viên tịch vào ngày 19 tháng chạp năm Bính Thìn – 1916, mộ tháp được tôn trí trong khuôn viên chùa Thiên Ấn. Với những công đức, Ngài được sơn môn cung xưng Đệ ngũ Tổ sư.
Sau khi Ngũ Tổ Hoằng Phúc viên tịch, Hòa thượng Hoằng Chương, thế danh Lê Bá Toại được đề cử trụ trì chùa Thiên Ấn. Nhưng vì tuổi già sức yếu giữa lúc Thiên Ấn tự bị hỏa hoạn nên chỉ không ngoài 2 năm, Ngài Yết ma Hoằng Chương thỉnh cầu Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh hiệp lực để lo trùng tu vào khoảng tháng 4 năm 1919, sau đó Hòa thượng Hoằng Chương cáo thối về chùa làng Long Tiên.
Sau năm 1919, kế thế trụ trì Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Nhiếp nguyên trụ trì chùa Sắc tứ Tây Thiên – Bình Sơn, giám tự là Ngài Hoằng Châu, Trịnh Hoằng Pháp bên cạnh có vai trò chủ trương Tổ đình Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Tịnh.
Năm 1920, Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh tuổi già sức yếu, Ngài triệu tập sơn môn Quảng Ngãi chọn người kế nghiệp Tổ đình. Hòa thượng Trần Diệu Quang sinh năm Tân Mão – 1891 tại làng Sung Tích – Sơn Tịnh, thọ giáo Hòa thượng Hoằng Phúc được đức Ngũ Tổ ban pháp danh Chơn Trung, tự Đạo Chí, hiệu Diệu Quang được cung thỉnh làm trụ trì Tổ đình vào ngày mùng 4 tháng giêng năm Tân Dậu – 1921.
Năm Mậu Thìn – 1928, Ngài được triều đình sắc phong Tăng Cang Tổ đình Thiên Ấn, cũng trong năm này, Ngài xin Chính phủ khai thông con đường xoắn ốc từ chân núi lên cổng tam quan.
Năm Tân Mùi – 1931, Ngài khai giới đàn tại chùa Thiên Ấn và Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng.
Từ khoảng thập niên 1940, Ngài cử hai vị Phước Diên và Phước Huệ làm giám tự, Ngài về chùa Viên Giác núi Thình Thình để giáo hóa Tăng chúng. Nhưng hai thầy nhận thấy không gánh vác nổi nên thỉnh cầu sơn môn cử Hòa thượng Hoằng Chí và Hòa thượng Trí Hưng hiệp lực chủ trương lo việc trùng tu Tổ đình vào ngày 28-12-1940.
Năm 1941, Hòa thượng Hoằng Chí xin thối lui để tịnh dưỡng, nên sơn môn cử Hòa thượng Bùi Diệu Nguyên hiệp lực cùng Tăng Cang Hòa thượng Trí Hưng trùng tu chốn Tổ và khánh thành vào ngày 19-6-1943. Ngài Diệu Nguyên viên tịch vào ngày 20 tháng 8 năm Quý Mùi – 1943.
Kế thế, chư sơn cử Ngài Phước Hải giữ chức giám tự Tổ đình.
Ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thìn 1952, vào giờ Ngọ Hòa thượng Diệu Quang viên tịch tại chùa Viên Giác. Để tưởng nhớ công hạnh của Ngài, sơn môn Quảng Ngãi đã xây tháp vọng thờ trong vườn tháp Tổ đình và sung tôn Ngài là Đệ lục Tổ sư.
Sau khi Lục Tổ viên tịch, chư sơn cử Hòa thượng Thích Khánh Tín thế danh Phạm Quang Sử, húy Chơn Sử, tự Đạo Thị – nguyên trụ trì chùa Thọ Sơn cổ tự là một vị tăng cao tuổi đức độ kế nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Nhưng thời gian không lâu, Ngài cáo thối vì già yếu.
Đến ngày 30-8-1954, hội nghị Giáo hội Tăng già Trung Việt được tổ chức và sơn môn tỉnh Quảng Ngãi chuyển danh thành Giáo hội Tăng già, Tổ đình Thiên Ấn thuộc quyền trị sự của Giáo hội.
