LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA (Bậc Cánh Mềm)
LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA
(3 tiết)
A/ TỪ SƠ SANH ĐẾN XUẤT GIA (tiết 1)
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em nắm vững được gia thế và sự tiếp xúc với đời qua bốn cửa thành của Thái Tử
II/ NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
1/ TỪ SƠ SANH ĐẾN NIÊN THIẾU:
Thân thế của Thái Tử:
Đức Phật Thích Ca tên là Tất Đạt Đa, Ngài là Thái tử con vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da nước Ca Tỳ La Vệ, xứ Ấn Độ. Ngài Đản sanh vào ngày rằm tháng hai Ấn Độ (tức rằm tháng tư theo lịch Tàu) tại vườn Lâm Tỳ Ny, năm 624 trước Công nguyên.
– Ngài có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp
– Sau khi sanh Thái tử 7 ngày thì Hoàng hậu Ma Da từ trần, Thái tử được di mẫu Ma Ha Bà Xà Bà Đề nuôi nấng.
– Năm 17 tuổi, Vua cha cưới vợ cho Thái tử là công chúa Da Du Đà La và hạ sinh được một người con trai tên là La Hầu La.
2 / TIẾP XÚC VỚI ĐỜI:
Vì có lời tiên đoán của ông A Tư Đà, vua Tịnh Phạn không cho Thái tử thấy bất cứ cảnh khổ nào của cuộc sống bên ngoài. Nhà vua tìm hết mọi cách để cho Thái tử vui. Nhưng sau nhiều lần thỉnh cầu nhà vua phải để cho Thái tử dạo chơi ngoài thành và Thái tử đã có dịp tiếp xúc với đời sống thực tế bên ngoài.
– Lần thứ nhất: Ngài chứng kiến cảnh tượng mọi người, mọi vật vì sự sống của bản thân mà phải tranh giành, xâu xé, giết hại lẫn nhau. Đó là sự khổ của Sanh.
– Lần thứ hai: Ngài chứng kiến một ông già lẩm cẩm, da nhăn, tai điếc, mắt lòa…Đó là sự khổ của cảnh Già.
– Lần thứ ba: Ngài thấy một người bệnh gầy còm, rên rỉ… Đó là sự khổ của Bệnh.
– Lần thứ tư: Ngài chứng kiến một đám tang, thân nhân người chết gào khóc thảm thương. Đó là sự khổ của cái Chết.
Thấy rõ sự thực về Bốn Cảnh khổ của cuộc đời là sanh – già – bệnh – chết mà chúng sanh phải chịu đựng nên lại càng thương xót chúng sanh nhiều hơn. Từ đó, Ngài luôn luôn suy nghĩ, muốn tìm cách cứu vớt tất cả ra khỏi bể khổ của cuộc đời.
III/ CÂU HỎI:
1/ Thái tử Tất Đạt Đa con của Vua và Hoàng hậu nào?
2/ Ai thay Hoàng hậu Ma Da chăm sóc nuôi dưỡng Thái tử?
3/ Khi ra ngoài thành Thái tử đã tiếp xúc với những cảnh khổ nào?
4/ Từ đó ngài suy nghĩ điều gì?
B/ THÁI TỬ XUẤT GIA VÀ TÌM ĐẠO (tiết 2)
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em hiểu được hành động Xuất gia của Thái Tử với mục đích gì?
II / NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
1. XUẤT GIA Trong một buổi dạo chơi, Thái tử gặp một vị Sa môn dáng vẻ trang nghiêm thanh thoát. Ngài hiểu rằng: “Muốn cứu khổ chúng sanh chỉ có con đường là xuất gia tìm đạo”.
Chí đã quyết, đêm mồng 8 tháng 2, sau buổi yến tiệc. Thái tử âm thầm ngắm nhìn từ biệt vợ con, cùng Xa Nặc cởi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất gia tìm đạo. Lúc ấy, Ngài 19 tuổi.
Hành động xuất gia của Ngài là tấm gương sáng ngời về tình thương bao la, đức hy sinh cao cả và ý chí vô cùng mãnh liệt, nhân loại mãi mãi tôn thờ.
