Tiểu sử HT.Thích Đạt Đạo (1951-2013)
Hoà thượng Thích Đạt Đạo
I. Thân thế
Hòa thượng Thích Đạt Đạo, thế danh Huỳnh Văn Hà, sinh năm Tân Mão (1951) tại xã Hạnh Thông, Quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Thân phụ là Cụ Ông Huỳnh Văn Chánh. Thân mẫu là Cụ Bà Lê Thị Kia, pháp danh Diệu Ca.
II. Thời kỳ xuất gia học Đạo
Vốn sinh ra trong một gia đình Phật tử thuần thành, nhiều đời tin kính Tam bảo, từ nhỏ Hòa thượng đã có thiện duyên với Phật pháp, được Cụ Ông, Cụ Bà thường xuyên dẫn đi chùa chiêm bái và lễ Phật. Năm 11 tuổi, Hòa thượng quy y năm giới với Hòa thượng Bổn sư thượng Đức hạ Chơn, pháp danh là Quảng Trí và sinh hoạt Gia đình Phật tử Quảng Hương. Với tâm nguyện muốn xuất gia học đạo, năm 13 tuổi (1964), Hòa thượng được Hòa thượng Bổn sư cho phép thế phát xuất gia và hành điệu tại chùa Long Huê, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Hòa thượng vào tu học ở Tu viện Quảng Hương Già Lam, từ năm 1966 – 1968.
Qua một thời gian nhiệt tâm, tinh cần tu học, Hòa thượng được Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ chọn làm thị giả và cho phép ra Nha Trang nhập chúng tu học tại Phật học viện Hải Đức – Nha Trang từ năm 1968 – 1970, cùng với nhiều pháp hữu – ngày nay đã thành những vị giáo phẩm lãnh đạo trong GHPGVN. Từ năm 1970 – 1972, Hòa thượng ra Huế tu học tại Phật học viện Báo Quốc, học Bồ đề Hữu Ngạn và Quốc Học – Huế. Năm 22 tuổi (1973), Hòa thượng được Hòa thượng Bổn sư cho phép đăng đàn thọ Cụ túc giới tại Đại Giới đàn Phước Huệ, do Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Phúc Hộ làm đường đầu, Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ – Giám đốc Phật học viện Nha Trang làm Chánh chủ đàn. Hòa thượng, được Hòa thượng Bổn sư ban pháp tự Pháp Không, hiệu Đạt Đạo. Sau đó, Hòa thượng trở vào Sài Gòn, ở tại Tu viện Quảng Hương Già Lam, theo học chương trình cử nhân Đại học Khoa học Sài Gòn và Đại học Vạn Hạnh tử năm 1973 – 1975.
Là tu sĩ luôn tâm niệm thực thi bổn nguyện lấy trí tuệ làm sự nghiệp, Hòa thượng không ngừng nỗ lực tu học, để mở mang kiến thức Phật học, cũng như kiến thức thế học. Sau ngày đất nước thống nhất 1975, GHPGVN thành lập vào tháng 11 năm 1981, Hòa thượng đã theo học Khóa Bồi dưỡng giảng sư đầu tiên do Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN kết hợp Ban Trị sự Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 1985 và một những vị đạt giải giảng sư hạng giỏi. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn tham gia và tốt nghiệp Khóa học Quản trị hành chánh Quốc gia vào năm 1990, Khóa học Báo chí do Hội nhà Báo TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào năm 1991. Vào năm 1999, Hòa thượng tốt nghiệp thạc sĩ Quản lý Giáo dục tại trường Đại học Tennessee.