Ngày 16 tháng giêng năm Ất Mùi – 1955, Giáo hội tỉnh Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích Huyền Tấn pháp danh Như Chánh, tự Giải Trực trụ trì Tổ đình, Hòa thượng Thích Hồng Ân làm phó tự. Vì bộn bề công tác Phật sự và hành đạo nên Hòa thượng Huyền Tấn ủy thác cho Hòa thượng Phó tự Thích Hồng Ân lo toan công việc ở Tổ đình. Cho nên tuy là Phó tự, Ngài Hồng Ân đã ra sức trùng tu chốn Tổ, bắt đầu khởi công đại trùng tu ngày 6-8-1959 và khánh thành vào ngày 18 tháng giêng năm Tân Sửu – 1961. Ngài viên tịch ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ – 1978.
Năm 1967, Hòa thượng Huyền Tấn xin từ nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn để tập trung vào nghiên cứu tu trì tại chùa Kim Liên, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích Huyền Đạt, húy Như Lợi, tự Giải Lý kế vị trụ trì Tổ đình. Sau 26 năm trụ trì chùa Thiên Ấn, Hòa thượng Thích Huyền Đạt viên tịch vào ngày mùng 1 tháng chạp năm Quý Dậu – 1993.
Từ năm 1993 đến nay, Thượng tọa Thích Hạnh Trình, húy Thị Lịnh, hiệu Vĩnh Hội kế nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn.
Hơn 300 năm, chùa Thiên Ấn đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể nhưng luôn luôn được khôi phục, tô bồi, đã trở thành mạng mạch của đạo Phật trên quê hương Quảng Ngãi; đã thành chiếc nôi của nhiều chùa chiền, tự viện trong tỉnh, trong nước, ngoài nước và cũng là nơi phát tích những bậc cao tăng khả kính mà lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận.
Chú thích:
(1) Nguyễn Lang – Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – NXB Lá Bối CA-USA-1993 quyển 2 trang 156
– Thích Như Tịnh – Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – NXB Phương Đông – 2009 trang 226-228.
– Đại đức Thích Nguyên Minh – Thiên Ấn ký – 1968 (Bản chép tay)
– Quảng Ngãi Pháp phái Chúc Thánh tự hệ – Khuyết danh.
– Phạm Trung Việt – Non nước xứ Quảng – do Trương Nguyên Thuận tái bản – San Jose – USA – 1998.
(2) Diễn Nôm biển ngạch: Quốc chúa ngự đề: Sắc tứ Thiên Ấn Tự. Lê Triều Vĩnh Thạnh Thập Nhứt niên cúc ngoạt cố đáng. Duy Tân cửu niên liên ngoạt Tăng Cang Phạm Hoằng Phúc hiệp chư sơn đồng tái tạo. Thạch trì toàn dinh phụng cúng.
(3) Theo Bài kệ truyền thừa pháp danh và pháp tự (Minh Thiệt Pháp Toàn Chương … Đắc Chánh Luật vi tôn …) thì Nhị Tổ Thiệt Úy-Chánh Thành-Khánh Vân phải là Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 35 mới đúng.
(4) Lược trích bảng Lâm Tế Chánh Phổ của Sơn Môn tỉnh Quảng Ngãi ban cấp cho Sa di Chơn Sử-Đạo Thị ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi 1911 như sau:
– Bửu Lâm đường thượng húy Thiệt Uyên thượng Chánh hạ Thông Chí Bảo Hòa thượng.
– Phước Lâm đường thượng húy Pháp Kiêm thượng Luật hạ Oai Minh Giác Hòa thượng.
– Viên Quang đường thượng húy Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ Quảng Tế Hòa thượng.
– Thiên Ấn đường thượng húy Toàn Chiếu thượng Trí hạ Minh Bảo Ấn Hòa thượng.
– Thiên Ấn đường thượng húy Chương Khước thượng Thông hạ Tuyên Giác Tánh Hòa thượng.
– Phước Quang đường thượng húy Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân Hoằng Tịnh Hòa thượng.
– Thạch Sơn Tự thủ lễ Tôn sư húy Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân Hoằng Tịnh Hòa thượng.
Chùa Sắc tứ Thiên Ấn tọa vị trên đỉnh bằng núi Thiên Ấn mà dân gian ngày xưa thường gọi là núi Hó, nằm bên bờ tả ngạn sông Trà Khúc, về phía đông nam huyện Sơn Tịnh, có độ cao 105m, được xếp vào đệ nhất thắng cảnh của tỉnh Quảng Ngãi: “Thiên Ấn Niêm Hà” – dấu trời đóng trên sông!
