Tiếng Lam Ca
Có thể tin được không giọng ca này là của một huynh trưởng đã lên hàng ông ngoại, có thể tin được không người diễn viên múa kia lại là một huynh trưởng tuổi đời đã trên 60??
Sao mà nước mắt bỗng ứa ra khi Ban Văn nghệ Quảng Nam cất lên lời Tâm Minh Ca, một sáng tác tự biên ca ngợi công đức của người sáng lập Gia đình Phật tử Việt Nam.
Sao mà thấy trái tim hừng hực khi Phật hoàng Trần Nhân Tông vung gươm đánh đuổi giặc thù đang dày xéo quê hương trong tiết mục Việt Nam Phật giáo sáng ngời sử xanh, một tiết mục được nhiều đơn vị chọn diễn và dẫu cùng một tên gọi mà mỗi đơn vị lại mang đến cho khán phòng một cảm xúc riêng
Sao mà cánh tay muốn vung lên khi hoạt cảnh hội nghị Diên Hồng được tái hiện với cái khí phách của người đóng vai quan võ và cái đồng tâm của những huynh trưởng đóng vai bô lão dự hội nghị.
Sao mà thấy da diết trong tình tự quê hương khi Hương sắc 3 miền được tái hiện…..
Mỗi mỗi sắc màu, mỗi mỗi tiết mục, các anh chị đã cho những người dự khán thấy tấm lòng thiết tha với tổ chức vì mỗi tiết mục thật sự là một đầu tư công phu và tâm huyết.
Chúng tôi xin giới thiệu trích đoạn bài viết của huynh trưởng Tâm Phú Nguyễn Văn Quy, ủy viên văn nghệ Ban Hướng dẫn Phân Ban GĐPT Trung ương dưới đây.
“……Màu lam đã thực sự làm rộn vui và ấm áp đạo tình bằng lời ca tiếng hát của những diễn viên không chuyên, là những Huynh trưởng đến từ khắp các tỉnh thành; đây là những bông hoa tươi đẹp trong vườn lam góp và làm cho chương trình những ngày này càng thêm tô sắc.
19h30 sân khấu trung tâm của hội trường đèn được bật sáng. Các Huynh trưởng về dự hội trại lần lượt đến hội trường. Gần hai ngàn người đã ngồi chật hội trường. Đến thưởng lãm chương trình văn nghệ nầy, ngoài những anh chị Huynh trưởng còn có chư vị Đại đức Tăng ni ở các chùa trong khu vực đã đến động viên cho các Huynh trưởng biểu diễn. Đây là một khích lệ lớn cho tinh thần văn nghệ của GĐPT.
Mở đầu chương trình văn nghệ, Huynh trưởng cấp Tấn Tâm Phú – Lê Văn Quy ( nhạc sĩ Trường Khánh) ủy viên văn nghệ đã giới thiệu mở màn chương trình.
Đến với buổi biểu diễn này có sự tham dự của Huynh trưởng Thiện Điều, Tâm Duệ, Thi Sơn và các anh chị trong ban tổ chức hội trại đã đến tham dự. Huynh trưởng Tâm Phú đã giới thiệu Huynh trưởng Tâm Ngọc – Minh Nguyệt dẫn chương trình văn nghệ nầy.
Với tiết tấu sôi động, ca từ trong sáng. Ban văn nghệ GĐPT Quảng Nam đã mở đầu chương trình qua sáng tác “Tâm Minh ca” của Huynh trưởng Tiểu Ngọc tự biên. Đây là một sáng tác phù hợp với chủ đề hội trại này. Ngoài ca khúc của các anh chị Huynh trưởng Quảng Nam còn có “Hương sắc ba miền” của Quảng Trị; “Áo lam hiển” của Đà Nẵng; “Hò Ba lý” của Quảng Ngãi; “Một chút Kontum”. Hội nghị Diên Hồng của Daklak…
Hoạt cảnh “Phật Hoàng Trần Nhân Tông” của Phú Yên đã mang đến cho hội trại một gam màu đặc thù của Phật giáo Việt Nam. “Phật Việt Nam” là một hiện tượng hy hữu trong đời sống tâm linh của Phật giáo thế giới. Daklak cao nguyên nhắc lại sử thích giử nước ở Hội nghị Diên Hồng.
Đoàn lam Bình Phước đã khởi sắc xây dựng gia đình, qua Bình Thuận nghe tiếng “Dân chài” bám biển để giữ vững biển đảo quê hương. Đến Bình Định chiêm ngưỡng “võ thuật Tây Sơn”. “Tỏa ngát hương Đàm” với Bình Định. Lên Lâm Đồng nghe hài kịch “Diêm Phủ”. Cười ra nước mắt với những thói hư tật xấu của một số ít thanh thiếu niên sống thiếu định hướng dễ sa vào tội lỗi.
Xuống Kiên Giang để thấy “Tôi yêu màu lam” tha thiết dường nào. Màu lam sinh tươi hiền dịu được xuât phát từ miền Trung nơi có tổ đình Từ Đàm là chiếc nôi sinh ra GĐPT Việt Nam “ Từ Đàm quê hương tôi” được GĐPT Đồng Nai tấu khúc. Xuống đến Tây Ninh để thấy “Phật Giáo đất nước quê hương” ngày càng khởi sắc.
Cuối cùng đến với Tòng Lâm tự Bà Rịa Vũng Tàu để đảnh lễ “thiên thủ thiên nhản” mãi còn in đậm nét ở vùng đất Phật Đại Tùng Lâm.
Trên 25 tiết mục biểu diễn của các đơn vị đã nói lên tinh thần màu áo lam luôn luôn đồng hành cùng quê hương dân tộc.
Nghe những tràn pháo tay reo hò cổ vũ của thính chúng trong hội trường khi tiết mục chấm dứt; tôi thấy lòng rộn vui và tin tưởng rằng: với tiềm năng văn nghệ hiện có; hy vọng với những diễn viên không chuyên này có thể trình diễn một chương trình văn nghệ hoành tráng ở một sân khấu chuyên nghiệp.
Bây giờ ngồi viết những dòng nầy, trong tôi vẫn còn vang vọng lời ca tiếng hát đêm văn nghệ giao lưu ở hội trại Huynh trưởng Tâm Minh 2015 tại Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự ở Bà Rịa Vũng Tàu.
Chương trình Tiếng Lam Ca một dấu ấn đậm sâu đối với bộ môn văn nghệ trong GĐPT Việt Nam. Hy vọng văn nghệ Hương Sắc Lam toả sáng trong một ngày mai không xa…”