III. Thời kỳ hành đạo
Hòa thượng là người có duyên lành được tiếp cận các công tác Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay từ những tháng ngày mới thành lập GHPGVN vào năm 1981. Trong vai trò là thị giả và thư ký riêng của Cố Trưởng lão Hòa thượng Chủ tịch HĐTS – GHPHVN nhiệm kỳ đầu tiên (theo QĐ của Văn phòng II Trung ương ngày 30/4/1982), Hòa thượng là vị Tăng trẻ có nhiều thuận duyên hầu cận nhiều vị Tôn túc lãnh đạo Giáo hội thời bấy giờ ở trong nước, cũng như mỗi khi Cố Trưởng lão Hòa thượng Đệ nhất Chủ tịch HĐTS GHPHVN đi thăm và làm việc với các nước Phật giáo thân hữu. Sau đó, trải qua các nhiệm kỳ của GHPGVN, với sự tích cực tham gia các hoạt động Phật sự của Giáo hội, Hòa thượng lần lượt được bổ nhiệm các chức vụ: Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPHVN thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự GHPHVN nhiệm kỳ VII, vào năm 2012.
Đối với công tác Giáo dục Tăng Ni, vào năm 1984, Trường Cao cấp Phật học Việt Nam – Cơ sở II ra đời tại TP. Hồ Chí Minh, do Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu làm Hiệu trưởng, Hòa thượng được đề cử vào chức vụ Phó Văn phòng trường từ giữa Khóa II (1988 – 1992). Từ Khóa III (1993 – 1997) cho đến khóa V (2001- 2005), Hòa thượng được đảm nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng). Đến Khóa VI (2005 – 2009), Hòa thượng được Hội đồng Trị sự GHPGVN bổ nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Hội đồng Điều hành Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh. Vào năm 2008, Hòa thượng được Giáo hội bổ nhiệm chức vụ Phó Viện trưởng đặc trách tổ chức – hành chánh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho đến ngày viên tịch. Ngoài việc điều hành Học viện, Hòa thượng còn là Trưởng khoa Hoằng pháp từ Khóa VII (2009 – 2013), giảng viên Trường Cao Trung Phật học TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long An, Bình Dương… Với tất cả công đức đóng góp cho sự nghiệp đào tạo và giáo dục Tăng Ni, Hòa thượng được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng tuyên dương công đức vào ngày 5 tháng 9 năm 2013.
Hướng dẫn Phật tử tu học là Phật sự được Hòa thượng ưu tư nhiều nhất, bởi vì đây là đối tượng hoằng pháp bao gồm nhiều hội chúng khác nhau: nam nữ cư sĩ tại gia và cả tổ chức Gia đình Phật tử. Theo Hòa thượng, khi làm tốt công tác này thì sẽ góp phần làm cho Phật giáo phát triển. Vốn xuất thân từ tổ chức Gia đình Phật tử khi còn nhỏ, rồi trở thành vị Tỳ kheo, Hòa thượng là Giảng sư tích cực tham gia các Khóa huấn luyện Gia Đình Phật Tử tại TP. Hồ Chí Minh, Long An, An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… và điều hành các công tác Phật sự ngành Hướng dẫn Phật tử, cùng với nhiều chư Tôn đức lãnh đạo; sau đó Hòa thượng được bổ nhiệm làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, kiêm Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh từ năm 2002 cho đến ngày xả báo thân.
Đối với công tác Hoằng pháp, Hòa thượng là vị Tăng giàu nhiệt huyết tham gia tích cực các Phật sự hoằng hóa độ sanh. Hòa thượng đã tham gia vào Ban Hoằng pháp Trung ương qua các nhiệm kỳ hoạt động của Giáo hội. Hòa thượng là gương mặt giảng sư được nhiều Hội chúng biết đến từ Thành phố Chí Minh cho đến các tỉnh thành lân cận ờ miền Nam, cũng như một số tỉnh ở miền Bắc qua những bài giảng thấm đẫm hương vị Phật pháp, dễ ứng dụng vào trong đời sống thực tiễn. Trong cương vị là Phó ban Hoằng pháp Trung ương, Hòa thượng cũng là giảng sư, giám khảo của 2 lớp Đào tạo Cao Trung cấp Giảng sư Ban Hoằng pháp Trung ương, giảng sư các Khóa an cư kiết hạ, Đạo tràng tu Bát quan trai, sáng Chủ nhật hàng tuần do Ban Hoằng pháp Trung ương và Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh tổ chức.
