CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO NĂM 1963 (Bậc Trung Thiện)

CUỘC VẬN ĐỘNG CỦA PHẬT GIÁO NĂM 1963

 
I. Sự kiện mở đầu phong trào tại Huế
Lúc 13giờ ngày 06/5/1963, viên tỉnh trưởng Thừa Thiên kiêm thị trưởng Thành phố Huế Nguyễn Văn Đẳng đến chùa Từ Đàm “vận động” Ban Tổ chức Đại lễ Phật Đản PL.2507 không treo cờ Phật giáo (theo ý của cố vấn Ngô Đình Cẩn). Chư Tôn Đức lãnh đạo Phật giáo không đồng ý. Lúc 20h30 ngày 6/5/1963, bức điện số 9195 của Phủ Tổng thống với nội dung: cấm treo cờ Phật Giáo trong ngày đại lễ. Như vậy chánh sách “thiên chúa giáo hóa” của nhà cầm quyền được áp dụng tại chiếc nôi của Phật giáo cả nước. Nguyên nhân chính là do Giám mục giáo phận Huế Ngô Đình Thục phàn nàn với ông Ngô Đình Diệm về việc treo cờ Phật giáo làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức Hồng Y mà ông ta đang vận động tòa thánh Va-ti-Cân với tuyên bố dân Huế theo đạo Thiên Chúa 80%.
Đêm 06/5/1963 Hội Phật giáo Trung Phần phản đối công điện của chính quyền và gởi 3 bức điện đến Phật giáo thế giới, Tổng Hội Phật giáo VN (nhờ can thiệp), chính quyền Ngô Đình Diệm (phản đối).
Chính quyền bày cách hòa hoãn, yêu cầu giới lãnh đạo Phật giáo “bình tĩnh”; lúc 18h ngày 07/5/1963, chư Tôn đức lãnh đạo đòi hỏi chính quyền Thừa Thiên “phải cho xe thông tin cho phép treo cờ Phật giáo trước 21h”, viên tỉnh trưởng buộc phải miễn cưỡng đồng ý.
Diễn biến tiếp theo:
– Sáng ngày 08/5/1963 Lễ rước Phật từ Diệu Đế đến Từ Đàm biến thành cuộc biểu tình với các biểu ngữ xuất hiện:
Cờ Phật giáo quốc tế không thể bị triệt hạ”
“Phật giáo đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo”                         
“Yêu cầu chính phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.”
“Phật giáo đồ nhất trí bảo vệ chánh pháp dù phải hy sinh
Tại lễ đài chùa Từ Đàm, Thượng Tọa Thích Trí Quang, Hội trưởng hội Phật giáo Trung phần, tố cáo chính quyền đàn áp tôn giáo. 21h cùng ngày quần chúng Phật tử bao vây đài phát thanh vì đài này không phát chương trình Phật giáo như đã quy định.
– Chính quyền đàn áp, máu đổ, người chết.
Dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Đặng Sĩ, Phó Ty trưởng Nội an Thừa Thiên đã đàn áp đẫm máu tại đài phát thanh Huế làm nhiều người bị thương và 8 Phật tử bị thiệt mạng. Cả thành phố đau thương, uất hận, tình hình căng thẳng cao độ nhưng chư tôn Giáo Phẩm Phật Giáo vẫn chủ trương đấu tranh “BẤT BẠO ĐỘNG
Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội  chủ Tổng Hội Phật giáo Việt Nam công bố bản tuyên ngôn của Tăng, tín đồ Phật Giáo Việt Nam 5 NGUYỆN VỌNG (tối thiểu):
1. Yêu cầu Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thu hồi vĩnh viễn công điện triệt giáo kỳ của Phật giáo.
2. Yêu cầu Phật giáo phải được hưởng quy chế đặc biệt như các hội truyền giáo Thiên Chúa đã được ghi trong Dụ số 10.
3. Yêu cầu Chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố tín đồ Phật giáo.
4. Yêu cầu cho Tăng tín đồ Phật giáo được tự do truyền đạo, hành đạo.
5. Yêu cầu Chính phủ đền bồi một cách xứng đáng cho những kẻ bị giết oan và kẻ chu mưu giết hại phải đền bồi đúng mức.

