TT.Huế: Chữ DŨNG với màu LAM

Trong thời đại ngày nay, hằng ngày, hằng giờ, trên thế giới bao la này đã xảy ra không biết bao nhiêu là đau thương, điêu tàn, thảm khốc do chiến tranh, khủng bố, tai nạn, động đất, sóng thần, lũ lụt, núi lửa. cháy rừng, tật bệnh, đói kém, ô nhiễm môi trường…

          Những cuộc chiến tranh kéo dài hàng năm trời do bất đồng chính kiến, do mâu thuẩn cá nhân, do đảo chánh tranh giành quyền lực… đã đưa người dân vô tội đến bờ vực thẳm, phải chịu đựng biết bao cảnh chết chóc, chia lìa, đau khổ.

          Trận động đất kinh hoàng tại Nhật Bản đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với cuộc sống con người và ảnh hưởng rộng lớn đến môi trường do tác động của nhà máy điện hạt nhân FUKUSHIMA để lại và sẽ kéo dài không biết đến bao giờ.

          Nạn lũ lụt tại Thái Lan triền miên hàng tháng trời đã làm cho người dân vô cùng khốn khổ, bần hàn, đói khổ, bệnh tật, không nhà cửa, không nơi nương tựa..

          Những cuộc thảm sát, khủng bố, tai nạn, cướp bóc…Nhiều và rất nhiều các thảm họa luôn rình rập, bao vây cuộc sống này, nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, mọi lúc, mọi nơi, từng giờ, từng phút…tất cả đó tựu trung cũng từ bàn tay và khối óc vô minh đen tối của con người tạo ra, mà theo quan điểm của Phật giáo là do Tham lam – Sân hận – Si mê

          May mắn thay, chúng ta có duyên lành, được gặp Phật Pháp, được tắm mình trong ánh hào quang sáng tỏ của Chân – Thiện – Mỹ, được học tập, được nương nhờ ánh sáng quang minh của Chư Phật, Tổ để từng bước dứt trừ vô minh, phiền não. Góp phần đem lại lợi lạc, niềm vui vào cuộc sống của tự thân và tha nhân.

          Ngành Nam GĐPT có ngày truyền thống với danh xưng “Dũng” một danh xưng đầy tự hào, khí phách. Vậy chúng ta phải hiểu và phát huy tinh thần “Dũng” như thế nào đối với sự sinh hoạt, tu học, ứng dụng vào cuộc sống và góp phần vào nền hòa bình, an lạc cho xã hội để xứng tầm với danh xưng đó.

          GĐPT lấy Bi – Trí – Dũng làm tôn chỉ, làm châm ngôn hoạt động. Như vậy Bi – Trí – Dũng có mối quan hệ biện chứng với nhau, hòa quyện vào nhau, không tách rời, không đơn độc và điều đó đã minh chứng cho đường hướng sinh hoạt, giáo dục đúng đắn của tổ chức với bề dày hơn 60 năm tồn tại và phát triển.

          Dũng được hiểu là dũng mảnh, tinh tấn, luôn đi tới, không chùn bước… là sự kết hợp cả vật lý và tâm lý (thể lực và nghị lực), là vượt thoát bản ngã, là chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng bản thân… có thể gọi là Dũng xuất thế gian

          Đạo Phật là đạo của Từ Bi, đem vui, cứu khổ, trong tự tánh của mỗi con người nếu dõng mảnh phát huy tinh thần từ bi sẽ đem lại cho thế giới này một cuộc sống thanh bình, an lạc. Từ bi là chất liệu của tình thương, thực hiện tinh thần từ bi con người sẽ được bình đẵng, biết chia sẽ, thương yêu, đùm bọc, tôn trọng nhau hơn. Vì vậy Dũng mà thiếu tình thương, thiếu đức tính từ bi thì Dũng đó cũng không đem lại an lạc, lợi ích, Dũng đó là thứ Dũng thế gian bình thường, vô tình có thể gây thêm chia rẽ, hận thù.

          “Người đời khổ bởi vì si mê. Trí tuệ là sự nghiệp muôn đời để giải thoát”. “Tu mà không trí chỉ là tu mù”. Cũng vậy, người huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT thực hiện hạnh Dũng mà thiếu trí tuệ, thiếu sự liễu tri, không suy tính, thiếu sự cân nhắc sẽ dễ đưa đến sự nhìn nhận lệch lạc, sai lầm trong nhận thức của mọi người xung quanh. Dũng đó cũng được hiểu là thứ Dũng của “vai u, thịt bắp” là sự bộc phát nhất thời.