Từ phía bắc chân cầu Trà Khúc, theo quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ, đến cây số 3, sẽ thấy dưới chân núi có cổng chào: “Sắc tứ Tổ đình Thiên Ấn” với con đường xoắn ốc đã trải nhựa lên tận đỉnh. Núi Thiên Ấn được xem là tổ sơn cho những núi thuộc đồng bằng huyện Sơn Tịnh. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí năm Tự Đức thứ 3, Canh Tuất – 1850, núi Thiên Ấn được ghi vào điển thờ.
Bên cạnh chùa Thiên Ấn cách cổng tam quan 100m về phía tây nam là mộ nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, nguyên Quyền Chủ tịch Nước, an giấc ngàn thu ngày 21-4-1947. Núi Thiên Ấn đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia ngày 2-3-1990. Khách tham quan Thiên Ấn không chủ riêng giới Phật tử mà hầu như đồng bào trong cả nước, không chỉ vào dịp tết, lễ hội mà gần như thường ngày.
Chùa Thiên Ấn do Thiền sư Pháp Hóa, húy Thượng Phật hạ Bảo – Lâm Tế đời thứ 35 thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ của Tổ Đạo Mân – Mộc Trần, Thông Thiên – Hoằng Giác khai sơn.
Về tiểu sử và hành trạng của Thiền sư Pháp Hóa, đã có nhiều công trình biên soạn và ấn hành nhưng có vài ấn bản không trùng khớp. Theo một số tài liệu và công trình nghiên cứu có tính thống nhất (1) thì Ngài họ Lê tên Diệt (Duyệt) sinh năm 1670, quê tỉnh Phúc Kiến – Trung Hoa. Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận, quyển 2, trang 156 thì có lẽ Ngài sang Đại Việt cùng với Thiền sư Nguyên Thiều thời Chúa Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691) khi sư Nguyên Thiều về Trung Hoa lần thứ 2, Ngài đến Quảng Ngãi khai sơn chùa Thiên Ấn vào khoảng năm 1694, trước Hòa thượng Minh Hải – Pháp Bảo sang Đại Việt một năm.
Sau khi khai sơn chùa Thiên Ấn, đạo hữu, tín đồ và khách thập phương ngày càng đông; nhu cầu nước uống thiếu hụt nên Ngài Pháp Hóa phát nguyện đích thân đào giếng. Tục truyền rằng khi Ngài khởi công thì bỗng có một vị Tăng không biết từ đâu lên núi đào giúp sức. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Cố sức đào 20 năm mới tới mạch nước”. Nhưng ngay sau đó, vị sư trẻ đi đâu biệt tích và giếng thiêng kỳ diệu trên Tổ đình Thiên Ấn đã ghi dấu trong ca dao Quảng Ngãi:
Ông Thầy đào giếng trên non
Đến khi có nước không còn tăm hơi.
Khi giếng có nước, cũng vừa lúc Chúa Nguyễn Phúc Chu từ các tỉnh phía Nam trở về Thuận Hóa, đã lên viếng chùa và ngự đề: “Sắc Tứ Thiên Ấn Tự” vào ngày mùng 8 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh thứ 11 – 1716 đời vua Lê Dụ Tông. Hai trăm năm sau, biển ngạch bị mờ nhạt nên Ngũ Tổ Hoằng Phúc hiệp Chư sơn tái tạo vào năm Duy Tân thứ 9 – 1915 (2).
Sau 60 hoằng hóa lợi sanh, mở cảnh Thiền môn cho Tổ đình Thiên Ấn Quảng Ngãi, đức Tổ thị tịch vào ngày 17 tháng giêng năm Giáp Tuất – 1754, mộ Ngài được tôn trí bên trái chính điện. Bia tháp Ngài do Tam Tổ Bảo Ấn Hòa thượng trùng tu vào năm Bính Thìn – 1836 với dòng chữ: Tự Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo chi tháp. Long vị thờ Ngài: Lâm Tế Chánh Tông tam thập ngũ thế Pháp Hóa húy thượng Phật hạ Bảo giác linh Đại sư Chi vị.
