Tương lai của GĐPT tỉnh Kiên Giang.
MINH KIM (MK): Kính bạch Đại Đức, được sự phân công của Ban biên tập sách Kỷ Yếu 50 Năm GĐPT Kiên Giang, con xin được phỏng vấn Đại Đức một số vấn đề có liên quan đến sinh hoạt GĐPT tại Kiên Giang.
ĐẠI ĐỨC THÍCH MINH NHẪN (ĐĐ.TMN): Tôi đề nghị chúng ta nói chuyện bình thường, không cần lễ nghi, khách sáo.
MK: Vâng, thưa Thầy, xin Thầy cho biết quan điểm của Thầy về tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) nói chung và ở Kiên Giang nói riêng.
ĐĐ.TMN: Tổ chức GĐPT Việt
Tuy nhiên, sinh hoạt GĐPT hiện nay, nói chung, mới chỉ ở mức độ như một câu lạc bộ của những người cùng sở thích sinh hoạt tự quản tự quyết, hoặc là một nhóm ái hữu cùng chí hướng lấy mái chùa làm nơi nương tựa tinh thần và tương trợ nhau lúc khó khăn. GĐPT hiện nay chưa xứng tầm là một tổ chức Trồng Người của PGVN. Chúng ta cần nhanh chóng cải tiến sinh hoạt hiện nay nếu muốn đạt được mục đích của tổ chức GĐPTVN như Nội Quy GĐPTVN đã đề ra.
MK: Xin Thầy cho biết trách nhiệm của Giáo hội đối với GĐPT như thế nào? vì sao trong thời gian qua chư Tôn Đức lãnh đạo Tỉnh Hội cũng như phần lớn các vị trụ trì chưa mặn mà lắm với GĐPT ?
ĐĐ.TMN: GĐPT cũng như đứa con và Giáo hội ví như người cha. Cha có nuôi dạy khéo thì con mới trưởng thành nên người. Ngay từ khi mới thành lập cũng như mãi mãi sau này, tổ chức GĐPT không thể tách rời khỏi sự quan tâm chăm sóc của Giáo hội các cấp Riêng tại Kiên Giang, GĐPT cũng không phải thiếu sự yêu thương đùm bọc của Giáo hội. Tuy nhiên để thể hiện đầy đủ trách nhiệm của Giáo hội đối với GĐPT thì thời gian qua có thể nói là chưa đầy đủ. Theo tôi có ba nguyên nhân.
Một là, do một số quý thầy chỉ nhìn thấy mặt hạn chế mà chưa thấy được mặt hiệu quả của sinh hoạt GĐPT. Bên cạnh đó, muốn thành lập và duy trì một đơn vị GĐPT đòi hỏi phải có con người (huynh trưởng), nhưng tìm ra con người có khả năng và chịu hy sinh thời gian cho sinh hoạt GĐPT thì hiện nay đối với các chùa là rất khó.
Hai là, vai trò của vị Trưởng ban Hướng Dẫn Phật Tử Tỉnh hội là rất quan trọng trong việc thuyết phục , vận động sự đồng thuận trong chư tăng, ni, từ đó các vị mới thường xuyên quan tâm hơn nữa đến tổ chức Áo Lam. Kiên Giang chúng ta có vị trưởng Ban HDPT là Ni Sư Thích Nữ Như Hải. Ni Sư đã từng là một huynh trưởng GĐPT trước khi xuất gia. Ngày nay, Ni Sư đứng đầu ngành HDPT là một thuận duyên to lớn của GĐPT Kiên Giang. Tôi mong rằng Ni Sư sẽ thành công trong việc thuyết phục sự đồng thuận hỗ trợ từ chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội cũng như các vị trụ trì trong tỉnh.
Ba là, tự thân các anh chị huynh trưởng đang hướng dẫn đoàn sinh tại các đơn vị cần nỗ lực hơn nữa để chứng minh được hiệu qua của sinh hoạt GĐPT. Nếu sinh hoạt quá đơn điệu, buồn tẻ thì làm sao thuyết phục được quý thầy cũng như các phật tử lớn tuổi trong đạo tràng hướng về với tổ chức Áo Lam?
MK: Để GĐPT Kiên Giang phát triển mạnh trong tương lai, theo Thầy, cần có những yếu tố nào ?
