MỘT SỐ VẤN ĐỀ CƠ BẢN

Cả 3 vấn đề quan trọng này đã được hội nghị nhất trí biểu quyết. Đến nay gần tròn một năm nhưng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi để đi vào thực hiện, mở đầu một thời kỳ mới của GĐPT, bởi chúng ta phải chờ Giáo hội duyệt y phê chuẩn. Đó là lý do duy nhất nên BHD/GĐPT TW không thể mạo muội vượt qua nguyên tắc. Riêng vấn đề đổi mới tuy không vướng bận đến cơ chế tổ chức của GH PGVN nhưng vì đã là 1 trong 3 vấn đề được hội nghị đưa vào nghị quyết. Vì vậy tại trung ương cũng chưa thể tự ý hình thành được guồng máy đổi mới.
Tuy nhiên vừa qua, trong các tỉnh thành miền trung đã có hình thành đề án đổi mới và đã bắt đầu phát động thực hiện. Đó là GĐPT Quảng Trị đã phổ biến đề án đổi mới nhân Hội nghị Huynh trưởng toàn tỉnh vừa qua. Đơn vị thứ hai là GĐPT Quảng Ngãi cũng đã tổ chức hội thảo tìm cho ra nguyên nhân yếu kém và biện pháp khắc phục hiệu quả, những đợt bồi dưỡng kỹ năng cho Huynh trưởng, Trại chuyên năng “Phú Lâu Na” gần 400 Huynh trưởng trong dịp hè vừa qua đúng theo chiều hướng đổi mới; GĐPT Thừa Thiên Huế tuy chưa soạn đề án đổi mới nhưng trong các hoạt động huấn luyện đào tạo cũng bắt đầu bằng một số mô hình hoạt động mới và đã mang lại một số hiệu quả thiết thực…
Tất cả những vấn đề mà các tỉnh thành nêu trên đặt ra và thực hiện đều ở trong quá trình đổi mới. Cũng có thể một vài nơi khác có cách làm khác hơn.
Tuy nhiên người viết bài nầy nghĩ rằng trong nhiều vấn đề cần đổi mới,chúng ta cũng nên tìm ra vấn đề nào là quan trọng, mang tính bao trùm xuyên suốt quá trình đổi mới. Ở đây chúng tôi xin đưa ra 3 vấn đề đó là:

  • Một là vấn đề nhân sự.
  • Hai là vấn đề nội dung và phương pháp giáo dục
  • Ba là vấn đề đổi mới phải kết hợp với phát triển
*VẤN ĐỀ NHÂN SỰ
Đây là vấn đề rất khó khăn, phức tạp xuyên suốt quá trình đổi mới vì sanh mạng của con người vẫn tiếp nối nhau đi qua 4 thời kỳ của Sanh, già, bệnh, chết. Nếu không chuyển đổi (chứ không phải thay thế, từ bỏ) nhân sự, chuyển đổi vai trò, vị trí với từng thời kỳ sinh hoạt, thích hợp với đối tượng giáo dục thì chắc chắn chúng ta không thể tránh tình trạng thiếu năng động, trì trệ, đơn điệu trong sinh hoạt ở cơ sở, huyện, tỉnh, thành.
Mỗi Huynh trưởng trong chúng ta, sau khi đã chọn lựa GĐPT làm lý tưởng phụng sự, đã tự nguyện cống hiến tài năng, sức lực của mình cho tổ chức mà không hề nghĩ đến các quyền lợi cá nhân. Nhờ vậy nên GĐPT đã tồn tại phát triển hơn 60 năm kể từ 1951 và gần một phần ba thế kỷ kể từ năm 1981 (GHPGVN được thành lập). Hầu hết tuổi trẻ trong GĐPT đều như thế. Không nhiều thì ít sự cống hiến ấy đã mang lại thành quả, những kỷ niệm, những dấu ấn thật khó quên. Qúa khứ ấy cũng đem đến cho chúng ta những khả ái, khả lạc, khả hỷ và không thiếu những giây phút hờn, giận do sự nông nổi, nóng vội… Những cảm nhận ấy thì chắc chắn bất cứ cứ ai cũng đều muốn nắm chặt mãi thật khó mà buông bỏ, dù là một sự buông bỏ có ý thức! Đây là cái khó khăn nhất trong việc đổi mới con người.
(Muốn đổi mới thì mỗi Huynh trưởng phải tự đổi mới mình từ nhận thức và hành động…)
Do đó,ở địa phương cần phải kiên trì vận động, thuyết phục, nhất là đối với một số Huynh trưởng cấp Tấn, tuổi cao, sức yếu đang nắm giữ vị trí quan trọng ở cơ sở, chuyển đổi cho hàng Huynh trưởng cấp Tín có khả năng kế thừa để có thể tạo nên không khí sinh hoạt năng động, sáng tao hơn đồng thời để cho cả hai bên trở về thực hiện tinh thần của “quy chế Huynh trưởng”.