Kế thừa là Hòa thượng Huỳnh Thế Khánh Vân, quê huyện Mộ Đức, húy Thiệt Úy thượng Chánh hạ Thành hiệu Khánh Vân, nguyên trụ trì chùa Liên Tôn (Hoàng Long – Tư Nghĩa) được cung thỉnh về trụ trì chùa Thiên Ấn vào năm Giáp Tuất – 1754. Ngài đã có công mở mang Tổ đình nên được suy tôn Đệ nhị Tổ sư. Ngài viên tịch ngày mùng một tháng 11 năm Canh Dần – 1770. Bia mộ tháp ghi: Tự Lâm Tế phổ tam thập lục thế (3) Thiên Ấn đường thượng đệ nhị Tổ sư trùng tu Thiên Ấn hiệu Khánh Vân Hòa thượng chi tháp, Canh Dần niên thập nhứt ngoạt sơ nhứt nhựt tịnh tọa nhi hóa.
Thời gian sau khi Đệ nhị Tổ viên tịch, Ngài Huệ Hải cùng Ngài Tăng Lượt – Lâm Tế đời thứ 35 trông coi Tổ đình được một thời gian ngắn rồi giao lại cho Chư sơn. Giai đoạn này, cuộc chiến tranh Tây Sơn bùng nổ (1771), chùa Thiên Ấn lâm vào cảnh thiêu rụi, điêu tàn,…!
Đến năm Gia Long lên ngôi – 1802, Ngài Pháp Châu – Lâm Tế đời thứ 36 trụ trì nhưng cũng chỉ được 3 năm, công việc khôi phục, trùng tu còn dang dở. Kế tiếp là Ngài Huệ Minh – Lâm Tế đời thứ 35 được đề cử trụ trì nhưng chỉ một thời gian ngắn thì “Cù phong biệt tích” – trận gió dữ đã cuốn mất tăm tích!
Sau 30 năm chiến tranh, chùa Thiên Ấn đã bị đổ nát, giờ đây lại rơi vào cảnh không người cai quản mãi đến năm 1827. Có lẽ trong suốt 57 năm hoang tàn, hiu quạnh những sử liệu về chùa Thiên Ấn, về hành trạng Chư Tổ, về lịch sử truyền thừa của Phật giáo Quảng Ngãi từ cuối thế kỷ thứ 17 đến đầu thế kỷ 19 (1694-1827) bị mất mát, tiêu hủy mà hôm nay, đàn hậu học chúng ta gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong công việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử Phật giáo tỉnh Quảng Ngãi.
Đến năm Minh Mạng thứ 7, Đinh Hợi – 1827, sơn môn Quảng Ngãi cung thỉnh Hòa thượng Bảo Ấn đang trú trì chùa Viên Quang (Bình Sơn) về trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Hòa thượng có thế danh Trịnh Bảo Ấn sinh năm Mậu Ngọ 1798 tại làng Tráng Liệt, nay là xã Nghĩa Hòa – huyện Tư Nghĩa – Quảng Ngãi. Ngài xuất gia với Hòa thượng Tế Chơn – Liễu Ngộ -Quảng Tế tại chùa Viên Quang (4) – Bình Sơn – Quảng Ngãi. Về sau, Ngài cầu pháp với Hòa thượng Pháp Kiêm – Luật Oai – Minh Giác tại chùa Phước Lâm nên có pháp danh Toàn Chiếu, tự Trí Minh, hiệu Bảo Ấn, nối pháp đời thứ 37 Lâm Tế tông, thế hệ thứ 4 pháp phái Chúc Thánh.
Trong đời Ngài có một huyền tích kỳ lạ về quả chuông Thần. Sự tích rằng: một hôm, Ngài đang tọa thiền thì có vị Hộ Pháp mách bảo Ngài cho người đến làng Chú Tượng, có quả chuông do dân làng đúc nhưng đánh không kêu. Ngài cử thầy Điển Tọa đến 2 lần làng Chú Tượng mới đồng ý cho thỉnh về. Ngài làm lễ niệm hương bạch Phật rồi cầm dùi khai chung thì chuông ngân vang khắp núi Thiên Ấn. Hiện nay, quả chung vẫn còn tại Tổ đình với niên đại: “Thiệu Trị ngũ niên tuế thứ Ất Tỵ tứ nguyệt sơ thập nhựt” (10.4.1845).
Hòa thượng Bảo Ấn đạt điểm hạng ưu trong khoa thi Tam trường nên được vua Minh Mạng ngợi khen, ban Giới đạo Độ điệp phê rằng: “Tam trường liên trúng ưu hạng, dự yến tiến sĩ đồng” (Cả 3 trường Văn, Võ, Phật học đều trúng ưu hạng được dự tiệc ngang hàng với tiến sĩ).