          Dũng của trí tuệ phải là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin của mọi người đối với mình, với tổ chức, với mục đích, với phương châm hoạt động thực tiễn.

          Ngoài tinh thần Từ Bi, Trí Tuệ. Nhẫn nhục là một trong những tố chất cần thiết của người học Phật, nhẫn nhục trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, mọi quan điểm…Nhẫn nhục không phải là nhu nhược, bị động, hay “gió chiều nào theo chiều ấy” mà phải thể hiện sự mạnh mẽ của tinh thần Dũng.

          Sinh hoạt của tổ chức GĐPT trong thời gian qua và còn nữa về sau, sự phân hóa, bất đồng quan điểm ít nhiều cũng có điều tiếng, không tránh khỏi những rạn nứt…Nhưng khéo léo vận dụng tâm nhẫn nhục để tổ chức được thăng hoa, để tồn tại và hòa mình vào nhịp sống của thời đại là một sự dũng mãnh có giá trị vô cùng to lớn mà lớp lớp đàn anh của chúng ta đã trãi nghiệm.

          Trung kiên là đức tin, đặt niềm tin chân chánh vào Tam Bảo, vào sự lãnh đạo và phương châm hoạt động của Giáo hội. Kiên định với lý tưởng, với mục đích, với tinh thần và đường hướng giáo dục của GĐPT mà hơn 60 năm qua đã tồn tại và phát triển. Nhưng trung kiên không có nghĩa là cố chấp, bảo thủ, ôm giữ khư khư nhũng gì không còn phù hợp với thời đại và vượt ra ngoài khả năng của mình. Dũng cảm buông bỏ, khế thời để khế hợp, vận dụng cái bản sắc vốn có để cải tiến, đổi mới phương pháp, đổi mới tư duy… cho phù hợp với mục đích, yêu cầu của cuộc sống để cùng song hành và phát triển. Sắn sàng cống hiến công sức, trí tuệ của mình bằng những hình thức, những phương tiện khác mà luôn tin tưởng, trung thành với Đạo pháp, với lý tưởng của tổ chức GĐPT là chỗ dựa vững chắc là nền tảng vững bền, là bình phong che chở cho lớp lớp đàn em nương nhờ.

          Hy sinh là sự đòi hỏi cần thiết mà bất cứ một người huynh trưởng nào cũng cần phải có, hy sinh lợi ích cá nhân, niềm vui riêng tư. Đặc lợi ích và sự phát triển của tập thể, của tổ chức lên trên một cách tự nguyện không tính toán, so sánh thiệt hơn, không bám víu hư danh… Đó là thể hiện tinh thần Dũng với một ý chí cao đẹp mà thế đời có mấy ai làm được.

          Trong nhiều năm qua, học tập hạnh nguyện nhập thế của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, GĐPT cũng đã hòa mình vào đời sống xã hội, tích cực tham gia các chương trình hoạt động như: Hiến máu nhân đạo, Chia sẽ, giúp đỡ người mắc bệnh HIV/AISD. Tiếp sức mùa thi, giúp đỡ đồng bào các nơi bị thiên tai lũ lụt… là nổ lực phát triển tinh thần Từ bi. Giáo dục hướng dẫn đoàn sinh phát triển thiện tâm, tránh xa những cạm bẫy của cuộc đời, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, không tranh giành hơn thua, thị phi. Thực hiện nghiêm túc luật lệ an toàn giao thông. Phát động phong trào trồng cây trong các vườn chùa, những nơi danh lam thắng cảnh, sữa chữa, đắp đường… góp phần chung tay xây dựng bảo vệ môi trường. Đó là sự vận dụng của Trí tuệ, của Nhẫn nhục, là giáo dục về sự Trung kiên và biết Hy sinh. Bấy nhiêu đó cũng đã góp một phần nhỏ làm cho xã hội, cho thế giới được yên bình.

          Sinh thời Thủ tướng NEHRU của Ấn Độ đã từng nói “Từ xung đột và chiến tranh, người ta không thể tìm ra con đường mới để cứu độ nhân loại, ngoại trừ con đường mà ngày xua một bậc đạo sư vĩ đại nhất đã chỉ ra cho thế giới. Vị đạo sư ấy chính là Đức Phật GOTAMA”

          “Tâm bình thế giới bình” Đạo Phật có mặt trên thế gian đã đem đến và đóng góp cho nền hòa bình, thịnh trị của thế giới bằng một chữ TÂM, nhưng vận dụng TÂM phải bằng ý chí, nghị lực và điều đó rất cần thiết phải có một tinh thần DŨNG.

 

Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.