2. TÌM ĐẠO:
Rời Hoàng thành, Thái tử vượt sông A Nô Ma, Ngài xuống ngựa, dùng gươm báu cắt tóc, cởi bỏ đồ trang sức giao cho Xa Nặc mang về trình vua cha tỏ rõ ý chí của Ngài. Ngài đổi cẩm bào lấy áo của người thợ săn quyết tâm tìm đạo, đã trãi qua các lần tìm đạo và tu theo các giáo phái, nhưng nhận thấy tất cả các đạo ấy không thể giải thoát chúng sanh khỏi đau khổ luân hồi, nên Ngài quyết định tự mình chuyên tu để tìm ra đạo giải thoát chân chánh..
Ngài tìm đến rừng Ưu Lâu Tần Loa, bên bờ sông Ni Liên Thuyền và tu khổ hạnh ép xác trong 6 năm liền với 5 người bạn là nhóm ông Kiều Trần Như. Vì ép xác quá mức, sức khỏe Ngài kiệt quệ, nên Ngài quyết định ăn uống bình thường để bảo vệ lấy thân mới có thể tìm đạo được.. Nhóm ông Kiều Trần Như tưởng Ngài thối chí, bèn bỏ đi.
III/ CÂU HỎI:
- Sự ra đi của Thái tử nói lên điều gì?
- Ngài ra đi cùng với ai vào ngày giờ nào?
- Thái tử tu với những vị nào?
D / ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO ĐẾN NHẬP DIỆT (tiết 3)
I/ MỤC ĐÍCH: Giúp các em nắm được thời gian Đức Phật Thành Đạo và hình thành Ba Ngôi Tam Bảo
II / NỘI DUNG BÀI GIẢNG:
1. THÀNH ĐẠO VÀ HOẰNG DƯƠNG CHÁNH PHÁP
Ngài uống bát sữa do nàng Tu Xà Đề đem dâng, sức khỏe Ngài phục hồi. Ngài bèn xuống sông Ni Liên Thuyền tắm rửa sạch sẽ, rồi đến gốc cây Bồ đề trải cỏ làm đệm và ngồi tĩnh tọa tham thiền suốt 49 ngày (tập trung cao độ tư tưởng suy gẫm) Ngài phát lời thề nguyện: “Nếu ta không thành đạo chứng quả, thì quyết trọn đời không rời khỏi cây Bồ đề này”.
Trong khi Ngài tham thiền nhập định, các Ma vương sợ Ngài thành đạo sẽ giác ngộ cho mọi loài, bèn rủ nhau đến quyến rủ, quấy phá nhưng Ngài đã chiến thắng tất cả mọi sự cám dỗ, phá hoại của Ma vương.
Đêm mồng 8 tháng chạp, lúc sao mai vừa mọc, Ngài đã giác ngộ hoàn toàn và thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Lúc ấy quả đất rung động, nhạc trời chúc tụng, mưa hoa cúng dường.
Sau khi thành đạo Ngài đến thăm anh em ông Kiều Trần Như và giảng thuyết bài pháp đầu tiên là “Tứ Thánh Đế”, nhận 5 ông làm đệ tử cũng đầu tiên, từ đó ba ngôi báu Phật Pháp Tăng hình thành, Ngài du hóa khắp nơi thuyết pháp trong 49 năm, với vô số đệ tử quy y Tam Bảo, đạo Phật được đa số quần chúng tin theo.
2. ĐỨC PHẬT NHẬP DIỆT
Ngài nhập diệt lúc công hạnh hóa độ của Ngài đã viên mãn. Ngày mồng 8 tháng 2 Ấn Độ tức ngày rằm tháng 2 âm lịch.
Ngài cho họp mặt các đệ tử để giảng dạy lần cuối cùng, ân cần khuyên nhủ mọi người hãy giữ gìn giới luật, tinh tấn tu hành, để tự giải thoát. Rồi an nhiên từ giã trần tục mà đi vào cõi Niết bàn. Hưởng thọ 80 tuổi.
III/ CÂU HỎI:
- Thái tử ngồi Thiền định ở đâu?
- Thái tử Thành đạo lúc nào?
- Đức Phật nhập diệt vào tháng năm nào?
- Năm đó ngài bao nhiêu tuổi?