Pháp tôn của Ngài Bảo Ấn là Hòa thượng Hoằng Tịnh nói về Ngài được Hòa thượng Khánh Anh chép trong tập 1 phần Kỷ niệm như sau: “Tổ Bảo Ấn là Thạc Nhân … sắc diệu uy hùng … tán tụng hay, thư ấn giỏi, văn võ song toàn, nham độn tuyệt diệu!”
Tháng 5 năm Mậu Tuất – 1838, Ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn và Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu.
Ngài an nhiên thị tịch vào giờ Ngọ ngày 29 tháng 6 năm Bính Dần – 1866, niên hiệu Tự Đức thứ 18. Nhục thân Ngài nhập tháp trong khuôn viên Tổ đình Thiên Ấn.
Sau 39 năm trụ trì chùa Thiên Ấn với những công đức giáo hóa cao dày, Ngài được sơn môn Quảng Ngãi cung xưng Đệ tam Tổ sư. Và cũng từ Đệ tam Tổ sư về sau, lịch sử truyền thừa của Phật giáo Quảng Ngãi mới có sử liệu cụ thể.
Kế thừa là Hòa thượng Giác Tánh, thế danh Lê La Xa (tên trong phổ ý là La Văn Xa) sinh năm Canh Dần 1830 tại làng Sung Tích, Sơn Tịnh được Tổ Bảo Ấn nhận làm con nuôi nên đổi tên họ thành Trịnh Quang Việt.
Ngài xuất gia với Đệ tam Tổ tại chùa Thiên Ấn được Bổn sư cho pháp danh Chương Khước, tự Tông Tuyên, hiệu Giác Tánh. Ngài là đệ tử xuất sắc của Tổ Bảo Ấn nên được kế thừa trụ trì Tổ đình Thiên Ấn từ năm 1866 khi Tổ viên tịch.
Ngài đã ra sức tiếp Tăng độ chúng, lập nông thiền theo tông chỉ Tổ Bách Trượng nên môn đồ ngày càng đông. Ngài đã canh trưng núi Thiên Ấn đưa vào địa bộ năm 1894 làm tài sản của Tổ đình.
Vào ngày 13 tháng 4 năm Nhâm Ngọ 1882, Ngài khai Đại giới đàn tại chùa Thiên Ấn. Bằng hạnh nguyện, Ngài độ chúng tăng và phú pháp chữ “Hoằng” đến gần trăm vị.
Ngài thị tịch vào giờ Ngọ ngày mùng 1 tháng 3 năm Mậu Thân – 1908. Ngài được sơn môn Quảng Ngãi tôn xưng Đệ tứ Tổ sư.
Kế thừa là Hòa thượng Hoằng Phúc, thế danh là Phạm Ngọc Long sinh năm 1865 tại làng Phước Long, nay là xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ với Tổ Giác Tánh tại chùa Thiên Ấn và là bào đệ của Ngài Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh. Ngài được Bổn sư ban pháp danh Ấn Tham, tự Tổ Vân, hiệu Hoằng Phúc.
Tuy Ngài không phải trưởng tử của Tổ sư Giác Tánh nhưng với đạo hạnh và giới đức, Ngài được sơn môn cung thỉnh Ngài về trụ trì Tổ đình khi Tổ Giác Tánh viên tịch năm 1908.
Năm Canh Tuất – 1910, Ngài được cung thỉnh làm Giáo thọ A-xà-lê tại Đại giới đàn chùa Phước Lâm – Quảng Nam do Quốc sư Hòa thượng Vĩnh Gia làm Đàn đầu.
Năm Nhâm Tý – 1912, Ngài vận động trùng khắc bản kinh Kim Quang Minh. Năm Quý Sửu – 1913, Ngài đứng xin tái canh trưng điền bộ mở rộng khắp núi Thiên Ấn và chủ trương xây dựng cổng Tam quan. Cũng trong năm này, Ngài được triều đình phong Tăng Cang và được Cần Chánh Đại học sỹ Nguyễn Thân cung thỉnh kiêm nhiệm trụ trì chùa Thạch Sơn.
