TT. Huế: GĐPT Hương Cần – 50 năm hình thành và phát triển

Ngồi ở văn phòng Phân ban hướng dẫn tỉnh, chúng tôi mạn đàm một vài câu chuyện về đơn vị này trước khi khởi hành. Bên chén trà sen và đĩa mè xững đặc biệt của Huế cùng anh Tâm Quỳ – Trần Thúc Phúc (UV Nghiên Huấn; Tâm Quả – Hà Văn Tám (UV Tu Thư) và anh Quảng Vi – Đặng Duy Trường (UV Truyền thông) tâm sự cùng tôi: GĐPT Hương Cần có nhiều khó khăn trong công việc duy trì đoàn sinh, nhất là ngành Thiếu. Cái khó khăn khá là đặc biệt của những đơn vị vùng giáp ranh trung tâm. Đoàn sinh ngành Thiếu tuổi mới lớn, tính ham chơi còn nhiều và nhất là ưa nơi đô hội. Vì lẽ đó, nhiều em sẳn sàng đạp xe đi 5, 7 hoặc 10 cây số để vào thành nội sinh hoạt là chuyện rất bình thường. Nội quy tổ chức thì không bắt buộc nên PBHD không có quyền can thiệp, tuy nhiên Hương Cần lại là nơi giữ được đoàn sinh, đáng để các đơn vị khác xem xét và áp dụng, dĩ nhiên phải có những thay đổi cho phù hợp với tình hình đặc thù từng đơn vị.

Năm 1956 hai năm sau hiệp định Gienève một số anh chị Huynh trưởng ở Huế đã mạnh dạn vận động những người có tâm huyết với Đạo, với tổ chức GĐPT đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nhà lam Hương Cần với hơn 50 đoàn sinh sinh hoạt tại Bửu Quang Tự thuộc giáp Đông làng Hương Cần. 8 năm gầy dựng, cũng cố GĐPT Hương Cần lâm thời lớn dần theo năm tháng. Để có được nguồn Huynh trưởng tại đơn vị lần lượt các anh chị được gởi theo học các khóa: Hiền Độ, A Dục… để về hướng dẫn Đoàn. Sau 8 năm gầy dựng, năm 1964, GĐPT Hương Cần đã hội tụ đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định, đệ đơn xin công nhận chính thức, được BHD GĐPT Thừa Thiên Huế trình xin Giáo Hội Phật Giáo Thừa Thiên và BHD.TW công nhận chính thức vào ngày 21/09/1964 (nhằm ngày 16/08 năm Giáp Thìn).

Năm mươi năm trôi qua, 50 năm nhiều biến đổi, biến đổi trong từng thể chế của đất nước và trong mỗi thể chế cũng tồn tại nhiều thay đổi. Năm 1975 đất nước thống nhất, tình hình thay đổi, và theo thông lệ quốc tế những tổ chức của chế độ trước đương nhiên bị xoá sổ mà không cần bất kỳ văn bản nào. Các tổ chức trực thuộc Tổng vụ thanh niên thuộc Viện Hoá Đạo cũng tan rã. Tuy nhiên với GĐPT khi giọt máu Lam đã hình thành thì không gì ngăn cản dòng máu Lam lại tuôn chảy.

Đạo Phật khi gia nhập bất kỳ quốc gia, lãnh thổ nào cũng tuỳ thuận chúng sanh, quốc độ mà có những thay đổi cho phù hợp. Một trăm năm sau ngày Thế Tôn nhập diệt Đại hội kết tập kinh điển lần thứ hai được tổ chức để thảo luận một số vấn đề giới luật. Sau ba tháng Thế Tôn viên tịch không có sự thay đổi về mặt giới luật bởi vì trong suốt thời gian đó không có sự thay đổi về mặt kinh tế, chính trị và xã hội diễn ra. Nhưng 100 năm sau, một số chư tỳ kheo thấy nhu cầu cần để thay đổi những giới luật nhỏ. Những thầy tỳ kheo chính thống bảo rằng không có điều giới luật gì cần phải thay đổi trong khi những người khác cứ nhất định sữa đổi một số ít giới luật. Cuối cùng một số thầy tỳ kheo rời bỏ đại hội và thành lập Đại chúng bộ (Mahasanghika). Mặc dù gọi là Đại chúng bộ nhưng không có nghĩa là Đại thừa (Mahayana). Và trong đại hội kết tập lần thứ hai, chỉ có thảo luận những vấn đề liên quan với giới luật và không thấy nói đến sự tranh luận về giáo pháp.