*VẤN ĐỀ NÔI DUNG TU HỌC & HUẤN LUYỆN
a/ Về nôi dung tu học: Dù có đổi mới hay không đổi mới thì nội dung chương trình phải thường xuyên xem xét tùy theo tình hình của mỗi giai đoạn. Việc làm nầy thuộc về trách nhiệm của hệ thống nghiên huấn và tu thư từ trung ương đến địa phương.
Cứ mỗi nhiệm kỳ, sau đại hội lần trước và trước kỳ đại hội kế đó là thời gian mà ngành nghiên huấn tìm ra các vấn đề cần phải tu chỉnh. Không nên để sinh hoạt tu học của đoàn sinh quá nặng nề khiến cho khách quan có cảm tưởng GĐPT là mái trường thứ hai của các em.
Với nội dung chương trình tu học hiện nay, ngành nghiên huấn có thể xem xét lại, nếu thấy còn nặng nề thì đề nghị cắt giảm một số đề tài có thể cắt giảm được trong chương trình mỗi bậc học. Tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, tổ chức các cuộc dã ngoại, sinh hoạt liên đoàn, liên gia đình để cùng giao lưu học hỏi lẫn nhau.
b/ Về huấn luyện đào tạo
Trong GĐPT có 5 trại huấn luyện từ trại ĐỘI CHÚNG TRƯỞNG – ĐẦU THỨ ĐÀN đến trại VẠN HẠNH. Trong 5 trại nầy thì mỗi tỉnh thành chịu trách nhiệm trực tiếp 4 trại: Anoma-NiLiên-Tuyết Sơn; Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang. Do đó uỷ viên nghiên huấn địa phương thường được Phân ban giao trách nhiệm tổ chức, huấn luyện. Là người theo sát tình hình trong mỗi trại cần xem xét lại nội dung, thời gian đang áp dụng hiện nay để có những nhận xét chính xác đề xuất với trung  ương chỉnh sửa kịp thời. Nhất là trại A-N-T và trại Lộc Uyển. Ví dụ lâu nay có nhiều nơi cho rằng trại A-N-T là Đoàn sinh nên giao cho cấp quận huyện tổ chức và đào tạo. Làm như vậy liệu đã chính xác chưa? Trong khi đó trại sinh Đội, Chúng trưởng đang ở lớp cuối cấp phổ thông (có em đã vào đại học), sẳn có sức bật, có kiến thức, hiếu học, nhạy bén… nên đòi hỏi giảng viên có nhiều kinh nghiệm, am hiểu kiến thức tổng quát và chuyên môn, tháo vát, năng động mới có thể đáp ứng yêu cầu của trại sinh. Nhưng thực tế thì Ban điều hành tại các quận huyện khó có đủ Huynh trưởng hội đủ các tiêu chuẩn cần thiết.
Với trại LỘC UYỂN là trại đầu tiên để trở thành huynh trưởng, ngoài phần lý thuyết, phần kỹ năng sinh hoạt, kỹ năng điều khiển cùng các kỹ năng khác nên đòi hỏi dành nhiều thời gian để huấn luyện. Mặt khác, trại Lộc Uyển đan xen nhiều thành phần trại sinh. Phần đông trại sinh là từ Đoàn sinh đã có kinh qua trại Đội, Chúng trưởng, số khác đã có bậc Trung thiện, hai thành phần khác là số trại sinh lớn tuổi cùng một số Gia trưởng chưa trải qua sinh hoạt nên cũng gây ra một số chướng ngại cho trại. Trong tiến trình đổi mới hiện nay, nên chăng chia thành phần trại sinh Lộc Uyển thành 2 tập hợp khác nhau để tiếp tục phát huy tính năng động cũng như các kỹ năng khác cho tuổi trẻ?