Ngài viên tịch vào ngày 19 tháng chạp năm Bính Thìn – 1916, mộ tháp được tôn trí trong khuôn viên chùa Thiên Ấn. Với những công đức, Ngài được sơn môn cung xưng Đệ ngũ Tổ sư.
Sau khi Ngũ Tổ Hoằng Phúc viên tịch, Hòa thượng Hoằng Chương, thế danh Lê Bá Toại được đề cử trụ trì chùa Thiên Ấn. Nhưng vì tuổi già sức yếu giữa lúc Thiên Ấn tự bị hỏa hoạn nên chỉ không ngoài 2 năm, Ngài Yết ma Hoằng Chương thỉnh cầu Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh hiệp lực để lo trùng tu vào khoảng tháng 4 năm 1919, sau đó Hòa thượng Hoằng Chương cáo thối về chùa làng Long Tiên.
Sau năm 1919, kế thế trụ trì Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Nhiếp nguyên trụ trì chùa Sắc tứ Tây Thiên – Bình Sơn, giám tự là Ngài Hoằng Châu, Trịnh Hoằng Pháp bên cạnh có vai trò chủ trương Tổ đình Thiên Ấn là Hòa thượng Hoằng Tịnh.
Năm 1920, Tăng Cang Hòa thượng Hoằng Tịnh tuổi già sức yếu, Ngài triệu tập sơn môn Quảng Ngãi chọn người kế nghiệp Tổ đình. Hòa thượng Trần Diệu Quang sinh năm Tân Mão – 1891 tại làng Sung Tích – Sơn Tịnh, thọ giáo Hòa thượng Hoằng Phúc được đức Ngũ Tổ ban pháp danh Chơn Trung, tự Đạo Chí, hiệu Diệu Quang được cung thỉnh làm trụ trì Tổ đình vào ngày mùng 4 tháng giêng năm Tân Dậu – 1921.
Năm Mậu Thìn – 1928, Ngài được triều đình sắc phong Tăng Cang Tổ đình Thiên Ấn, cũng trong năm này, Ngài xin Chính phủ khai thông con đường xoắn ốc từ chân núi lên cổng tam quan.
Năm Tân Mùi – 1931, Ngài khai giới đàn tại chùa Thiên Ấn và Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng.
Từ khoảng thập niên 1940, Ngài cử hai vị Phước Diên và Phước Huệ làm giám tự, Ngài về chùa Viên Giác núi Thình Thình để giáo hóa Tăng chúng. Nhưng hai thầy nhận thấy không gánh vác nổi nên thỉnh cầu sơn môn cử Hòa thượng Hoằng Chí và Hòa thượng Trí Hưng hiệp lực chủ trương lo việc trùng tu Tổ đình vào ngày 28-12-1940.
Năm 1941, Hòa thượng Hoằng Chí xin thối lui để tịnh dưỡng, nên sơn môn cử Hòa thượng Bùi Diệu Nguyên hiệp lực cùng Tăng Cang Hòa thượng Trí Hưng trùng tu chốn Tổ và khánh thành vào ngày 19-6-1943. Ngài Diệu Nguyên viên tịch vào ngày 20 tháng 8 năm Quý Mùi – 1943.
Kế thế, chư sơn cử Ngài Phước Hải giữ chức giám tự Tổ đình.
Ngày 13 tháng 2 năm Nhâm Thìn 1952, vào giờ Ngọ Hòa thượng Diệu Quang viên tịch tại chùa Viên Giác. Để tưởng nhớ công hạnh của Ngài, sơn môn Quảng Ngãi đã xây tháp vọng thờ trong vườn tháp Tổ đình và sung tôn Ngài là Đệ lục Tổ sư.
Sau khi Lục Tổ viên tịch, chư sơn cử Hòa thượng Thích Khánh Tín thế danh Phạm Quang Sử, húy Chơn Sử, tự Đạo Thị – nguyên trụ trì chùa Thọ Sơn cổ tự là một vị tăng cao tuổi đức độ kế nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn. Nhưng thời gian không lâu, Ngài cáo thối vì già yếu.
Đến ngày 30-8-1954, hội nghị Giáo hội Tăng già Trung Việt được tổ chức và sơn môn tỉnh Quảng Ngãi chuyển danh thành Giáo hội Tăng già, Tổ đình Thiên Ấn thuộc quyền trị sự của Giáo hội.