Chính vì lẽ đó sau thời gian ẩn nhẫn tổ chức GĐPT bắt đầu được khôi phục dưới nhiều danh nghĩa: Liên đoàn Nam nữ cư sĩ Phật tử, cư sĩ trẻ, đạo tràng thiếu nhi, đạo tràng Pháp Hoa, đạo tràng tịnh độ v.v.. Mọi danh xưng – tên gọi chỉ là tuỳ duyên để giữ được bản chất của tổ chức. Hương Cần cũng vậy. Với danh nghĩa “Cư sĩ trẻ” dưới sự hướng dẫn của Ban Hộ tự chùa Hương Cần, cùng sự dìu dắt của các anh chị: Hồ Văn Cơ, Hồ Hữu Huế, Dương Xuân Phương, Hồ Đăng Thuận… đơn vị lần lần được phục hoạt. Giai đoạn này có thể kể đến sự thương tưởng vô bờ bến của Hòa thượng Thích Phước Toàn, sự hy sinh của Ni sư Thích Nữ Diệu Thường nên từng bước GĐPT Hương Cần sinh hoạt được vững chắc.

20h00 chúng tôi về đến Hương Cần. Con đường về Hương Cần qua cánh đồng vắng vẻ, lác đác vài ngôi mộ lập loè ánh lửa nhang gây cho chúng tôi cảm giác gai gai đến rợn người. Không một bóng nhà để hỏi thăm chỉ có 1 đốm sáng nhỏ giữa đồng không mà một bác nông dân cày muộn chỉ: Cậu cứ đi đến ngay đốm sáng đèn đó là chùa Hương Cần. Quanh co, khúc khuỷu rồi chúng tôi cũng đến được Hương Cần. Đến chùa bất ngờ tôi gặp lại người quen ở Liên trại HL Huynh trưởng Vĩnh Long năm 2011: HT Quảng Lý – Nguyễn Thị Trà My, trại sinh A Dục hiện đang là Đoàn trưởng Đoàn Oanh Vũ Nữ.

Hơn 8h tối, ngôi Đoàn quán của GĐPT Hương Cần vẫn sáng đèn với hơn 40 em chia thành 6 nhóm đoàn sinh đang miệt mài ôn tập dưới sự hướng dẫn của 3 chị Trưởng. 6 nhóm trãi đều cho 9 lớp và 11 môn học và 3 “cô giáo” thật quá sức tưởng tượng với 2 người làm nghề giáo chính thống như chúng tôi. Lớp học được Ban Huynh trưởng tổ chức dưới sự giúp đở của Ban hộ tự chùa Hương Cần và được duy trì đều đặn 3 buổi/tuần từ 19h đến 21h các buổi tối thứ 2, 4, 6. Hương Cần là vùng nông nghiệp thuần tuý về trồng lúa nên thu nhập của người dân nơi đây không cao, nhưng Hương Cần lại là vùng ven thành phố nên giá cả lại mang hơi hướm của vùng đô thị, từ đó cái khó lại càng khó thêm. Việc học của các em vô vàn khó khăn. Nhưng cái đặc tính cổ hữu của dân miền Trung: Nghèo nhưng không để con cái thất học. Bác Gia trưởng Trừng Thành – Nguyễn Văn Luỹ hay tin “có khách” chạy qua và chúng tôi lại phải ghé nhà đáp lễ dù trời đã sẫm tối. Là một đơn vị sớm thức tỉnh trước biến động thời cuộc, các anh chị Huynh trưởng và đoàn sinh Hương Cần luôn tâm niệm: Không thể là một đoàn viên GĐPT tốt khi ngoài đời anh là một công dân không tuân thủ pháp luật, là một tín đồ không tuân theo sự chỉ bảo của Chư tôn thiền đức. Vì lẽ đó GĐPT Hương Cần là một trong những đơn vị khá sớm được BTS Tỉnh hội Phật Giáo Thừa Thiên Huế công nhận và bảo bọc. Tuy nhiên cái lớn mạnh của Hương Cần không những chỉ nhờ ở sự bảo bọc nếu như nội tại không vững vàng. Tập thể Ban Huynh trưởng đoàn kết thực hiện đúng Nội quy của tổ chức, quy định của pháp luật nhà nước và những quy ước của hương thôn.

Chia tay Hương Cần, chúng tôi ra về khi chỉ còn gần 2 tháng nữa là đến Chu Niên lần thứ 50 của đơn vị. Hứa với bác Gia trưởng: Sẽ cử đại diện đơn vị GĐPT Tân Bửu – huyện Xuyên Mộc – BRVT về dự chu niên chia vui cùng đơn vị.


Xin giới thiệu chùm ảnh về hoạt động chuẩn bị 50 năm của đơn vị.
 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.