ĐĐ.TMN: Theo tôi, cần có những yếu tố sau :
Một là, phải tranh thủ được sự đồng thuận của quý thầy trong Ban Trị sự và trụ trì các tự viện hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và lợi ích của GĐPT trong công cuộc trồng người của PGVN. Việc làm này là trách nhiệm của người đứng đầu ngành HDPT Tỉnh hội. Theo thống kê cho thấy PGVN đang GIÀ đi với 80% là tăng ni lớn tuổi và đang thiếu lực lượng trẻ kế thừa. Lực lượng kế thừa tìm ở đâu nếu không phải từ tổ chức GĐPT ? Một thanh thiếu niên đã qua sinh hoạt GĐPT đi xuất gia vẫn hơn một thanh thiếu niên bình thường ngoài đời đi xuất gia.
Hai là, sau khi đã tìm được sự cảm thông và hiểu biết từ phía tăng, ni về GĐPT, thì trách nhiệm của tăng, ni là phải có ý thức kêu gọi phật tử “Phật hóa gia đình”, đi chùa nên dẫn theo con cháu để sinh hoạt GĐPT. Như thế là chúng ta khắc phục được khó khăn thiếu người hiện nay.
Ba là, phải giúp cho huynh trưởng chưa có công ăn việc làm ổn định cuộc sống bằng cách giới thiệu hoặc tạo công ăn việc làm cho các anh chị. Việc này phải được Giáo hội và quý vị trụ trì hỗ trợ tích cực bằng uy tín của mình. Nếu nói cho cùng, có khi Giáo hội phải tính đến việc trả lương cho huynh trưởng như một cán bộ Đoàn Thanh Niên của Nhà nước hiện nay.. Nói điều này, e có người cho là quá đáng, nhưng muốn làm việc lớn cần phải tính đến những phương pháp lớn. Trong khi tăng ni làm Phật sự thì có tài chánh do Phật tử cúng dường, còn các anh chị huynh trưởng nếu không có lương thì làm sao cống hiến hết mình cho công cuộc trồng người của Giáo hội?
Bốn là, cần nâng cao năng lực cho huynh trưởng để đủ sức hướng dẫn đoàn sinh. Người huynh trưởng phải thông thạo Ngũ Minh mới có thể hoàn thành nhiệm vụ của Người Anh trước đàn em. GĐPT phải là nơi vừa dạy giáo lý nhưng cũng là nơi mang đến cho đoàn sinh nhiều điều lợi ích thiết thực. Tới đây, chúng ta phải cố gắng mở thêm các lớp học thêm ngoài giờ, lớp dạy đàn, dạy vi tính, dạy nghề … để thu hút giới trẻ đến với GĐPT. Về việc này, GĐPT Phật Quang đã từng bước thực hiện và đã đem lại kết quả ban đầu.
Năm là, muốn làm được tất cả những việc trên cần phải có sự đầu tư của Giáo hội hay ít nhất là sự hỗ trợ tích cực từ Giáo hội. Từ trước tới nay, Giáo hội thường khoán trắng cho ngành HDPT tự lo toan mọi việc. Đó là điều hạn chế lớn trong sinh hoạt GĐPT ở Kiên Giang. Theo thiển ý, Giáo hội phải cấp kinh phí (trong khả năng tài chánh) cho hoạt động GĐPT, bởi vì nếu các anh chị huynh trưởng GĐPT phải móc tiền túi ra chi cho công cuộc Trồng Người của Giáo hội thì điều đó là không thỏa đáng.
Tóm lại, nếu muốn cho tổ chức GĐPT hoạt động có bài bản, xứng đáng là một tổ chức trồng người của PGVN thì cần có sự đồng tâm cộng sức của Giáo hội, tăng ni và giới cư sĩ.
MK: Xin chân thành cám ơn những ý kiến quý báu của Thầy. Lần đầu tiên, chúng con mới được nghe những ý tưởng tương đối toàn diện về sinh hoạt GĐPT từ một vị lãnh đạo Giáo hội địa phương. Thay mặt anh chị em GĐPT, con kính chúc Thầy pháp thể khinh an, Phật sự viên thành.
ĐĐ TMN: Tôi cũng cám ơn các anh chị đã cho tôi cơ hội được bày tỏ những suy nghĩ của mình về hoạt động GĐPT. Thành tâm cầu nguyện chư Phật hộ trì các anh chị thân tâm an lạc, sớm hoàn thành tâm nguyện người huynh trưởng GĐPTVN.