Song song với công tác hoằng pháp độ sinh, Hòa thượng cũng là thành viên của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam. Điểm nổi bật là Hòa thượng là đã nghiên cứu và xuất bản Kinh An ban thủ ý lược giải vào năm 2004, Nghệ thuật diễn giảng và xướng ngôn lễ hội Phật giáo vào năm 2006 và có nhiều bài viết đã đăng trên báo Giác Ngộ từ 1988 đến nay. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn tham dự hội thảo khoa học hoằng pháp, hành chánh. Vào năm 2005, Hòa thượng tham dự Hội nghị quốc tế ASEM tại Bali, Indonesia, Hội thảo về Bồ-tát Thích Quảng Đức tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM; Năm 2006, Hòa thượng tham dự Hội nghị quốc tế “Phật giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức” tổ chức tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam; Năm 2007, Hòa thượng tham dự Hội thảo quốc tế “Việt Nam trong truyền thống Phật giáo Đông Á” tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. HCM; Năm 2008, Hòa thượng tham dự Đại lễ Vesak tổ chức tại Hà Nội, trình bày bài tham luận với chủ đề Môi trường sinh thái; Năm 2009 Hòa thượng tham dự hội thảo Quốc tế tại Wuxi (China) – Taipei (Taiwan). Nhân dịp Đại lễ Vesak thế giới được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2012, Hòa thượng được Trường Đại học Mahachulalongkorn của Hoàng gia trao văn bằng Tiến sĩ danh dự về Quản lý Giáo dục.
Một Phật sự trọng đại mà Hòa thượng quan tâm nhất là “Báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai”, do vậy, vào năm 1990, sau khi tiếp nhận sở đất ở phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh do Đạo hữu Nguyễn Ký hỷ cúng, Hòa thượng đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng ngôi Tam bảo. Từ nơi đồng không mông quạnh, trải qua biết bao năm tháng gian nan, nỗ lực kiến tạo, Hòa thượng đã khai sáng ngôi phạm vũ – chùa Bát Nhã ngày nay. Trong cương vị là trú trì, Hòa thượng đã dày công giáo hóa đồ chúng xuất gia và cả tại gia. Đệ tử xuất gia hiện nay có nhiều vị đã thọ Tỷ kheo giới, tốt nghiệp thạc sĩ, cử nhân Phật học. Đệ tử tại gia của Hòa thượng rất đông và tham gia nhiều đạo tràng tu học như: Đạo tràng Tịnh độ, Đạo tràng Bát quan trai… do chùa Bát Nhã tổ chức.
IV. Thời kỳ viên tịch
Sau bao nhiêu năm tham gia các hoạt động Phật sự đóng góp cho Giáo hội, cho công tác Giáo dục Tăng Ni, cũng như công tác hoằng pháp độ sanh, tiếp dẫn đồ chúng, giữa năm 2013, nhận thấy sức khỏe ngày càng giảm sút, Hòa thượng đã nhiều lần trình bày tâm nguyện của mình với chư Tôn đức Giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội cũng như chia sẻ Phật sự với các cộng sự thân hữu, nhất là sắp xếp công việc điều hành ngôi Bổn tự và dặn dò các đệ tử xuất gia và tại gia hãy nỗ lực tinh cần tu học, để báo đáp thâm ân chư Phật.
Thế rồi, theo duyên tan hợp, Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thu thần viên tịch vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 13 tháng 9 năm 2013, nhằm ngày 9 tháng 8 năm Quý Tỵ tại chùa Bát Nhã phường 13, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Trụ thế 63 năm, Hạ lạp 41 năm.
Hòa thượng đã tùy tâm mãn nguyện, hóa duyên cõi Ta-bà, trở về thế giới Niết-bàn vô tung bất diệt, nhưng công đức và đạo nghiệp của Hòa thượng vẫn còn sống mãi trong tâm tư ký ức của người con Phật.