*VẤN ĐỀ ĐỔI MỚI KẾT HỢP VỚI PHÁT TRIỂN
Mục tiêu của chủ trương đổi mới sinh hoạt là làm sao cho sinh hoạt GĐPT ở cơ sở năng động ,sáng tạo hơn hầu thích ứng với yêu cầu của tuổi trẻ thời đại, đồng thời đổi mới cũng nhằm đến phát triển tổ chức nhưng luôn luôn tuân thủ Mục đích – châm ngôn – điều luật của GĐPT. Dĩ bất biến ứng vạn biến là chỗ đó.
GĐPT chúng ta sau một thời gian dài ốm yếu do thiếu pháp lý sinh hoạt. Kể từ khi có pháp lý, chúng ta đã tập trung cho việc củng cố, xây dựng lại đồng thời từ địa phương đến trung ương cũng đã ra sức huấn luyện, đào tạo hàng Huynh trưởng lãnh đaọ cùng với sự đào tạo thế hệ Huynh trưởng trẻ để có thể kế thừa.
Đến nay thì tổ chức GĐPT bắt đầu phát triển tại một số tỉnh ở miền Đông và miền Tây Nam Bộ thì bản thân GĐPT tự vận động thuyết phục, một số tỉnh miền Bắc cũng chỉ tự phát. Sau gần 3 nhiệm kỳ của GHPGVN, chúng ta chưa hề thấy Hội đồng Trị sự TW thông qua ban HDPT có một văn bản nào gởi đến các tự viện cơ sở Phật Giáo trên cả nước giới thiệu về tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi Phật giáo nầy. Vì vậy một bộ phận Tăng Ni trẻ hầu như không biết trong GHPGVN có một tổ chức giáo dục lấy tên là GĐPT.
Công cuộc phát triển GĐPT vốn đã khó khăn suốt thập kỷ qua bởi nhũng tác động khách quan của gia đình, học đường và xã hội. Nặng nề hơn cả là nhà trường và xã hội.Trước những thách thức đó, liệu con đường phát triển của GĐPT có vượt qua được hay không? Chúng tôi tin tưởng GĐPT đã vượt qua thách thức trong quá khứ, đó là quá trình phục hồi củng cố và xây dựng suốt 14 nâm qua. Phục hồi và ổn định là nền tảng cho sự phát triển của tổ chức. Tuy vậy muốn phát triển còn đòi hỏi đội ngũ Huynh trưởng từ Huynh trưởng cầm đoàn đến hàng Huynh trưởng lãnh đạo có những tư duy sáng tạo mới khế hợp với tình hình, hoàn cảnh của GĐPT hiện nay. Bên cạnh đó cấp lãnh đạo GĐPT cần có những kiến nghị thích đáng đệ trình Giáo hội để Giáo hội giúp chúng ta mở ra con đường phát triển sâu rộng, cùng khắp và bền vững.
Trên đây là 3 vấn đề then chốt,quan trọng mang tính bao trùm suốt quá trình đổi mới. Chúng tôi đề nghị trang WEB của GĐPTTW nên mở trang “ĐỔI MỚI SINH HOẠT”, đồng thời chúng tôi cũng rất mong mỏi anh chị em Huynh trưởng trẻ nói lên tiếng nói của mình góp phần vào thành công của chủ trương đổi mới đã được nhất trí cao nhân Hội nghị huynh trưởng GĐPTVN vừa qua.
Nhân đây chúng tôi mong các đơn vị tỉnh thành được GĐPT TW phân công biên soạn tài liệu tu học cho đoàn sinh và Huynh trưởng khẩn trương hoàn thành trong năm 2012 (theo chương trình tu chỉnh năm 2006) chú ý tính sư phạm của các đề tài xuyên suốt. Đề nghị TW tổ chức hội nghị tập huấn, đúc kết tài liệu tu học,huấn luyện để cả nước sử dụng thống nhất  do Phân ban GĐPT TW biên soạn.
Kính chúc các đơn vị đã phát động đổi mới thành công, kính chúc anh em nhà lam chúng ta “mẫn sự thận ngôn” (giỏi trong công việc, thận trọng trong lời nói) và luôn được an trú trong chánh pháp.

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.