II. Phong trào từ Huế lan rộng khắp Miền Nam
Ngay sau khi được tin “tình trạng bi đát” xảy ra ở Huế, khắp Miền Nam Tăng tín đồ Phật giáo hưởng ứng cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng – nổi bật tại Sài Gòn.
Những người Thiên Chúa giáo chân chính lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh của Phật giáo (tiêu biểu nhóm 9 linh mục do Linh Mục Lê Quang Oánh dẫn đầu)
Ngày17/5/1963, tại chùa Ấn Quang, một cuộc trưng bày hình ảnh về vụ thảm sát tại đài phát thanh Huế đã có sức thuyết phục to lớn đối với dư luận trong và ngòai nước.
Ngày 25/5/1963 ỦY BAN LIÊN PHÁI BẢO VỆ PHẬT GIÁO (gồm 11 tông phái) ra đời. Uỷ Ban Liên Phái ra tuyên ngôn ủng hộ toàn diện 5 nguyện vọng tối thiểu mà Tổng hội Phật Giáo Việt Nam đã nêu ra.
Và sau đó là những cuộc biểu tình và đàn áp tiếp tục diễn ra khắp Miền Nam – đặc biệt tại Huế và Sài Gòn.
*Ngọn lửa thiêng của BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC-đỉnh điểm của cuộc đấu tranh bất bạo động
– Ngày 11-6-1963 tại ngã tư đường Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt (ngày nay là ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu – Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, TP.HCM), Hòa Thựong Thích Quảng Đức đã ngồi kiết già “vị pháp thiêu thân” trước sự kính ngưỡng và bảo vệ của hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử. Ngọn lửa thiêng đã làm chấn động dư luận khắp năm châu.
Chính quyền Ngô Đình Diệm hoang mang, run sợ nhưng vẫn ngoan cố tuyên bố “một số người bị đầu độc gây án mạng” và kêu gọi bình tĩnh.
– QUẢ TIM BẤT DIỆT
Nhục thân của Hòa Thượng Thích Quảng Đức được hỏa thiêu, đến lần thứ hai với nhiệt độ 4000độ nhưng quả tim Ngài BẤT DIỆT, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đã phát biểu sau lễ hỏa thiêu:
Cái chết vô úy của Hòa Thượng QUẢNG ĐỨC là một hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi người, một tiếng gọi đàn cho hàng tứ chúng”
– Ngày 16-6-1963, sau 5 buổi họp, thông cáo chung của Ủy ban Liên phái và Chính quyền ký kết vào 2h sáng. Về cơ bản thỏa mản 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo. Nhưng đó chỉ là thủ đoạn của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Hàng lọat những cuộc biểu tình của quần chúng, của Giáo sư, Sinh viên các trường Đại học, nhiều Tăng Ni tự thiêu phản đối sự kỳ thị tôn giáo của nhà cầm quyền
*Kế hoạch nước lũ:
Đêm 20 rạng sáng ngày 21-8-1963  nhà cầm quyền cho cảnh sát, mật vụ tấn công đồng loạt các chùa chiền dùng làm cơ sở đấu tranh tại hầu hết các tỉnh thành, hàng ngàn Tăng, Ni, Phật tử bị bắt, lệnh giới nghiêm trên toàn Miền Nam.

III. Sự sụp đổ của chế độ độc tài
 Những ngày sau đó, bất chấp lệnh giới nghiêm, biểu tình, bãi khóa liên tiếp xảy ra, nhân tâm ly tán, chính quyền bị thế giới và quần chúng cô lập mặc dù  Ngô Đình Diệm đã cử người ra nước ngòai giải độc nhưng bản chất độc tài gia đình trị của: Diệm, Nhu, Thục, Cẩn… đã lộ nguyên hình
Cuộc đảo chính quân sự do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, được hậu thuẫn của Mỹ vào lúc 11h30 ngày 1-11-1963, ông Diệm và Nhu bị giết; chế độ độc tài, gia đình trị họ Ngô sau 9 năm thống trị đã sụp đổ. Phật giáo vượt qua một mùa pháp nạn

IV. KẾT LUẬN
1. Bản chất của chế độ nhà Ngô là dựa vào “chủ nghĩa nhân vị”, chọn cán bộ cầm quyền hầu hết là những người theo đạo Thiên Chúa, do đó ngay từ 1954 nhiều tín đồ Phật giáo từ Bắc vào Miền Nam đã bị chế độ bạc đãi.
2. Phật giáo là tôn giáo chiếm 80% dân số nhưng nhà cầm quyền phân biệt đối xử thì lòng dân ly tán, bất phục chế độ là điều tất yếu.
3. Cuộc đảo chính quân sự chấm dứt chế độ độc tài năm 1963 giúp Phật giáo vượt qua mùa pháp nạn thứ nhất…, nhưng sau đó Phật giáo lại dấn thân tiếp tục đấu tranh  cho quyền lơi chính đáng của tín đồ, đồng bào của mình…
4. Ngọn lửa thiêng của Bồ Tát Thích Quảng Đức là hồi chuông cảnh tỉnh cho mọi thế lực đen tối gây tổn thương cho Phật giáo và Dân tộc.
  
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Vì sao nhà cầm quyền cấm treo cờ Phật giáo trong mùa Phật Đản PL.2507?
2. Nêu nội dung 5 nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo trong tuyên ngôn của Tổng hội Phật giáo Việt Nam?
3. Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu tại đâu? Lý do gì?
4. Bản chất của chế độ Ngô Đình Diệm là gì?

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.