Ngày 16 tháng giêng năm Ất Mùi – 1955, Giáo hội tỉnh Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích Huyền Tấn pháp danh Như Chánh, tự Giải Trực trụ trì Tổ đình, Hòa thượng Thích Hồng Ân làm phó tự. Vì bộn bề công tác Phật sự và hành đạo nên Hòa thượng Huyền Tấn ủy thác cho Hòa thượng Phó tự Thích Hồng Ân lo toan công việc ở Tổ đình. Cho nên tuy là Phó tự, Ngài Hồng Ân đã ra sức trùng tu chốn Tổ, bắt đầu khởi công đại trùng tu ngày 6-8-1959 và khánh thành vào ngày 18 tháng giêng năm Tân Sửu – 1961. Ngài viên tịch ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ – 1978.
Năm 1967, Hòa thượng Huyền Tấn xin từ nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn để tập trung vào nghiên cứu tu trì tại chùa Kim Liên, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tỉnh Quảng Ngãi cử Hòa thượng Thích Huyền Đạt, húy Như Lợi, tự Giải Lý kế vị trụ trì Tổ đình. Sau 26 năm trụ trì chùa Thiên Ấn, Hòa thượng Thích Huyền Đạt viên tịch vào ngày mùng 1 tháng chạp năm Quý Dậu – 1993.
Từ năm 1993 đến nay, Thượng tọa Thích Hạnh Trình, húy Thị Lịnh, hiệu Vĩnh Hội kế nhiệm trụ trì Tổ đình Thiên Ấn.
Hơn 300 năm, chùa Thiên Ấn đã trải qua nhiều thăng trầm dâu bể nhưng luôn luôn được khôi phục, tô bồi, đã trở thành mạng mạch của đạo Phật trên quê hương Quảng Ngãi; đã thành chiếc nôi của nhiều chùa chiền, tự viện trong tỉnh, trong nước, ngoài nước và cũng là nơi phát tích những bậc cao tăng khả kính mà lịch sử Phật giáo Việt Nam ghi nhận.
Chú thích:
(1) Nguyễn Lang – Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – NXB Lá Bối CA-USA-1993 quyển 2 trang 156
– Thích Như Tịnh – Lịch sử truyền thừa Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh – NXB Phương Đông – 2009 trang 226-228.
– Đại đức Thích Nguyên Minh – Thiên Ấn ký – 1968 (Bản chép tay)
– Quảng Ngãi Pháp phái Chúc Thánh tự hệ – Khuyết danh.
– Phạm Trung Việt – Non nước xứ Quảng – do Trương Nguyên Thuận tái bản – San Jose – USA – 1998.
(2) Diễn Nôm biển ngạch: Quốc chúa ngự đề: Sắc tứ Thiên Ấn Tự. Lê Triều Vĩnh Thạnh Thập Nhứt niên cúc ngoạt cố đáng. Duy Tân cửu niên liên ngoạt Tăng Cang Phạm Hoằng Phúc hiệp chư sơn đồng tái tạo. Thạch trì toàn dinh phụng cúng.
(3) Theo Bài kệ truyền thừa pháp danh và pháp tự (Minh Thiệt Pháp Toàn Chương … Đắc Chánh Luật vi tôn …) thì Nhị Tổ Thiệt Úy-Chánh Thành-Khánh Vân phải là Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 35 mới đúng.
(4) Lược trích bảng Lâm Tế Chánh Phổ của Sơn Môn tỉnh Quảng Ngãi ban cấp cho Sa di Chơn Sử-Đạo Thị ngày 17 tháng 11 năm Tân Hợi 1911 như sau:
– Bửu Lâm đường thượng húy Thiệt Uyên thượng Chánh hạ Thông Chí Bảo Hòa thượng.
– Phước Lâm đường thượng húy Pháp Kiêm thượng Luật hạ Oai Minh Giác Hòa thượng.
– Viên Quang đường thượng húy Tế Chơn thượng Liễu hạ Ngộ Quảng Tế Hòa thượng.
– Thiên Ấn đường thượng húy Toàn Chiếu thượng Trí hạ Minh Bảo Ấn Hòa thượng.
– Thiên Ấn đường thượng húy Chương Khước thượng Thông hạ Tuyên Giác Tánh Hòa thượng.
– Phước Quang đường thượng húy Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân Hoằng Tịnh Hòa thượng.
– Thạch Sơn Tự thủ lễ Tôn sư húy Ấn Kim thượng Tổ hạ Tuân Hoằng Tịnh Hòa thượng.